Bình Dương: Đất vàng bỏ hoang

(BĐT) - Là một trong những tỉnh đầu tiên xây trung tâm hành chính mới, Bình Dương từng rất tự tin khi cho rằng có thể giải được bài toán “Trụ sở mới = đấu giá quyền sử dụng đất trụ sở cũ”. Tuy nhiên, sau 2 năm, Bình Dương vẫn đau đầu vì món nợ với nhà đầu tư xây dựng Khu hành chính tập trung khó có nguồn chi trả khi mà các trụ sở cũ, dù đều có vị trí vàng nhưng rao mãi không có ai mua.
Quán cà phê trong sân trụ sở cũ của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương. Ảnh: V. Huyền
Quán cà phê trong sân trụ sở cũ của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương. Ảnh: V. Huyền

Đất vàng… ế khách

Tháng 3/2015, UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định phê duyệt phương án bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đối với 2 trụ sở làm việc của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy (cũ) trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các trụ sở này vẫn trong tình trạng ế ẩm, không ai mua.

Cụ thể, ông Nguyễn Tất Thắng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Bình Dương cho biết, không có bất kỳ nhà đầu tư nào mua hồ sơ của 2 trụ sở tiến hành bán đấu giá này. Đấu giá viên Phạm Đức Khải cung cấp cho Báo Đấu thầu nhiều thông tin hơn. Theo đó, trong tháng 5/2015, Trung tâm đã thông báo bán đấu giá tài sản quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất 2 trụ sở làm việc của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Tổng mức giá khởi điểm bán đấu giá trọn gói, bao gồm giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của 2 trụ sở này là 50.847.679.000 đồng. Tuy nhiên, trong suốt 1 tháng dành cho các nhà đầu tư tham khảo hồ sơ (từ 25/5/2015 đến 25/6/2015), dù có vài nhà đầu tư đến tìm hiểu thông tin nhưng không ai muốn tham gia đấu giá.

Theo phân tích của đấu giá viên thuộc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Bình Dương, sở dĩ 2 trụ sở trên ế khách vì giá bán cao, nhưng nguyên nhân củ yếu là những ràng buộc của Bình Dương đối với các nhà đầu tư khá ngặt nghèo. Cụ thể, theo phương án bán đấu giá được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, thời gian sử dụng đất của 2 trụ sở trên là 70 năm. Sau khi đấu giá thành công, nhà đầu tư có quyền khai thác, sử dụng làm văn phòng làm việc nhưng không được phép chuyển đổi công năng sử dụng như kinh doanh, thương mại, khách sạn, nhà hàng. 

Sân trụ sở để bán cà phê

Tính đến ngày 25/2/2016 thì tòa tháp đôi cao 22 tầng khu hành chính tập trung Bình Dương đã đi vào hoạt động được 2 năm. Đồng nghĩa với việc 2 năm qua, hàng chục trụ sở làm việc cũ của tỉnh tại TP. Thủ Dầu Một hoặc phải chuyển đổi công năng, đóng cửa hoặc để cho người dân tổ chức bán… cà phê, hủ tiếu.

Theo Sở Tài chính Bình Dương, một số trụ sở được hoán đổi, dùng để bố trí cho các đơn vị sự nghiệp, hành chính. Cụ thể: trụ sở cũ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương được bàn giao lại làm trụ sở của Thành ủy, UBND TP. Thủ Dầu Một. Trụ sở cũ của Ban quản lý các KCN tỉnh Bình Dương giao lại cho Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thủ Dầu Một. Trụ sở cũ Sở Tài chính được dùng làm trụ sở của một số phòng chức năng... Riêng trụ sở cũ của Sở NN&PTNT, Sở Tư pháp được giao cho các đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc. 

Lãng phí nhất hiện nay chính là trụ sở của các cơ quan không có đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc. Đầu tiên phải kể đến 2 trụ sở mà tỉnh Bình Dương tổ chức đấu giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy như đã nêu. Hai trụ sở này nằm cạnh nhau, tạo nên khối tổng thể với diện tích hơn 2.000 m2 có vị trí đẹp ven sông, ngã ba đường thuộc phường Phú Cường sầm uất. Trụ sở Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đóng cửa im lìm, chim chóc làm tổ trên mái, lá cây rụng đầy sân. Trụ sở cũ của Ban Tổ chức Tỉnh ủy nằm kế bên đỡ đìu hiu hơn vì có hộ dân sử dụng toàn bộ phần sân để bày bàn ghế nhựa bán… cà phê.

Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, hàng loạt trụ sở cũ của Bình Dương, dù rất bề thế, rộng rãi, nhiều trụ sở còn khang trang, nằm ở vị trí đắc địa đang bỏ không, thiếu vắng sự hoạt động. Đó chính là trụ sở của UBND TP. Thủ Dầu Một, Sở Ngoại vụ, Thanh tra tỉnh, Sở Nội vụ. Các trụ sở làm việc này đều có diện tích từ hàng trăm đến hàng nghìn m2, đóng ở dọc đại lộ Bình Dương hoặc các trục đường chính, nơi kinh doanh sầm uất nhất của Bình Dương.

Từ năm 2011, UBND tỉnh Bình Dương đã tiến hành định giá trụ sở cũ của các cơ quan phải di dời khoảng hơn 1.326 tỷ đồng. Trong đó, một số trụ sở cũ được định giá khá cao, như Sở Y tế 175,6 tỷ đồng, Sở Giáo dục và Đào tạo 111,8 tỷ đồng, Sở Công Thương 91,6 tỷ đồng... Khi đó Bình Dương tính toán tổng giá trị đất và tài sản trên đất của các trụ sở cũ đủ để đầu tư của tòa nhà hành chính mới là 1.414 tỷ đồng. 

Chuyên đề