Bố trí vốn hơn 39.000 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều 23/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Tờ trình đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025.
Ảnh minh họa internet
Ảnh minh họa internet

Đánh giá về các kết quả đạt được của Chương trình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, sau 10 năm triển khai, Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, theo như đánh giá của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước là “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”. Đến hết năm 2020, Chương trình đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn NTM so với mục tiêu. Đến tháng 7/2021, cả nước đã có 64,6% số xã đạt chuẩn NTM; có 194 đơn vị cấp huyện (chiếm 29%) thuộc 51 tỉnh, thành phố đạt chuẩn NTM; có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM.

Với nguyên tắc “Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”, ngoài việc cơ bản tiếp tục các nhóm nhiệm vụ của giai đoạn trước, Chính phủ đề xuất Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện để đạt chuẩn NTM và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững; phấn đấu đến 2025 cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí; khuyến khích các địa phương có điều kiện chủ động xây dựng NTM kiểu mẫu.

Ngoài ra, Chương trình sẽ chú trọng nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Nâng cao năng lực của cộng đồng, chuyển đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông thôn.

Về nguồn vốn, Chính phủ đề xuất vốn ngân sách trung ương (NSTW) hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 bố trí tối thiểu khoảng 39.632 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư phát triển 30.000 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối NSTW ưu tiên hỗ trợ thêm để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của Chương trình.

Tổng nguồn lực dự kiến huy động thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 2,45 triệu tỷ đồng. Trong đó, vốn NSTW là 39.632 tỷ đồng (chiếm 1,6%); vốn ngân sách địa phương (NSĐP) khoảng 156.700 tỷ đồng (chiếm 6,4%); vốn lồng ghép từ 2 Chương trình MTQG còn lại và các chương trình, dự án khác là khoảng 224.000 tỷ đồng (chiếm 9%); vốn huy động ngoài ngân sách dự kiến hơn 2 triệu tỷ đồng (chiếm hơn 83%).

Cùng với đó, Chính phủ đã đưa ra 6 nhóm giải pháp chính để thực hiện Chương trình nêu trên.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khắng định, việc tiếp tục thực hiện chương trình này là cần thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong giai đoạn tới, diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 sẽ còn tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, dự kiến thu NSNN khó khăn và không có yếu tố tăng đột biến trong khi phải thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng khác như đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, quốc phòng, an ninh…

Do vậy, UBKT tán thành phương án bố trí vốn NSTW cho Chương trình là 39.632 tỷ đồng và đề nghị trong quá trình điều hành, căn cứ điều kiện thực tế, Chính phủ tiếp tục cân đối vốn NSTW để có thể hỗ trợ thêm cho Chương trình.

Về nguyên tắc phân bổ vốn NSTW, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát, tính toán lại số liệu để bảo đảm nguồn lực NSTW được bố trí hợp lý trên cơ sở chú trọng một số nguyên tắc chính và thứ tự ưu tiên như:

Địa phương có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương thì tự bảo đảm vốn từ NSĐP để thực hiện; Địa phương thuộc khu vực miền núi, Tây Nguyên khó khăn thì NSTW hỗ trợ tối đa 70%; Địa phương NSTW còn phải hỗ trợ trên 60% thì NSTW hỗ trợ tối đa 50%; Địa phương đảm bảo ngân sách từ 60% trở lên thì NSTW hỗ trợ tối đa 30%.

Ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các xã đạt dưới 15 tiêu chí và số vốn còn thiếu để các xã đạt trên 15 tiêu chí hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM; bố trí vốn thanh toán các nội dung nợ tiêu chí; hoàn thành dứt điểm các nội dung dở dang của giai đoạn 2016 - 2020; thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư, hoàn thiện các tiêu chí đã đạt chuẩn nhưng chỉ tiêu vẫn còn thấp, các mục tiêu về NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.

Số vốn còn lại thực hiện các nội dung mới trong đó ưu tiên bố trí hoàn thành các tiêu chí về hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân, xử lý môi trường nông thôn, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn.

Đối với các nguồn lực khác, đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở xác định, tính khả thi của việc huy động nguồn lực do yếu tố dịch bệnh tác động đến sản xuất, kinh doanh và các xã phấn đấu đạt NTM đến năm 2025 là các xã còn nhiều khó khăn, khả năng tham gia đóng góp kinh phí khó khăn hơn.

UBKT cũng đề nghị Chính phủ rà soát để tránh trùng lặp, tránh bỏ sót về phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động giữa các Chương trình, đồng thời bảo đảm việc lồng ghép phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Chuyên đề