TP.HCM hoàn thành đề án đưa 5 huyện lên quận hoặc thành phố trong quý I/2023
Đề án chuyển các huyện lên quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM đang được khẩn trương thực hiện, dự kiến hoàn thành vào quý I/2023.
TP.HCM hoàn thành đề án đưa 5 huyện lên quận hoặc thành phố trong quý I/2023 |
Thông tin trên được ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ 8, HĐND TP.HCM khóa X, sáng 8/12.
Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, hiện các sở ngành đang triển khai 5 đề án nhánh: kinh tế đô thị, văn hóa đô thị, hạ tầng đô thị, con người đô thị và quản lý nhà nước. Các đề án nhánh là khung pháp lý để xây dựng, phát triển các huyện thành quận hoặc thành phố văn minh, hiện đại.
Bên cạnh đó, các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè cũng đang rà soát, đánh giá hiện trạng từng loại tiêu chí (dân số, diện tích, số đơn vị hành chính, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị) theo các tiêu chuẩn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ đó, các địa phương đề xuất mô hình đơn vị hành chính đô thị cần thiết phù hợp với thế mạnh, đặc thù của huyện.
Hiện các sở ngành đang khẩn trương thực hiện các đề án nhánh trong tháng 12 và sẽ hoàn thành trong quý I/2023.
Về phía 5 huyện, lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu trước mắt cần tập trung nghiên cứu quy hoạch không gian, hình thành bộ khung về kết cấu hạ tầng, các trục giao thông quan trọng, các tuyến đường huyết mạch, các khu đô thị lớn cùng với các thiết chế văn hóa - xã hội đi kèm.
Từ đó đề xuất các giải pháp, đề án, chương trình để đầu tư xây dựng các huyện phát triển trở thành đô thị vệ tinh của TP.HCM.
Sau khi các huyện đạt tiêu chuẩn theo quy định, TP.HCM sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mô hình phù hợp với từng huyện.
Trước đó, Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, qua đánh giá sơ bộ, so với 30 tiêu chí của cấp quận, huyện Hóc Môn đạt 23/30 tiêu chí; Bình Chánh đạt 26/30, Nhà Bè 23/30, Củ Chi 23/30 và huyện Cần Giờ đạt 19/30.
Chi sai hơn 200 tỷ đồng trong phòng, chống dịch Covid-19 ở Khánh Hòa
Thanh tra tỉnh Khánh Hòa phát hiện sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 ở tỉnh này với số tiền hơn 200 tỷ đồng.
Trong đó, nổi lên sai phạm trong công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine |
Ngày 8/12, Thanh tra tỉnh Khánh Hòa vừa có báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2022.
Theo báo cáo trên, toàn ngành Thanh tra tỉnh Khánh Hòa đã triển khai 78 cuộc thanh tra, qua đó đã ban hành kết luận thanh tra 58 cuộc, đang dự thảo kết luận thanh tra 5 cuộc và 15 cuộc đang tiến hành trong thời hạn quy định.
Qua thanh tra, phát hiện sai phạm về kinh tế với số tiền hơn 216 tỷ đồng và 640 m2 đất.
Trong số tiền trên, nổi lên sai phạm trong công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa với số tiền hơn 204,5 tỷ đồng.
Hiện thanh tra Tỉnh đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 8,7 tỷ đồng, xử lý khác gần 75 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra số tiền gần 121 tỷ đồng. Đồng thời kiến nghị xử lý trách nhiệm 4 tổ chức.
Liên quan đến vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Khánh Hòa, trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh này đã khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa (CDC Khánh Hòa).
Các bị can bị khởi tố gồm ông Huỳnh Văn Dõng, Giám đốc CDC Khánh Hòa; Trần Quốc Huy, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính CDC Khánh Hòa và bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Phòng Dự án Công ty TNHH Phát triển Công nghệ ứng dụng Việt Nam.
Cơ quan CSĐT xác định, ông Dõng đã nhận hàng tỷ đồng tiền "hoa hồng" trong việc mua, bán kít xét nghiệm với sự giúp sức của Trần Quốc Huy và Nguyễn Thị Thúy.
Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo đề nghị đưa cổ phiếu ITA ra khỏi diện cảnh báo
Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán ITA) vừa có công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (Hose) báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo quý IV/2022.
Một góc Khu công nghiệp Tân Tạo |
Theo Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, Công ty đã thực hiện giải trình và báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh.
Về việc báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo trong quý IV này, Công ty đã báo cáo và khắc phục hoàn toàn trong quý III/2022. Trong quý IV này, Công ty không phát sinh lỗi vi phạm và không cần phải khắc phục.
Đến thời điểm hiện tại, ngoài việc khắc phục hết các nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo, Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo đã thực hiện đúng những quy định về công bố thông tin và thực hiện giải trình đầy đủ những thông tin yêu cầu của Hose và Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước.
Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo đề nghị Hose xem xét đưa cổ phiếu ITA ra khỏi diện cảnh báo theo quy định.
