Bản tin thời sự sáng 8/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giảm lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; kiến nghị cho lao động hưởng lương hưu sớm theo nguyện vọng; giá nước sạch Hà Nội sắp tăng lần đầu sau 10 năm; TP. Thủ Đức chuẩn bị chi trả hơn 900 tỷ đồng tiền bồi thường Vành đai 3 TP.HCM…

Giảm lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành ban hành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia.

Cảnh sát hướng dẫn người dân Hà Nội đăng ký các dịch vụ công trực tuyến

Cảnh sát hướng dẫn người dân Hà Nội đăng ký các dịch vụ công trực tuyến

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo cải cách hành chính. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo, các địa phương hoàn thành chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong tháng 6.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu, các bộ, ngành đơn giản thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư và ban hành các quy định bỏ xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi làm thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Những thủ tục chưa sát thực tế, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, đầu tư công, tài chính, ngân sách, định giá đất, giao thông, cần phải sửa đổi.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính đặt mục tiêu nâng cao mức độ hài lòng của người dân với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện thủ tục hành chính. Phấn đấu năm 2023 có 85% người dân hài lòng, năm 2025 đạt 95%; tỷ lệ thủ tục giải quyết đúng hạn đạt hơn 90%.

Cuối năm 2023, cả nước phấn đấu 50% hồ sơ được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng; tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Hậu Giang phải đi đầu về chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính.

Hồi cuối tháng 2, Thủ tướng có chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo; trong đó, giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi về phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Kiến nghị cho lao động hưởng lương hưu sớm theo nguyện vọng

Tám hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị cho nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi, đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu sớm theo nguyện vọng.

Tám hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị cho lao động đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên hưởng lương hưu sớm theo nguyện vọng
Tám hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị cho lao động đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên hưởng lương hưu sớm theo nguyện vọng

Kiến nghị bổ sung quy định điều kiện hưởng lương hưu được các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng: Dệt may, Da giày - Túi xách, Gỗ và Lâm sản, Nhựa, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Điện tử, Thực phẩm minh bạch và Mỹ nghệ - Chế biến gỗ TP.HCM gửi Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan khi góp ý Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Mức lương hưu lao động hưởng theo tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội.

Lý giải về đề xuất trên, 8 hiệp hội cho rằng, đa số lao động hiện nay làm việc chân tay, nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội sớm, đóng thời gian dài với mức cao. Đến độ tuổi ngoài 55, sức khỏe họ giảm sút, khó đáp ứng công việc và dễ bị đào thải. Nếu phải chờ đến tuổi nghỉ hưu theo quy định nam 62, nữ 60, người lao động khó đảm bảo cuộc sống; còn xin về hưu trước tuổi, họ lại bị trừ 2% cho mỗi năm nghỉ sớm. Ngoài ra, cho phép lao động được chọn thời gian nghỉ hưu sớm cũng là trao cơ hội việc làm cho người trẻ.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định điều kiện nghỉ hưu, hưởng lương hưu đồng bộ với lộ trình tăng tuổi hưu trong Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ năm 2021. Theo đó, tuổi hưu mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028, thêm 4 tháng với nữ đến khi đủ 60 tuổi năm 2035.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.

Giá nước sạch Hà Nội sắp tăng lần đầu sau 10 năm

Cơ quan quản lý đánh giá khả năng phân phối nước sạch tại Hà Nội vẫn chưa đồng bộ với nhu cầu sử dụng; ngoài ra, sẽ tăng giá nước do chi phí cấu thành giá nước sạch đang tăng cao.

Hiện chi phí cấu thành giá nước sạch như tiền lương, nhân công... đã tăng dẫn đến phải tăng giá nước sạch để bảo đảm chất lượng nước cho người dân.

Hiện chi phí cấu thành giá nước sạch như tiền lương, nhân công... đã tăng dẫn đến phải tăng giá nước sạch để bảo đảm chất lượng nước cho người dân.

Theo thông tin về tình hình cấp nước cho dịp hè năm 2023 mới được Sở Xây dựng Hà Nội công bố, tổng nhu cầu sử dụng nước sạch toàn Thành phố hiện nay ước tính 1,15 - 1,25 triệu m3/ngày đêm. Vào hè, nhu cầu sử dụng nước sạch tăng 5 - 10%, lên 1,25 - 1,35 triệu m3/ngày đêm.

Trong khi đó, tổng công suất cấp nước từ các nhà máy tập trung đạt khoảng 1,53 triệu m3/ngày đêm. Như vậy, Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá khả năng phân phối nước vẫn chưa đồng bộ với nhu cầu sử dụng, đặc biệt tại địa bàn cấp nước của Công ty CP Viwaco (khu vực quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông) đang sử dụng phần lớn nguồn nước mặt sông Đà (khoảng 170.000 - 180.000 m3/ngày đêm).

