Bản tin thời sự sáng 7/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là mực nước hồ Trị An ở Đồng Nai lên cao xấp xỉ 60 m, chuẩn bị xả lũ về hạ lưu; Thanh Hóa sẽ thanh tra hoạt động đấu giá đất tại nhiều huyện và thành phố; Bộ Tài chính kiến nghị loạt giải pháp cho thị trường trái phiếu; Thái Nguyên mời gọi đầu tư 82 dự án nhà ở xã hội…

Mực nước hồ Trị An ở Đồng Nai lên cao xấp xỉ 60 m, chuẩn bị xả lũ về hạ lưu

Theo Công ty Thuỷ điện Trị An (tỉnh Đồng Nai), mực nước hồ Trị An ghi nhận vào ngày 6/8 đã xấp xỉ đạt cao trình 60 m, trong khi mực nước dâng bình thường là 62 m. Do đó, nhà máy thủy điện đang điều tiết nhẹ lượng nước về hạ lưu qua cửa xả với lưu lượng 150 - 300 m3/s và qua tua bin 900 m3/s.

Các cửa xả tại hồ thuỷ điện Trị An ở Đồng Nai. Ảnh minh họa

Các cửa xả tại hồ thuỷ điện Trị An ở Đồng Nai. Ảnh minh họa

Theo ông Võ Tấn Nhẫn, Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An, tại Đồng Nai và các tỉnh Nam Bộ những tháng gần đây liên tục có mưa nên lượng nước từ đầu nguồn đổ về hồ Trị An nhiều và nhanh hơn mọi năm.

Cụ thể, ghi nhận mực nước hồ Trị An vào 15h ngày 6/8 đã đạt 59,99 m.

Hiện nay, lưu lượng nước từ đầu nguồn về hồ đạt mức 2.000 m3/s. Nếu mực nước hồ Trị An đạt đến mức 60,8 m, nhà máy sẽ điều tiết xả lũ về hạ lưu. Trước thời gian xả lũ 24 giờ, Công ty sẽ có văn bản thông báo.

Hồ Trị An có diện tích mặt hồ rộng 323 km2, dung tích chứa trên 2,7 tỷ m3. Đây là hồ nước nhân tạo lớn trên sông Đồng Nai, thuộc địa bàn các huyện: Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất và Trảng Bom (cùng thuộc tỉnh Đồng Nai).

Hồ là nơi trữ nước để cung cấp cho Nhà máy Thủy điện Trị An vận hành và điều tiết nước cho vùng hạ du.

Ngoài ra, hồ Trị An còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân vùng hạ lưu Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM.

Thanh Hóa sẽ thanh tra hoạt động đấu giá đất tại nhiều huyện và thành phố

Việc chấp hành pháp luật trong hoạt động đấu giá tại các huyện Vĩnh Lộc, Ngọc Lặc, Hậu Lộc và thành phố Thanh Hóa sẽ là 1 nội dung thanh tra quan trọng mà Sở Tư pháp Thanh Hóa sẽ tiến hành trong thời gian tới...

Thanh Hóa sẽ thanh tra hoạt động đấu giá đất

Thanh Hóa sẽ thanh tra hoạt động đấu giá đất

Thông tin từ Sở Tư pháp Thanh Hóa, đoàn thanh tra của Sở sẽ tiến hành thanh tra các nội dung như: Việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện thửa đất ra đấu giá; phương án đấu giá; quyết định đấu giá.

Bên cạnh đó, đoàn thanh tra sẽ tìm hiểu việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến việc xác định giá khởi điểm; việc lựa chọn đơn vị thực hiện đấu giá; việc ký hợp đồng dịch vụ đấu giá; giám sát việc tổ chức thực hiện đấu giá; quyết định công nhận kết quả đấu giá; công tác lưu trữ hồ sơ… Hoạt động đấu giá đất từ ngày 1/1/2021 đến 30/6/2023 sẽ được thanh tra cụ thể, toàn diện.

