Bản tin thời sự sáng 7/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Mỹ chuyển 2 triệu liều vaccine Moderna cho Việt Nam; VN-Index ngày 6/7 mất hơn 56 điểm - mức giảm sâu nhất trong vòng 5 tháng; ngành đường sắt tạm dừng bán vé từ TP.HCM đi Huế vì dịch Covid-19; dừng hoạt động chợ đầu mối nông sản Thủ Đức từ 8h ngày 7/7; Quảng Ninh thu hồi chủ trương quy hoạch 7 dự án…

Mỹ chuyển 2 triệu liều vaccine Moderna cho Việt Nam

Nhà Trắng cho biết Mỹ vừa chuyển 2 triệu liều vaccine cho Việt Nam vào ngày 6/7.

Vaccine Moderna. Ảnh: Getty

Vaccine Moderna. Ảnh: Getty

Lô vaccine Moderna - một phần trong số 80 triệu liều vaccine đầu tiên mà Mỹ cam kết hỗ trợ thế giới - sẽ đến Việt Nam cuối tuần này. Đây chỉ là khởi đầu của các liều vaccine được chuyển đến Đông Nam Á.

Quan chức Nhà Trắng cho biết, lô vaccine chuyển tới Việt Nam thông qua chương trình COVAX, là một phần trong chiến lược nhằm chấm dứt đại dịch Covid-19 trên khắp thế giới.

Tới nay, Mỹ đã chuyển giao khoảng 40 triệu liều vaccine Covid-19 cho các nước khắp thế giới. Trước Việt Nam, Malaysia đã nhận được 1 triệu liều vaccine hôm 5/7. Nhà Trắng tuần trước cũng cho biết sẽ sớm chuyển giao 4 triệu liều vaccine cho Indonesia.

Vaccine Covid-19 Moderna do tập đoàn dược phẩm Moderna phát triển. Đây là một trong 2 loại vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA, bên cạnh vaccine do Pfizer-BioNTech sản xuất. Vaccine của Moderna cần được bảo quản trong nhiệt độ từ -50 độ C tới -15 độ C.

Moderna khuyến cáo người sử dụng cần được tiêm 2 liều vaccine, mỗi liều cách nhau khoảng 1 tháng.

Ngày 18/12/2020, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp với vaccine Covid-19 của Moderna. Tới ngày 30/4, loại vaccine này được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách khuyến nghị sử dụng khẩn cấp.

VN-Index ngày 6/7 mất hơn 56 điểm - mức giảm sâu nhất trong vòng 5 tháng

VN-Index đảo chiều trước phiên ATC 15 phút, sau đó rơi thẳng đứng và mất hơn 56 điểm khi đóng cửa - mức giảm sâu nhất trong vòng 5 tháng.

VN-Index ngày 6/7 mất hơn 56 điểm - mức giảm sâu nhất trong vòng 5 tháng

VN-Index ngày 6/7 mất hơn 56 điểm - mức giảm sâu nhất trong vòng 5 tháng

Phiên giảm điểm trong ngày đầu tiên hệ thống mới của HoSE vận hành khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn. Phần đông báo cáo của công ty chứng khoán cho rằng khả năng VN-Index giảm tiếp và bị ấn xuống dưới 1.400 điểm khá lớn. Tuy nhiên, dự báo này không chính xác trong suốt phiên sáng nay bởi chỉ số vẫn duy trì sắc xanh dù biên độ không lớn.

Trạng thái thị trường thay đổi đột ngột 45 phút trước giờ đóng cửa. VN-Index đảo chiều từ tăng thành giảm, sau đó rơi thẳng đứng khi lực bán tháo lan trên diện rộng. Dòng tiền tham gia bắt đáy không đủ mạnh để vực dậy hàng loạt cổ phiếu đang giảm hết biên độ.

Chỉ số đại diện cho sàn TP.HCM chốt phiên tại 1.354,79 điểm, giảm hơn 56 điểm so với tham chiếu. Đây là phiên giảm mạnh nhất trong hơn năm tháng qua.

Thanh khoản sàn TP.HCM ngày 6/7 đạt 28.673 tỷ đồng, tăng khoảng 640 tỷ đồng so với hôm trước. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua vào 1.775 tỷ đồng và bán ra 1.793 tỷ đồng.

