Bản tin thời sự sáng 8/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá bán xăng dầu; giá mua điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tối đa 1.508 - 1.816 đồng một kWh; Khánh Hòa ra "tối hậu thư" cho Dự án Công viên Phù Đổng tại Nha Trang; Sân bay Nội Bài ngày cao điểm nhất có 104.000 lượt khách…

Đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá bán xăng dầu

Nhà nước chỉ công bố giá định hướng, doanh nghiệp sẽ tự xác định, đưa ra giá bán lẻ xăng dầu sau khi cộng chi phí kinh doanh thực tế.

Theo quy định hiện hành, Nhà nước đưa ra giá cơ sở để làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu.

Theo quy định hiện hành, Nhà nước đưa ra giá cơ sở để làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu.

Đây là một trong những điểm mới được nêu trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến.

Theo quy định hiện hành, Nhà nước đưa ra giá cơ sở để làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Tức là, mức giá điều hành do Nhà nước công bố giống như giá trần để các doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống.

Theo Bộ Công Thương, việc quy định giá cơ sở theo một công thức cố định với các chi phí được tính dựa trên chi phí bình quân do các doanh nghiệp báo cáo không phản ánh đúng thực tế của từng doanh nghiệp, cũng như những phát sinh mà họ phải bỏ ra.

Chẳng hạn, doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ khi chi phí tăng cao liên tục, trong khi không được cập nhật, tính đúng, đủ trong công thức tính giá cơ sở, nên ảnh hưởng khả năng duy trì kinh doanh và chiết khấu trong hệ thống phân phối. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu bất ổn vừa qua.

Để khắc phục tình trạng này, cơ quan quản lý đề xuất hai phương án. Phương án 1, vẫn điều hành giá xăng dầu như hiện nay, nhưng sửa công thức giá cơ sở theo hướng bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp chưa được tính, như premium trong nước. Các quy định về phương thức, tần suất xác định chi phí... sẽ được rà soát để đảm bảo tính đúng, đủ vào giá cơ sở xăng dầu.

Phương án 2, Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá, gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế, lợi nhuận định mức, mức trích, sử dụng Quỹ bình ổn giá... Đây được coi là giá định hướng, các doanh nghiệp trên cơ sở dữ liệu này sẽ cộng các chi phí kinh doanh, vận chuyển, premium... để tự xác định và công bố giá bán lẻ của mình. Doanh nghiệp tự kê khai khi thay đổi giá bán, báo cáo liên Bộ Công Thương - Tài chính để giám sát.

Giá mua điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tối đa 1.508 - 1.816 đồng một kWh

Giá trần mua điện của dự án điện mặt trời chuyển tiếp khoảng 1.185 - 1.508 đồng một kWh và điện gió là 1.587 - 1.816 đồng một kWh, tuỳ loại hình.

Giá trần mua điện của dự án điện mặt trời chuyển tiếp khoảng 1.185 - 1.508 đồng một kWh và điện gió là 1.587 - 1.816 đồng một kWh

Giá trần mua điện của dự án điện mặt trời chuyển tiếp khoảng 1.185 - 1.508 đồng một kWh và điện gió là 1.587 - 1.816 đồng một kWh

Ngày 7/1, Bộ Công Thương ban hành Quyết định về khung giá phát điện mặt trời, điện gió cho các dự án chuyển tiếp, vận hành sau khi chính sách giá FIT ưu đãi các loại hình năng lượng này hết hiệu lực từ cuối năm 2020 và 2021.

Theo đó, giá trần (giá cao nhất) của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,90 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh, điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh.

Căn cứ khung giá phát điện này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp sẽ thoả thuận giá phát điện theo quy định.

Báo cáo từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện vẫn còn nhiều dự án hoặc phần dự án điện gió, điện mặt trời đã triển khai trên thực tế nhưng không kịp thời hạn được hưởng biểu giá hỗ trợ (giá FIT). Trong đó, có 62 dự án điện gió, tổng công suất 3.479 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng do giá FIT hết hạn vào 1/11/2021 nên chưa có giá bán điện. Ngoài ra, còn có 452 MW điện mặt trời đã xây lắp xong nhưng chưa xác định giá bán điện.

