Bộ Tài chính yêu cầu bố trí ngân sách khắc phục hậu quả bão số 3 (bão Yagi)

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính đề nghị các địa phương khó khăn về ngân sách khẩn trương tổng hợp, đề xuất phương án hỗ trợ gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
Khu vực cầu Bến Tượng nối phường Đồng Bẩm và Trưng Vương, TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) chìm trong nước lũ
Khu vực cầu Bến Tượng nối phường Đồng Bẩm và Trưng Vương, TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) chìm trong nước lũ

Bộ Tài chính vừa có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Tài chính các tỉnh, thành phố và Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc.

Theo cơ quan quản lý tài khóa, cơn bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu bão kèm mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ gây lũ lụt, sạt lở và thiệt hại rất lớn tới các công trình hạ tầng giao thông, nhà cửa, hoa màu của người dân.

Để kịp thời khắc phục thiệt hại các sự cố do bão và hoàn lưu bão gây ra, Bộ trưởng Tài chính đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị chỉ đạo Sở Tài chính và các sở, ban, ngành có liên quan khẩn trương rà soát thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra để chủ động, khẩn trương bố trí ngân sách địa phương, dự phòng ngân sách địa phương hỗ trợ, khắc phục thiệt hại, đảm bảo ổn định đời sống của người dân, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trường hợp nguồn ngân sách địa phương khó khăn, đề nghị khẩn trương tổng hợp, đề xuất phương án hỗ trợ gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Bộ trưởng Tài chính yêu cầu, Tổng cục Dự trữ Nhà nước chỉ đạo các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực bố trí lực lượng trực 24/24h; tổ chức xuất cấp gạo, các phương tiện, vật tư cứu nạn, cứu hộ, xuồng cao tốc, phao cứu sinh, thuốc men… kịp thời từ các kho dự trữ quốc gia cho các tỉnh, thành phố theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, đúng định pháp luật.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bão số 3 đã làm hơn 97.700 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại (tập trung tại các tỉnh Quảng Ninh; Hải Phòng; Nam Định; Thái Bình; Hà Nội; Hưng Yên; Hải Dương; Hà Nam; Bắc Giang; Yên Bái; Nghệ An; Vĩnh Phúc; Thái Nguyên; Tuyên Quang...).

Đồng thời, các tỉnh cũng ghi nhận hơn 11.700 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại và hơn 6.900 ha cây ăn quả bị hư hại. Ngoài ra, đã có trên 1.100 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh).

Chuyên đề

Kết nối đầu tư