Bản tin thời sự sáng 9/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Ngân hàng Nhà nước bán ra 13 tấn vàng; giá USD ngân hàng và USD tự do ngày 8/11 quay đầu giảm mạnh; ông Nguyễn Văn Phong được phân công làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; sẽ không thông quan hàng mua sàn online chưa đăng ký…

Ngân hàng Nhà nước bán ra 13 tấn vàng

Từ 19/4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng 354.100 lượng vàng miếng, tương đương 13 tấn vàng ra thị trường.

Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng 354.100 lượng vàng miếng

Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng 354.100 lượng vàng miếng

Thông tin này được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội. Theo đó, bà Hồng cho biết, từ 13/6 - 29/10, gần 11,5 tấn vàng đã được cơ quan quản lý bán trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), thông qua đó phân phối lại cho người dân.

Trước đó, từ 19/4 - 23/5, thông qua 9 phiên đấu thầu vàng miếng, nhà chức trách đã tung ra thị trường 48.500 lượng vàng miếng, tương đương 1,82 tấn.

Như vậy, từ 19/4 đến nay, cơ quan quản lý đã cung ứng thêm cho thị trường 354.100 lượng, tương đương khoảng 13 tấn vàng. Thông qua biện pháp can thiệp "ấn định" giá bán gần đây, vàng miếng SJC hiện về sát hơn với thế giới, mức chênh lệch khoảng 3 - 5 triệu đồng một lượng, tùy thời điểm.

Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước đánh giá, thị trường vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Cơ quan này cho hay, một số sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng 99,99% được sử dụng có tính chất như vàng miếng (không ngoại trừ nguyên liệu để sản xuất từ nguồn vàng nhập lậu). Hiện tượng này, theo cơ quan quản lý, dễ bị lợi dụng làm giảm hiệu quả quản lý thị trường vàng miếng của Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Ngân hàng Nhà nước nhận định, giá thế giới liên tục tăng cao, cùng những khó khăn của các kênh đầu tư khác (bất động sản đóng băng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp...) khiến kim loại quý trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nhu cầu mua chủ yếu tập trung tại 2 đô thị lớn là Hà Nội, TP.HCM và có yếu tố tâm lý, kỳ vọng.

Bên cạnh đó, cơ quan này nói không loại trừ khả năng có sự tồn tại của các hành vi thao túng thị trường, dẫn đến tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước và thế giới…

Cả nước hiện có 16 doanh nghiệp và 22 tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Bên cạnh đó, hơn 6.680 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Giá USD ngân hàng và USD tự do ngày 8/11 quay đầu giảm mạnh

Giá USD ngân hàng và tự do giảm mạnh theo đà suy yếu của đồng bạc xanh trên thị trường thế giới. Có ngân hàng hạ giá USD gần 100 đồng chiều mua. Còn giá USD tự do mua vào cũng giảm tới hơn 200 đồng.

Giá USD tự do giảm mạnh

Giá USD tự do giảm mạnh

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam với đồng USD được Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 8/11 là 24.278 đồng/USD, giảm 5 đồng so với 7/11.

Áp dụng biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch trong ngày 8/11 với tỷ giá trần là 25.492 đồng/USD và tỷ giá sàn là 23.064 đồng/USD.

Tỷ giá USD tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 23.400 - 25.450 đồng/USD (mua vào - bán ra).

Tại các ngân hàng thương mại, giá USD ngày 8/11 được điều chỉnh giảm ở cả chiều mua vào và bán ra.

Ở chiều bán ra, giá USD tại các ngân hàng thương mại cùng giảm 6 đồng so với mức niêm yết ngày 7/11 và đều niêm yết ở mức kịch trần 25.491 đồng/USD.

Ở chiều mua vào, các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm giá đồng bạc xanh, trong đó có ngân hàng hạ tới gần 100 đồng so với mức niêm yết đầu giờ sáng 7/11.

Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch ngày 8/11, Vietcombank hạ giá USD mua vào tiền mặt xuống mức 25.121 đồng/USD, giảm 46 đồng so với đầu phiên giao dịch ngày 7/11.

Tương tự, so với đầu giờ sáng 7/11, BIDV cũng giảm 6 đồng với giá đồng bạc xanh ở chiều mua, đưa giá về mức 25.191 đồng/USD. VietinBank hạ giá USD ở chiều mua vào về mức 25.145 đồng/USD, giảm 76 đồng.

Ở khối ngân hàng tư nhân, Techcombank hạ giá USD mua vào rẻ hơn tới 98 đồng, về mức 25.107 đồng/USD.

Sacombank cũng giảm giá USD mua vào về mức 25.210 đồng/USD, rẻ hơn 90 đồng.

Còn Eximbank hạ giá USD mua vào tiền mặt xuống mức 25.120 đồng/USD, giảm 50 đồng so với mức niêm yết sáng 7/11.