Khánh Hòa muốn phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu
Đánh giá việc huy động nguồn lực kinh tế xã hội, cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển là giải pháp tốt, Khánh Hòa muốn phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu.
Một góc TP. Nha Trang (Khánh Hòa) nhìn từ trên cao |
Nội dung trên nằm trong đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2023, được UBND Khánh Hòa trình HĐND Tỉnh để xem xét thông qua Nghị quyết phê duyệt đề án này.
Đây cũng là cơ sở lấy ý kiến của Bộ Tài chính và tổ chức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương này, theo Nghị định 93-2018 của Chính phủ.
Theo tờ trình, Khánh Hòa dự kiến phát hành trái phiếu tập trung một đợt vào tháng 7/2023 với 1.000 tỷ đồng. Trái phiếu này có kỳ hạn 7 năm và 10 năm và cơ cấu cụ thể của từng loại kỳ hạn tùy thuộc vào nhu cầu của các nhà đầu tư và tình hình thị trường tại thời điểm phát hành.
Trái phiếu được đấu thầu phát hành tại tổ chức thực hiện đấu thầu công nợ Chính phủ hoặc bảo lãnh phát hành thông qua các công ty chứng khoán, ngân hàng, tổ chức tài chính.
Tỉnh cũng cam kết bố trí ngân sách để thanh toán nợ gốc, lãi, trái phiếu đầy đủ, đúng hạn. Cùng với đó, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác khai thác, quản lý và bồi dưỡng nguồn thu, tăng cường huy động các nguồn lực để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 55/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh.
Theo tỉnh Khánh Hòa, động thái lập tờ trình HĐND xem xét thông qua nghị quyết về đề án phát hành trái phiếu được xem là giải pháp cần thiết để huy động nguồn lực kinh tế xã hội, đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, trái phiếu chính quyền địa phương do UBND Khánh Hòa phát hành cũng nhằm đảo bảo cân đối nguồn đầu tư phát triển để thực hiện các chương trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công được HĐND Tỉnh thông qua.
TP.HCM có thể cần tuyển mới 320.000 lao động
Nếu kinh tế toàn cầu chuyển biến tích cực, doanh nghiệp tăng đơn hàng, mở rộng sản xuất, vào năm 2023 thành phố sẽ cần 300.000 - 320.000 lao động.
Công nhân may Nhà Bè ở Quận 7 trong giờ sản xuất. |
Ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi) cho biết, nhu cầu tuyển mới lao động của Thành phố tùy thuộc vào các kịch bản tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Nếu kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục chậm lại, đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, kinh tế Thành phố vẫn tăng trưởng, tiêu dùng trong nước sẽ bù đắp một phần sụt giảm. Với tình huống này, dự kiến nhu cầu lao động năm 2023 sẽ là 280.000 - 300.000 người. Ngược lại ở kịch bản tích cực, con số này sẽ là 300.000 - 320.000. Trong đó, quý I/2023, Thành phố cần khoảng 79.000 - 87.000 lao động.
Theo phân tích của Falmi, gần 70% nhu cầu tuyển mới tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ, nhu cầu của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 30%. Nếu phân loại theo trình độ chuyên môn, nhu cầu nhân lực có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên chiếm gần 38%. Doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm gần 90% nhu cầu tuyển dụng.
Ông Vân cho hay, dự báo nhu cầu nhân lực năm 2023 được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng kinh tế Thành phố, tình hình kiểm soát dịch và nhu cầu tuyển dụng lao động.
Tổng lượng tiêu thụ thép thấp nhất hai năm
Tổng lượng tiêu thụ thép toàn ngành tháng 10 giảm về mức thấp nhất hai năm trong bối cảnh các dự án bất động sản và đầu tư công chậm lại.
Tổng lượng tiêu thụ thép toàn ngành tháng 10 giảm về mức thấp nhất hai năm |
Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát báo cáo sản xuất 384.000 tấn thép thô trong tháng 11, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hàng các sản phẩm thép đạt 443.000 tấn, giảm 30%. Trong đó, thép xây dựng tăng 20% so với tháng 10 nhưng vẫn giảm 7% so với cùng kỳ 2021, còn thép cuộn cán nóng (HRC) giảm mạnh hơn, khoảng 12%.
Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại Thép Nam Kim (NKG). Theo Chứng khoán DSC, sản lượng tiêu thụ tôn mạ trong quý III của Công ty đạt 131.121 tấn, giảm hơn 49%. Trong đó, sản lượng xuất khẩu - vốn chiếm hai phần ba tỷ trọng, giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong quý vừa qua, sản lượng tiêu thụ thép của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) giảm 44% so với cùng kỳ 2021, xuống 313.000 tấn, theo SSI Research. Trong đó sản lượng xuất khẩu giảm 76%, còn sản lượng tiêu thụ nội địa tăng 32% từ mức nền thấp của kỳ trước...
