Bất ngờ xuất siêu trong tháng đầu năm 2016

Bất ngờ là ngay trong tháng đầu năm 2016, cả nước đã xuất siêu khoảng 770 triệu USD; bằng 5,7% kim ngạch xuất khẩu.
Bất ngờ xuất siêu trong tháng đầu năm 2016

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước tháng 1/2016 đạt 13,36 tỷ USD; giảm 2,7% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 9,04 tỷ USD; giảm nhẹ 0,2%.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực năm 2016, điện thoại các loại và linh kiện đạt 2,27 tỷ USD; tăng 31,4% so với tháng trước. Mặc dù giảm 9,3% so với tháng trước nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vẫn đạt trên 2 tỷ USD và là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 năm 2016.

Theo sau đó là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,25 tỷ USD; giảm 4,4% so với tháng trước; giày dép các loại đạt 1,18 tỷ USD; giảm 2,9% so với tháng trước…

Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cả nước tháng đầu năm 2016 đạt 12,6 tỷ USD; giảm 11,9% so với tháng trước. Trong đó, nhập khẩu của khối FDI đạt 7,17 tỷ USD; giảm 6,3% so với tháng trước.

Một số mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 2,14 tỷ USD, giảm 15,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,96 tỷ USD, tăng 11,7%; vải các loại đạt 765 triệu USD, giảm 13,6% so với tháng trước…

Như vậy, bất ngờ là ngay trong tháng đầu năm 2016, cả nước đã xuất siêu khoảng 770 triệu USD; bằng 5,7% kim ngạch xuất khẩu.

Trước đó, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, trong năm 2015, Việt Nam đã chính thức nhập siêu trở lại sau 3 năm liên tiếp xuất siêu. Thâm hụt thương mại năm 2015 lên tới 3,54 tỷ USD, bằng 2% kim ngạch xuất khẩu.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế cũng như lãnh đạo Bộ Công thương, rất có thể năm 2016 Việt Nam sẽ tiếp tục nhập siêu cao do nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất gia tăng, đặc biệt là sau khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Chuyên đề

Kết nối đầu tư