Bản tin thời sự sáng 8/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là người dân sắp được cấp sổ đỏ trực tuyến; 69 doanh nghiệp chậm thanh toán 19.200 tỷ đồng trái phiếu; thủy phi cơ ngắm vịnh Hạ Long vẫn hoạt động bình thường; vận hành dự án giải toả công suất cho Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 hơn 1.000 tỷ đồng; loạt doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE…

Người dân sắp được cấp sổ đỏ trực tuyến

Từ 20/5, người dân được nộp hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ trực tuyến, thanh toán phí qua Cổng dịch vụ công và nhận kết quả tại nhà.

Người dân làm thủ tục nhà đất tại văn phòng tiếp nhận hồ sơ

Người dân làm thủ tục nhà đất tại văn phòng tiếp nhận hồ sơ

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được Chính phủ ban hành ngày 3/4 yêu cầu các cơ quan tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử.

Khi các cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ) trực tuyến, nếu cần kiểm tra, xác minh hoặc do nguyên nhân khác mà không trả kết quả đúng hẹn thì phải thông báo bằng văn bản qua Cổng dịch vụ công, tin nhắn SMS cho người dân và nêu lý do.

Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất sẽ nộp phí trực tiếp hoặc trực tuyến qua chức năng thanh toán của Cổng dịch vụ công. Sau khi người dân hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì phải nộp bản chính các giấy tờ theo quy định.

Kết quả hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại sổ đỏ, sẽ được trả trực tiếp hoặc qua bưu điện về tận nơi ở.

Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung kê khai và hồ sơ nộp. Cơ quan tiếp nhận sẽ kiểm tra thành phần hồ sơ nhưng không chịu trách nhiệm về nội dung trong các văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, người có thẩm quyền khác phê duyệt trước đó.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5. Trường hợp sổ đỏ đã được cơ quan có thẩm quyền ký trước ngày này mà chưa trao cho người dân thì thực hiện theo quy định cũ.

Chủ trương cấp sổ đỏ trực tuyến được Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất từ giữa năm 2022 nhằm khắc phục khó khăn khi người dân bắt buộc phải đi làm sổ đỏ trực tiếp, nhất là những nơi địa bàn rộng, đông dân. Cấp sổ đỏ trực tuyến sẽ tiết kiệm thời gian, công sức của người dân và phục vụ chuyển đổi số…

69 doanh nghiệp chậm thanh toán 19.200 tỷ đồng trái phiếu

Chiều 7/4, Bộ Tài chính có thông cáo về tình hình công tác quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính. Nhiều thông tin liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được cơ quan chức năng công bố.

Trong quý I/2023, có 23 tổ chức phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư với khối lượng khoảng 9.600 tỷ đồng, chiếm 50% khối lượng chậm thanh toán

Trong quý I/2023, có 23 tổ chức phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư với khối lượng khoảng 9.600 tỷ đồng, chiếm 50% khối lượng chậm thanh toán

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, trong quý I/2023, khối lượng TPDN đã phát hành đạt 24.708 tỷ đồng.

Trong đó, khối lượng phát hành kể từ ngày 6/3 khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực là 23.825 tỷ đồng, tương ứng 96% khối lượng. Lãi suất, kỳ hạn phát hành bình quân tương ứng là 7,75%/năm và 2,37 năm.

Về cơ cấu, 98,2% khối lượng phát hành thuộc lĩnh vực bất động sản, khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức, chiếm 99,99%, trong đó các ngân hàng chiếm 77%.

Về tình hình thanh toán nợ trái phiếu và tái cơ cấu, trong quý I/2023, có 69 doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán gốc, lãi TPDN với tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 19.200 tỷ đồng; có 23 tổ chức phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư và báo cáo cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với khối lượng khoảng 9.600 tỷ đồng (chiếm 50% khối lượng chậm thanh toán).

Về thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP), lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 31/3, tổng khối lượng huy động là 104.873 tỷ đồng, đạt 26,2% kế hoạch năm. Do tác động của tình hình thị trường, từ ngày 10/3, mặt bằng lãi suất giao dịch TPCP có xu hướng giảm và nhu cầu mua TPCP tăng cao trở lại.