Dòng tiền vẫn tập trung nhiều nhất ở nhóm tài chính với gần 10.500 tỷ đồng. Nhóm bất động sản đứng thứ hai với gần 4.160 tỷ đồng, sau đó là nguyên vật liệu, công nghiệp và tiêu dùng thiết yếu.

Ngành đường sắt tạm dừng bán vé từ TP.HCM đi Huế vì dịch Covid-19

Hành khách có vé đi từ ga Sài Gòn đến ga Huế từ 17 giờ ngày 6/7 trở đi liên hệ nhà ga, đại lý trước giờ tàu chạy để trả vé do ngành đường sắt tạm dừng bán vé tàu tuyến này.

Đoàn tàu tại một nhà ga của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Đoàn tàu tại một nhà ga của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Ngành đường sắt thông báo sẽ tạm dừng bán vé từ thành phố Hồ Chí Minh đi Thừa Thiên - Huế từ 17 giờ chiều ngày 6/7 cho đến khi có thông báo mới.

Lý do được phía ngành đường sắt đưa ra là Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản về việc đề nghị xem xét cho tạm dừng bán vé và không đón khách tại ga đường sắt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đi Huế nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Tỉnh.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hành khách có vé đi từ ga Sài Gòn đến ga Huế từ 17 giờ ngày 6/7 trở đi liên hệ nhà ga, đại lý trước giờ tàu chạy để trả vé (không thu phí).

Hiện trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, ngành đường sắt tổ chức chạy hàng ngày 2 đôi tàu Thống nhất SE3/SE4 và SE7/SE8.

Trước đó, ngành đường sắt đã có thông báo tạm dừng đón khách lên tàu tại ga Dĩ An (tỉnh Bình Dương) từ ngày 5/7 do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương và từ 0 giờ ngày 5/7, thành phố Dĩ An thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn Thành phố.

Dừng hoạt động chợ đầu mối nông sản Thủ Đức từ 8h ngày 7/7

Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.HCM) sẽ dừng các hoạt động tập kết hàng trực tiếp từ 8h ngày 7/7 cho đến khi đủ điều kiện an toàn phòng dịch.

Chợ đầu mối Thủ Đức nhìn từ trên cao

Chợ đầu mối Thủ Đức nhìn từ trên cao

Quyết định được Phó chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Nguyễn Bạch Hoàng Phụng ký ngày 6/7, nhằm bảo đảm an toàn phòng dịch trong bối cảnh chợ đầu mối này đã ghi nhận nhiều ca dương tính SARS-CoV-2. Với việc dừng hoạt động tập kết, chợ sẽ vận chuyển hàng hóa ra khỏi khu vực chợ chậm nhất 20h ngày mai.

Nằm ở cửa ngõ phía Đông TP.HCM, chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức rộng khoảng 20 ha có sức chứa 1.584 sạp, vựa, với tổng vốn đầu tư là hơn 182 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày lượng hàng hóa nhập vào chợ lên đến hơn 2.800 tấn. Khi chợ hoạt động cũng đã tạo được công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động.

Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ Nông sản Thủ Đức được đề nghị sớm thông tin cho các thương nhân biết để thay đổi hình thức vận chuyển. Thay vì mua bán trực tiếp, chợ cần kinh doanh theo hình thức trực tuyến; giao hàng tận nơi cho khách; không để ách tắc hàng hóa...

Đồng thời, sau khi tạm đóng cửa, đơn vị này có trách nhiệm phun khử khuẩn toàn bộ khu vực chợ, phối hợp Sở Công Thương, UBND Quận đề xuất phương án chống dịch khi chợ hoạt động lại.

Hiện, cả 3 chợ đầu mối lớn của TP.HCM đã dừng hoạt động. 8h sáng 6/7, chợ đầu mối Bình Điền (Quận 8) đã ngưng hoạt động sau khi xuất hiện nhiều ca dương tính, lan đến một số quận huyện và tỉnh lân cận.

Trước đó, chợ đầu mối Hóc Môn tạm ngưng hoạt động từ 28/6 để phòng dịch sau khi xuất hiện nhiều ca nhiễm.

Quảng Ninh thu hồi chủ trương quy hoạch 7 dự án

7 dự án bị thu hồi quy hoạch chủ yếu là khu đô thị và du lịch sinh thái đã quá hạn hoặc không phù hợp với định hướng của Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040.

