Bộ Tư pháp: Kịp thời tạm dừng, hủy kết quả nhiều cuộc đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 30/11/2021, Bộ đã nghiên cứu, xử lý 185 kiến nghị phản ánh, trong đó các kiến nghị liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đều đã được giải quyết. Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã có nhiều văn bản đề nghị người có tài sản, Sở Tư pháp các địa phương xem xét, làm rõ hành vi vi phạm, kịp thời tạm dừng, hủy kết quả nhiều cuộc đấu giá, góp phần phòng tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

62/63 địa phương sửa đổi, bổ sung quy định đấu giá quyền sử dụng đất

Theo Báo cáo tổng kết công tác đấu giá tài sản trong năm 2021, Bộ Tư pháp cho biết, để khắc phục, hạn chế, vướng mắc, bất cập trong tổ chức và hoạt động đấu giá và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 2/11/2020 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản, trong đó đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp, yêu cầu cụ thể đối với các bộ, ngành, UBND các địa phương trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản.

Thực hiện nhiệm vụ tại Chỉ thị số 40/CT-TTg, Bộ Tư pháp đang hoàn thiện, chuẩn bị ban hành Thông tư hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, góp phần đảm bảo việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản được khách quan, minh bạch, có uy tín, kinh nghiệm, năng lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh đã rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản pháp luật chuyên ngành, đảm bảo phù hợp, thống nhất với Luật Đấu giá tài sản, tổ chức triển khai Luật này tại địa phương đồng bộ, thống nhất, bước đầu thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Chỉ thị số 40/CT-TTg.

Theo đó, 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã rà soát và sửa đổi, bổ sung Quy định đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương; một số địa phương ban hành Quy định đấu giá tài sản công; các bộ như Tài nguyên và Môi trường, Thông tin truyền thông đã rà soát và sửa đổi, bổ sung Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, kho số viễn thông…

Hơn 20 công văn đề nghị xem xét, xác minh, xử lý các phản ánh, kiến nghị về đấu giá

Thông tin về việc vận hành và sử dụng Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp cho biết, quá trình triển khai cho thấy, Cổng thông tin đã phát huy hiệu quả rất lớn trong việc công khai, minh bạch việc đấu giá tài sản, đồng thời, là kênh thông tin hữu hiệu để cơ quan quản lý nhà nước tiếp nhận trực tiếp, kịp thời các phản ánh, kiến nghị về các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá và có biện pháp xử lý phù hợp.

Tính đến ngày 30/11/2021, đã có 19.925 thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, 106.071 thông báo về việc đấu giá tài sản được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản; 185 kiến nghị phản ánh đến Bộ Tư pháp, trong đó tất cả các kiến nghị, phản ánh liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đều đã được nghiên cứu, xử lý.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã có nhiều văn bản đề nghị người có tài sản, Sở Tư pháp các địa phương xem xét, làm rõ hành vi vi phạm, kịp thời tạm dừng, hủy kết quả nhiều cuộc đấu giá, góp phần phòng tránh thất thoát tài sản Nhà nước.

Đơn cử, Bộ Tư pháp (Cục Bổ trợ tư pháp) đã có hơn 20 công văn đề nghị các Sở Tư pháp, người có tài sản và cơ quan chủ quản xem xét, xác minh, xử lý các phản ánh, kiến nghị liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá tài sản. Trên cơ sở văn bản đề nghị của Bộ Tư pháp, người có tài sản đã kịp thời dừng cuộc đấu giá, hủy kết quả đấu giá do có hành vi vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản như vụ đấu giá cây cao su ở Kon Tum, đấu giá quyền sử dụng đất tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ), vụ đấu giá quyền cho thuê bãi giữ xe ở thành phố Cần Thơ, vụ đấu giá tài sản thanh lý của Công ty điện lực tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình...

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, ở địa phương nào có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của người có tài sản, sự vào cuộc, xử lý quyết liệt, kịp thời của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thì tình trạng thông đồng, dìm giá, gây thất thoát tài sản nhà nước được hạn chế tối đa.

Ví dụ như vụ đấu giá quyền sử dụng đất ở Thanh Hóa, sau 2 lần UBND Tỉnh hủy kết quả đấu giá do phát hiện hành vi vi phạm và được tổ chức đấu giá lại thì giá bán thành công đã tăng từ 438 tỷ đồng lên hơn 1.215 tỷ đồng; vụ đấu giá tài sản của Vinashin ở Quảng Ninh, hành vi đe dọa, chèn ép đã được người có tài sản ngăn chặn kịp thời, tài sản của nhà nước không bị thất thoát; tình trạng “cò”, đe dọa trong các vụ đấu giá đất ở Hà Nam đã được cơ quan công an hỗ trợ và đảm bảo an ninh; vụ đấu giá đất tại thị trấn Đắk Mâm, Krông Nô, Đắc Nông, vụ bán đấu giá tài sản của Công ty CP Dệt Long An và các vụ đấu giá đất tại Nghệ An, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng có hành vi thông đồng, dìm giá, băng nhóm đe dọa người tham gia đấu giá.

Xác định giá khởi điểm tài sản để đấu giá còn chưa hợp lý

Mặc dù vậy, một số hạn chế, tồn tại trong hoạt động đấu giá tài sản vẫn được Bộ Tư pháp chỉ rõ như: Việc định giá tài sản, xác định giá khởi điểm tài sản để đấu giá còn chưa hợp lý, chênh lệch lớn so với giá thị trường, thậm chí kết quả định giá của các tổ chức thẩm định giá đối với cùng một tài sản tại cùng một thời điểm còn chênh lệch nhau nhiều, đặc biệt là giá đất.

Việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá còn chưa khách quan, tình trạng “sân sau” còn phổ biến, thậm chí tổ chức đấu giá có hành vi vi phạm pháp luật vẫn được lựa chọn; việc người có tài sản giám sát quá trình tổ chức đấu giá không thường xuyên, thậm chí là “buông lỏng” do đó, không kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Năng lực hoạt động của một số đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản còn hạn chế; còn có hiện tượng chạy theo lợi nhuận, “cạnh tranh” không lành mạnh, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.

Tình trạng “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ” giữa những người tham gia đấu giá, người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản; hiện tượng cá nhân, doanh nghiệp dưới sự “bảo kê” của băng nhóm “xã hội đen” có hành vi “đe dọa, cưỡng ép” những người tham gia đấu giá nhằm thao túng cuộc đấu giá tuy có giảm nhưng vẫn còn phức tạp, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng an ninh, trật tự tại địa phương.

Việc bàn giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá trong một số trường hợp như đấu giá tài sản thi hành án còn gặp nhiều khó khăn.

Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản, nhất là việc sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức đấu giá trực tuyến, hệ thống đấu giá trực tuyến quốc gia trong Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản, hoàn thiện hơn nữa các tính năng của Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, đảm bảo thông tin đấu giá tài sản được đăng tải công khai, khách quan, minh bạch. Tiếp tục tăng cường và chú trọng chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra tổ chức và hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư