Bình Dương: Áp lực giải ngân đầu tư công còn rất lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong 2 tháng gần đây, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bình Dương đã được cải thiện, nhưng theo đánh giá của UBND Tỉnh, áp lực giải ngân trong các tháng còn lại là rất lớn nếu muốn hoàn thành mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao. Một lượng vốn khá lớn chưa được giải ngân, tập trung ở các công trình, dự án trọng điểm.
Đến cuối tháng 6/2023, Bình Dương mới giải ngân được 5,2 nghìn tỷ đồng, đạt 24,2% kế hoạch HĐND Tỉnh giao. Ảnh: Hoài Tâm
Đến cuối tháng 6/2023, Bình Dương mới giải ngân được 5,2 nghìn tỷ đồng, đạt 24,2% kế hoạch HĐND Tỉnh giao. Ảnh: Hoài Tâm

Theo UBND tỉnh Bình Dương, chỉ tính riêng các dự án, công trình trọng điểm, tổng vốn kế hoạch năm 2023 đã lên tới hơn 12 nghìn tỷ đồng. Đó là Dự án thành phần (DATP) 6 - Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương (vốn kế hoạch năm 2023 là 8.859 tỷ đồng); DATP 5 - Xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương, bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi (1.127 tỷ đồng), Dự án Giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13 đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú đến ngã tư cầu Ông Bố (1.110 tỷ đồng); Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT746 đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa (864,777 tỷ đồng); Dự án Thiết bị Bệnh viện đa khoa 1.500 giường (209,33 tỷ đồng); Dự án Bệnh viện đa khoa 1.500 giường (189,4 tỷ đồng).

Tuy nhiên, tới đầu tháng 7/2023, tiến độ giải ngân các dự án này vẫn chậm chạp, ngoại trừ Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT746 đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa. Với 469,054 tỷ đồng được giải ngân (đạt 54% kế hoạch), đây là dự án giải ngân tốt nhất trong nhóm các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh Bình Dương.

Tiếp theo là DATP 6 - Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Vành đai 3 TP.HCM giải ngân được hơn 2.152 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch. Trong khi đó, các dự án còn lại đều có tỷ lệ giải ngân dưới 10%, cá biệt có dự án chưa thể giải ngân. Cụ thể, DATP 5 - Xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM mới giải ngân 18 tỷ đồng, tương đương 2% kế hoạch. Dự án Thiết bị Bệnh viện đa khoa 1.500 giường và Dự án Bệnh viện đa khoa 1.500 giường chưa được giải ngân.

Kết quả giải ngân các dự án nêu trên chưa đạt kỳ vọng vì nhiều vướng mắc khác nhau. Với DATP 6 - Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Vành đai 3 - TP.HCM, tiến độ chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do chậm phê duyệt đơn giá bồi thường đất. Trong khi đó, DATP 5 - Xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM bị chậm tiến độ phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán. Dự án Thiết bị Bệnh viện đa khoa 1.500 giường đang chờ Bộ Y tế ban hành hướng dẫn để xác định chi phí. Dự án Bệnh viện đa khoa 1.500 giường đang trong giai đoạn hoàn thiện, một số vật tư thiết bị đầu cuối đã được nhập về, song đơn vị thi công chưa thể lắp đặt. Một số thiết bị dự kiến đến cuối năm 2023 mới được nhập về. Bên cạnh đó, nhà thầu thi công gặp khó khăn về tài chính, cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình...

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 là hơn 21,8 nghìn tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2023, Bình Dương mới giải ngân được 5,2 nghìn tỷ đồng, đạt 24,2% kế hoạch HĐND Tỉnh giao và đạt 43,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, có 7 nhóm vướng mắc làm chậm tiến độ giải ngân. Trong đó nổi lên là các vướng mắc về quy định pháp luật chồng chéo chưa được tháo gỡ; đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn chính; di dời hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống lưới điện còn chậm…

Muốn đạt mục tiêu đầu tư công, trong các tháng còn lại năm 2023, tỉnh Bình Dương cần giải ngân lượng vốn rất lớn, khoảng 16,6 nghìn tỷ đồng. Bình Dương đã xác định 12 nhiệm vụ trọng tâm tập trung thực hiện. Trong đó, việc tháo gỡ nhanh chóng, hiệu quả các vướng mắc tại các dự án, công trình trọng điểm được bố trí kế hoạch vốn lớn là giải pháp cấp bách nhằm tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công trong vài tháng tới.

Thông tin nhanh với Báo Đấu thầu, lãnh đạo các ban quản lý dự án lĩnh vực giao thông, đầu tư xây dựng, chuyên ngành nước thải, nông nghiệp và nông thôn tại Bình Dương đều chung nỗi lo khó hoàn thành mục tiêu giải ngân năm nay vì các khó khăn, vướng mắc chưa thể tháo gỡ một cách căn bản. Hiện tỷ lệ giải ngân của các ban quản lý này khá thấp, trong khi đây là những chủ đầu tư lớn của Bình Dương với tổng quy mô vốn kế hoạch năm 2023 lên tới hơn 13.978,3 tỷ đồng.

Chuyên đề