Bản tin thời sự sáng 8/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là xuất hiện tình trạng đầu cơ, gom vàng, Ngân hàng Nhà nước có động thái quyết liệt; Thủ tướng yêu cầu tăng thanh tra livestream bán hàng; vụ AIC trúng thầu tại Bình Thuận, chuyển hồ sơ 10 gói thầu sang cơ quan điều tra…

Xuất hiện tình trạng đầu cơ, gom vàng, Ngân hàng Nhà nước có động thái quyết liệt

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, có đủ nguồn lực và quyết tâm để bình ổn thị trường vàng, kiểm soát chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp. Người dân cần đề cao cảnh giác, tránh bị tác động, lợi dụng bởi các đối tượng có dụng ý xấu.

Ngân hàng Nhà nước cho biết có đủ nguồn lực và quyết tâm bình ổn thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước cho biết có đủ nguồn lực và quyết tâm bình ổn thị trường vàng

Sáng 7/6, NHNN cho biết, thực hiện chủ trương thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, NHNN đang triển khai đồng bộ các giải pháp bình ổn thị trường và đã đạt được những kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, hiện đang lan truyền thông tin thất thiệt về việc NHNN thiếu vàng để bán. Tại nhiều điểm bán vàng, có đối tượng thuê người xếp hàng mua gom vàng với mục tiêu đẩy giá, hưởng chênh lệch, gây bất ổn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế.

NHNN cho biết, đang phối hợp với cơ quan công an để xác minh và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng thị trường. Đồng thời với việc duy trì cung ứng vàng miếng SJC để đáp ứng các nhu cầu chính đáng và hợp pháp của người dân, NHNN cũng sẽ chủ động triển khai các giải pháp để đấu tranh mạnh mẽ với hiện tượng đầu cơ, gom hàng.

Bên cạnh đó, việc thanh tra làm rõ các sai phạm nếu có của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng cũng đang được khẩn trương, quyết liệt triển khai, đặc biệt ở 2 địa bàn Hà Nội và TP.HCM.

Thủ tướng yêu cầu tăng thanh tra livestream bán hàng

Bộ Tài chính được giao thanh, kiểm tra hoạt động livestream bán hàng, nếu cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý.

Màn hình máy tính vận hành buổi livestream của một nhân viên kỹ thuật tại studio

Màn hình máy tính vận hành buổi livestream của một nhân viên kỹ thuật tại studio

Nội dung trên được nêu tại công điện do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký. Hình thức bán hàng qua livestream, đặc biệt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Để siết quản lý thuế với loại hình này, tại công điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tăng thanh, kiểm tra với hoạt động này. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng, nhận hoa hồng từ quảng cáo, bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Thủ tướng yêu cầu chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý.

Thực tế, livestream bán hàng mang lại doanh thu lớn cho người bán và người được thuê livestream.

Tổng cục Thuế cho biết, hiện một số cá nhân có thu nhập hàng chục tỷ đồng từ hoạt động livestream bán hàng tự giác đăng ký thuế, kê khai và nộp thuế. Trong đó, có cá nhân đã nộp thuế hàng tỷ đồng.

Cùng với livestream bán hàng, hoạt động thương mại điện tử đang phát triển mạnh trong những năm qua. Đây là kênh phân phối quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân. Lĩnh vực này cũng giúp phát triển các dịch vụ tài chính, thanh toán điện tử.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, sự phát triển nhanh chóng cũng đặt ra thách thức về quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, kém chất lượng, quản lý thu thuế.

Do đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành siết quản lý trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Bộ Công Thương được giao rà soát các quy định về quản lý thương mại điện tử, xử phạt vi phạm hành chính với sản xuất, mua bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành nghiên cứu giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân kê khai, nộp thuế; có các giải pháp chống thất thu thuế, xử nghiêm vi phạm về thuế, hải quan trong thương mại điện tử. Ngành tài chính cũng được giao xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu quản lý thuế với các bộ, ngành khác như công an, ngân hàng. Việc này giúp định danh, xác thực cá nhân, tổ chức nhằm kiểm soát gian lận, trốn thuế.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tăng kiểm tra, giám sát giao dịch thanh toán điện tử, hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử…

Vụ AIC trúng thầu tại Bình Thuận, chuyển hồ sơ 10 gói thầu sang cơ quan điều tra

Thanh tra tỉnh Bình Thuận vừa có Kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định về đấu thầu, mua sắm tài sản, trang thiết bị đối với các gói thầu do Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) trúng thầu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Hồ sơ dự thầu 3 gói thầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận của Công ty AIC có một số tiêu chí không đạt nhưng đơn vị tư vấn đấu thầu vẫn chấm đạt, tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu

Hồ sơ dự thầu 3 gói thầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận của Công ty AIC có một số tiêu chí không đạt nhưng đơn vị tư vấn đấu thầu vẫn chấm đạt, tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu

Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra đối với 11 gói thầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Bình Thuận.

