Bước chuyển mới của “đầu tàu” Đông Nam Bộ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng loạt chủ trương, chính sách nhằm phát huy vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và tiềm năng, lợi thế vượt trội của vùng Đông Nam Bộ đã được ban hành như Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 154/NQ-CP, Nghị quyết số 31-NQ/TW, Nghị quyết số 98/2023/QH15... Đây là những tiền đề quan trọng để Đông Nam Bộ tiếp tục phát triển, giữ vững vị trí “đầu tàu” của cả nước theo tinh thần "chủ động kiến tạo phát triển và tăng cường liên kết vùng, hướng tới phát triển nhanh, bền vững".
Nguồn vốn đầu tư công giải ngân nhiều dự án trọng điểm, liên vùng giúp hạ tầng vùng Đông Nam Bộ có nhiều nét khởi sắc. Ảnh: Tiên Giang
Nguồn vốn đầu tư công giải ngân nhiều dự án trọng điểm, liên vùng giúp hạ tầng vùng Đông Nam Bộ có nhiều nét khởi sắc. Ảnh: Tiên Giang

Những bước chuyển lớn

Đông Nam Bộ đóng vai trò quan trọng trong giao thương, nhưng thời gian qua, hệ thống hạ tầng giao thông của vùng chưa đồng bộ, khiến chuỗi cung ứng nội vùng và ngoại vùng bị quá tải, ách tắc, giảm tính kết nối, chi phí vận chuyển cao. Năm 2023, hạ tầng Đông Nam Bộ có nhiều nét khởi sắc đáng nhớ, nhất là việc khởi công xây dựng Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất, Cảng KHQT Long Thành. Ngoài hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, “siêu” cảng trung chuyển Cần Giờ (TP.HCM) đang dự kiến được xây dựng. Việc triển khai Dự án Vành đai 3 - TP.HCM và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mang lại tín hiệu tích cực, tạo động lực mới cho phát triển, liên kết vùng.

Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đông Nam Bộ sẽ có 970 km cao tốc. Hiện nay, vùng là nơi thí điểm những cơ chế, chính sách đổi mới, vượt trội, theo đó sẽ có thêm dự án, công trình có tính chất “chuyển đổi trạng thái” được ưu tiên lựa chọn đầu tư nhằm phát huy tối đa lợi thế, mang lại lợi ích chung cho toàn vùng Đông Nam Bộ.

Điểm nổi bật khác trong năm 2023 là kinh tế Đông Nam Bộ có những bước tiến tích cực, vững chắc. Đặc biệt, hạt nhân “siêu đô thị TP.HCM” có mức tăng trưởng GRDP tích cực. Theo đánh giá của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, năm 2023, Thành phố đã từng bước hồi phục tích cực với nhịp tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước và tăng trưởng GRDP cả năm ước đạt 5,8%. Đến thời điểm này, các nhiệm vụ chủ yếu đề ra trong năm 2023 đã cơ bản hoàn thành.

Với Bình Dương, trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế địa phương vẫn phục hồi khả quan với 23/35 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. GRDP ước tăng xấp xỉ 6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 172 triệu đồng/năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 305.119 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2022.

Đồng hành với sự phát triển chung của toàn vùng, 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai cũng chuyển biến tích cực, thể hiện qua các chỉ số kinh tế đáng khích lệ. Năm 2023, GRDP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trừ dầu thô và khí đốt tăng 5,75% so với năm 2022, tốc độ tăng trưởng hồi phục dần theo từng quý, cụ thể, quý I tăng 1,45%, quý II tăng 3,74%, quý III tăng 9,06%, quý IV tăng 10,61%. Tổng thu ngân sách năm 2023 trên địa bàn ước đạt 95.067 tỷ đồng, bằng 107,31% dự toán.

Đối với Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND Tỉnh cho biết, năm qua, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của Đồng Nai tăng 5,21%; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định, thuận lợi; thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,92%; kim ngạch xuất khẩu đạt 21,714 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 15,698 tỷ USD, duy trì xuất siêu. Thu hút đầu tư trong nước tăng gấp 2 lần về số dự án cấp mới và gấp 6 lần về vốn đăng ký cấp mới; thu hút 65 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 317,8 triệu USD.

