Bình Thuận: Mặt bằng cản tiến độ nhiều dự án giao thông

(BĐT) - Đến cuối tháng 9, các dự án giao thông tại tỉnh Bình Thuận đã giải ngân được hơn 750,5 tỷ đồng, đạt 48% tổng kế hoạch vốn năm 2023. Thời gian còn lại không nhiều, việc một số dự án giao thông quan trọng gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB) có thể khiến Tỉnh khó đạt mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao cho các dự án giao thông.
Thi công công trình đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà. Ảnh: Ngọc Tuấn
Thi công công trình đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà. Ảnh: Ngọc Tuấn

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Thuận, năm 2023, Ban được giao tổng kế hoạch vốn 1.563,314 tỷ đồng, trong đó, vốn kế hoạch năm 2023 khoảng 890,698 tỷ đồng, vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 hơn 64,2 tỷ đồng và vốn hoàn ứng ngân sách 608,379 tỷ đồng. Lượng vốn đầu tư công trên được Bình Thuận lên kế hoạch thực hiện 26 dự án xây dựng công trình giao thông. Theo đó, có 7 dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, 3 dự án đã hoàn thành, thực hiện việc thanh toán, 8 dự án ở giai đoạn chuyển tiếp, 3 dự án hoàn ứng ngân sách. Nhóm khởi công mới có 4 dự án và 1 dự án vốn đối ứng ODA.

Theo đánh giá của Ban, 9 tháng qua, các công trình, dự án giao thông được thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng, đặc biệt là các công trình trọng điểm như: đường ĐT.719B (đoạn Phan Thiết - Kê Gà), đường Hàm Kiệm - Tiến Thành, đường Hòn Lan - Tân Hải, đường ĐT.719 (đoạn Kê Gà - Tân Thiện), cầu Văn Thánh, cảng Phú Quý... Tuy nhiên, hiện một số dự án giao thông đang vướng ở khâu đền bù, GPMB khiến tiến độ bị ảnh hưởng.

Đơn cử, Dự án Làm mới đường trục ven biển ĐT.719B (đoạn Phan Thiết - Kê Gà) với tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng cần phải thu hồi 146,4 ha (64,5 ha trên địa bàn TP. Phan Thiết, 81,9 ha thuộc địa bàn huyện Hàm Thuận Nam). Mặt bằng đã bàn giao trước khoảng 20,21 km trên tổng chiều dài 25,61 km, nhưng đang vướng đoạn tuyến dài khoảng 3,95 km đi qua khu vực khai thác mỏ titan Nam Suối Nhum của Công ty TNHH Tân Quang Cường chưa bàn giao mặt bằng và khả năng còn vướng mắc kéo dài. Với những đoạn tuyến đã bàn giao mặt bằng, Nhà thầu (Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 515) đã thi công được 19,09 km đường, cầu Suối Nhum và cầu Máng. Theo đánh giá, công tác GPMB chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.

Vướng mắc tương tự cũng xảy ra ở Dự án Đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành (đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường ĐT.719B) với tổng mức đầu tư hơn 419,9 tỷ đồng. Theo đó, Gói thầu Xây lắp toàn bộ công trình có giá trị hơn 205,2 tỷ đồng do Liên danh Công ty CP Xây dựng và Thương mại Việt Hoa - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 515 đảm nhiệm thi công (thời gian thực hiện hợp đồng 720 ngày kể từ tháng 11/2021) bị ảnh hưởng bởi khâu GPMB chậm. Mặt bằng Dự án đã được bàn giao trước khoảng 6,29 km trên tổng chiều dài 7,7 km, nhưng còn tồn tại các thửa “da beo” làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. Hiện nhà thầu mới thi công được 5,82 km đường và 2 trong 3 cây cầu.

Hai dự án quan trọng khác cũng vướng mặt bằng là Dự án Trục ven biển ĐT.719B (đoạn Hòn Lan - Tân Hải) và cầu Văn Thánh. Theo đánh giá của Chủ đầu tư, công tác GPMB Dự án Trục ven biển ĐT.719B (đoạn Hòn Lan - Tân Hải) hiện còn chậm. Trung tâm phát triển quỹ đất các địa phương đã kiểm kê 97/204 hồ sơ, chuyển xét pháp lý 62/204 hồ sơ. Quá trình kiểm kê có nhiều hồ sơ đo đạc địa chính còn sai sót phải chỉnh sửa. Gói thầu Xây lắp toàn bộ công trình thuộc Dự án có giá trị 507,040 tỷ đồng, do Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 515 - Công ty CP Xây dựng công trình 525 đảm nhiệm (thời gian thực hiện 900 ngày kể từ tháng 12/2022) đang thi công các cấu kiện đúc sẵn, mố, trụ cầu sông Phan.

Đối với Dự án cầu Văn Thánh (TP. Phan Thiết), công tác GPMB cũng được đánh giá chậm. Trung tâm Phát triển quỹ đất đã kiểm kê 40/40 hồ sơ, chuyển xét pháp lý 33/40 hồ sơ… Trong khi chờ bàn giao mặt bằng, Công ty CP Vật tư thiết bị và Xây dựng công trình 624 - nhà thầu thi công Gói thầu Xây lắp toàn bộ công trình cầu Văn Thánh (109,863 tỷ đồng) đã đóng xong vòng vây cọc ván thép trụ T4, T5 và mố M2 (phía phường Phú Tài), đang đóng cừ tràm phía gần bờ và bơm cát tạo mặt bằng thi công các hạng mục trên.

Ông Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Thuận cho biết, Ban đang phấn đấu quyết liệt cho mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023. Một trong ưu tiên trọng tâm là phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ GPMB cho các dự án. Bên cạnh đó, Ban sẽ đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời đảm bảo chất lượng công trình, nhất là các công trình trọng điểm.

Theo tìm hiểu, ngoài các dự án chuyển tiếp vướng GPMB, tỉnh Bình Thuận đang đầu tư nhiều dự án giao thông quan trọng khác. Trong đó, Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 (đoạn Kê Gà - Tân Thiện) đã cơ bản hoàn thành. Dự án Cải tạo đê chắn sóng cảng Phú Quý đã cơ bản hoàn thành, đang nạo vét tuyến luồng. Dự án Cải tạo, nâng cấp đường ĐT.718 (đoạn từ Ga Bình Thuận đến xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam) thi công hoàn thành 12,42 km trên 12,5 km đường. Dự án Đường dọc kênh phát triển kinh tế - xã hội vùng chiến khu Lê Hồng Phong (huyện Bắc Bình) đã thi công hoàn thành 3,3 km trên tổng số 5,2 km đường.

Từ nay đến cuối năm 2023, Bình Thuận sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công mới 3 dự án: Cải tạo mặt đường, vỉa hè, hạ tầng kỹ thuật tuyến đường Thủ Khoa Huân (TP. Phan Thiết); Nâng cấp, mở rộng đường Mê Pu - Đa Kai; Nâng cấp, mở rộng đường Bà Tá - Trà Tân. Mới đây, Dự án Cầu qua tràn tại Km15+600 tuyến Liên Hương - Phan Dũng (huyện Tuy Phong) đã được khởi công.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư