Bảo đảm đa mục tiêu khi triển khai gói hỗ trợ lần 2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hai gói hỗ trợ của Chính phủ, một về tài khóa như giãn, giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất, một về hỗ trợ an sinh xã hội đã phần nào phát huy tác dụng. Nhiều ý kiến cho rằng, tiếp tục hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp trụ được trong dịch Covid-19 và hồi phục sau dịch là cần thiết. Song, cần thay đổi cách tiếp cận và phân nhóm đối tượng để nguồn lực hỗ trợ đạt hiệu quả.
Phạm vi hỗ trợ của gói hỗ trợ kinh tế lần 2 sẽ không chỉ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn hướng tới các doanh nghiệp lớn, có tác động lan tỏa đang gặp khó do Covid-19. Ảnh: Lê Tiên
Phạm vi hỗ trợ của gói hỗ trợ kinh tế lần 2 sẽ không chỉ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn hướng tới các doanh nghiệp lớn, có tác động lan tỏa đang gặp khó do Covid-19. Ảnh: Lê Tiên

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dựa trên những đánh giá sơ bộ về tiến độ và hiệu quả của các gói hỗ trợ đã được thực hiện từ tháng 4 đến nay, việc gia hạn các chính sách đã và đang thực hiện được đề xuất. Bên cạnh đó, ý tưởng về gói hỗ trợ lần 2 với liều lượng đủ lớn và đủ mạnh sẽ được cân nhắc thảo luận hướng tới bảo đảm đa mục tiêu chứ không đơn thuần là kích thích kinh tế.

Theo đó, phạm vi hỗ trợ sẽ không chỉ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động duy trì sản xuất, kinh doanh mà còn hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp lớn gặp khó khăn do thiếu hụt dòng tiền khi doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng, chi phí cố định và chi phí hoạt động lớn. Từ kinh nghiệm thực hiện các biện pháp hỗ trợ trước đây, việc cụ thể hóa các điều kiện để vừa bảo đảm cho doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi vừa giảm thiểu rủi ro, trách nhiệm cho cơ quan tổ chức thực thi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Nêu quan điểm về điều này, PGS. TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, chiến lược cứu doanh nghiệp trong những tháng tới đây cần phải có lựa chọn tốt hơn. Theo đó, cần cứu những doanh nghiệp khỏe, doanh nghiệp có tác động lan tỏa và có sức kéo nền kinh tế. Tiếp đến, các doanh nghiệp khỏe phải có trách nhiệm cứu doanh nghiệp yếu hơn, chẳng hạn những doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hoặc chuỗi hoạt động của họ.

Tại Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 8/2020 vừa công bố, Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV đề xuất Chính phủ cần sớm xây dựng một số chính sách, gói hỗ trợ bổ sung (giai đoạn 2) từ quý IV/2020 đến hết năm 2021.

Trong đó, gói tài khóa bao gồm: tiếp tục gia hạn giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất thêm 10 tháng nữa (đến hết tháng 6/2021); sớm cụ thể hóa quy định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Luật Hỗ trợ DNNVV với thời hạn hiệu lực từ năm 2021 với mức giảm từ 20% xuống 15 - 17% …

Về gói tiền tệ - tín dụng, Viện này đề xuất áp dụng lãi suất vay ưu đãi cho một số đối tượng rõ ràng, minh bạch, có lộ trình kết thúc. Cụ thể, cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi cho một số doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính trong một số lĩnh vực như vận tải, du lịch, dệt may, da giày, giáo dục - đào tạo… Các doanh nghiệp này phải đáp ứng ít nhất 5 tiêu chí: tính lan tỏa (tác động tích cực tới các ngành, lĩnh vực khác); lao động (tạo nhiều việc làm); có khả năng áp dụng công nghệ và năng lượng sạch; có khả năng phục hồi; cam kết không sa thải nhân viên (hoặc không quá 10%).

Trong khi đó, theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI), gói hỗ trợ tiếp theo vẫn nên chú trọng từ chính sách tài khóa, tức là tiếp tục giảm các khoản đóng góp của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước và tăng hỗ trợ cho người lao động chịu ảnh hưởng.

Tuy nhiên, cách tiếp cận nhóm đối tượng theo các tiêu chí cụ thể trước đây về doanh thu, số lao động gây khó và làm chậm việc thụ hưởng chính sách. Vì thế, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp yếu chưa kịp nhận hỗ trợ thì đã dừng hoạt động. Từ kinh nghiệm đó, có thể thay đổi cách tiếp cận theo hướng rộng hơn, chẳng hạn hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp trong một hoặc một số lĩnh vực nào đó chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid. Với cách làm đó, đối tượng chịu tác động ít hay nhiều của cùng một nhóm đều có thể được hưởng lợi. Dù có thể một phần nào đó không xác đáng, song chính sách sẽ được thực thi kịp thời và có ý nghĩa hơn.

Còn về chính sách tiền tệ, theo ông Đinh Tuấn Minh, không nên và cũng không thể can thiệp vào hoạt động của các ngân hàng TMCP bởi họ là những doanh nghiệp cũng chịu tác động của dịch Covid-19. “Trong mọi hoàn cảnh, doanh nghiệp là nguồn sống của ngân hàng nên các ngân hàng sẽ tìm cách chọn lọc và hỗ trợ khách hàng của họ một cách phù hợp nhất”, ông Minh nhấn mạnh.

Chuyên đề