Theo thống kê của EVN, hiện số dự án điện gió, điện mặt trời đã vận hành chiếm gần 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống, trong đó có 16.545 MW điện mặt trời mặt đất, mái nhà và 4.126 MW điện gió.

Khánh Hòa ra "tối hậu thư" cho Dự án Công viên Phù Đổng tại Nha Trang

Tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản yêu cầu Chủ đầu tư Dự án Công viên Phù Đổng tại Nha Trang giao trả đất cho Nhà nước, nếu không sẽ bị cưỡng chế thu hồi.

Dự án Công viên Phù Đổng nằm sát bãi biển Nha Trang

Dự án Công viên Phù Đổng nằm sát bãi biển Nha Trang

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã ban hành văn bản về việc yêu cầu Chủ đầu tư Dự án Công viên Phù Đổng (TP. Nha Trang) khẩn trương bàn giao hơn 21.700 m2 đất công cộng cho Nhà nước. Hạn chót để hoàn thành là trước ngày 10/1. Sau thời hạn này, Khánh Hòa sẽ thực hiện thủ tục cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc Công ty TNHH Invest Park Nha Trang (Chủ đầu tư) khẩn trương thực hiện.

Trường hợp Công ty không bàn giao diện tích trên theo đúng thời gian quy định, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND Tỉnh thực hiện thủ tục thu hồi đất và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Công viên Phù Đổng là một trong các dự án ở biển Nha Trang bị tỉnh Khánh Hòa đưa vào diện thu hồi giữa năm 2022 để trả lại không gian ven biển cho nhân dân.

Quá trình thực hiện phát sinh nhiều vướng mắc, khó khăn như một số hạng mục của công trình Dự án đã bị Chủ đầu tư thế chấp ngân hàng với khoản tiền gần 41 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo quy định, việc thu hồi dự án này sẽ không được bồi hoàn tài sản, công trình xây dựng trên đất.

Do vậy, cả Chủ đầu tư và phía ngân hàng cho vay đề nghị được tiếp tục quản lý, vận hành Dự án nhưng tỉnh Khánh Hòa không chấp nhận.

Sân bay Nội Bài ngày cao điểm nhất có 104.000 lượt khách

Theo tính toán của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, ngày cao điểm nhất dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 có khoảng 580 lượt chuyến bay với 104.000 lượt hành khách.

Nhân viên an ninh hàng không kiểm tra thông tin hành khách trước khi vào điểm soi chiếu an ninh

Nhân viên an ninh hàng không kiểm tra thông tin hành khách trước khi vào điểm soi chiếu an ninh

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã chủ động sẵn sàng các phương án đảm bảo phục vụ sản lượng vận chuyển tăng cao dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Nhìn nhận sẽ có lượng hành khách qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tăng cao sau 2 năm dịch Covid-19, lãnh đạo sân bay này cho biết, theo tính toán, ngày cao điểm nhất có khoảng 580 lượt chuyến bay (400 chuyến bay quốc nội và 180 chuyến bay quốc tế) với 104.000 lượt hành khách (78.000 lượt khách nội địa và 26.000 lượt khách quốc tế).

Tính riêng sản lượng vận chuyển nội địa, nếu so với ngày cao điểm hè 2022, sản lượng chuyến bay dịp Tết Nguyên đán chỉ đạt 80%, sản lượng hành khách chỉ đạt 83%. Sản lượng vận chuyển quốc tế đang trên đà hồi phục. Tuy vậy, nếu so với Tết Nguyên đán năm 2020 (trước khi dịch bùng phát), mới đạt khoảng 75%.

Lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, dự báo sản lượng vận chuyển hàng không tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 nhưng trong tầm kiểm soát. Tính tổng thể cả quốc tế và nội địa, mức tăng này chưa vượt quá đợt cao điểm hè 2022 (634 lượt chuyến bay, 106.000 lượt khách/ngày cao điểm).