Hiện Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà Viwasupco đang triển khai giai đoạn 2 của Dự án nâng công suất nhà máy đúng tiến độ các gói thầu. Các công trình trong giai đoạn 2 đang được trình thiết kế để Bộ Xây dựng thẩm định. Như vậy, toàn bộ đường ống giai đoạn 2 dự kiến được đưa vào vận hành trong tháng 5.

Về lộ trình tăng giá nước sinh hoạt, ông Nguyễn Xuân Sáng - Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, hiện chi phí cấu thành giá nước sạch như tiền lương, nhân công... đã tăng dẫn đến phải tăng giá nước sạch để bảo đảm chất lượng nước cho người dân.

Sở Tài chính Hà Nội đã chủ trì xây dựng điều chỉnh giá nước, trước mắt lộ trình là trong 2 năm (2023-2024), áp dụng cho hộ gia đình, đơn vị cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp.

Dự kiến, đối với hộ gia đình tiêu thụ 10 m3/tháng, chi phí sẽ tăng khoảng 15.270 đồng. Các nhóm khách hàng khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ có thể tăng khoảng 20%. Mức tăng này chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng chi phí của các doanh nghiệp, đơn vị.

Hiện nay, giá nước sạch đang được TP. Hà Nội áp dụng theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND Thành phố.

TP. Thủ Đức chuẩn bị chi trả hơn 900 tỷ đồng tiền bồi thường Dự án Vành đai 3 TP.HCM

UBND TP. Thủ Đức cho biết ngày ngày 8/5, Thành phố sẽ chi trả tiền bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Vành đai 3 TP.HCM.

Dự kiến ngày 8/5, UBND TP Thủ Đức bắt đầu chi trả tiền bồi thường dự án vành đai 3 cho 111 tổ chức, cá nhân.

Dự kiến ngày 8/5, UBND TP Thủ Đức bắt đầu chi trả tiền bồi thường dự án vành đai 3 cho 111 tổ chức, cá nhân.

UBND TP. Thủ Đức cho biết, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án.

Sau đó, UBND TP. Thủ Đức đã tập trung ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt chính sách; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm (giai đoạn 1) cho người dân. Theo đó, giai đoạn 1 sẽ có 303 trường hợp với số tiền chi trả bồi thường dự kiến 2.300 tỷ đồng.

Qua vận động, đến nay có 111 tổ chức, hộ gia đình đồng thuận chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đăng ký bàn giao mặt bằng và nhận tiền bồi thường với số tiền dự kiến chi trả 900 tỷ đồng.

Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP. Thủ Đức đang phối hợp chủ đầu tư và các đơn vị liên quan hoàn tất thủ tục, tiến hành chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân từ ngày 8/5. TP. Thủ Đức phấn đấu bàn giao 70% mặt bằng giai đoạn 1 cho chủ đầu tư triển khai thi công vào tháng 6/2023.

Bên cạnh đó, TP. Thủ Đức cũng đã chuẩn bị 239 nền đất tại Khu tái định cư Long Bình - Long Thạnh Mỹ (Khu Long Bửu, giai đoạn 2) và 150 căn hộ chung cư C8 Man Thiện để bố trí tái định cư cho các hộ dân trong Dự án.

Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố cho biết, hiện nay các địa phương đang gấp rút thực hiện chi trả bồi thường Dự án Vành đai 3 cho người dân. Bên cạnh các địa phương đang triển khai, dự kiến huyện Bình Chánh cũng sẽ tiến hành chi trả bồi thường Dự án Vành đai 3 giai đoạn 1 vào ngày 10/5.

Loạt doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính, cổ phiếu bị kiểm soát

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa nhắc nhở các công ty chậm nộp báo cáo tài chính quý I vừa qua. Một số doanh nghiệp trong nhóm này cũng chưa công bố báo cáo kiểm toán 2022, cổ phiếu chuyển diện kiểm soát.

HoSE nhắc nhở các công ty chậm nộp báo cáo tài chính quý I/2023.

HoSE nhắc nhở các công ty chậm nộp báo cáo tài chính quý I/2023.

Đến hết thời hạn theo quy định, HoSE vẫn chưa nhận được báo cáo tài chính quý I của 4 công ty, gồm: Nhựa Đông Á (DAG), Đầu tư Hải Phát (HPX), Apax Holdings (IBC) và Gỗ Trường Thành (TTF). HoSE đề nghị các công ty này khẩn trương công bố thông tin theo đúng quy định.

Theo quy định, tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Trường hợp doanh nghiệp là công ty mẹ của tổ chức khác, hoặc đơn vị kế toán cấp trên có đơn vị kế toán trực thuộc tổ chức bộ máy kế toán riêng thì phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc quý.

