Mức trách nhiệm của bảo hiểm theo quy định hiện hành chưa theo kịp với biến động ngày càng tăng của giá dịch vụ y tế. Ảnh: Duy Vũ |
Theo quy định hiện hành, bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Mức phí bảo hiểm đối với xe máy từ 50cc trở xuống là 55.000 đồng, trên 50cc là 66.000 đồng.
Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính cho biết, trên thực tế, ngoài việc tham gia hợp đồng bảo hiểm TNDS bắt buộc, chủ xe cơ giới có thể thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm để tham gia hợp đồng bảo hiểm tự nguyện về trách nhiệm đối với người ngồi trên xe (không phải lái xe). Phí bảo hiểm đối với bảo hiểm tự nguyện này là 10.000 đồng/người/năm, xe máy được chở tối đa 2 người có giá 20.000 đồng/2 người/năm.
Thống kê của Bộ Tài chính từ năm 2008 đến nay, số lượt xe máy tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS vào khoảng 93,5 triệu; đã giải quyết bồi thường bảo hiểm cho 101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ.
Trước phản ánh về tình trạng loạn giá bảo hiểm xe máy trong thời gian gần đây, ông Khánh cho biết, từ 25/5, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ có đợt kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật của ngành bảo hiểm. “Dù bất cứ xảy ra sai phạm từ đại lý bảo hiểm hay người bán bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải chịu trách nhiệm chứ không đẩy thiệt hại về cho người mua bảo hiểm”, ông Khánh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng thừa nhận là việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe máy vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Cụ thể, mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định hiện hành chưa theo kịp với biến động ngày càng tăng của giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí sửa chữa, thay thế tài sản bị thiệt hại trong các vụ tai nạn do xe cơ giới gây ra. Phí bảo hiểm mặc dù đã được quy định trên cơ sở rủi ro liên quan phương tiện (đến loại xe, mục đích sử dụng xe) nhưng chưa căn cứ vào rủi ro liên quan chủ xe, lái xe (lịch sử tai nạn, vi phạm giao thông), do đó chưa phát huy tối đa vai trò công cụ kinh tế trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Đáng chú ý, hồ sơ yêu cầu bồi thường gây khó cho người mua bảo hiểm. Theo ông Phùng Ngọc Khánh, thủ tục yêu cầu bồi thường rườm rà, đặc biệt là việc thu thập các tài liệu liên quan đến tai nạn giao thông từ các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan công an. Khi xảy ra tai nạn, có trường hợp gọi cơ quan chức năng thì được trả lời hai bên nên tự thỏa thuận, cũng có tình trạng chủ xe báo có tai nạn nhưng người của công ty bảo hiểm không đến ngay.
Để khắc phục căn cơ tình trạng này, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị sửa đổi Nghị định 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới và Thông tư 22/2016/TT-BTC về quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm. Theo đó, sẽ quy định về hồ sơ bồi thường bảo hiểm theo hướng giảm gánh nặng thủ tục cho chủ xe, lái xe và tăng trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm.
Mặt khác, căn cứ vào mức phí bồi thường để quy định thủ tục. Không nhất thiết tất cả các vụ việc phải có biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn của cơ quan chức năng, biên bản xác minh vụ tai nạn giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe…
“Chúng tôi đang tính đến đề xuất đơn giản hóa thủ tục hơn nữa, chẳng hạn, không đòi hỏi phải có biên bản khám nghiệm hiện trường với những vụ tai nạn có số tiền bồi thường dưới 10 triệu đồng/vụ. Nội dung sửa đổi sắp tới sẽ theo hướng mức phí bảo hiểm tương ứng với rủi ro của xe, chủ xe và người lái xe, tăng mức bồi thường”, ông Khánh nói.
Dự kiến trong tháng này, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với hồ sơ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP. Đồng thời, cơ quan này cũng đang nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2021.