Bất thường lợi nhuận của Năm Bảy Bảy

(BĐT) - Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2017. Theo đó, doanh nghiệp (DN) này báo lãi ròng đột biến gần 32 tỷ đồng trong quý I/2017, tăng mạnh so với cùng kỳ 2016 và hoàn thành gần 50% kế hoạch kinh doanh năm 2017. 
Lợi nhuận của Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính. Ảnh: Đinh Tuấn
Lợi nhuận của Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính. Ảnh: Đinh Tuấn

Tuy nhiên, lợi nhuận này lại không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. 

Đột biến

Công ty Năm Bảy Bảy có vốn điều lệ 368 tỷ đồng, hoạt động chính trong các lĩnh vực: phát triển, kinh doanh bất động sản; xây dựng hạ tầng giao thông; xây dựng công trình thuỷ điện, nhiệt điện… Công ty sở hữu quỹ đất xấp xỉ 350 ha, trong đó chủ yếu ở Quảng Ngãi (102,6 ha), Bình Thuận (124,7 ha), TP.HCM (hơn 60 ha, trong đó có khoảng gần 12 ha đất sạch). Sở hữu nhiều bất động sản nhưng lợi nhuận của Năm Bảy Bảy trong thời gian gần đây lại chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017, doanh thu thuần của Công ty cũng chỉ ở mức khiêm tốn: 9,56 tỷ đồng. Song việc ghi nhận mức lợi nhuận đột biến 56,84 tỷ đồng từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp, trong đó có khoảng 30 tỷ đồng từ chuyển nhượng vốn tại Công ty CP Công nghiệp NBB đã giúp Công ty bù đắp toàn bộ chi phí hoạt động phát sinh trong kỳ. Kết quả là Công ty báo lãi 32 tỷ đồng sau thuế, hoàn thành gần 50% kế hoạch lợi nhuận năm 2017.

Bên cạnh đó, tổng tài sản tại thời điểm 31/3/2017 của Năm Bảy Bảy đạt 5.233 tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm 2017. Tồn kho tại các dự án là trên 3.464 tỷ đồng, chiếm 66,19% tổng tài sản, trong đó Dự án City Gate Tower chiếm gần 30% tồn kho của Công ty. Theo thuyết minh tài chính, chỉ trong quý I/2017, NBB đã ghi nhận thêm khoảng 140 tỷ đồng vào khoản mục người mua trả tiền trước của Dự án City Gate Tower. Điều này đã giúp cho lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty tăng mạnh, đồng thời gia tăng lượng tiền mặt lên khoảng 192 tỷ đồng, bằng 30% vốn điều lệ.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, Chủ tịch NBB, ông Đoàn Tường Triệu cho biết, doanh thu chính trong năm của Công ty dự kiến sẽ đến từ hai nguồn: từ việc bàn giao Dự án City Gate Tower và chuyển nhượng hết Dự án Đồi Thủy sản có quy mô 30 ha tại Quảng Ninh, Nhà máy Sản xuất phụ tùng ô tô Đà Nẵng. Nếu chuyển nhượng thành công, Công ty sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2017 ngay trong quý II/2017. 

Sắp về tay CII?

Với lợi thế về quỹ đất dồi dào, NBB lọt vào tầm ngắm của nhiều đối tác phát triển bất động sản khu vực phía Nam. Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) cũng không phải ngoại lệ. Câu chuyện CII “thâu tóm” NBB đã được Ban lãnh đạo hai bên đặt vấn đề công khai với các cổ đông trong kỳ ĐHĐCĐ thường niên năm 2015. Tuy nhiên, do chưa thống nhất được mức giá cụ thể với nhóm cổ đông nước ngoài nên tiến trình này gần đây mới có tiến triển.

Đầu tiên phải kể đến việc ĐHĐCĐ thường niên 2017 của NBB đã thông qua chủ trương chấp thuận cho CII được mua/nhận chuyển nhượng cổ phần NBB để tăng sở hữu từ 25% đến 35% vốn điều lệ mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai. Bên cạnh đó, HĐQT CII đã họp và thông qua kế hoạch chi tiết thành lập CII Land trên cơ sở tăng tỷ lệ sở hữu của CII tại NBB lên trên 51%.

Tiếp đó là việc CII liên tục đăng ký mua vào cổ phần NBB trong suốt quý I/2017 và đã nâng mức sở hữu NBB lên 19.204.935 cổ phần, tương đương 30,08%. Về cơ bản, để có quyền chi phối như mong muốn, CII sẽ phải mua thêm tối thiểu 13,43 triệu cổ phần đang lưu hành trước thời điểm NBB tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng hoặc chờ đợi để mua quyền mua cổ phiếu từ các cổ đông không thực hiện quyền trong đợt phát hành tăng vốn.

Kịch bản CII nâng tỷ lệ sở hữu với chi phí rẻ sẽ khó khăn hơn khi mà cơ cấu cổ đông của NBB khá cô đặc, ngoài CII chiếm hơn 30,08% thì tập trung hầu hết ở các các quỹ đầu tư tài chính hoặc cá nhân, những người hiểu khá rõ giá trị thực tế của các dự án NBB sở hữu. Nếu như không đưa ra được mức giá hợp lý thì quá trình thâu tóm NBB của CII có thể tiếp tục bế tắc.

Chuyên đề