Với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, đến nay, HPX, IBC cũng chưa nộp, cổ phiếu vừa bị chuyển từ diện cảnh báo sang kiểm soát. Cũng vì lý do chậm nộp báo cáo tài chính, TGG (The Golden Group), ABS (Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận), LDG (Đầu tư LDG), AGM (Xuất nhập khẩu An Giang) và TVB (Chứng khoán Trí Việt)... bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát.

Yên Bái thu hồi dự án khu đô thị gần 5.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Yên Bái vừa ra quyết định thu hồi Dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị mới tại phường Đồng Tâm, TP. Yên Bái do Công ty CP Tập đoàn kinh tế Chân - Thiện - Mỹ làm chủ đầu tư.

Phối cảnh dự án Khu đô thị mới Golden House

Phối cảnh dự án Khu đô thị mới Golden House

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Quyết định số 634/QĐ-UBND về việc thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 133/QĐ-UBND ngày 20/1/2017 chấp thuận Công ty CP Tập đoàn kinh tế Chân - Thiện - Mỹ thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị mới tại phường Đồng Tâm, Yên Ninh và xã Tân Thịnh, TP. Yên Bái.

Lý do thu hồi, hủy bỏ là do việc ban hành Quyết định chủ trương đầu tư số 133/QĐ-UBND của UBND tỉnh Yên Bái chưa đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Theo đó, UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu Công ty Chân - Thiện - Mỹ nộp lại bản chính Quyết định số 133/QĐ-UBND ngày 20/1/2017 về Sở Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời hoàn tất các thủ tục pháp lý có liên quan đến Dự án sau khi có quyết định thu hồi, hủy bỏ.

UBND tỉnh Yên Bái cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND TP. Yên Bái và các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND Tỉnh quy hoạch Dự án, tổ chức đề xuất để lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định hiện hành.

Theo hồ sơ cơ quan chức năng, cuối tháng 9/2017, Công ty Chân - Thiện - Mỹ đã công bố Đồ án xây dựng Khu đô thị mới Golden House trên diện tích nghiên cứu lập quy hoạch 88,3 ha với quy mô dân số dự kiến 6.500 người thuộc địa giới hành chính phường Yên Ninh, phường Đồng Tâm và xã Tân Thịnh, TP. Yên Bái. Tổng mức đầu tư Dự án khoảng 5.000 tỷ đồng.

Công ty CP Tập đoàn kinh tế Chân - Thiện - Mỹ có trụ sở tại phường Minh Tân, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái; hoạt động từ tháng 7/2016.

Bắt giám đốc công ty nhập lậu sữa từ Mỹ về Việt Nam

Ngày 7/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Quốc Khánh và Trần Ngọc Dâng về hành vi "Buôn lậu".

Số hàng hóa liên quan đến vụ việc.

Số hàng hóa liên quan đến vụ việc.

Theo kết quả điều tra ban đầu, Tổ công tác thuộc Đội 6, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM phát hiện xe đầu kéo ở khu vực bãi đất trống trên đường Võ Chí Công (phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức) có dấu hiệu nghi vấn nên phối hợp Công an phường Phú Hữu kiểm tra.

Tại thời điểm kiểm tra, trong thùng container có 4.171 thùng sữa Ensure, Glucerna và Horizon, thừa 521 thùng so với khai báo hải quan.

Qua làm việc, các đối tượng khai nhận lô hàng nhập khẩu trên được Trần Quốc Khánh (giám đốc Chi nhánh Công ty Busan) tổ chức nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam tiêu thụ, thông qua pháp nhân Công ty Busan và không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan.

Khánh nhờ người làm giả thủ tục công bố sản phẩm, gồm 3 giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho 3 mặt hàng sữa nhãn hiệu Ensure, Glucerna và Horizon, với giá 10 triệu đồng.

Khánh đặt mua số lượng 4.172 thùng sữa nước các loại như trên của một phụ nữ tên T, cư trú tại bang California (Mỹ) với giá 50.000 USD, trong khi giá bán tại Việt Nam là hơn 4,6 tỷ đồng.

Nhận được hợp đồng ngoại thương do bà T gửi qua email, Khánh sử dụng 3 giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trên để thực hiện hành vi nhập khẩu trái phép 3.411 thùng sữa nhãn hiệu Abbott Ensure Original Nutrition Shake Vanilla từ Mỹ về Việt Nam trị giá hơn 3,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, Khánh còn chỉ đạo Trần Ngọc Dâng sử dụng phần mềm để cắt dán chữ ký, chỉnh sửa dữ liệu, số liệu thấp hơn số lượng thực tế và đơn giá hàng nhập khẩu để khi khai báo hải quan được giảm số thuế nhập khẩu phải nộp.

Lực lượng chức năng xác định, Khánh còn yêu cầu Dâng khai báo và truyền dữ liệu tờ khai đến cơ quan hải quan thấp hơn thực tế số lượng 521 thùng sữa các loại, trị giá hơn 574,5 triệu đồng.

Vụ việc đang được công an điều tra, xử lý.

Chuyên đề