Bộ Giao thông yêu cầu ngành đường sắt xóa bỏ độc quyền

Bộ Giao thông Vận tải vừa có chỉ đạo về việc xóa bỏ độc quyền của Tổng công ty đường sắt VN, đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có sai phạm được nêu trong kết luận thanh tra ngành đường sắt.
Bộ Giao thông yêu cầu ngành đường sắt xóa bỏ độc quyền. Ảnh: Đ.Loan
Bộ Giao thông yêu cầu ngành đường sắt xóa bỏ độc quyền. Ảnh: Đ.Loan

Bộ Giao thông vừa yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra, đánh giá toàn diện việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp tại Tổng công ty đường sắt VN (ĐSVN). Cùng với đó, các Vụ và Cục Đường sắt tham mưu cho Bộ để tách bạch rõ kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt với kinh doanh vận tải, xóa bỏ độc quyền…

Yêu cầu nêu trên được đưa ra sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận vềnhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại ĐSVN và một số đơn vị thành viên.

Theo đó, cơ quan thanh tra nêu rõ việc tổ chức kinh doanh của ĐSVN cơ bản không chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động theo quy định của Luật đường sắt 2005; chưa thực hiện việc phân định rõ giữa quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải trên đường sắt do nhà nước đầu tư, dẫn đến ôm đồm công việc... Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng ĐSVN còn tồn tại tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, vào cơ chế; tư duy độc quyền chậm đổi mới; hoạt động thiếu định hướng quy hoạch chiến lược đúng đắn, không phù hợp xu hướng và môi trường phát triển chung.

Cùng với chỉ đạo về xóa bỏ độc quyền, Bộ Giao thông yêu cầu ĐSVN xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đếnkhuyết điểm, vi phạm đã nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ. 

Bộ Giao thông yêu cầu  các đơn vị phải báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 5/10.

Trước đó, ngày 26/8, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về việc chấp hành quy định về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt VN và một số đơn vị thành viên. Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt khuyết điểm, vi phạm của Tổng công ty Đường sắt VN và các đơn vị thành viên. Đơn cử, Thanh tra Chính phủ cho rằng việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 20 Phan Bội Châu (Hà Nội) của Tổng công ty đường sắt VN là trái quy định. 

Chuyên đề