Theo kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2023, toàn Tỉnh có 938 mặt bằng (dự án) với tổng diện tích đấu giá 930,9 ha, dự kiến thu ngân sách 15.449 tỷ đồng. Trong tháng 7/2023, toàn tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đấu giá 21 mặt bằng (dự án) với diện tích đất đưa ra đấu giá 5,5 ha; tổng số tiền trúng đấu giá thu được 366,06 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 10/7/2023, toàn Tỉnh đã tổ chức đấu giá 123 mặt bằng (dự án), diện tích đất đưa ra đấu giá 25,9 ha; tổng số tiền trúng đấu giá 1.805,6 tỷ đồng, bằng 37% so với cùng kỳ năm 2022.

Từ đầu năm 2023 đến ngày 10/7/2023, toàn Tỉnh đã tiếp nhận 160 hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức. Trong đó đã giải quyết 155 hồ sơ, đạt 96,8% số hồ sơ tiếp nhận, đang giải quyết trong hạn 5 hồ sơ, chiếm 3,2%.

Đối với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đã tiếp nhận từ đầu năm 2023 đến ngày 10/7/2023 là 128.614 hồ sơ. Trong đó, số hồ sơ đã giải quyết là 92.156 hồ sơ, chiếm 71,7%. Số hồ sơ đang giải quyết 7.895 hồ sơ, chiếm 6,1%. Số hồ sơ trả lại, rút lại, chờ bổ sung các giấy tờ liên quan 28.563 hồ sơ, chiếm 22,2%.

Bộ Tài chính kiến nghị loạt giải pháp cho thị trường trái phiếu

Ngày 6/8, Bộ Tài chính có thông cáo đưa ra loạt giải pháp phát triển chất lượng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Động thái được đưa ra trong bối cảnh thị trường chưa thể phục hồi mạnh mẽ sau nhiều biến động.

Bộ Tài chính kiến nghị loạt giải pháp cho thị trường trái phiếu

Bộ Tài chính kiến nghị loạt giải pháp cho thị trường trái phiếu

Theo đó, thị trường TPDN được nhận định chưa phục hồi ngay do còn các yếu tố như: kinh tế khó khăn nên nhu cầu vốn của doanh nghiệp giảm; nhà đầu tư cá nhân thận trọng sau các vụ việc về TPDN.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính kiến nghị một loạt giải pháp để phát triển thị trường. Cụ thể, tiếp tục theo dõi việc công bố thông tin của doanh nghiệp, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn lớn và yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm đến cùng về việc thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu cho nhà đầu tư theo điều kiện, điều khoản đã cam kết.

Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, các định chế tài chính có hoạt động liên quan đến phát hành TPDN theo quy định của pháp luật, trường hợp sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về các giải pháp trong trung, dài hạn, Bộ Tài chính kiến nghị rà soát tổng thể, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đối với các quy định về điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ; vấn đề người có liên quan, sở hữu chéo giữa tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán và doanh nghiệp.

Rà soát, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi của các quy định pháp luật về phá sản doanh nghiệp để các doanh nghiệp có đủ quy trình thực hiện phá sản một cách có trật tự, góp phần đảm bảo sự vận hành lành mạnh và bền vững của thị trường.

Kiến nghị giao Bộ Xây dựng nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền bổ sung quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản.

Tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin và giám sát liên thông giữa các bộ, ngành về ngân hàng, chứng khoán và bất động sản…

Thái Nguyên mời gọi đầu tư 82 dự án nhà ở xã hội

UBND tỉnh Thái Nguyên vừa công bố 82 dự án, vị trí quỹ đất để thực hiện thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Tỉnh. Trong đó, thành phố Sông Công nhiều nhất với 35 dự án.

UBND tỉnh Thái Nguyên vừa công bố 82 dự án, vị trí quỹ đất để thực hiện thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn

UBND tỉnh Thái Nguyên vừa công bố 82 dự án, vị trí quỹ đất để thực hiện thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn

Tỉnh Thái Nguyên xác định việc phát triển nhà ở xã hội nhằm mục tiêu quan trọng là bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là đối tượng có thu nhập thấp và công nhân trong các khu công nghiệp.

Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Xây dựng đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan rà soát quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn Tỉnh.

Qua rà soát đã lựa chọn 82 dự án, vị trí quỹ đất để thực hiện thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Tỉnh.

Đáng chú ý, thành phố Sông Công có số dự án nhà ở xã hội nhiều nhất với 35 dự án. Tiếp đến là thành phố Phổ Yên với 26 dự án, thành phố Thái Nguyên 18 dự án.

