Bộ GTVT: Áp lực giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 rất lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Được giao nhiệm vụ giải ngân 94.161 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2023, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Xuân Sang, đây là giá trị vốn được giao lớn nhất của Bộ GTVT từ trước tới nay, việc giải ngân hết nguồn vốn được bố trí là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, một trong những giải pháp của Bộ Giao thông vận tải là tăng cường năng lực của các chủ thể tham gia thực hiện dự án
Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, một trong những giải pháp của Bộ Giao thông vận tải là tăng cường năng lực của các chủ thể tham gia thực hiện dự án

Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023” vừa diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”, đại diện Bộ GTVT thông tin, tính tới thời điểm này, Bộ GTVT đã giải ngân được khoảng 40.700/55.051 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công (đạt khoảng 74%). Năm 2022 phấn đấu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao, tương ứng khoảng 53.000 tỷ đồng, bảo đảm đúng mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 17/10/2022.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, Bộ được giao nhiệm vụ giải ngân 94.161 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2023

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, Bộ được giao nhiệm vụ giải ngân 94.161 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2023

Trong những năm gần đây, tỷ lệ và giá trị giải ngân vốn đầu tư công của cả nước cũng như của Bộ GTVT tăng dần qua các năm, tuy nhiên đều không đạt 100% kế hoạch đề ra. Cụ thể, năm 2019, Bộ GTVT giải ngân 26.575/30.134 tỷ đồng (88,2%), cả nước giải ngân 325.111,43 tỷ đồng (76,75%); năm 2020, Bộ GTVT giải ngân 35.209/36.122 tỷ đồng (97,5%), cả nước giải ngân 455.031,1 tỷ đồng (81,59%); năm 2021, Bộ GTVT giải ngân 40.300/42.996 tỷ đồng (93,7%), cả nước giải ngân 417.702,1 tỷ đồng (92,34%).

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, mặc dù vậy, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt được một số kết quả nổi bật. Trong đó, hoàn thành toàn bộ 5 quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực GTVT; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức thực hiện nhiều dự án trọng điểm, cấp bách như: đường cao tốc Bắc - Nam, Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột…; tập trung chỉ đạo, đôn đốc, giám sát chặt chẽ công tác giải ngân vốn đầu tư công, kết quả Bộ GTVT luôn nằm trong số các bộ, ngành đạt tỷ lệ giải ngân cao so với bình quân cả nước.

Năm 2023, Bộ GTVT được Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ giải ngân 94.161 tỷ đồng vốn đầu tư công, đây là giá trị vốn được giao lớn nhất của Bộ GTVT từ trước tới nay (gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021). Việc giải ngân hết nguồn vốn được bố trí là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, thách thức đối với Bộ GTVT, đặc biệt trong điều kiện tổ chức triển khai các dự án năm 2023 vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đơn cử, nhu cầu về nguyên vật liệu tăng đột biến có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn cung khi Bộ GTVT triển khai đồng loạt nhiều dự án có quy mô lớn tập trung tại một số khu vực; công tác giải phóng mặt bằng mặc dù đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, các địa phương tích cực thực hiện, nhưng vẫn luôn là công việc phức tạp, quá trình thực hiện có thể phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án; năng lực của các chủ thể tham gia thực hiện dự án (địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu, tư vấn…) khó đáp ứng yêu cầu khi khối lượng công việc lớn tập trung trong cùng một thời điểm.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2023, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai đồng bộ một số giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án. Một trong các giải pháp quan trọng là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đối với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Từ đó, các địa phương có quyết tâm cao, vào cuộc quyết liệt nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung cấp và giá thành nguyên vật liệu.

Tăng cường năng lực của các chủ thể tham gia thực hiện dự án thông qua việc lựa chọn nhà thầu xây dựng và tư vấn có đủ năng lực; tạo điều kiện, tăng tính chủ động về tài chính cho các nhà thầu thông qua việc tăng tỷ lệ tạm ứng hợp đồng, kết hợp giải pháp kiểm soát quá trình giải ngân để bảo đảm nguồn vốn của dự án được sử dụng đúng mục đích, phát huy tối đa hiệu quả.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh công tác hoàn thiện thủ tục xây dựng cơ bản, đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án, tinh giản thủ tục nghiệm thu thanh toán, quyết toán cho các dự án theo đúng quy định.

Trong công tác xây dựng, điều hành kế hoạch, cần đôn đốc hoàn thiện thủ tục đầu tư để sớm giao kế hoạch, đảm bảo cấp vốn kịp thời cho các dự án; lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho toàn bộ thời gian thực hiện dự án và kế hoạch chi tiết từng tháng, quý đối với kế hoạch hàng năm và phải phù hợp với các mốc tiến độ của dự án để chủ động trong công tác chỉ đạo điều hành; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch đầu tư công để kịp thời phát hiện, xử lý các vướng mắc, chủ động đề xuất điều hòa, điều chỉnh kế hoạch giữa các dự án, kiên quyết điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của các dự án thực hiện chậm cho các dự án có tiến độ tốt, giải ngân nhanh.

Chuyên đề