Đối với 3 gói thầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo, hồ sơ dự thầu của Công ty AIC có một số tiêu chí không đạt nhưng đơn vị tư vấn đấu thầu vẫn chấm đạt, tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu.

Ba gói thầu có giá thiết bị cung cấp cho các chủ đầu tư chênh lệch quá cao so với giá mua đầu vào của Công ty AIC, với tổng số tiền 15,4 tỷ đồng (giá trúng thầu là 27,2 tỷ đồng, giá nhập khẩu hải quan và mua vào là 11,8 tỷ đồng)…

Công ty AIC cung cấp thiết bị không đúng theo hợp đồng về model, thông số kỹ thuật, xuất xứ nhưng Sở ký biên bản nghiệm thu đưa vào sử dụng. Do vậy, có dấu hiệu vi phạm Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng."

Bảy gói thầu do Sở Y tế làm chủ đầu tư đã đưa một số tiêu chí có khả năng hạn chế sự tham gia của nhà thầu vào hồ sơ mời thầu, tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu. Hồ sơ dự thầu của Công ty AIC có một số tiêu chí không đạt nhưng đơn vị tư vấn đấu thầu vẫn chấm đạt, tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu.

Qua thanh tra cho thấy, 6/7 gói thầu có giá thiết bị cung cấp cho các chủ đầu tư chênh lệch quá cao so với giá mua vào của Công ty AIC (hơn 80%), với tổng số tiền 16,6 tỷ đồng (giá trúng thầu là 36,5 tỷ đồng, giá nhập khẩu hải quan là 19,9 tỷ đồng).

Do vậy, 6/7 gói thầu có dấu hiệu vi phạm Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Tương tự, Gói thầu thiết bị tại Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Bình Thuận đã đưa tiêu chí có khả năng hạn chế sự tham gia của nhà thầu vào hồ sơ mời thầu, tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu.

Các thiết bị Công ty AIC cung cấp cho Bệnh viện với giá trị là 12,7 tỷ đồng, trong khi giá đầu vào là 8,7 tỷ đồng, chênh lệch khoảng 4 tỷ đồng, trong đó có 20/36 thiết bị có giá trị tăng 150 - 450%. Qua thanh tra cho thấy, có dấu hiệu vi phạm Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng."

Từ kết quả trên, Thanh tra Tỉnh chuyển hồ sơ, vụ việc của 10/11 gói thầu có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Tỉnh để tiếp tục xử lý theo quy định.

Khởi công Dự án Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn, đoạn cuối của tuyến đường Hồ Chí Minh

Dự án thành phần Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn dài 29 km, đoạn cuối của tuyến đường Hồ Chí Minh, tổng vốn đầu tư 1.665 tỷ đồng được Bộ Giao thông vận tải khởi công sáng 7/6.

Máy móc, thiết bị tập kết tại công trường Dự án Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn

Máy móc, thiết bị tập kết tại công trường Dự án Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn

Điểm đầu của Dự án tại Chợ Chu thuộc huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, điểm cuối tại ngã ba Trung Sơn, giao cắt với Quốc lộ 2C tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Công trình được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật cấp 3 miền núi, vận tốc thiết kế 60 km/h, quy mô 2 làn xe, nền đường rộng 9 - 14 m; dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Đến nay, Dự án đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành 2.488 trong số 2.744 km cần xây dựng và khoảng 258 km tuyến nhánh; còn 256 km đang triển khai. Đoạn Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn là dự án thành phần cuối cùng được đầu tư để nối thông toàn tuyến vào năm 2025.

Đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km, trong đó tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km. Từ năm 2023 đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã đẩy nhanh thi công các đoạn tuyến còn lại để nối thông toàn tuyến vào năm 2025 theo nghị quyết của Quốc hội.

Chủ tịch UBND TP.HCM phê bình 8 cơ quan liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công

Các cơ quan bị phê bình do chậm trễ, chưa giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công.

