Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
BOT ngành điện hút vốn đầu tư lớn
TS. Nguyễn Ngọc Hưng - Viện Năng lượng thuộc Bộ Công Thương cho rằng, việc bảo đảm cung cấp điện, thu xếp vốn cho các dự án nguồn điện luôn là vấn đề bức xúc. Nếu việc đầu tư các dự án nguồn điện chỉ dồn vào Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như các tập đoàn nhà nước khác (Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản…) sẽ cần một nguồn vốn khổng lồ từ ngân sách nhà nước. Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua, một số doanh nghiệp nhà nước tham gia đầu tư các dự án điện gặp khó khăn về vấn đề vốn, nhà thầu nước ngoài khiến nhiều dự án đình trệ.
“Chia lửa” cùng đầu tư Nhà nước, thời gian qua, với chính sách đầu tư ngày càng cởi mở, nhiều nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, thông qua phương thức đầu tư PPP (hợp đồng BOT), đã tham gia phát triển nguồn điện.
Số liệu thống kê của cơ quan quản lý về PPP cho thấy, hiện có 18 dự án BOT nguồn điện đã được ký kết hợp đồng với tổng vốn đầu tư 857.209 tỷ đồng (chiếm 52,3% tổng vốn huy động của các dự án PPP). Đến nay, một số dự án BOT nhiệt điện than đã đi vào vận hành (Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1). Nhiều dự án khác đang được đầu tư xây dựng cũng như chuẩn bị đầu tư như: Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1; Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2; Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 2…
Riêng về vấn đề công nghệ của các dự án BOT nhiệt điện, theo ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tân 1, đa phần các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm và thân thiện môi trường.
Ông Phan Xuân Dương, Phó Giám đốc Công ty CP Năng lượng Vĩnh Tân 3 cho biết, hiện trong tất cả các nguồn điện, chỉ có các nhà máy nhiệt điện hoặc tuabin khí (sử dụng khí hoặc LNG) mới có công suất lớn, đảm bảo nguồn cung cấp ổn định. Về giá thành, so với điện khí LNG, nhiệt điện than có giá rẻ hơn (giá thành điện của nhiệt điện than hiện khoảng 7,5 cent/kWh, giá điện từ khí LNG khoảng 10 - 11 cent/kWh).
Cơ hội mới cho các nhà đầu tư
Các chuyên gia lĩnh vực năng lượng nhìn nhận, nhu cầu điện cho phát triển những năm tới rất lớn, kéo theo nhu cầu vốn cho đầu tư các dự án điện cũng tăng mạnh. Trong khi đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước ngày càng hạn chế, nên việc huy động khu vực tư nhân tham gia đầu tư các dự án đóng vai trò quan trọng.
Nhằm hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư PPP, thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức PPP sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào tuần tới.
Ông Phan Xuân Dương cho rằng, Luật PPP được ban hành là bước mở rất lớn cho các nhà đầu tư tư nhân, trong đó có các nhà đầu tư lĩnh vực năng lượng, chia sẻ gánh nặng đầu tư kết cấu hạ tầng của Nhà nước. “Việc ban hành Luật PPP sẽ chứng minh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước rằng hoạt động đầu tư của họ được bảo đảm. Họ cảm thấy an tâm hơn khi đầu tư vào các dự án PPP”, ông Dương đánh giá.
Chung quan điểm này, ông Phan Ngọc Cẩm Thành nhìn nhận, các nhà đầu tư BOT ngành điện là những nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực tài chính tốt. Đây là điều kiện quan trọng để bảo đảm sự thành công của các dự án. Để thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào các dự án điện, vấn đề thể chế rõ ràng, minh bạch, công bằng, bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư là điều kiện tiên quyết. Do đó, việc ban hành Luật PPP là rất cần thiết. Luật PPP sẽ là khung pháp lý tạo ra cơ chế hợp tác giữa hai bên công và tư một cách bình đẳng.
Đại diện Viện Năng lượng đánh giá, sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân thông qua phương thức PPP sẽ góp phần đẩy mạnh cạnh tranh trên thị trường điện lực. Thông qua đó tận dụng được kỹ năng quản trị, khả năng thu xếp vốn tối ưu của khu vực tư nhân để phát triển nguồn điện, đáp ứng nhu cầu của đất nước.