Bất cập về thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quy định về doanh thu tính thuế, cung cấp thông tin của người kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) và thiếu các chế tài đối với trường hợp để lộ thông tin là những điểm được đánh giá chưa thỏa đáng với người kinh doanh TMĐT.
Hướng dẫn về doanh thu tính thuế giá trị gia tăng tại Điều 10.1 Thông tư 40/2021/TT-BTC mâu thuẫn với pháp luật về thuế giá trị gia tăng. Ảnh: NC st
Hướng dẫn về doanh thu tính thuế giá trị gia tăng tại Điều 10.1 Thông tư 40/2021/TT-BTC mâu thuẫn với pháp luật về thuế giá trị gia tăng. Ảnh: NC st

Điều 10.1 Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy định, doanh thu tính thuế GTGT bao gồm cả khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền. Tuy nhiên, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy định này cần được xem xét do không phù hợp với các quy định pháp luật về thuế GTGT.

Cụ thể, Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định các khoản tiền thưởng, tiền hỗ trợ không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT; giá trị thuế với hàng hóa khuyến mại là 0; giá tính thuế GTGT là giá bán đã chiết khấu cho khách hàng.

Như vậy, pháp luật về thuế GTGT quy định các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, chi hỗ trợ bằng tiền không gắn với hoạt động quảng cáo không chịu thuế GTGT. Hay nói cách khác, quy định tại Điều 10.1 Thông tư 40/2021/TT-BTC đang mâu thuẫn với quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC.

Hơn nữa, quy định này cũng gây vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), hộ, cá nhân kinh doanh khi thực hiện do không có căn cứ để khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định tại Điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ quy định này tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2021/TT-BTC (Dự thảo) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.

Theo ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, quy định như vậy tại Thông tư 40 là không phù hợp với bản chất của giao dịch và trái với quy định của Chuẩn mực kế toán. Theo quy định của Chuẩn mực kế toán, các khoản nhận được do chiết khấu thương mại, khuyến mại ghi giảm giá trị hàng mua không phải doanh thu, thu nhập nhận được của cá nhân kinh doanh. Giao dịch này của DN cũng được ghi nhận là một khoản giảm trừ giá trị hàng mua hoặc giá vốn. Do đó, không thể phân biệt đối xử người nộp thuế là cá nhân và DN.

Bên cạnh đó, ngưỡng chịu thuế thu nhập của hộ, cá nhân kinh doanh cũng là nội dung được kiến nghị sửa đổi. Theo quy định tại Điều 2.1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế 2014, ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh là 100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, ngưỡng này đã được xây dựng từ năm 2014 và không còn phù hợp trong thời điểm hiện nay, đặc biệt trong so sánh với mức khởi điểm 132 triệu đồng/năm để tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, ngưỡng chịu thuế 100 triệu đồng/năm đã quá lạc hậu. Hơn nữa, cá nhân và hộ kinh doanh còn phải tốn nhiều chi phí khác trong hoạt động kinh doanh mà lại có ngưỡng chịu thuế thấp hơn người làm công ăn lương là hết sức vô lý.

Về nghĩa vụ cung cấp thông tin, Điều 1.5 của Dự thảo quy định, sàn TMĐT cần cung cấp các thông tin của cá nhân kinh doanh cho cơ quan thuế, gồm: họ tên người bán; số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước hoặc hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; số điện thoại liên lạc; doanh thu; tài khoản ngân hàng.

Theo VCCI, quy định trên là chưa phù hợp. Một số thông tin không phải là thông tin bắt buộc phải thu thập (theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP), chẳng hạn, thông tin về số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước hoặc hộ chiếu. Việc yêu cầu các sàn TMĐT thu thập thêm các thông tin này sẽ gây tốn kém rất lớn bởi phát sinh chi phí kêu gọi người bán cung cấp thông tin. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng chỉ quy định những thông tin người bán mà các sàn đã có sẵn.

Dự thảo yêu cầu DN cung cấp thông tin định kỳ theo quý hoặc theo yêu cầu của cơ quan thuế. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng ở điểm, trong trường hợp nào cơ quan thuế được yêu cầu DN cung cấp thông tin theo yêu cầu. Việc này có thể dẫn đến tình trạng tùy tiện trong áp dụng, cũng như tạo gánh nặng thủ tục hành chính cho DN. Để đảm bảo minh bạch, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các trường hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu.

Hiện nay, dữ liệu được coi là một trong những tài sản quý giá nhất với DN, đặc biệt là DN kinh doanh dựa trên nền tảng kinh tế số như các sàn TMĐT. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về cơ chế xác định lỗi khi phát hiện trường hợp lộ, lọt dữ liệu.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, cần xác định rõ các thông tin thuộc nghĩa vụ phải cung cấp định kỳ và khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, các trường hợp được yêu cầu cung cấp thông tin với khối lượng lớn thì nên tính toán hỗ trợ bên cung cấp thông tin về nguồn lực hoặc trả phí. Hơn hết, nhất thiết phải có quy định về việc quản lý thông tin và chế tài xử lý vi phạm đối với bên làm lộ thông tin.

Chuyên đề