Bộ đội Trường Sơn vượt khó, đẩy mạnh tiến độ các dự án cao tốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị thuộc Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, nhiều dự án cao tốc trên khắp cả đất nước đang được đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm hoàn thành đúng hạn với chất lượng công trình tốt nhất.
Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn huy động nhân lực, máy móc tổ chức thi công đồng loạt trên những vị trí có mặt bằng
Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn huy động nhân lực, máy móc tổ chức thi công đồng loạt trên những vị trí có mặt bằng

Bám chốt công trường, bảo đảm hiệu quả thi công

Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết vừa tổ chức sơ kết đợt thi đua “Đoàn kết, lập công, quyết thắng” tại Gói thầu XL02 thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. Với uy tín, kinh nghiệm triển khai hơn 200 km đường cao tốc trải dài khắp đất nước, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn không chỉ là 1 trong 5 nhà đầu tư góp vốn thực hiện Dự án theo hình thức BOT, mà còn trực tiếp phụ trách thi công Gói thầu XL02 với tổng giá trị gần 1.300 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, Dự án được triển khai từ ngày 1/6/2021 đến tháng 5/2024. Tuy nhiên, do vướng mắc về nguồn vốn tín dụng, đến tháng 3/2022, công tác thi công mới được bắt đầu. Với sự vào cuộc quyết liệt của Ban Quản lý dự án 6, đại diện Nhà đầu tư, Ngân hàng BIDV và sự quyết tâm của cán bộ, người lao động các đơn vị thi công, đến nay, giá trị thi công đã đạt gần 550 tỷ đồng, tương đương 43% giá trị hợp đồng.

Xác định khối lượng công việc tại Dự án còn rất nhiều, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch HĐTV - Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn yêu cầu các đơn vị thi công tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tăng ca, tăng kíp để bù đắp tiến độ cho thời gian không thi công được. Các đơn vị phải cử cán bộ chỉ huy bám chốt trên công trường, làm tốt công tác phối hợp với Ban điều hành trong chỉ huy, quản lý, bảo đảm hiệu quả thi công, bứt tốc tiến độ Dự án.

Với Dự án thành phần đoạn Bùng - Vạn Ninh, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đảm nhận 16 km trên tổng chiều dài 19,2 km của Gói thầu XL02. Ông Trần Hữu Hoàn, Giám đốc điều hành Gói thầu cho biết, Nhà thầu đã huy động đầy đủ thiết bị, nhân lực theo kế hoạch, bảo đảm điều kiện mặt bằng thi công.

Tại Gói thầu XL1 thuộc Dự án thành phần đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ, lực lượng kỹ sư, công nhân của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cũng đang cấp tập thi công nhiều hạng mục.

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, ngay sau thời điểm phát lệnh khởi công, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã nhanh chóng huy động nhân lực, máy móc xây dựng lán trại, tổ chức thi công đồng loạt trên những vị trí có mặt bằng, cả hạng mục đường và cầu. Trong đó, tại 2 dự án thành phần đoạn Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, điểm thuận lợi nhất là khu vực thi công có địa chất ổn định, khối lượng điều phối đất đào - đắp cơ bản đáp ứng yêu cầu. Thuận lợi lớn thứ hai đối với Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là tại khu vực miền Trung có 3 đơn vị đóng quân (Lữ đoàn 384, Chi nhánh miền Trung, Công ty 185) nên làm chủ được địa bàn, văn hóa địa phương và bảo đảm nguồn lực thi công.

“Với những thuận lợi trên, phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn sẽ phấn đấu rút ngắn tiến độ công việc đảm nhận. Riêng trong năm 2023 sẽ lập kế hoạch thi công chi tiết, tập trung các hạng mục như: cầu, cống, hầm chui dân sinh, phần nền đường có khối lượng đào đắp lớn… Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi xác định sẽ làm chủ ít nhất từ 20 - 30% tổng số đầu máy, thiết bị để bảo đảm tiến độ các hạng mục, đoạn tuyến đóng vai trò quyết định”, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc chia sẻ.

Lãnh đạo Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thị sát công trình

Lãnh đạo Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thị sát công trình

Cần sự phối hợp tích cực

Tại Phiên họp thứ 5 vào giữa tháng 4/2023 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia trọng điểm ngành giao thông vận tải do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị đã nêu một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, để thúc đẩy các công trình, dự án.

Theo đó, giải phóng mặt bằng vẫn là "điểm nghẽn" của các dự án, trong đó có cả việc giải phóng mặt bằng một số công trình nằm ngoài dự án song phải di dời; việc cung cấp vật liệu xây dựng, cát phục vụ đắp nền một số tuyến cao tốc, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần được phân bổ khẩn trương, linh hoạt hơn; một số dự án khó khăn về vị trí đổ thải và đất tạm phục vụ thi công; việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng chậm do thủ tục…

Tại phiên họp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đầu tư công là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng chỉ đạo các địa phương chủ động, linh hoạt xử lý các vấn đề theo thẩm quyền, nhất là nguyên vật liệu, đường hậu cần, bãi thải… Đặc biệt, xử lý vấn đề nguyên vật liệu xây dựng trên tinh thần nghiêm túc triển khai các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc cho biết: “Để triển khai cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, cần 18 triệu m3 cát, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải làm việc nhiều lần với các địa phương để giải quyết mỏ cát và được cấp cát theo cơ chế đặc thù cho nhà thầu, nhưng hiện nay mới làm việc được với tỉnh An Giang và được cấp 1,1 triệu m3 cát. Nếu không có cát thì không thể xử lý nền đất yếu được”.

“Nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện chung của các dự án, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn rất mong cấp chính quyền địa phương, chủ đầu tư sẽ vào cuộc rốt ráo hơn nữa. Với trách nhiệm của nhà thầu quân đội, chúng tôi cũng sẽ tích cực phối hợp làm tốt công tác dân vận, bố trí công tác các đơn vị phù hợp nhất, tăng ca, tăng kíp để phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ các dự án”, ông Ngọc khẳng định.

Chuyên đề