Bộ Y tế cho phép các địa phương cách ly F0 tại nhà khi số mắc Covid-19 tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Y tế vừa có công điện lưu ý các tỉnh, thành tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, không để dịch tiếp tục bùng phát, lan rộng; hạn chế thấp nhất số mắc, số tử vong.
Bộ Y tế cho phép các địa phương cách ly F0 tại nhà khi số ca mắc Covid-19 tăng cao. Ảnh: Duy Tính
Bộ Y tế cho phép các địa phương cách ly F0 tại nhà khi số ca mắc Covid-19 tăng cao. Ảnh: Duy Tính

Theo công điện này, với các tỉnh đang giãn cách theo Chỉ thị 16, Bộ Y tế một lần nữa nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm, thực chất việc giãn cách theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở đó".

Các địa phương triển khai ngay việc thần tốc xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng; tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm kịp thời trong thời gian 24 giờ đối với phương pháp RT-PCR; xây dựng kế hoạch lấy mẫu cho nhà ở, hộ gia đình, khu dân cư trên địa bàn để tránh trùng lặp, bỏ sót, phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19; áp dụng phương pháp xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh.

Tại Công điện, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chuẩn bị phương án cao nhất cho điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu và các vật tư, trang thiết bị cần thiết khác trong thời gian sớm nhất. Thiết lập và chuẩn bị sẵn sàng đưa vào sử dụng nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, theo tiến triển và mức độ lâm sàng của người bệnh.

Cụ thể, đối với nhóm người bệnh nhẹ, không triệu chứng: Các địa phương chuẩn bị và sẵn sàng thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu Covid-19 từ các cơ sở trên địa bàn như khu ký túc xá, khu tái định cư, nhà thi đấu, các cơ sở lưu trú, khách sạn… Đồng thời, tuyệt đối tuân thủ quy định phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn để tránh lây lan sang nhân viên chăm sóc, phục vụ và các khu vực xung quanh.

Đối với nhóm người bệnh mức độ trung bình, có triệu chứng: Các địa phương xây dựng bệnh viện dã chiến, hoặc thiết lập các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 từ các bệnh viện tuyến huyện hoặc bệnh viện tư nhân trên địa bàn.

Đối với nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch: Các địa phương bố trí và bảo đảm số giường hồi sức tích cực tại bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố với đủ điều kiện kỹ thuật hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, lọc máu liên tục… để cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch.

Với các địa phương có số lượng người bệnh và nhu cầu điều trị tăng cao, xem xét và chỉ đạo thực hiện các giải pháp như:

Đối với trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, cho xuất viện vào ngày thứ 7 khi xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc tải lượng virus thấp và tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú.

Đối với ca bệnh phát hiện tại cộng đồng (kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2) không có triệu chứng lâm sàng, nếu có tải lượng vi rút thấp thì không cần thiết đưa vào cơ sở y tế mà chỉ theo dõi y tế tại nhà.

Đối với người bệnh đã đủ tiêu chuẩn xuất viện theo quy định của Bộ Y tế và trong thời gian tự theo dõi tại nhà, nơi lưu trú, nếu có tái dương tính thì không cần cách ly điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh và không cần thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch. Các trường hợp này cần tiếp tục được theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi.

Đối với các địa phương có nhiều người nhiễm, được áp dụng cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp nhiễm. Địa phương chịu trách nhiệm tổ chức các tổ công tác y tế, tổ tư vấn, tổng đài tư vấn để giúp đỡ, chăm sóc người bệnh và kịp thời chuyển đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu chuyển nặng…

Đồng thời, tổ chức khám, điều trị cho người có bệnh lý nền, người cao tuổi tại nhà và được phép phát thuốc điều trị các bệnh mãn tính trong 3 tháng.

Trong công điện này, Bộ Y tiếp tục nhắc các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin, tuyệt đối không để xảy ra lãng phí. Trong đó, ưu tiên khu vực đang có dịch, tiêm ngay cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, lực lượng tuyến đầu phát triển kinh tế.

Các địa phương cũng huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành… tổ chức tiêm ngay cho lực lượng y tế cả nhà nước, tư nhân, dược sĩ, người lao động, người làm trong các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất thuốc, trang thiết bị, sản xuất, lưu thông ô xy…; tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị; chuẩn bị đầy đủ hệ thống kho bảo quản vaccine. Tuyệt đối không để xảy ra lãng phí trong tiêm chủng vaccine…

Chuyên đề