Mức phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ tăng 25% từ ngày 1/4/2016. Ảnh: Tất Tiên |
Theo đó, hàng loạt trạm thu phí trên 2 tuyến đường này thực hiện tăng từ 25 - 75% tùy loại phương tiện. Mặc dù thực hiện thu phí theo quy định tại Thông tư 153/2015/TT-BTC nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi về sự hợp lý của việc tăng phí tại 2 dự án này nói riêng và các dự án BOT giao thông nói chung.
Bất cập quy định thu phí
Thông tư 159/2013/TT-BTC (Thông tư 159) hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ do Bộ Tài chính ban hành. Theo đó, mỗi dự án lại có một văn bản hướng dẫn thu phí riêng.
Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, nhiều chuyên gia cho rằng, quy định tại Thông tư 159 có những điểm không phù hợp. Khung thu phí theo Thông tư này có độ dãn cách lớn (ví dụ: xe dưới 12 chỗ từ 15.000 - 52.000 đồng/lượt). Mỗi đoạn lại ban hành 1 Thông tư riêng, 3 năm điều chỉnh, thay đổi 1 lần. Việc này tạo ra cơ chế xin - cho, không minh bạch và bất bình đẳng.
Mặt khác, trong hệ thống quốc lộ ở nước ta, một số tuyến đường, mà điển hình là Quốc lộ 1 là trục huyết mạch, và chỉ có một sự lựa chọn duy nhất (độc quyền). Như vậy, người tham gia giao thông không có sự lựa chọn nào khác và điều này chưa đúng theo tinh thần của dự án BOT.
Từ năm 2016, mức thu được thực hiện theo khung mức thu tại Thông tư này, nhiều trạm thu phí đã thực hiện tăng phí từ đầu năm 2016 gây bức xúc cho dư luận. Thông tư 159 cũng cho phép định kỳ 3 năm kể từ năm 2016 trở đi, nhà đầu tư căn cứ tình hình thực tế, chỉ số giá cả và đề xuất của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh mức thu.
Cơ sở nào tính mức thu phí (giá vé) dự án BOT?
Thông tư 159 quy định, chậm nhất trước 90 ngày kể từ ngày dự kiến tổ chức thu phí, nhà đầu tư phải gửi Bộ GTVT (đối với quốc lộ) hoặc UBND cấp tỉnh (đối với đường địa phương) công văn đề nghị quy định mức thu, kèm theo hồ sơ: Dự án đầu tư đường bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thời hạn hoàn thành việc xây dựng và đưa công trình vào sử dụng; Đề án thu phí, bao gồm: trạm thu phí, dự kiến mức thu, dự kiến khả năng nguồn thu, hiệu quả thu phí và thời hạn hoàn vốn. Trên cơ sở hồ sơ đề nghị của nhà đầu tư, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét ban hành văn bản quy định thu phí, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định mức thu phí.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, để xác định mức phí thu, thời gian thu phí trên từng dự án, cần dựa trên báo cáo quyết toán dự án đã được kiểm toán. Đồng thời cần công khai, minh bạch dự án đó đầu tư hết bao nhiêu tiền, mức thu phí, thời gian thu phí để người dân theo dõi, giám sát.
Ghi nhận những thành quả dự án BOT giao thông đường bộ mang lại, tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, tổng mức đầu tư các dự án cao tốc và nâng cấp quốc lộ ở Việt Nam rất cao so với nhiều nước trên thế giới. Lý do các chủ đầu tư đưa ra do đặc thù địa chất, địa lý Việt Nam, tuy nhiên cần mời các tổ chức quốc tế vào thẩm định các dự án một cách khoa học.
Thời gian qua, hầu hết các dự án là chỉ định thầu, chưa thể hiện sự minh bạch và hiệu quả trong đầu tư và thực hiện dự án. Để nâng cao tính cạnh tranh, cần tổ chức đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư tham gia các dự án BOT giao thông. Đồng thời, để giảm áp lực chi phí cho người tham gia giao thông, thời gian tới cần nghiên cứu lại lộ trình phát triển các tuyến đường giao thông có thu phí, tránh tình trạng trạm thu phí BOT mọc lên như “nấm sau mưa”. Nhà nước cũng cần tính toán, chung lưng đấu cật với nhà đầu tư trong việc bố trí vốn tham gia vào dự án BOT nhằm giảm mức phí thu và thời gian thu phí, giảm áp lực chi phí cho người dân.