Bản tin thời sự sáng 7/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là lấy mẫu xét nghiệm hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất; Bộ GTVT ký hợp đồng BOT cao tốc Bắc - Nam hơn 5.500 tỷ đồng; Thừa Thiên Huế lập chốt kiểm soát người từ Đà Nẵng ra; đường sắt Việt Nam hủy nhiều tàu khách; Quảng Ninh dừng hoạt động tham quan, du lịch từ 12h ngày 6/5…

Lấy mẫu xét nghiệm hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất

Hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất được chọn ngẫu nhiên để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ngay tại ga quốc nội.

Những hành khách đi chuyến bay VN207 (Hà Nội - TP.HCM) được nhân viên y tế hướng dẫn vào khu vực chờ lấy mẫu

Những hành khách đi chuyến bay VN207 (Hà Nội - TP.HCM) được nhân viên y tế hướng dẫn vào khu vực chờ lấy mẫu

Ngày 6/5, nhân viên y tế từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) phối hợp cùng các trung tâm y tế quận huyện túc trực tại ga đến quốc nội Tân Sơn Nhất, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ngẫu nhiên hành khách đến từ Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc.

Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch giám sát cộng đồng, tăng cường phòng chống dịch sau khi xuất hiện những ca bệnh mới trong cộng đồng.

Sau khi lấy hành lý, hành khách được chọn ngẫu nhiên sẽ đến bàn hướng dẫn ghi các thông tin cá nhân, tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ cư trú và số hiệu máy bay..., để chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm. Mỗi đợt sẽ lấy mẫu gộp hành khách trên cùng chuyến bay nhằm tiết kiệm nguồn lực, đẩy nhanh xét nghiệm sàng lọc. Thời gian lấy mẫu của mỗi người mất khoảng 20 phút. Mỗi ống đựng chung 5 mẫu, nếu phát hiện dương tính thì tách từng người xét nghiệm tiếp.

Ngoài hành khách, nhân viên an ninh sân bay, nhân viên làm việc tại các hãng ở nhà ga cũng được lấy mẫu.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, mỗi ngày nhà ga quốc nội lấy 500 mẫu, trong đó, 450 mẫu của hành khách và 50 mẫu của nhân viên sân bay. 500 mẫu xét nghiệm ngày đầu hôm 5/5 đều có kết quả âm tính.

Trước đó, từ ngày 30/4 đến sáng 5/5, HCDC đã mở rộng lấy 5.895 mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tại các khu vực nguy cơ và đều có kết quả âm tính.

Bộ GTVT ký hợp đồng BOT cao tốc Bắc - Nam hơn 5.500 tỷ

Bộ GTVT vừa ký hợp đồng đối tác công tư (PPP) - hình thức BOT với nhà đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Nha Trang - Cam Lâm.

Bộ GTVT ký hợp đồng BOT cao tốc Bắc - Nam hơn 5.500 tỷ

Bộ GTVT ký hợp đồng BOT cao tốc Bắc - Nam hơn 5.500 tỷ

Cụ thể, Bộ GTVT và liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (doanh nghiệp dự án) đã ký hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) Dự án.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm thuộc tỉnh Khánh Hòa, có điểm đầu tại Km5+783, thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh; điểm cuối tại Km54+00 thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh, tổng chiều dài khoảng 50km. Dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe (bề rộng nền đường 17m) với vận tốc thiết kế 80km/h.

Tổng vốn đầu tư Dự án khoảng 5.524 tỷ đồng được đầu tư theo hình thức PPP, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 2.556 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm 20%), nguồn vốn Nhà nước tham gia thực hiện Dự án khoảng 2.967 tỷ đồng. Thời gian xây dựng tới năm 2023, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng.

Theo ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Vụ PPP - Bộ GTVT), đây là dự án đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước, sử dụng phần vốn góp Nhà nước (VGF) để đánh giá tài chính thương mại.

Thừa Thiên Huế lập chốt kiểm soát người từ Đà Nẵng ra

Chốt giám sát dịch tễ được đặt ở trạm trung chuyển hầm Hải Vân (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) để kiểm soát người từ Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam ra.

Chốt giám sát dịch tễ trạm trung chuyển hầm Hải Vân được kích hoạt trở lại

Chốt giám sát dịch tễ trạm trung chuyển hầm Hải Vân được kích hoạt trở lại

Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, trạm giám sát dịch tễ phòng dịch Covid-19 chia thành 3 ca làm việc trong ngày, mỗi ca gồm 6 công an, 4 nhân viên y tế, 2 kiểm soát quân sự, 2 sinh viên trường Đại học Y dược Huế và 3 tình nguyện viên.

Nhiệm vụ của trạm là giám sát dịch tễ người đi từ Đà Nẵng ra Thừa Thiên Huế theo đường đèo Hải Vân, xác định các trường hợp cách ly bắt buộc.

Người dân đi từ Đà Nẵng ra Thừa Thiên Huế sẽ được hướng dẫn vào trạm giám sát dịch tễ đo thân nhiệt, khai báo y tế. Những người có dấu hiệu ho sốt sẽ được đưa đi cách ly tập trung.

Trong đợt dịch bùng phát hiện nay, TP. Đà Nẵng ghi nhận hai ca Covid-19 cộng đồng là "bệnh nhân 2982 và 2989", còn Thừa Thiên Huế chưa ghi nhận trường hợp nào.

Hồi tháng 9/2020, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thiết lập các trạm giám sát dịch tễ trên Quốc lộ 1A và trạm trung chuyển hầm Hải Vân để kiểm soát người từ Đà Nẵng ra.

Đường sắt Việt Nam hủy nhiều tàu khách

Một số đoàn tàu tuyến Hà Nội đến Vinh, Hải Phòng, Yên Bái, Lào Cai bị hủy do dịch bệnh và khách đi giảm sút.

