Bất động sản công nghiệp xanh ngày càng thu hút nhà đầu tư nước ngoài |
Sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp xanh
Bất chấp bức tranh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam trong năm vừa qua, đạt mức kỷ lục 36,6 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bất động sản giữ vị trí á quân, với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD. Quý I/2024, vốn FDI đăng ký đạt gần 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Với lượng vốn FDI liên tục gia tăng, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có nhu cầu cao về mặt bằng, kho bãi để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Do đó, bất động sản công nghiệp vẫn là điểm sáng thời gian tới.
Đáng chú ý, các nhà đầu tư gần đây quan tâm nhiều đến bất động sản công nghiệp xanh. Khảo sát 200 doanh nghiệp FDI của KPMG cho thấy, bên cạnh các ưu tiên như vị trí, nguồn nhân lực, hạ tầng logistics, khu công nghiệp xanh được các doanh nghiệp FDI ưu tiên khi lựa chọn địa điểm đầu tư.
An Phát 1 nắm bắt xu hướng, gia tăng sức hút
Dưới góc nhìn doanh nghiệp phát triển hạ tầng, ông Phạm Văn Tuấn - Phó Tổng giám đốc An Phát Holdings, Tổng giám đốc Công ty CP Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1 cho hay, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm các khu công nghiệp không chỉ có lợi thế về vị trí địa lý và quy mô, mà còn có khả năng đáp ứng được các tiêu chí phát triển bền vững, để đảm bảo sản phẩm họ sản xuất ra đạt các tiêu chuẩn xanh, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
“Nắm bắt được tâm lý này, chúng tôi đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp theo hướng bền vững để đáp ứng nhu cầu và gia tăng sức hút đối với các nhà đầu tư”, ông Tuấn nói thêm.
Mới đi vào hoạt động hơn 1 năm, Khu công nghiệp An Phát 1 (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến nay, Khu công nghiệp đã thu hút gần 20 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 500 triệu USD, trở thành một trong những khu công nghiệp thu hút được số vốn đầu tư cao nhất tại Hải Dương kể từ đầu năm 2023 đến nay.
“Chúng tôi ưu tiên tìm kiếm và lựa chọn các nhà đầu tư thứ cấp thuộc ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo, không gây ô nhiễm môi trường. Hầu hết các nhà đầu tư thứ cấp trong Khu công nghiệp An Phát 1 đều dự kiến lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng”, ông Tuấn nói về chiến lược phát triển xanh của Khu công nghiệp.
Ngoài ra, An Phát 1 yêu cầu các nhà xưởng phải có phương án xử lý rác thải, khí thải và nước thải đạt chuẩn, không gây hại cho môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, diện tích đất trồng cây xanh cũng được mở rộng, giúp giảm lượng khí thải carbon.
Việc các khu công nghiệp tại Việt Nam từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu hướng của thế giới. Đây là bước đi quan trọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.