Thủy phi cơ ngắm vịnh Hạ Long vẫn hoạt động bình thường

Dịch vụ bay ngắm cảnh bằng thủy phi cơ tại Tuần Châu (Hạ Long) vẫn duy trì hoạt động trong thời gian này.

Thuỷ phi cơ sử dụng cho dịch vụ ngắm vịnh Hạ Long là loại máy bay Cessna Caravan C208B-EX, sản xuất năm 2014 và nhập khẩu từ Mỹ

Thuỷ phi cơ sử dụng cho dịch vụ ngắm vịnh Hạ Long là loại máy bay Cessna Caravan C208B-EX, sản xuất năm 2014 và nhập khẩu từ Mỹ

Bên cạnh dịch vụ bay ngắm cảnh vịnh Hạ Long bằng trực thăng, còn có dịch vụ bay thủy phi cơ. Hiện dịch vụ này vẫn hoạt động bình thường.

Chuyến bay ngắm vịnh Hạ Long bằng thủy phi cơ được Hãng hàng không Hải Âu khai thác 8 chuyến/ngày, xuất phát từ đảo Tuần Châu. Mỗi chuyến bay có thời gian bay 25 phút và chở tối đa 12 hành khách.

Theo thông tin từ hãng, thuỷ phi cơ sử dụng cho dịch vụ ngắm vịnh Hạ Long là loại máy bay Cessna Caravan C208B-EX, sản xuất năm 2014 và nhập khẩu từ Mỹ.

Thuỷ phi cơ Cessna Caravan C208B-EX là loại máy bay có một động cơ lớn nhất và cũng là máy bay một động cơ an toàn nhất khi cất và hạ cánh trên mặt nước. Để có thể cất, hạ cánh trên mặt nước và vận hành tại vịnh Hạ Long, thuỷ phi cơ được gắn 2 phao bên dưới máy bay và bên trong máy bay là hệ thống thiết bị hàng không tối tân, radar thời tiết, hệ thống theo dõi bão, hệ thống GPS…

Vận hành dự án giải toả công suất cho Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 hơn 1.000 tỷ đồng

Dự án giải toả công suất cho Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 được đưa vào vận hành, giúp Việt Nam tránh bồi thường 23 tỷ đồng mỗi ngày.

Trạm biến áp 500 kV Vân Phong và đường dây đấu nối hơn 26 km để giải toả công suất cho BOT Vân Phong 1 vừa được EVNNPT đưa vào vận hành

Trạm biến áp 500 kV Vân Phong và đường dây đấu nối hơn 26 km để giải toả công suất cho BOT Vân Phong 1 vừa được EVNNPT đưa vào vận hành

Trạm biến áp 500 kV Vân Phong và đường dây đấu nối dài hơn 26 km, với tổng mức đầu tư gần 1.100 tỷ đồng vừa được Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đưa vào vận hành, giải toả công suất cho Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1.

Nếu dự án này không được đưa vào vận hành cùng đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân và đường dây 500 kV đấu nối trạm biến áp 500 kV Thuận Nam vào đường dây Vân Phong - Vĩnh Tân, Việt Nam sẽ đối mặt với việc phải bồi thường khoảng 23 tỷ đồng mỗi ngày, theo hợp đồng mua bán điện và hợp đồng BOT với nhà đầu tư BOT Vân Phong 1.

Theo ông Trần Hoà Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, Dự án trạm biến áp 500 kV Vân Phong và đấu nối giúp đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục cho Tỉnh, phát triển kinh tế - xã hội khu vực Nam Trung Bộ.

Ngoài giải toả công suất cho Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, các dự án lưới, truyền tải điện này còn giải toả công suất cho các nhà máy năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận, Khánh Hoà và đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam.

Loạt doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã có văn bản gửi Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (mã chứng khoán UDC) về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với 35 triệu cổ phiếu UDC.