Giải ngân vốn đầu tư công của 8 cơ quan tại TP.HCM không đạt kế hoạch đề ra. Ảnh minh họa

Giải ngân vốn đầu tư công của 8 cơ quan tại TP.HCM không đạt kế hoạch đề ra. Ảnh minh họa

Ngày 7/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phê bình 8 đơn vị chậm trễ, chưa giải quyết dứt điểm các vướng mắc, kiến nghị đã được UBND TP.HCM chỉ đạo tại Thông báo số 246/2024 và Công văn số 2352/2024, dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công không đạt theo kế hoạch đề ra.

Cụ thể, phê bình Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND Quận 3, Quận 5, Quận 8, quận Bình Thạnh và TP. Thủ Đức.

Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các đơn vị trên khẩn trương giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trước ngày 20/6, không được tiếp tục chậm trễ.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị các sở, ngành, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM tại Công văn số 2352/2024, giải quyết dứt điểm khó khăn vướng mắc trước ngày 20/6; không được tiếp tục chậm trễ. Đồng thời quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP.HCM về rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục đối với các dự án đầu tư công; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ vì lý do chủ quan.

Thủ trưởng các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc TP.HCM tập trung chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện; trực tiếp kiểm tra, giám sát, bám sát tiến độ thực hiện dự án và tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan của các sở ngành; kịp thời báo cáo tiến độ thực hiện cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.HCM để đôn đốc, giám sát và chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc kịp thời, bảo đảm tiến độ đã đề ra.

Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức tập trung đẩy nhanh thực hiện thủ tục đối với 75 dự án liên quan công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thủ tục về môi trường.

Sở Quy hoạch và Kiến trúc, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức tập trung đẩy nhanh giải quyết, hoàn thành thủ tục đối với 41 dự án liên quan công tác điều chỉnh quy hoạch.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Nội vụ đôn đốc, rà soát tiến độ xử lý các nhiệm vụ được giao theo các mốc thời gian được báo cáo; trên cơ sở đó đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ quý II/2024 của các cơ quan, đơn vị.

5 doanh nghiệp hồ tiêu bị "rút ruột" hàng xuất khẩu

Năm doanh nghiệp hồ tiêu phản ánh, hàng xuất khẩu bị "rút ruột” khiến đối tác mua không nhận đủ số lượng như đã giao.

Hạt tiêu được các nhà vườn phơi khô để xuất khẩu

Hạt tiêu được các nhà vườn phơi khô để xuất khẩu

Thông tin trên vừa được Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) thông báo. Theo đó, có 5 doanh nghiệp xuất khẩu bị thiệt hại vì tình trạng "rút ruột" container hàng trong quá trình vận chuyển cho đối tác nước ngoài.

Sau khi hàng tới cảng, nhà nhập khẩu kiểm tra và phát hiện hàng hóa bị thiếu hụt so với hợp đồng. Đặc biệt, trọng lượng container hàng đã bao gồm hàng hóa bên trong thiếu hụt so với số lượng hàng được cân tại cảng.

Đại diện VPSA cho biết, 5 doanh nghiệp này bao gồm cả doanh nghiệp lớn và nhỏ. Mỗi container hàng của họ bị rút ruột từ 1 - 2 tấn tiêu. Qua kết quả điều tra nội bộ, các doanh nghiệp nghi ngờ khả năng hàng bị mất trong thời gian container được hạ bãi chờ xuất tàu.

"Việc hàng hóa giao bị thiếu hụt làm giảm lòng tin của các đối tác quốc tế vào hệ thống logistics của Việt Nam, uy tín của các doanh nghiệp xuất khẩu", VPSA cho hay.

Hiệp hội này đang thu thập thông tin và báo cáo lên Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan để vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngoài ra, VPSA cảnh báo các hội viên và đề nghị những doanh nghiệp gặp tình trạng tương tự cung cấp thông tin để hiệp hội tổng hợp và báo cáo thiệt hại tới nhà chức trách. Hiệp hội cũng đề nghị các doanh nghiệp tăng cường an ninh và thận trọng hơn trong các đơn hàng xuất khẩu tới.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 5, giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.308 USD một tấn, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước. Hạt tiêu cùng với gạo và cà phê là những mặt hàng có giá xuất khẩu tăng cao nhất.

Ngành tiêu Việt Nam chiếm 40% sản lượng và chiếm 60% thị phần thế giới. Theo VPSA, quy mô thị trường hạt tiêu toàn cầu có giá trị khoảng 5,4 tỷ USD và dự báo đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% giai đoạn 2024- 2032.