Phun khử khuẩn trên tàu tại ga Hà Nội

Phun khử khuẩn trên tàu tại ga Hà Nội

Ngày 6/5, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội quyết định hủy tàu NA2 từ Vinh ra Hà Nội, chiều ngược lại là tàu NA1 hủy từ ngày 7/5. Hành khách đến Vinh có thể đi trên 3 đôi tàu Thống Nhất vẫn hoạt động là SE7/8, SE5/6, SE3/4.

Trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, ngành đường sắt tạm dừng chạy đôi tàu LP7/HP2 từ ngày 7/5 và tàu LP3/LP8 từ 10/5. Trên tuyến này chỉ duy trì một đôi LP5/6 chạy hàng ngày.

Cùng với đó, các tàu Hà Nội đi Lào Cai và Yên Bái cũng phải dừng toàn bộ từ cuối tuần này. Trước đây, các chặng này vẫn có một đôi tàu chạy cuối tuần.

Theo đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, giữa tháng 5 nhu cầu hành khách đi tàu thường giảm do nhiều người đã đi du lịch, về quê vào đợt 30/4. Năm nay dịch Covid-19 bùng phát càng khiến lượng khách giảm mạnh, nhiều chuyến tàu khá vắng khách.

Quảng Ninh dừng hoạt động tham quan, du lịch từ 12h ngày 6/5

Tỉnh Quảng Ninh tạm dừng hoạt động tham quan, du lịch, bao gồm cả vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và các tuyến biển đảo, từ 12h ngày 6/5.

Quảng Ninh dừng hoạt động tham quan, du lịch từ 12h ngày 6/5

Quảng Ninh dừng hoạt động tham quan, du lịch từ 12h ngày 6/5

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh, việc tạm dừng hoạt động trên để phòng chống Covid-19, trong bối cảnh từ ngày 27/4 đến nay nhiều địa phương trên cả nước ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng, trong đó có nhiều tỉnh, thành gần với Quảng Ninh như Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương...

Các di tích là cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn Quảng Ninh không đón khách tham quan; thực hiện các nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng nội bộ, không tập trung đông người, đảm bảo nguyên tắc "5K", nhất là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 1 -2 m theo quy định, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch khác.

Trước đó, tỉnh Quảng Ninh dừng tất cả cơ sở kinh doanh karaoke, massage, vũ trường, bar, pub, club, quán Internet, trò chơi điện tử từ 12h ngày 30/4; yêu cầu cách ly đối với người về từ vùng dịch, từ 0h ngày 3/5.

Các tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh từ Quảng Ninh đi Vĩnh Phúc, huyện Lý Nhân (Hà Nam) tạm dừng hoạt động, từ 12h ngày 4/5.

Nghệ An dừng kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, xông hơi...

Cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, xông hơi... dừng hoạt động từ 12h ngày 6/5, theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.

Một số khách du lịch đeo khẩu trang khi tới biển Cửa Lò

Một số khách du lịch đeo khẩu trang khi tới biển Cửa Lò

Theo ông Đặng Thanh Tùng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, các dịch vụ bị dừng hoạt động gồm: Karaoke, quán bar, vũ trường, xông hơi, massage, phòng tập thể thao (phòng tập gym, yoga, bia), trò chơi điện tử, Internet công cộng.

Đối với các quán ăn, nhà hàng, chợ dân sinh, cơ sở cắt tóc gội đầu, quán cà phê, quán ăn vỉa hè; quảng trường, vườn hoa, công viên, điểm du lịch, di tích, nơi thờ tự, tôn giáo, tín ngưỡng, người dân được yêu cầu thực hiện nghiêm quy định "5K" của Bộ Y tế.

Lãnh đạo Tỉnh yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra và chịu trách nhiệm đối với địa bàn quản lý nếu để xảy ra trường hợp sai phạm, lây nhiễm Covid-19.

Hà Nội: Phương tiện vận tải chỉ chở tối đa 50% ghế

Sở GTVT Hà Nội yêu cầu đơn vị vận tải sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách một ghế và không vượt quá 50% số ghế ngồi được cấp phép...

Hà Nội yêu cầu các đơn vị cần lưu trữ thông tin khách đi xe tối thiểu 21 ngày, vận tải chỉ chở 50% số chỗ

Hà Nội yêu cầu các đơn vị cần lưu trữ thông tin khách đi xe tối thiểu 21 ngày, vận tải chỉ chở 50% số chỗ

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở GTVT Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị vận tải quán triệt thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch... Đơn vị vận tải sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách một ghế và không vượt quá 50% số ghế ngồi được cấp phép (đối với xe khách giường nằm thực hiện chở đúng số người cho phép theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và không vượt quá 30 người trên phương tiện, kể cả lái và phụ xe). Với xe buýt, thực hiện vận chuyển không quá 50% số chỗ (đứng, ngồi) trên xe và không quá 20 người tại cùng một thời điểm trên xe (kể cả lái xe và nhân viên phục vụ trên xe).

Cùng đó, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu trên các phương tiện vận chuyển hành khách phải có nước sát khuẩn tay, hành khách và lái xe đeo khẩu trang; chủ động bố trí số lượng phương tiện để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Chủ phương tiện phải cam kết chịu trách nhiệm đảm bảo phòng chống dịch; cung cấp đầy đủ thông tin hành khách cho bến xe khi xe chuẩn bị xuất và đến bến (lưu trữ tối thiểu 21 ngày); chịu trách nhiệm trước việc cung cấp thông tin phòng chống dịch cho cơ quan chức năng thực hiện truy vết…

Chuyên đề