Báo lãi nghìn tỷ, mảng đầu tư của Vicem vẫn có vấn đề

(BĐT) - Trong lúc những kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng trong việc làm rõ những thông liên quan đến sai phạm, thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng tại Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn chưa được công bố thì mới đây, doanh nghiệp này đã báo lãi ròng 2016 trên 2.564 tỷ đồng, tăng 26,23% so với năm 2015.
Cả nghìn tỷ đồng của Vicem đọng trong hoạt động đầu tư tài chính và bất động sản. Ảnh: Đức Trung
Cả nghìn tỷ đồng của Vicem đọng trong hoạt động đầu tư tài chính và bất động sản. Ảnh: Đức Trung

Lãi ròng tăng mạnh

Trực thuộc Bộ Xây dựng, Vicem hiện đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - tổng công ty với chức năng chính là quản lý, điều tiết hoạt động sản xuất và kinh doanh tại các đơn vị thành viên. Qua đó, doanh thu hợp nhất hàng năm của Vicem sẽ đến từ hai mảng chính: doanh thu bán xi măng và doanh thu từ bán clinker.   

Kết thúc năm 2016, Vicem đạt doanh thu thuần là 26.528 tỷ đồng, tăng 8,41% so với năm 2015. Trong đó mảng sản xuất và kinh doanh xi măng đạt 23,874 tỷ đồng, chiếm gần 90% doanh thu thuần (mức bình quân hàng năm chỉ khoảng 82 - 85% doanh thu thuần). Hoạt động kinh doanh clinker sau sự tăng trưởng đột biến trong năm 2014 đã chững lại và ở quanh mức 2.035 tỷ đồng năm 2016.

Điểm đáng chú ý nhất trong kết quả kinh doanh của Vicem là sự tăng trưởng mạnh lãi ròng sau thuế tại công ty mẹ năm 2016. Công ty báo lãi lên tới 2.564 tỷ đồng, tăng 26,23% so với năm 2015 và gấp khoảng 2,7 lần so với lợi nhuận Tổng công ty năm 2014. Nguyên nhân chính tạo nên sự tăng trưởng đột biến này đến từ sự tiết giảm các chi phí hoạt động trong năm (tỷ trọng giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần của mảng sản xuất, kinh doanh xi măng đã giảm từ mức bình quân 78,35% xuống chỉ còn 76% trong năm 2016). Tiếp đến, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng được tiết giảm mạnh lần lượt chỉ còn 4,55% và 4,3% doanh thu thuần 2016.

Bên cạnh đó, lợi nhuận thu về từ các công ty liên doanh, liên kết năm 2016 đạt 836,68 tỷ đồng, tăng 1,74 lần so với 2015 cũng là một trong những nhân tố tích cực giúp kết quả kinh doanh của Vicem khởi sắc. 

Nghìn tỷ “ứ đọng” vì đầu tư ngoài ngành

Ai là người chịu trách nhiệm trong việc phê duyệt tính khả thi của khoản góp vốn, đầu tư bất động sản khiến hàng nghìn tỷ đồng bị ứ đọng, thất thoát trong thời gian qua? Câu hỏi được nhiều lần đặt ra song câu trả lời vẫn là một ẩn số.
Kết quả kinh doanh khởi sắc, song cơ cấu tài chính của Vicem còn khá nhiều điểm yếu chưa được xử lý. Đầu tiên là khoản 394,36 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào 6 công ty bao gồm: Công ty Tài chính xi măng, Cao su Bến Thành, Cao su Đồng Phú - Kratie, Cao su Đồng Nai - Kratie, Tấm lợp Vật liệu xây dựng Đồng Nai và Nguyễn Quang Sài Gòn Ô tô.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1013/QĐ-TTg ban hành ngày 26/6/2013 Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vicem giai đoạn 2013 - 2015 thì Vicem phải thực hiện thoái vốn 100% vốn đầu tư tại các doanh nghiệp trên. Thế nhưng sau gần 3 năm thực hiện tái cơ cấu, Vicem mới chỉ chuyển nhượng được phần vốn góp trị giá hơn 10 tỷ đồng tại Nguyễn Quang Sài Gòn. Tại thời điểm 31/12/2016, Tổng công ty phải trích lập dự phòng 59,25 tỷ đồng đối với khoản mục đầu tư này.

Tiếp đến là khoảng 763 tỷ đồng ứ đọng tại Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (Khu đô thị mới Cầu Giấy). Dự án được xây dựng trở thành trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê gồm 31 tầng nổi, 4 tầng hầm với diện tích đất 8.476 m2, tổng mức đầu tư 1.482 tỷ đồng. Thế nhưng sau màn khởi công hoành tráng vào tháng 5/2011, đến nay Dự án mới chỉ hoàn thiện phần thô và gần như ngưng tiến độ. Về vấn đề này Tổng công ty đã có Văn bản số 398/VICEM-HĐTV ngày 2/3/2016 xin ý kiến Bộ Xây dựng về việc tìm kiếm đối tác nhận chuyển nhượng Dự án song hiện tại vẫn chưa được phê duyệt.   

Trong khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang còn có 2 khoản đầu tư bất động sản có tổng giá trị trên 185 tỷ đồng. Trong đó phải kể đến khoản đầu tư vào Dự án Khu đô thị Xi măng Hải phòng có giá trị trên 125 tỷ đồng. Đối với dự án này, Chính phủ đã thống nhất chủ trương không tiếp tục đầu tư và yêu cầu Tổng công ty bàn giao lại đất cho UBND thành phố Hải Phòng trong tháng 3/2015. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, toàn bộ chi phí đã đầu tư Dự án vẫn chưa được hoàn trả. Đối với Dự án Xây dựng khu tổng hợp Vĩnh Tuy, tổng chi phí Vicem đã bỏ ra là hơn 60 tỷ đồng song vẫn chưa được cấp giấy phép đầu tư.

Trước thực trạng này, Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu Vicem phải thực hiện ngay những giải pháp để tránh tình trạng tồn đọng vốn tại các khoản đầu tư ngoài ngành tại Kết luận thanh tra số 402-KL-TTr ngày 14/10/2016. Lối thoát duy nhất cho Vicem là tìm kiếm các đối tác để chuyển nhượng dự án và phần vốn góp dài hạn tại các công ty khác. Tuy nhiên, sẽ không dễ dàng bởi vì hầu hết các doanh nghiệp mà Vicem góp vốn đều hoạt động không hiệu quả, còn các dự án thì chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý hoặc đang “chết lâm sàng”.

Vậy ai là người chịu trách nhiệm trong việc phê duyệt tính khả thi của khoản góp vốn, đầu tư bất động sản khiến hàng nghìn tỷ đồng bị ứ đọng, thất thoát trong thời gian qua? Câu hỏi được nhiều lần đặt ra song câu trả lời vẫn là một ẩn số.

Chuyên đề