Cùng xu hướng, giá USD trên thị trường tự do quay đầu giảm mạnh ở chiều mua sau khi tăng tới 145 đồng ở phiên trước đó.

Các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do sáng 8/11 giao dịch USD với mức giá phổ biến 25.500 - 25.800 đồng/USD (mua - bán). So với phiên trước, giá USD tự do ngày 8/11 hạ 245 đồng ở chiều mua và giảm 45 đồng ở chiều bán.

Ông Nguyễn Văn Phong được phân công làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định phân công ông Nguyễn Văn Phong làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội

Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội

Ngày 8/11, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định phân công ông Nguyễn Văn Phong làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trước khi được phân công, ông Nguyễn Văn Phong là Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Phong sinh năm 1968, quê quán ở tỉnh Thái Bình, là Tiến sỹ Giáo dục học. Năm 2020, ông được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; trước đó, ông làm Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

Trước đó, Bộ Chính trị đã quyết định điều động bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy, thôi giữ chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025; điều động đến công tác tại Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam; chỉ định giữ chức Bí thư Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam, nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 11 được tổ chức chiều 6/11, bà Nguyễn Thị Tuyến được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.

Sẽ không thông quan hàng mua sàn online chưa đăng ký

Hải quan các địa phương sẽ không thông quan với hàng mua từ các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký với Bộ Công Thương.

Logo Shein và Temu trên màn hình máy tính và điện thoại

Logo Shein và Temu trên màn hình máy tính và điện thoại

Tại công văn ngày 8/11, Tổng cục Hải quan yêu cầu hải quan các địa phương không thông quan với những tờ khai vận chuyển hàng hóa không có thông tin về website, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Hàng khai đủ thông tin nhưng các website, sàn bán lẻ online chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam cũng không được thông quan.

Cơ quan hải quan địa phương được yêu cầu phải tăng kiểm tra, xử lý trường hợp có dấu hiệu chia hàng thành nhiều gói, kiện nhỏ hoặc khai sai trị giá để né kiểm tra, trốn thuế. Họ cũng phải rà soát các kho do doanh nghiệp chuyển phát nhanh thuê tại các địa điểm tập kết chờ thông quan. Các đơn vị này sẽ bị chấm dứt hoạt động, thu hồi mã kho nếu không đảm bảo điều kiện giám sát, kiểm tra của hải quan.

Gần đây, loạt sàn thương mại điện tử bán hàng giá rẻ vào thị trường Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động. Đây là bất cập trong quản lý và tiềm ẩn rủi ro về hàng giả, kém chất lượng và trốn thuế, theo cơ quan quản lý.

Hôm 24/10, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) xác nhận, Temu đang làm thủ tục đăng ký hoạt động tại Việt Nam với cơ quan này. Song đến chiều 8/11, hệ thống quản lý của Bộ này vẫn chưa cập nhật dữ liệu về việc Temu và một số sàn khác như Shein, 1688... đã hoàn thành đăng ký.

Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương.

Nhưng từ đầu tháng 10, Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo - chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam, vẫn cho người dùng tải ứng dụng (app), mua hàng và thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt. Không riêng Temu, gần đây, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới khác như Shein, 1688 cũng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký…

Từ 11/11, Bộ Công an thêm một 'cổng' đăng ký cấp thị thực điện tử

Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an sẽ nâng cấp cổng thông tin cấp thị thực điện tử (e-visa) với giao diện "hoàn toàn mới" và thêm một cổng từ 11/11 để tạo thuận lợi cho công dân.

Giao diện cổng thông tin cấp e-visa mới sắp vận hành

Giao diện cổng thông tin cấp e-visa mới sắp vận hành

Ngày 8/11, khi đối thoại trực tiếp về giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, đại diện một số doanh nghiệp nêu thực trạng cấp thị thực điện tử (e-visa) và đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A08) có lưu ý để công dân được giải quyết nhanh chóng việc này.

Đại diện A08 cho hay, từ 15/8/2023, thời hạn e-visa đã được nâng lên 90 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nước ngoài nhập cảnh. Vừa qua, nhiều công dân nước ngoài hay truy cập vào địa chỉ trang web không phải "chính thống" của A08 nên không cấp được e-visa.

Hơn nữa, nhiều người truy cập đúng địa chỉ nhưng lại khai thông tin sai hoặc thiếu rất nhiều khiến hồ sơ phải trả lại để bổ sung. Bởi vậy nên mới kéo dài thời gian được cấp e-visa.

A08 khuyến cáo, công dân cần tìm hiểu kỹ về trang thông tin cấp e-visa và khi điền tờ khai cần chính xác, đầy đủ theo hướng dẫn, tránh tình trạng khai sai bị trả hồ sơ. Người xin cấp e-visa cũng phải tìm hiểu kỹ quy định pháp luật về nhập cảnh, quá cảnh, cư trú ở Việt Nam và đặc biệt phải hoạt động đúng theo yêu cầu xin nhập cảnh.