Đưa ra phương án phục vụ người dân về quê đón Tết an toàn, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài thực hiện tăng cường an ninh cấp độ 1 từ ngày 16 - 28/1/2023 theo chỉ đạo của Cục Hàng không Việt Nam; bố trí tăng cường nhân lực tại các vị trí theo quy định, tăng cường tần suất kiểm tra trực quan ngẫu nhiên đối với hành khách, hành lý xách tay đã qua cổng từ mà không có dấu hiệu nghi vấn…

Cần 9 tỷ USD đầu tư đường sắt TP.HCM - Cần Thơ tốc độ 190 km/h

Qua khảo sát, tính toán sơ bộ, để đầu tư tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ dài 174 km, tốc độ chạy tàu 190 km/h cần chi phí khoảng 9 tỷ USD, tương đương 213.948 tỷ đồng.

Phối cảnh đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ

Phối cảnh đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ

Đó là tính toán sơ bộ được Ban Quản lý dự án đường sắt nêu ra trong báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về kết quả khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Qua nghiên cứu sơ bộ, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài 174,42 km.

Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ đường 1.435 mm, điện khí hóa để khai thác cả tàu khách và tàu hàng. Tuyến đường sắt này cần bố trí 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa...

Công nghệ được lựa chọn cho đường sắt TP.HCM - Cần Thơ là đoàn tàu động lực phân tán (EMU) cho tàu khách và đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng, tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng thông tin vô tuyến. Tốc độ thiết kế lớn nhất để chạy tàu là 190 km/h, khai thác tàu khách với tốc độ dưới 190 km/h, tàu hàng khai thác tốc độ dưới 120 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến 213.948 tỷ đồng (khoảng 9,07 tỷ USD).

Đơn vị tư vấn nghiên cứu đề xuất đầu tư Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Nhà nước thanh toán tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư PPP huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao cho Nhà nước theo hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ). Theo đó, nhà đầu tư PPP đầu tư hạ tầng và cho đơn vị vận hành thuê. Đề xuất thuê khai thác trong vòng 30 năm.

Biệt phái 8 đăng kiểm viên đến Trung tâm 50-09D TP.HCM

Ngày 7/1, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã điều động 8 đăng kiểm viên và 2 nhân viên tới hỗ trợ Trung tâm Đăng kiểm 50-09D tại TP.HCM để bù đắp việc thiếu hụt nhân sự.

Tài xế xe container chờ đợi cả đêm trước trạm đăng kiểm Cát Lái

Tài xế xe container chờ đợi cả đêm trước trạm đăng kiểm Cát Lái

Từ 1/7, số cán bộ trên từ Trung tâm Đăng kiểm 50-06V (Quận 7, TP.HCM) sang làm việc trong 3 tháng tại Trung tâm Đăng kiểm 50-09D (huyện Củ Chi, TP.HCM).

Nhiệm vụ của 8 đăng kiểm viên, 2 nhân viên nghiệp vụ được biệt phái sẽ do Giám đốc Trung tâm 50-09D phân công.

Đoàn công tác của Cục Đăng kiểm sẽ vào TP.HCM đánh giá dây chuyền kiểm định thứ hai của Trung tâm 50-09D để có thể đưa vào hoạt động đầu tuần tới.

Với sự hỗ trợ này, Trung tâm Đăng kiểm 50-09D sẽ vận hành tối đa năng suất trên hai dây chuyền kiểm định được lắp đặt, góp phần giảm tải cho các trung tâm khác trên địa bàn khi lượng phương tiện tăng cao vào cuối năm.

Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã báo cáo Cục Đăng kiểm Việt Nam về biến động nhân sự tại Trung tâm 50-09D khi có 5 đăng kiểm viên được điều động đã xin nghỉ phép khiến thiếu hụt nhân sự.

Trung tâm 50-09D có hai dây chuyền kiểm định nhưng từ trước đến nay, nhân sự chỉ đủ để vận hành một dây chuyền.

TP.HCM đang có gần 900.000 ô tô, chưa kể xe các tỉnh, thành khác ra vào nên nhu cầu đăng kiểm mỗi ngày rất lớn, đặc biệt vào dịp Tết. Trong khi Thành phố chỉ còn 8 trong 17 trung tâm hoạt động, một số đơn vị đang bị tạm đình chỉ, khiến công suất kiểm định chỉ được 1.300 - 1.500 ô tô mỗi ngày. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải đăng kiểm những ngày qua.