Không chỉ Hòa Phát, Nam Kim hay Hoa Sen, số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy tình hình kém khả quan của toàn ngành. Trong tháng 10, sản xuất thép thành phẩm đạt hơn hai triệu tấn, giảm 16% so với tháng 9 và giảm gần 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hàng thép các loại đạt gần 1,9 triệu tấn, giảm nhẹ so với tháng trước nhưng giảm tới 29% so với cùng kỳ 2021. Sức tiêu thụ thép các loại thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Chênh lệch giữa sản xuất và tiêu thụ vào khoảng 158.000 tấn.
Theo VSA, kinh tế Việt Nam trong 10 tháng đầu năm khá ổn định, các cân đối vĩ mô đưa ra triển vọng, lạm phát trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành, đặc biệt ngành thép trong nước đối mặt nhiều khó khăn có khả năng kéo dài đến quý II/2023.
TP.HCM tìm cách thu hút vốn đầu tư công cho năm 2023
Nhu cầu đầu tư lớn nhưng ngân sách hạn hẹp và thiếu vốn, năm tới TP.HCM tìm cách thu hút nguồn vốn từ xã hội, kiều bào.
Các đoàn tàu Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đặt tại Depot Long Bình (TP .Thủ Đức), |
Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cho biết, năm tới thành phố thiếu nguồn vốn đầu tư công. Hạn mức Trung ương phân bổ cho TP.HCM là 55.000 tỷ đồng, nhưng sau khi rà soát các nguồn, Thành phố chỉ cân đối tối đa 45.000 tỷ đồng, thiếu 10.000 tỷ đồng. Thành phố vạch ra ba nguồn để bù vào khoảng trống này.
Nguồn thu đầu tiên, Thành phố sẽ đấu giá nhà đất, giống như đã làm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Song, thị trường bất động sản đang khó khăn nên phải cân nhắc, không để bán rẻ tài sản công. Nguồn thu thứ hai là ở các địa phương, và thứ ba là các nguồn thu từ Nghị quyết 54.
Tuy nhiên, theo ông Mãi, dù có đủ 55.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cho năm 2023 cũng chưa đáp ứng hết nhu cầu vốn của Thành phố. Vì vậy chính quyền Thành phố đề ra giải pháp huy động nguồn lực xã hội từ 4 nguồn: tài sản công, ODA, quỹ FDI và doanh nghiệp nhà nước.
Với nguồn vốn ODA, Thành phố nhận thấy không thiếu, nhưng sẽ cân nhắc tiếp cận nguồn nào và làm sao đảm bảo thời gian hiệu quả. TP.HCM đang có hướng tiếp cận các quỹ như môi trường, biến đổi khí hậu để giải quyết vấn đề hạ tầng, ngập, ùn tắc. Quý I năm tới, Thành phố ban hành đề án huy động nguồn đầu tư xã hội, trong đó quy định chính sách để thu hút.
Thành phố đang hoàn thiện đề án phát huy nguồn kiều hối - dòng vốn hàng năm tương đương nguồn đầu tư nước ngoài. Nếu có chính sách tiếp cận, dòng tiền này chảy vào đầu tư chứ không phải tiêu dùng hay mua sắm tài sản cố định khác.
Về nguồn vốn từ các doanh nghiệp nhà nước do TP.HCM quản lý, năm 2023, Thành phố tập trung củng cố để phát huy nguồn lực. Bởi nhiều doanh nghiệp có vốn nhưng chưa đưa vào đầu tư, sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế...
Hơn 2.400 mã sản phẩm được cấp phép xuất sang Trung Quốc
Đến tháng 12, Trung Quốc đã cấp 2.426 mã sản phẩm cho doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu vào thị trường này.
Trung Quốc đã cấp 2.426 mã sản phẩm cho doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu |
Với Lệnh 248 (quy định quản lý và đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm, có hiệu lực từ 1/1/2022) và Lệnh 249 (biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu) của Trung Quốc, doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu hàng hoá vào thị trường này phải đăng ký và được cấp mã số để theo dõi.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng thông báo điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), đến nay, Trung Quốc đã cấp 2.426 mã sản phẩm cho khoảng 2.000 doanh nghiệp Việt. Trong số đó, 51% mã được đăng ký qua cơ quan có thẩm quyền, số còn lại là doanh nghiệp tự khai báo qua hệ thống trực tuyến của Hải quan Trung Quốc. Số lượng mã số được cấp phép cho Việt Nam là tương đối lớn so với các nước trong khu vực.
Theo ông Nam, về ngành hàng, thuỷ sản được cấp phép nhiều nhất với 802 mã số, kế đến là các sản phẩm về hạt như: Điều, cà phê, dầu thực vật. Hiện các sản phẩm chức năng được cấp phép ít nhất.
Đánh giá chung, ông Nam cho biết, hiện có nhiều doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ hai lệnh trên dẫn đến việc triển khai còn nhiều lúng túng, khiến việc thông quan bị chậm.
Ngoài ra, đại diện Văn phòng SPS Việt Nam cũng lưu ý các doanh nghiệp việc Trung Quốc đang ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn cao về nông sản, thực phẩm. Theo đó, nước này đã thay đổi 10.092 mức dư lượng tối đa cho phép của 564 thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục 376 thực phẩm.