A08 có trang web duy nhất để cấp e-visa tại địa chỉ evisa.xuatnhapcanh.gov.vn và mỗi ngày xét duyệt hơn 15.000 hồ sơ. Từ 11/11, đơn vị sẽ vận hành thêm trang web có tên miền thithucdientu.gov.vn.

"Hai trang web này sẽ vận hành cùng lúc để thuận lợi hơn cho công dân xin cấp e-visa. Trong đó, giao diện mới sẽ được nâng cấp, cải tiến hơn nhiều và có thêm phần giải đáp thắc mắc thường gặp bằng cả tiếng Anh và Việt", lãnh đạo A08 nói.

Hà Nội dự kiến hạn chế phương tiện gây ô nhiễm ở Hồ Gươm

Hồ Gươm, vùng phụ cận và khu phố cổ ở quận Hoàn Kiếm được đề xuất thí điểm hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm để cải thiện chất lượng không khí.

Khu vực Hồ Gươm nhìn từ trên cao

Khu vực Hồ Gươm nhìn từ trên cao

Quận Hoàn Kiếm là đơn vị đầu tiên được chọn thí điểm khu vực phát thải thấp (LEZ). Đến năm 2031, Thành phố khuyến khích tất cả quận, huyện xác lập vùng phát thải thấp. Đây là nội dung mới được Sở Tài nguyên và Môi trường bổ sung vào dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn Hà Nội.

Dự thảo nghị quyết mới đã đưa ra lộ trình cụ thể để thực hiện vùng phát thải thấp. Theo đó, giai đoạn 2025 - 2030, Thành phố sẽ lựa chọn một khu vực ở quận Hoàn Kiếm để thí điểm, sau đó đánh giá hiệu quả và nhân rộng ở các quận huyện. Quận Hoàn Kiếm dự kiến áp dụng vùng phát thải thấp ở khu vực Hồ Gươm, vùng phụ cận và phố cổ với tổng diện tích hơn 145 ha.

Vùng LEZ áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế giao thông và kinh tế để giảm ô nhiễm, trong đó cấm lưu thông xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel, ưu tiên ôtô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe máy đáp ứng tiêu chuẩn mức 2. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tại khu vực phát thải thấp đạt 45 - 50%, 100 xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Những cá nhân, tổ chức sinh sống và làm việc tại vùng LEZ sẽ được ưu tiên lộ trình 12 tháng để chuyển đổi phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải cho phép lưu thông ở vùng này.

Giai đoạn tiếp theo từ năm 2031 - 2035, Thành phố khuyến khích các quận huyện xác lập vùng LEZ và từ năm 2036 trở đi bắt buộc các vùng ô nhiễm không khí phải đầu tư nguồn lực, đảm bảo điều kiện để thực hiện vùng LEZ.

Mục tiêu chính của xây dựng vùng LEZ là hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, việc áp dụng sẽ gặp nhiều khó khăn do hiện chưa có tiêu chuẩn/quy chuẩn khí thải áp dụng cho môtô, xe máy đang lưu hành.

Dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn Hà Nội dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp HĐND Thành phố vào tháng 12 và có hiệu lực từ 1/1/2025.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, đến hết tháng 4, Thành phố có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó trên 1,1 triệu ôtô và hơn 6,9 triệu xe máy với gần 73% xe đã sử dụng trên 10 năm.

Nam Định sắp có khu công nghiệp hỗ trợ đa ngành đầu tiên

Khu công nghiệp Trung Thành (huyện Ý Yên, Nam Định) được thực hiện theo loại hình khu công nghiệp hỗ trợ đầu tiên của Tỉnh. Dự kiến tháng 6/2025, Dự án sẽ được khởi công.

Phối cảnh Dự án Khu công nghiệp Trung Thành

Phối cảnh Dự án Khu công nghiệp Trung Thành

Sáng ngày 8/11, UBND tỉnh Nam Định tổ chức lễ công bố quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Trung Thành.

Dự án được thực hiện tại xã Trung Thành, huyện Ý Yên. Diện tích đất sử dụng là 200 ha, tổng vốn đầu tư 1.657 tỷ đồng. Dự kiến tháng 6/2025, Dự án sẽ được khởi công. Chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Nam Định, thuộc Công ty CP Bất động sản Capella.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, đây là dự án quan trọng của Tỉnh, có quy mô lớn, được thực hiện theo loại hình khu công nghiệp hỗ trợ đầu tiên của Tỉnh.

Mục tiêu của Dự án là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, khu công nghiệp hỗ trợ đa ngành, có công nghệ sản xuất tiên tiến và thân thiện với môi trường như điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo...

Ông Nghị kỳ vọng, Dự án sau khi hoàn thành sẽ là động lực phát triển vùng công nghiệp huyện Ý Yên, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định nói chung và huyện Ý Yên nói riêng.

Chuyên đề