HoSE vừa có văn bản gửi một loạt doanh nghiệp thông báo về việc hủy niêm yết bắt buộc

HoSE vừa có văn bản gửi một loạt doanh nghiệp thông báo về việc hủy niêm yết bắt buộc

HoSE vừa có văn bản gửi một loạt doanh nghiệp thông báo về việc hủy niêm yết bắt buộc. Nguyên nhân là các doanh nghiệp này có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc.

Cụ thể, HoSE đã có văn bản gửi Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với 35 triệu cổ phiếu UDC. Hiện UDC cũng đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quyết định của HoSE ngày 20/4/2022. Lý do là lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2020 âm gần 10 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2021 âm hơn 23 tỷ đồng.

Ngày 1 - 2/4, HoSE nhận báo cáo tài chính kiểm toán riêng và hợp nhất năm 2022 của UDC. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2022 tiếp tục âm hơn 40 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp, cổ phiếu UDC của Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Tương tự, cổ phiếu SII của Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn cũng đối mặt với việc hủy niêm yết trên HoSE do có kết quả sản xuất, kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục.

Cổ phiếu MCG của Công ty CP Năng lượng và Bất động sản MCG cũng đối mặt với án hủy niêm yết với lý do tương tự khi lợi nhuận 3 năm liên tiếp là số âm.

Rừng thông Đà Lạt cháy lớn

Rừng thông có chức năng phòng hộ ở khu vực đèo Prenn cách trung tâm TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) gần 10 km bốc cháy dữ dội chiều 7/4.

Đám cháy bao trùm khu vực rừng thông rộng lớn

Đám cháy bao trùm khu vực rừng thông rộng lớn

Khoảng 15h, đám khói nhỏ xuất hiện ở cánh rừng thông khu vực đèo Prenn. Không lâu sau, lửa bùng và lan sang các vạt rừng bên cạnh, kéo lên tận đỉnh ngọn đồi.

Gần 4 giờ sau, người dân ở trung tâm Thành phố có thể quan sát ngọn lửa đỏ rực trải dài nhiều ngọn đồi, kèm khói trắng bốc lên nghi ngút. Khu vực rừng cháy thuộc Tiểu khu 267a, trồng thông ba lá có chức năng phòng hộ.

Đại diện Phường 3 (địa bàn xảy ra hoả hoạn) cho biết, các lực lượng chức năng cùng địa phương huy động khoảng 40 người đang tích cực dập lửa, khoanh vùng chống cháy lan. Đến 20h, đám cháy cơ bản được khống chế, không ghi nhận thương vong.

Nguyên nhân hỏa hoạn và diện tích rừng bị cháy chưa được xác định.

Kè biển bảo vệ làng chài tại Bình Thuận xây sai vị trí

Kè chắn sóng dài 350 m, kinh phí 25 tỷ đồng, được quy hoạch để bảo vệ làng chài ở TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) nhưng xây ở khu đất nhiều người thâu tóm.

Kè biển xây sai vị trí ở thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết

Kè biển xây sai vị trí ở thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết

Bờ kè chống sạt lở bờ biển được Thủ tướng duyệt chủ trương đầu tư nhằm khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ biển khu vực làng chài Khu phố 5 Đức Long và làng chài Tiến Đức (xã Tiến Thành).

Công trình khởi công vào tháng 4/2020, và hoàn thành sau 10 tháng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, sau khi công trình khánh thành, người dân địa phương phát hiện kè biển bị xây sai vị trí. Thay vì xây trước làng chài bị biển xâm thực, công trình bị lùi về thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, nơi có các khu "đất vàng" ven biển đã được nhiều người thâu tóm, cách đó khoảng 0,5 km.

Liên quan sự việc, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận vừa bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh kỷ luật khiển trách vì thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai phạm tại công trình.

Hiện dự án này đang bị Bộ Công an điều tra cùng với 8 dự án khác liên quan sai phạm trong quản lý đất đai, xây dựng theo đơn tố giác tội phạm của người dân.

Khu làng chài Đức Long và Tiến Đức nằm trong diện Nhà nước thu hồi đất để thực hiện chỉnh trang đô thị. Vừa qua, dọc bờ biển khu vực này được chính quyền lắp các khối bê tông ba chấu dài hàng trăm mét để chắn sóng.