Dù quy mô kinh tế khiêm tốn hơn các địa phương khác, 2 tỉnh Bình Phước và Tây Ninh cũng có bước chuyển đáng mừng. Bình Phước nổi bật với tốc độ tăng trưởng cao, GRDP ước tăng 7,25%, cao hơn bình quân chung của cả nước. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,72% so với năm 2022. Thu hút FDI đạt cao với 45 dự án, vốn đăng ký ước đạt 800 triệu USD, bằng 270% kế hoạch năm. Tỉnh Tây Ninh có GRDP ước đạt 59.235 tỷ đồng, tăng 5,5% so với năm 2022.

Quy tụ sức mạnh, hiện thực hóa khát vọng phát triển

Để phát triển xứng tầm, Đông Nam Bộ cần thêm những hành động, giải pháp chính sách kịp thời, nhằm tái cấu trúc trong trung và dài hạn, đảm bảo phát triển bền vững vùng theo quan điểm tại Nghị quyết số 24-NQ/TW.

Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ cho biết, giải pháp tái cấu trúc vùng nhằm phát triển các ngành kinh tế hướng đến tính hiệu quả, đổi mới sáng tạo, thâm dụng công nghệ và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao tính hiệu quả quản trị vùng, qua đó phá vỡ điểm nghẽn thâm dụng lao động ít kỹ năng, thâm dụng vốn và tài nguyên. Trong đó, xác định tầm nhìn của vùng phát triển xứng tầm khu vực Đông Nam Á về thu hút tài năng, trung tâm tài chính và logistics quốc tế. Mục tiêu tái cấu trúc vùng phải được kiến tạo thông qua Hội đồng vùng, có hiệu lực pháp lý cao và phải có một cơ chế rõ ràng, vượt trội huy động các nguồn lực triển khai liên kết các địa phương trong vùng cùng giải quyết vấn đề chung mang tính cốt lõi, đặc biệt là vấn đề giao thông kết nối liên vùng.

Kế đến là giải pháp quản trị vùng và kết nối giao thông. Trong đó, nguồn vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm, liên vùng (như Dự án Vành đai 3 - TP.HCM) phải được vùng giám sát, quản lý và đề xuất ưu tiên giải quyết theo quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, do đó cần phải hoàn thiện Hội đồng vùng và Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong thời gian sớm nhất để xác định các dự án trọng tâm và trọng điểm liên kết nội vùng và ngoại vùng.

Theo các chuyên gia, giải pháp mở rộng không gian phát triển và tăng cường kết nối vùng bằng cách hoàn thiện hệ thống giao thông là rất quan trọng. Theo đó, từng bước hình thành khu “siêu” kinh tế/“siêu” cảng mở hướng Nam (khoảng 26.000 ha) mà hạt nhân là Khu công nghiệp Hiệp Phước và các không gian Quận 7, huyện Cần Giờ (TP.HCM), tạo điều kiện kết nối hiệu quả các vùng nguyên liệu thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Xây dựng mô hình khu “siêu” kinh tế theo hướng bảo tồn môi trường và phát triển liên kết khu công nghiệp xanh/sinh thái kết hợp với cảng biển, logistics, đô thị, đô thị lấn biển.

Tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ diễn ra mới đây, nhiều địa phương cho rằng, cần sớm ban hành cơ chế vượt trội cho vùng về đầu tư và quản trị vùng. Bởi Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (bao gồm Đông Nam Bộ) tuy đã hình thành ở mức độ thứ 3 nhưng chưa đủ mạnh vì chưa liên kết được nguồn lực do vẫn hoạt động theo địa giới hành chính, chưa có sức mạnh chỉ đạo chung thực hiện các lợi ích của vùng cho dù có Chủ tịch Hội đồng vùng theo cơ chế luân phiên. Hội đồng vùng cần hoạt động với cơ chế vượt trội để tập hợp, thu hút và sử dụng các nguồn lực đầu tư công giải quyết vấn đề, không chỉ cho TP.HCM mà liên quan đến cả vùng.

Năm 2024, các địa phương vùng Đông Nam Bộ đề ra mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cao và toàn diện. Sự tin tưởng, hứng khởi và quyết tâm của các tỉnh, thành Đông Nam Bộ sẽ biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, động lực để vùng thực sự phát triển xứng tầm. Đông Nam Bộ đang nỗ lực từng bước cho mục tiêu trở thành vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á theo quan điểm tại Nghị quyết số 24-NQ/TW.

Chuyên đề