Các dự án cao tốc vẫn chờ cát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù đã khởi công hơn 1 tháng, nhiều nhà thầu thi công cao tốc ở khu vực phía Nam chưa thể tiếp cận được mỏ khoáng sản theo cơ chế đặc thù. Có mặt bằng, có vốn, có nhân công nhưng nhiều gói thầu xây lắp chưa thể thi công rầm rộ, tăng tốc giải ngân bởi thiếu nguồn vật liệu đắp nền. Hoàn tất thủ tục cấp mỏ cho nhà thầu ngày càng là vấn đề bức bách, bởi ngoài yêu cầu tiến độ thực hiện các cao tốc gấp rút, thời hạn Quốc hội cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù (năm 2022-2023) cũng đang dần cạn.
Nhiều công trình cao tốc đang được đồng loạt triển khai dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu đắp nền tại khu vực phía Nam. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều công trình cao tốc đang được đồng loạt triển khai dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu đắp nền tại khu vực phía Nam. Ảnh: Lê Tiên

Thủ tục giao mỏ phức tạp

Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án (QLDA) giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Chủ đầu tư Dự án thành phần (DATP) 3 thuộc Dự án Xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, về nguồn vật liệu, các mỏ đề xuất bảo đảm nhu cầu cho DATP 3.

Theo đó, với vật liệu đất đắp, Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải - Công ty CP 479 Hòa Bình - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 703 đảm nhiệm Gói thầu Xây lắp và thiết bị (giá trị hơn 1.847 tỷ đồng) đã đăng ký 1 khu vực mỏ rộng 47,4 ha tại huyện Châu Đức. Nhà thầu đang hoàn chỉnh bản đăng ký, bản đồ địa hình theo ý kiến góp ý và phối hợp đơn vị sử dụng đất là Tập đoàn Cao su Việt Nam để nhận bàn giao mặt bằng khai thác. Với nguồn vật liệu đá, Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải tiếp nhận, khảo sát thực hiện các bước hoàn thiện hồ sơ đăng ký khai thác theo cơ chế đặc thù tại điểm mỏ đá xây dựng Lô IIB (tại xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ).

Dù việc chuẩn bị giao mỏ tại DATP 3 diễn ra tích cực, nhưng nhà thầu sẽ phải chờ một thời gian trước khi có thể bắt tay vào khai thác. Trong khi chờ mỏ, Liên danh nhà thầu chỉ có thể dọn dẹp mặt bằng thi công, xây dựng nhà điều hành và lán trại, lắp đặt trạm điện, phòng thí nghiệm hiện trường, trạm trộn bê tông…

Cũng thuộc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, DATP 1 khó khăn hơn về nguồn vật liệu. Ông Nguyễn Linh, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, Chủ đầu tư DATP 1 cho biết, trên địa bàn Đồng Nai không có mỏ cát đắp nền đường, nên nguồn vật liệu này rất khó khăn và không thể chủ động được. Đối với đất đắp, theo khảo sát chỉ có ở mỏ Tân Cang 7 với trữ lượng còn lại khoảng 1,5 triệu m3, không thể đáp ứng nhu cầu khi đồng loạt xây dựng DATP 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và DATP 3 Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai. Tháng 5/2023, Đồng Nai đã có văn bản báo cáo Bộ TN&MT về các khó khăn, vướng mắc trong khai thác vật liệu. Hiện địa phương này vẫn chờ Bộ TN&MT xem xét, hỗ trợ xử lý các kiến nghị về mỏ vật liệu xây cao tốc.

Tại DATP 4 thuộc Dự án Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Ban QLDA 2 (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, Tỉnh đang lập thủ tục 7 mỏ cát và dự kiến đưa vào hồ sơ mỏ vật liệu phục vụ Dự án với tổng trữ lượng khoảng 17 triệu m3. Theo đó, Sở TN&MT Tỉnh đang lập thủ tục gia hạn 2 mỏ, 5 mỏ còn lại đang khảo sát đánh giá trữ lượng, chất lượng.