TP.HCM thu giữ gần 7.000 điếu xì gà ngoại không giấy tờ

Cơ quan chức năng TP.HCM vừa thu giữ hàng nghìn điếu xì gà, đồ chơi trẻ em... nhập ngoại không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc.

Gần 7.000 điếu xì gà nhập ngoại không giấy tờ bị thu giữ ở TP.HCM

Gần 7.000 điếu xì gà nhập ngoại không giấy tờ bị thu giữ ở TP.HCM

Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết, Đội QLTT số 3 vừa phối hợp với Công an TP.HCM kiểm tra Trung tâm khu vực 3 - Công ty TNHH MTV Logistics Viettel ở Quận 12.

Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 6.877 điếu xì gà ngoại nhập, 74.400 đơn vị sản phẩm đồ chơi trẻ em ngoại nhập các loại, không có dấu hợp quy CR, không có tài liệu chất lượng hàng hóa kèm theo.

Bên cạnh đó, còn có 700 hộp thực phẩm bổ sung hiệu BITNEY Multi Juice, sản xuất tháng 11/2022, hạn sử dụng tháng 11/2024, (loại 100 hộp/thùng), xuất xứ Malaysia, và 6 chai rượu hiệu Johnie Walker Blue Label, 40% vol, 750 ml/chai, xuất xứ Scotland.

Những hàng hóa này đều chưa qua sử dụng, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định. Cùng với đó, toàn bộ hàng hóa chưa xác định được chủ sở hữu, chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Hiện Đội QLTT số 3 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa này để tiếp tục xác minh và xử lý theo quy định.

Thêm cảnh sát giao thông bị đình chỉ công tác vì liên quan 4 biển số "siêu đẹp"

Trung uý Nam Anh, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) - Trật tự, Công an huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai), bị xác định sai phạm trong quy trình cấp 4 biển số "siêu đẹp" cho hai vợ chồng.

Trung úy Nam Anh bị Công an tỉnh Đồng Nai tạm đình chỉ công tác để phục vụ việc kiểm tra quy trình cấp 4 biển số xe máy "siêu đẹp"

Trung úy Nam Anh bị Công an tỉnh Đồng Nai tạm đình chỉ công tác để phục vụ việc kiểm tra quy trình cấp 4 biển số xe máy "siêu đẹp"

Ngày 7/4, Trung úy Nam Anh bị Công an tỉnh Đồng Nai tạm đình chỉ công tác để phục vụ việc kiểm tra quy trình cấp 4 biển số xe máy có số đuôi 88.888, 88.889, 88.886, 88.868 cho vợ chồng ông Trương Tấn Phát ở xã Sông Nhạn.

Bước đầu, Tổ công tác Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Đồng Nai xác định, Trung úy Nam Anh cùng Trung tá Phạm Thanh Xuân, Phó Trưởng Công an xã Sông Nhạn (đã bị đình chỉ công tác trước đó) có dấu hiệu thực hiện không đúng quy trình hướng dẫn đăng ký, cấp biển số xe cho vợ chồng ông Phát.

Hai vợ chồng và một số người liên quan đã được Tổ công tác mời lên làm việc để xác minh một số vấn đề liên quan đến quy trình đăng ký xe, bấm biển số tại trụ sở Công an xã Sông Nhạn. Trong đó làm rõ nguồn gốc cả 4 chiếc xe trên.

Hai vợ chồng ông Phát lâu nay nổi tiếng trong giới "chơi xe số đẹp" ở Đồng Nai. Họ cho biết, 4 chiếc xe mua của cửa hàng chuyên bán xe máy cũ tại TP. Long Khánh với giá 1,2 tỷ đồng để bán lại kiếm lời. Trong đó, chiếc xe Yaz hiệu Yamaha giá 500 triệu đồng (mới nguyên chiếc), chiếc Yaz còn lại giá 300 triệu đồng (xe cũ). Hai xe Suzuki RGV120 và Honda SH150i có giá 400 triệu đồng.

Ngày 29/3, sau khi bấm được số 60B6-88888 cho chiếc Yaz, có người ở huyện Xuân Lộc gọi điện mua lại với giá 1,5 tỷ đồng.

Chuyên đề