Tại huyện Phú Bình có 4 dự án gồm: Khu nhà ở xã hội số 1 Hương Sơn, Khu nhà ở xã hội số 1 Tân Hòa, Khu nhà ở xã hội xã Điềm Thụy và Dự án nhà ở xã hội thuộc Khu tái định cư và nhà ở công nhân Khu công nghiệp Điềm Thụy (phần diện tích 180 ha)…

Khởi tố nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai

Ngày 6/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Tư Sơn, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) để điều tra, làm rõ về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai

Trước đó, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã đề nghị UBND Tỉnh, yêu cầu Sở GD&ĐT thu hồi số tiền sai phạm hơn 2,3 tỷ đồng nộp vào ngân sách nhà nước.

Thanh tra tỉnh Gia Lai có kết luận thanh tra việc đầu tư mua sắm các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin tại Sở GD&ĐT Tỉnh giai đoạn 2015 - 2021.

Trong thời gian trên, Sở GD&ĐT Tỉnh được giao làm chủ đầu tư 13 dự án mua sắm phần mềm và gia hạn 2 phần mềm với tổng kinh phí 33 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua thanh tra, xác định việc đầu tư, mua sắm này có nhiều sai phạm gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.

Ngoài những sai phạm về tài chính, Sở GD&ĐT Gia Lai còn mắc nhiều sai phạm khác như: Chưa khảo sát kỹ nhu cầu sử dụng thực tế của các đơn vị công tác bàn giao, một số dự án không được công khai kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Nhiều văn bản có chữ ký nhưng không có dấu, nhiều phần mềm không thể cập nhật, tổng hợp khiến các đơn vị trực thuộc phải sử dụng song song với những phần mềm cũ.

Chủ tịch TP.HCM có tờ trình khẩn về huy động kiều hối

Nhằm thu hút lượng kiều hối, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế, TP.HCM sẽ kiến nghị Trung ương một số nội dung quan trọng.

Chủ tịch TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, vừa ký tờ trình khẩn về huy động kiều hối

Chủ tịch TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, vừa ký tờ trình khẩn về huy động kiều hối

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký tờ trình khẩn gửi Thường trực Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố về Đề án “Chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 - 2030”.

Trong tờ trình Đề án, ngoài các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách để thu hút kiều hối; cải thiện môi trường đầu tư..., TP.HCM cũng có các kiến nghị quan trọng gửi Trung ương.

Cụ thể, Thành phố kiến nghị bổ sung thông tin kê khai “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” đối với nhà đầu tư gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để phục vụ công tác quản lý, khai thác hiệu quả dữ liệu liên quan đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Thành phố theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, địa phương đề xuất, Trung ương nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho người nước ngoài gốc Việt Nam không cư trú tại Việt Nam được mở tài khoản và lựa chọn tiền gửi bằng ngoại tệ hoặc bằng Việt Nam đồng, được chuyển gốc và lãi bằng ngoại tệ đã chọn.

"Xem xét, đào tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam như chính sách về Luật Quốc tịch, Luật Xuất nhập cảnh, Luật Đất đai; các chính sách thừa kế, chuyển nhượng, mua bán, sát nhập công ty với các dự án có yếu tố liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài", văn bản nêu.

Trước đó, theo báo cáo của UBND TP.HCM tại kỳ họp thứ X, Hội đồng Nhân dân Thành phố khoá X, dự kiến lượng kiều hối trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2023 là 4,4 tỷ USD, bằng 66% so với năm 2022.

Từ đầu 2021 đến tháng 6/2023, lũy kế lượng kiều hối trên địa bàn Thành phố đạt 18,07 tỷ USD, tăng 68,42% so với nửa đầu nhiệm kỳ trước.

Ngày 8/8, sẽ xét xử 5 5 cựu lãnh đạo Công ty Tây Hồ bán rẻ 118 lô đất

Dự kiến ngày 8/8, TAND tỉnh Bắc Ninh sẽ mở phiên sơ thẩm xét xử 5 bị cáo nguyên là lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ (Công ty Tây Hồ) sắp bị đưa ra xét xử với cáo buộc “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Thời điểm Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố vụ án xảy ra ở Công ty Tây Hồ

Thời điểm Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố vụ án xảy ra ở Công ty Tây Hồ

Theo đó, 5 bị cáo gồm: Đặng Quang Tuấn (nguyên Chủ tịch HĐQT); Tân Tú Hải (nguyên Tổng giám đốc); Phan Việt Anh (nguyên Phó Tổng giám đốc), Chu Thị Ngọc Ngà (nguyên Trưởng Ban kiểm soát) và Nguyễn Tấn Hoàng (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.