Quảng Ngãi lần đầu bắn pháo hoa đêm giao thừa quy mô lớn từ nguồn xã hội hóa

Tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 4 địa phương với 5 địa điểm trên địa bàn tỉnh này trong đêm giao thừa.

Lần đầu tiên Quảng Ngãi bắn pháo hoa trong đêm giao thừa tại 5 địa điểm. Ảnh minh họa

Lần đầu tiên Quảng Ngãi bắn pháo hoa trong đêm giao thừa tại 5 địa điểm. Ảnh minh họa

Ngày 7/1, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã thống nhất cho phép thêm huyện Lý Sơn tổ chức bắn pháo hoa trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 để phục vụ người dân địa phương.

Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi thống nhất việc UBND huyện Lý Sơn tổ chức bắn pháo hoa vào thời điểm giao thừa tại quảng trường trung tâm huyện Lý Sơn.

Như vậy, ngoài Lý Sơn, tại Quảng Ngãi có thêm 3 địa phương tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 gồm TP. Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn và thị xã Đức Phổ.

Cụ thể, tại TP. Quảng Ngãi sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại quảng trường đường Phạm Văn Đồng và tại cầu Cổ Lũy; tại thị xã Đức Phổ sẽ bắn pháo hoa ở Quảng trường 8 tháng 10; tại huyện Bình Sơn sẽ bắn pháo hoa ở bờ kè Nam sông Trà Bồng, thị trấn Châu Ổ.

Như vậy, trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tỉnh Quảng Ngãi sẽ bắn pháo hoa tại 5 địa điểm của 4 địa phương để phục vụ người dân.

Được biết, đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi tổ chức bắn pháo hoa trong đêm giao thừa tại nhiều địa điểm như vậy. Toàn bộ chi phí tổ chức bắn pháo hoa được sử dụng từ nguồn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lãi hơn 3.000 tỷ đồng

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam báo lãi hơn 3.000 tỷ đồng năm 2022 trong bối cảnh ngành hàng hải gặp nhiều khó khăn.

Doanh thu hợp nhất của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam năm 2022 tăng 5% so với năm 2021. Ảnh minh họa

Doanh thu hợp nhất của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam năm 2022 tăng 5% so với năm 2021. Ảnh minh họa

Lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, trong năm 2022, sản lượng vận tải biển toàn Tổng công ty ước đạt 21,8 triệu tấn, sản lượng hàng thông qua cảng ước đạt 124 triệu tấn.

Doanh thu hợp nhất của VIMC ước đạt 15.041 tỷ đồng, tăng 5%. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 3.129 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2021 nhưng vượt 24% kế hoạch năm. Trong đó, lợi nhuận công ty mẹ ước đạt 682 tỷ đồng, bằng 284% kế hoạch. Lợi nhuận khối vận tải biển chiếm tỷ trọng cao nhất, ước đạt 1.869 tỷ, khối cảng biển đạt lợi nhuận 1.550 tỷ đồng.

2022 là năm thị trường nội địa và quốc tế gặp nhiều khó khăn khi giá thuê tàu hàng đi xuống, giá cước vận tải liên tục giảm mạnh; sản lượng hàng hóa của thị trường vận chuyển container nội địa luôn ở mức thấp, trong khi tuổi tàu VIMC cao (trên 20 năm), khó cạnh tranh hãng tàu nước ngoài.

Tổng giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, thời điểm 5 - 7 năm trước, vốn chủ sở hữu VIMC bị âm 7.600 tỷ đồng, nay đã đảo chiều dương và hiện đạt hơn 13.800 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động là 16,6 triệu đồng trong toàn hệ thống.

Năm 2021, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận lãi 3.700 tỷ đồng sau nhiều năm thua lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Lãnh đạo VIMC đánh giá, trong năm 2023, lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia, suy thoái toàn cầu ảnh hưởng tới năng lực mua sắm hàng hoá, khiến ngành hàng hải toàn cầu sẽ gặp khó khăn hơn.

Trước bối cảnh đó, VIMC đưa ra kịch bản điều hành sản xuất kinh doanh năm 2023 bao gồm sản lượng vận tải biển dự kiến 17,7 triệu tấn; sản lượng khối cảng biển 134,7 triệu tấn; doanh thu hợp nhất 13.354 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 2.330 tỷ đồng.

Chuyên đề