Vietcombank tăng thêm 4 điểm bán vàng miếng từ ngày 7/6

Vietcombank cho biết, trong ngày 7/6 mở thêm 4 điểm bán vàng cho khách hàng tại TP.HCM và Hà Nội, mỗi thành phố thêm 2 điểm bán nhằm phục vụ nhu cầu của người dân.

Vietcombank là một trong 4 ngân hàng thương mại quốc doanh được bán vàng miếng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước kể từ ngày 3/6

Vietcombank là một trong 4 ngân hàng thương mại quốc doanh được bán vàng miếng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước kể từ ngày 3/6

Từ ngày 7/6, Vietcombank thông báo mở thêm 4 điểm bán vàng miếng SJC giá bình ổn cho người dân, nâng tổng số điểm bán vàng miếng SJC của Ngân hàng lên 10 điểm trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM.

Cụ thể, các điểm bán vàng miếng SJC mới mở thêm của Vietcombank ở trụ sở Chi nhánh Vietcombank Thành Công, số 1 Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa và trụ sở Chi nhánh Vietcombank Chương Dương, số 564 Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên.

Tại TP.HCM, 2 điểm mở mới ở trụ sở Chi nhánh Vietcombank Kỳ Đồng, số 13 - 13 Bis Kỳ Đồng, Phường 9, Quận 3 và trụ sở Chi nhánh Vietcombank Tân Bình, số 108 Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú.

Thời gian giao dịch của các điểm bán vàng miếng của Vietcombank sẽ diễn ra 9h - 11h30 và 13h30 - 16h hàng ngày.

“Cùng với việc gia tăng thêm các điểm bán vàng miếng SJC cho khách hàng, Ngân hàng liên tục tối ưu quy trình, đa dạng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng khi đến giao dịch, góp phần thực hiện thành công giải pháp của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường vàng với mục tiêu sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá quốc tế ở mức phù hợp và bền vững”, Vietcombank cho biết.

Đồng thời, Vietcombank lưu ý, theo khuyến nghị của Ngân hàng Nhà nước, việc thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá quốc tế dẫn tới giá bán vàng của các ngân hàng thương mại nhà nước và SJC có thể còn giảm trong thời gian tới.

Vì vậy, người dân cần thận trọng khi mua vàng trong bối cảnh giá vàng thế giới đầy biến động như hiện nay.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu giám sát chặt xe đưa đón học sinh

Các sở giao thông vận tải (GTVT) được yêu cầu sử dụng hiệu quả thông tin từ camera lắp trên xe hợp đồng đưa đón học sinh để ngăn bi kịch "bỏ quên trẻ nhỏ" tái diễn.

Quy định bắt buộc có camera giám sát bên trong xe đưa đón học sinh đang được áp dụng tại nhiều nước

Quy định bắt buộc có camera giám sát bên trong xe đưa đón học sinh đang được áp dụng tại nhiều nước

Sau vụ việc trẻ mầm non tử vong trên xe đưa đón tại Thái Bình, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố triển khai biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động đưa đón học sinh đến trường bằng xe kinh doanh vận tải.

Theo đó, Bộ GTVT đề nghị sở GTVT phối hợp với sở giáo dục và đào tạo kiểm tra các trường sử dụng xe hợp đồng đưa đón học sinh. Các đơn vị vận tải phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định, đặc biệt là kiểm tra khoang hành khách sau mỗi chuyến đi để đảm bảo không còn học sinh trên xe.

Bên cạnh đó, sở giáo dục và đào tạo cần thường xuyên kiểm tra cơ sở giáo dục sử dụng xe đưa đón học sinh. Tất cả cơ sở giáo dục phải thực hiện quy trình kiểm tra số lượng học sinh khi lên và rời xe, và chỉ ký hợp đồng vận chuyển an toàn với các đơn vị vận tải đủ điều kiện.

Lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt là xe đưa đón học sinh. Các sở, ngành cũng cần tiếp tục thực hiện chỉ thị của Thủ tướng về đảm bảo an toàn giao thông đường bộ cho lứa tuổi học sinh.

Tại tỉnh Thái Bình, các cơ quan chức năng được yêu cầu kiểm tra toàn diện và xử lý nghiêm vi phạm đối với đơn vị vận tải, đồng thời phối hợp với sở giáo dục và đào tạo kiểm tra và xử lý vi phạm.

Chuyên đề