Blue-chips giảm mạnh, GAS, MSN rơi từ đỉnh lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường đột ngột diễn biến rất xấu trong phiên chiều, khi sức ép từ nhóm blue-chips cuối phiên sáng tăng cường độ. Hầu hết các cổ phiếu trong rổ VN30 đều lao dốc nặng chiều nay, nhưng GAS, MSN là hai mã “thảm” nhất...
Vn-Index lao dốc rất nhanh trong phiên chiều.
Vn-Index lao dốc rất nhanh trong phiên chiều.

Thị trường đột ngột diễn biến rất xấu trong phiên chiều, khi sức ép từ nhóm blue-chips cuối phiên sáng tăng cường độ. Hầu hết các cổ phiếu trong rổ VN30 đều lao dốc nặng chiều nay, nhưng GAS, MSN là hai mã “thảm” nhất.

Chỉ sau 20 phút mở cửa trở lại VN-Index đã sụt giảm xuống dưới tham chiếu. VN30 giảm chậm hơn chỉ vài phút nhưng mức giảm còn mạnh hơn. VN-Index giảm trước là do sức ép của GAS, MSN, các mã có ảnh hưởng lớn tới chỉ số này.

GAS cuối phiên sáng khá xấu, nhưng không quá tệ, mới giảm 0,89% so với tham chiếu. Về cơ bản GAS vẫn đang nhập nhằng quanh vùng đỉnh lịch sử hồi cuối tháng 10 và giá dầu phục hồi mấy hôm nay đang tạo hi vọng lớn. Đó là chưa kể những mã dầu khí nhỏ hơn đến cuối phiên sáng cũng vẫn còn tăng tốt. Tuy nhiên sang chiều GAS lao dốc thẳng băng.

Với mức tăng khoảng 37% từ cuối tháng 9 đến ngày hôm qua, GAS đã lọt Top 5 vốn hóa lớn nhất của VN-Index. Vì vậy nhịp giảm của GAS khiến VN-Index rơi qua tham chiếu trước VN30-Index. Toàn bộ thời gian buổi chiều GAS lao dốc nặng và đóng cửa giảm 3,09%, mức giảm trong ngày sâu nhất kể từ phiên 21/9 vừa qua và cũng là “chân sóng” của mã này.

MSN - vốn hóa đứng thứ 9 trong VN-Index – cuối phiên sáng cũng mới giảm 0,66%. Vừa bước vào phiên chiều đã bị bán tháo ngay, giá rơi đặc biệt nhanh trong khoảng 45 phút đầu tiên. Cổ phiếu này chạm đáy trong đợt khớp lệnh liên tục với mức giảm 2,57% so với tham chiếu. Cuối phiên giá bị ép tiếp, đóng cửa giảm 2,76%.

Cả hai cổ phiếu này đều đang ở đỉnh cao lịch sử sau một nhịp tăng rất mạnh và là hai trong số hiếm hoi các blue-chips tạo được đỉnh cao lịch sử mới cùng với VN-Index. Tuy nhiên đà tăng nhanh cũng đồng nghĩa với nhà đầu tư có lời lớn và áp lực bán càng dễ gia tăng. Tính theo giá cao nhất thì cả GAS và MSN đều đã có đỉnh từ cuối tháng 10. Trong hai tuần trở lại đây giá nỗ lực phục hồi nhưng thực chất là kiểm định đỉnh cao cũ. Vì vậy hôm nay lực bán dâng cao giống như một đợt xả thứ hai xuất hiện.

Chỉ riêng MSN và GAS đã khiến VN-Index hôm nay bốc hơi trên 3 điểm. Một loạt trụ khác cũng rất kém: VCB giảm 1,12%, BID giảm 2,05%, NVL giảm 1,53%, VPB giảm 1,33%, VNM giảm 1,1%, MWG giảm 1,22%, VRE giảm 1,46%... VN-Index chốt phiên giảm 0,41% tương đương 6,07 điểm. VN30-Index giảm nhiều hơn, mất 0,56% tương đương 8,53 điểm.

Độ rộng của rổ VN30 cuối phiên sáng đã yếu (10 mã tăng/17 mã giảm), sang chiều tệ hơn, chỉ còn 9 mã tăng/20 mã giảm. Nhóm tăng vẫn có vài mã ngân hàng như HDB tăng 2,59%, STB tăng 0,9%, CTG tăng 0,46%, MBB tăng 0,35%, ACB tăng 0,15% nhưng nhóm này quá yếu hoặc quá nhỏ để có thể cân đối lại nhóm giảm.

Trong 8 phiên gần đây VN30-Index hầu như chỉ đi ngang mà không tăng nổi. Trong 8 phiên này có 4 phiên giá trị khớp lệnh vượt ngưỡng 10 ngàn tỷ đồng, phiên kỷ lục hôm 3/11 đạt hơn 14,6 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ số này vẫn chịu sức ép rất mạnh. Trong suốt 8 phiên này chưa tới một nửa số lượng cổ phiếu trong rổ (14 mã) còn tăng giá.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tiếp tục đề kháng tốt hơn trước sức ép chung. VNSmallcap còn điều chỉnh buổi chiều tới sát tham chiếu trước khi hồi lên về cuối và đóng cửa tăng 0,49%. Midcap khỏe nhất, điều chỉnh nhẹ nhất và bật tăng trở lại cao nhất, chốt trên tham chiếu 0,77%. Midcap cũng đạt thanh khoản cao hơn cả VN30, với 9.887,6 tỷ đồng.

Tuy vậy nhóm vốn hóa nhỏ vẫn có nhiều cổ phiếu tăng trần nhất với 10 mã. Thị trường dường như ưu tiên khả năng đầu cơ đối với cổ phiếu cụ thể. Tuy vậy cũng giống như phiên sáng, dòng tiền không dàn trải hàng loạt, số rất ít mã đạt giao dịch lớn như HAG, HDC, ITD, PVT, TSC, LDG.

Việc các blue-chips lớn suy yếu “bẻ hướng” các chỉ số quan trọng quay đầu giảm vẫn chưa đủ gây ảnh hưởng xấu đến dòng vốn đầu cơ. Có lẽ mức giảm vẫn còn nhẹ và vẫn còn trụ để hạn chế thiệt hại cho chỉ số. Tổng thể thanh khoản hai sàn niêm yết vẫn duy trì gần 32,3 ngàn tỷ đồng. So với mức trung bình của tuần kỷ lục vừa qua, ngưỡng thanh khoản này không suy yếu nhiều cho thấy dòng tiền vẫn đang rất mạnh.

Chuyên đề