Cáo trạng thể hiện, năm 2011, Công ty Tây Hồ được UBND tỉnh Bắc Ninh giao khu đất tại huyện Quế Võ có tổng diện tích hơn 581.437 m2 để xây dựng Khu đô thị mới Quế Võ. Năm 2014, Công ty Tây Hồ ký hợp đồng chuyển nhượng cho Công ty TNHH Tùng Bách 281.373,3 m2 diện tích dự án.

Trong phần diện tích đất còn lại có 180.650,0 m2 được giao cho Công ty Tây Hồ làm Chủ đầu tư. Năm 2017, UBND tỉnh Bắc Ninh đã cấp 118 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tương ứng với 118 lô đất ở, phần dự án còn lại lúc này chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng do thiếu vốn.

Cuối tháng 2/2017, HĐQT Công ty Tây Hồ đã họp, ra nghị quyết giao 118 lô đất nêu trên cho Tổng giám đốc chỉ đạo làm việc với đơn vị thẩm định xác định giá trị đầu tư, xây dựng phương án kinh doanh chuẩn bị bán hàng thu hồi vốn…

Tháng 5/2017, các thành viên HĐQT là Tuấn, Hải, Việt Anh có sự tham gia của bà Ngà, đã thống nhất chủ trương sẽ tìm cách “bán buôn” 118 lô đất để huy động vốn hoàn thiện hạ tầng, khi chưa đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.

Tổng số tiền chuyển nhượng hơn 148 tỷ đồng, trong khi đó ngày 4/1/2022, Hội đồng định giá tài sản theo vụ việc trong tố tụng hình sự tỉnh Bắc Ninh đã ban hành kết luận xác định, tổng giá trị của 118 lô đất là hơn 333 tỷ đồng và kết luận hành vi chuyển nhượng 118 lô đất trái quy định của nhóm bị can tại Công ty Tây Hồ gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 91 tỷ đồng và thiệt hại cho nhóm cổ đông khác hơn 92 tỷ đồng.

Chuyển công an điều tra dự án khu nhà ở công nhân viên ở Bình Dương

Bước đầu cơ quan chức năng Bình Dương xác định, dự án khu nhà ở công nhân viên của Công ty Công trình giao thông 710 chưa lập thủ tục đất đai, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng đã phân chia 246/251 nền đất cho cán bộ, công nhân viên xây dựng nhà ở.

Khu nhà ở công nhân viên do Công ty Công trình giao thông 710 làm chủ đầu tư

Khu nhà ở công nhân viên do Công ty Công trình giao thông 710 làm chủ đầu tư

Thanh tra tỉnh Bình Dương đã chuyển hồ sơ dự án khu nhà ở công nhân viên của Công ty Công trình giao thông 710 sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương để điều tra, làm rõ các sai phạm.

Dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên của Công ty Công trình giao thông 710 - nay là Công ty CP Xây dựng Công trình giao thông 710 (Công ty 710) được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương vào ngày 9/2/2001, trên khu đất có diện tích khoảng 4,5 ha tại phường Đông Hòa (thành phố Dĩ An).

Đến ngày 9/4/2001, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 1064 phê duyệt quy hoạch chi tiết khu nhà ở cán bộ công nhân viên Công ty 710 và phê duyệt điều chỉnh với diện tích 46.837,1 m2.

Dự án chưa lập thủ tục đất đai, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng đã phân chia 246/251 nền đất cho cán bộ, công nhân viên. Hiện nay, khu đất trên đã xây dựng nhiều căn nhà.

Hàng trăm hộ dân tại dự án nói trên đã mua đất và sinh sống tại đây hơn 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Liên quan đến dự án này, Thanh tra tỉnh Bình Dương đã vào cuộc, tiến hành thanh tra về tình hình quản lý, sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính, công tác xây dựng bảo vệ môi trường của Công ty 710.

Mới đây, Thanh tra tỉnh Bình Dương đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương để tiếp tục làm rõ, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Chuyên đề