Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K chuyển sang cơ chế tự chủ theo Nghị định 60

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện theo quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP (Nghị quyết 33) đối với việc tiếp tục thực hiện tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K sau khi kết thúc thời gian thí điểm.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Nghị quyết 33 về thí điểm tự chủ (tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện) tại 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế (gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K) được Chính phủ ban hành vào ngày 19/5/2019, với thời gian là 2 năm kể từ khi đề án của bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nghị quyết 33 nêu rõ, sau 2 năm, các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số theo quy định của Chính phủ.

Theo Báo cáo số 1388/BC-BYT ngày 14/10/2022 của Bộ Y tế về kết quả thực hiện thí điểm tự chủ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K theo Nghị quyết 33, sau khi rà soát, cập nhật các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến các nội dung tự chủ của các đơn vị công lập, Bộ Y tế nhận thấy các nội dung thí điểm tự chủ của bệnh viện được quy định trong Nghị quyết 33 đều đã được quy định cụ thể trong các Nghị định của Chính phủ mới được ban hành trong năm 2020 và năm 2021. Vì vậy, Bộ Y tế kiến nghị dừng thí điểm cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K và 2 bệnh viện này sẽ chuyển sang cơ chế tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 và các nghị định của Chính phủ.

Trước đó, sau khi kết thúc thời gian triển khai thí điểm, 2 bệnh viện triển khai thực hiện là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đều xin dừng tự chủ toàn diện do nhiều nguyên nhân. Trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vào trung tuần tháng 8/2022, Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã kiến nghị dừng thí điểm tự chủ toàn diện, cho phép Bệnh viện thực hiện theo Nghị định 60, tức là chỉ thực hiện tự chủ tài chính về chi thường xuyên. Nghị định 60 chia các bệnh viện thành 4 nhóm tự chủ, gồm: tự chủ toàn diện (Nhóm 1); tự chủ chi thường xuyên (Nhóm 2); tự chủ một phần chi thường xuyên (Nhóm 3); nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên (Nhóm 4).

Chia sẻ với Báo Đấu thầu về những khó khăn trong quá trình thực hiện thí điểm, ông Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời điểm Bệnh viện triển khai thí điểm tự chủ toàn diện đúng lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, do đó nguồn thu bị giảm sâu. Việc trích lập quỹ, phân bổ tài chính theo tỷ lệ cố định của các văn bản hiện hành ảnh hưởng tới tính chủ động về nguồn đầu tư, mua sắm… Giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành định mức kinh tế kỹ thuật, trong khi các chi phí trực tiếp đã lạc hậu so với thực tế hiện nay. Bộ Y tế chưa có quy định về giá trần dịch vụ khám, chữa bệnh nên khi thực hiện tự chủ nhưng lại không được tự chủ về giá… Nhưng nếu tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế thì tất yếu giá viện phí sẽ tăng lên, không thể đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội. Do đó, theo ông Đào Xuân Cơ, Bệnh viện dừng tự chủ toàn diện và thực hiện cơ chế tự chủ theo Nhóm 2 của Nghị định 60 là phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Để hoàn thiện cơ chế tự chủ các bệnh viện công lập và có căn cứ đề xuất, bổ sung nội dung quy định về tự chủ bệnh viện công lập trong Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổng kết đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện Nghị quyết 33. Trong đó, cần báo cáo rõ nguyên nhân vì sao Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy chưa thực hiện thí điểm tự chủ; bài học kinh nghiệm; tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần phải khắc phục, điều chỉnh; nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị cụ thể các cơ chế, chính sách cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các bộ, ngành đối với nội dung đánh giá nêu trên; khẩn trương hoàn thiện báo cáo, trình Chính phủ trước ngày 25/11/2022.

Mặt khác, Bộ Tài chính đang rà soát những khó khăn vướng mắc hiện nay về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo Bộ Tài chính, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội, khiến nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập sụt giảm, đặc biệt là đối với lĩnh vực y tế và lĩnh vực đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Do đó, việc đánh giá tình hình thực hiện phương án tự chủ của giai đoạn trước nhằm mục tiêu đề xuất phương án tự chủ cho giai đoạn tiếp theo sẽ không đảm bảo được tính đầy đủ, khách quan, từ đó ảnh hưởng tới việc xác định mức độ tự chủ của các đơn vị trong thời kỳ ổn định tiếp theo. Để tháo gỡ các khó khăn về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, việc nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 60 và các văn bản liên quan là rất cần thiết và phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Chuyên đề