Đường nối sân bay Vân Đồn với Khu phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp

Đường nối sân bay Vân Đồn với Khu phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa thu hồi, hủy bỏ 7 chủ trương nghiên cứu quy hoạch dự án lớn tại huyện Vân Đồn. Cụ thể là dự án của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tại xã Hạ Long; Khu công nghiệp Y dược công nghệ cao; Khu phức hợp thương mại cao cấp Bán đảo Cổng chào ở thị trấn Cái Rồng; Khu cảng và đô thị phía Bắc đảo Cái Bầu; Khu đô thị tại xã đảo Minh Châu; Sân golf kết hợp khu du lịch sinh thái tại đảo Minh Châu, Quan Lạn; Tổ hợp công nghệ cao, thương mại tự do và khu đô thị thông minh Vân Đồn.

Các chủ trương nghiên cứu quy hoạch trên được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận từ năm 2017 đến đầu năm 2019, đã hết hiệu lực thi hành và quá thời gian quy định. Các dự án không phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung của Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, cũng như quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất huyện Vân Đồn được phê duyệt.

Đà Nẵng sẽ thông xe cầu vượt nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý từ ngày 14/7

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng vừa thông báo phân luồng giao thông phục vụ thi công Dự án Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).

Cầu vượt đường 2 Tháng 9 tại nút giao thông cầu Trần Thị Lý sẽ được mở, thông xe từ ngày 14/7
Cầu vượt đường 2 Tháng 9 tại nút giao thông cầu Trần Thị Lý sẽ được mở, thông xe từ ngày 14/7

Theo đó, tại nút giao thông này, từ ngày 14/7, cầu vượt phía trên đường 2 tháng 9 sẽ được thông xe. Các phương tiện được đi trên cầu vượt này và cấm lưu thông qua nút Duy Tân - 2 tháng 9 bên dưới.

Bên cạnh đó, để phục vụ thi công phần hầm chui thuộc Dự án, Ban Quản lý tiến hành cấm các loại phương tiện lưu thông qua nút Duy Tân - Núi Thành. Có thể lưu thông theo hướng Núi Thành - Tiểu La (hoặc Nguyễn Sơn Trà) - đường 2 tháng 9 - cầu vượt - đường 2 tháng 9 - Phan Thành Tài (hoặc Bình Minh 6) - Núi Thành.

Công trình Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý là công trình giao thông khác mức 3 tầng, gồm cầu vượt, đảo xuyến và hầm chui. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 723 tỷ đồng, được khởi công ngày 29/3/2020, dự kiến thực hiện trong 450 ngày. Sau khi khởi công, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, dự án bị chậm tiến độ thi công.

Giàn đèn trang trí 4 tỷ đồng trên cầu đổ sập tại Sóc Trăng

Giàn đèn trang trí có khung bằng thép trị giá 4 tỷ đồng trên cầu Maspero đang hoàn thiện đã đổ sập, chiều ngày 6/7.

Công trình giàn đèn đổ sập trên mặt cầu Maspero

Công trình giàn đèn đổ sập trên mặt cầu Maspero

Tại hiện trường, toàn bộ hai khung thép hình vòm dài 60 m, điểm cao nhất 13 m, cặp hai bên thành cầu, nặng hàng tấn đã đổ sập, một phần rơi xuống sông Maspero (TP. Sóc Trăng). Sự cố khiến hai ôtô tải của đơn vị thi công bị hư hỏng. Giao thông qua khu vực này bị gián đoạn.

Lực lượng chức năng đến phong tỏa hiện trường, điều tiết giao thông. Ngoài việc điều tra nguyên nhân, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Sóc Trăng Nguyễn Văn Quận cho biết đã chỉ đạo đơn vị thi công có giải pháp khắc phục.

Dự án trang trí này là một trong ba công trình làm đẹp ba cầu bắc qua sông Maspero, tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng, do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng TP. Sóc Trăng đầu tư. Trong đó, giàn đèn trang trí cầu Maspero có vốn đầu tư khoảng 4 tỷ đồng, do một công ty ở TP.HCM thi công từ giữa tháng 3, dự kiến hoàn thành vào tháng 10.

Chuyên đề