Lãnh đạo Ban QLDA 2 đánh giá, việc giao mỏ cho các nhà thầu khai thác cát phục vụ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng theo cơ chế đặc thù là chưa có tiền lệ, với nhiều thủ tục phức tạp. Khó khăn nhất hiện nay là công tác xác định giá cát khai thác vì chưa có hướng dẫn, chưa có định mức. UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đánh giá, khâu giao mỏ cho nhà thầu còn chậm và khó khăn do thủ tục cấp phép và bàn giao mỏ cát phức tạp, trải qua nhiều bước, lấy ý kiến nhiều cơ quan liên quan…

Là địa phương có nguồn cát lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang cũng đang phải căng mình cân đối cát cho các dự án cao tốc. Ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN&MT An Giang cho biết, Tỉnh mới cấp cho cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau 1,1 triệu m3 cát từ 4 mỏ đang khai thác. Đối với DATP 1 thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Tỉnh sẽ huy động khoảng 3,1 triệu m3 từ các mỏ đang khai thác cho gói thầu xây lắp đầu tiên. Hiện Tỉnh không có mỏ mới để giao cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù.

Một “rốn cát” khác là tỉnh Đồng Tháp cũng đang chịu nhiều áp lực trong việc cung ứng cát xây cao tốc. Ông Hồ Vĩnh Quan, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngày 20/7, các cơ quan hữu trách Đồng Tháp và nhà thầu đã họp và ký biên bản thống nhất các thủ tục cần hoàn thiện để bàn giao mỏ cát phục vụ xây lắp DATP 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu. Sau đó, nhà thầu đã làm việc với Sở TN&MT về thủ tục mở mỏ cát. Tuy nhiên, khâu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và các thủ tục khác để đủ điều kiện khai thác sẽ cần không ít thời gian. Trong thời gian chưa có quyết định cấp mỏ cho nhà thầu, Đồng Tháp kiến nghị tạm cung cấp cát từ các mỏ cát khác để phục vụ thi công.

Quá trình giao mỏ cho nhà thầu khai thác phục vụ dự án cao tốc theo cơ chế đặc thù chậm và gặp nhiều khó khăn do thủ tục cấp phép và bàn giao phức tạp, trải qua nhiều bước. Ảnh: Tiên Giang

Quá trình giao mỏ cho nhà thầu khai thác phục vụ dự án cao tốc theo cơ chế đặc thù chậm và gặp nhiều khó khăn do thủ tục cấp phép và bàn giao phức tạp, trải qua nhiều bước. Ảnh: Tiên Giang

Cần đẩy tiến độ cấp mỏ vật liệu

Mới đây, ngày 24/7, Bộ TN&MT có Văn bản số 4776/BTNMT-KSVN gửi 37 địa phương hướng dẫn khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù. Theo đó, Bộ TN&MT hướng dẫn thủ tục xác nhận khu vực, khối lượng, công suất, kế hoạch khai thác; bảo vệ môi trường; khảo sát, thăm dò đánh giá trữ lượng; xác định chi phí cấp quyền khai thác; chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản; thu hồi, sử dụng đất.

Theo đánh giá, quy định mới có thể rút ngắn 2/3 thời gian cấp mỏ cho các nhà thầu theo thủ tục thông thường. Tuy nhiên, điều đáng ngại hiện nay là thời hạn áp dụng cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép áp dụng trong 2 năm 2022 và 2023. Do đó, các địa phương cần khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục, thông qua HĐND để bảo đảm hoàn thành thủ tục khai thác mỏ trong năm nay.

Theo một số chuyên gia, tình trạng khan hiếm vật liệu đất, cát đắp nền là nguyên nhân chính làm chậm tiến độ thi công và giải ngân các dự án cao tốc. Nếu khâu giao mỏ cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù tiếp tục chậm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ chung các dự án.

Trao đổi với Báo Đầu thầu, một nhà thầu đảm nhiệm thi công cao tốc tại Tây Nam Bộ cho biết, tình trạng khan hiếm vật liệu đắp nền khiến nhà thầu đối mặt với nhiều rủi ro khi thực hiện các gói thầu xây lắp. Chưa được giao mỏ vật liệu, nhà thầu “không bột”, chưa thể “gột nên hồ” và do đó tiến độ dự án cao tốc chưa thể hy vọng có chuyển biến lớn.

Theo báo cáo của các Ban QLDA, phần lớn nhà thầu thi công cao tốc khởi công tháng trước mới dừng lại ở khâu chuẩn bị hiện trường, xây dựng nhà điều hành, lán trại, chờ vật liệu mới có thể triển khai thi công.

Chuyên đề