Khánh Hòa lên phương án trùng tu 5 biệt thự cổ lầu Bảo Đại
Tỉnh Khánh Hòa đang lên phương án trùng tu, tôn tạo cũng như các giải pháp khả thi về quản lý, khai thác đối với 5 căn biệt thự Cầu Đá trên núi Cảnh Long.
Các biệt thự nằm trên núi Cảnh Long có hướng nhìn ra vịnh Nha Trang |
Ngày 6/4, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành thông báo kết luận của ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, về nội dung liên quan đến việc trùng tu, tôn tạo 5 căn biệt thự Cầu Đá (hay còn gọi là biệt thự lầu Bảo Đại) ở khu vực núi Cảnh Long thuộc phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa giao các sở, ngành có liên quan tham mưu kế hoạch tổng thể về phương án trùng tu, tôn tạo; tìm các giải pháp khả thi về quản lý, khai thác đối với 5 căn biệt thự Cầu Đá, xác định tiến độ, mốc thời gian cụ thể để hoàn thành các công việc liên quan, báo cáo UBND Tỉnh trước ngày 15/4.
Bên cạnh đó, các sở, ngành chủ động tiến hành lập hồ sơ công nhận xếp hạng di tích đối với 5 căn biệt thự Cầu Đá; đề xuất chủ trương đầu tư Dự án trùng tu, tôn tạo 5 căn biệt thự Cầu Đá, tham mưu UBND Tỉnh trình HĐND Tỉnh xem xét; hoàn thành trước ngày 15/6.
Song song với 2 nhiệm vụ nêu trên, Tỉnh giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND Tỉnh việc bàn giao các hiện vật, di vật tại 5 căn biệt thự Cầu Đá cho Trung tâm Bảo tồn di tích Tỉnh quản lý, đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục.
Trước đó, năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch tại khu di tích lầu Bảo Đại. Đồng thời, Tỉnh giao hơn 13 ha đất (bao gồm 5 biệt thự cổ, đất di tích lầu Bảo Đại và núi Cảnh Long cùng mặt biển) cho Công ty CP Đầu tư Khánh Hà thực hiện Dự án kinh doanh Bảo Đại Resort Nha Trang.
Mới đây, tỉnh Khánh Hòa đề nghị trả lại 5 biệt thự trong khu di tích để chính quyền quản lý. Yêu cầu này được phía doanh nghiệp chấp thuận và tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi đất tại dự án này.
Hơn 50 tuyến đường trung tâm TP.HCM sẵn sàng áp dụng thu phí vỉa hè
52 tuyến đường thuộc Quận 1, 28 tuyến đường của Quận 10 và 17 tuyến ở Quận 11 đủ điều kiện thu phí sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường.
Khu vực lòng đường, vỉa hè chợ Bến Thành |
Nội dung vừa được UBND Quận 1, Quận 10 và Quận 11 gửi đến Sở Giao thông vận tải TP.HCM liên quan việc đề xuất danh mục các tuyến đường đủ điều kiện tổ chức thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn.
Trong số đó có các đường Bùi Thị Xuân, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Cô Bắc, Cống Quỳnh, Đề Thám, Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Hàm Nghi, Hồ Tùng Mậu, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Kiệt, Võ Thị Sáu…
Các đường này đều đảm bảo vỉa hè rộng ít nhất 3 m, trong đó 1,5 m dành cho người đi bộ. Đối với lòng đường, sau khi chừa lại ít nhất 2 làn ô tô cho một chiều đi, phần còn lại dùng tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.
Ngoài 52 tuyến đường trên, Quận 1 còn 12 tuyến có vỉa hè đủ điều kiện tổ chức giữ xe thu phí, gồm: Cô Bắc, Đinh Tiên Hoàng, Đông Du, Hải Triều, Hàm Nghi, Lê Thị Hồng Gấm, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Siêu, Thi Sách, Nguyễn Thị Minh Khai…
Bên cạnh đó, Quận 10 có 28 tuyến đường đáp ứng điều kiện hè phố rộng từ 3 m để tố chức kinh doanh mua bán, dịch vụ, điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng và trông giữ xe thu phí.
Một số tuyến đường gồm: Ngô Gia Tự, Nguyễn Tri Phương, Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Vĩnh Viễn, Bà Hạt, Lê Hồng Phong, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Chí Thanh, Trần Nhân Tôn, Ngô Quyền, Đào Duy Từ, Ba Tháng Hai, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Đồng Nai, Trường Sơn, Bắc Hải…
Tương tự, UBND Quận 11 cũng lập danh mục 17 tuyến đường đủ điều kiện giữ xe máy miễn phí và một tuyến đường giữ xe có phí là Lữ Gia (từ đường Nguyễn Thị Nhỏ đến Lý Thường Kiệt).
Trên cơ sở đó, UBND các quận kiến nghị Ban An toàn giao thông, Công an TP.HCM và Sở Giao thông vận tải xem xét thống nhất danh mục để địa phương căn cứ tổ chức thực hiện.
Theo kế hoạch, đầu tháng 1/2024, TP.HCM sẽ áp dụng thu phí vỉa hè trên gần 900 tuyến đường thuộc 5 khu vực trên địa bàn. Tuy nhiên, việc triển khai đến nay tại nhiều quận vẫn chưa hoàn tất.
Quảng Nam kiến nghị Trung ương hỗ trợ 800 tỷ đồng xây kè chống sạt bờ biển
Bờ kè biển Tam Thanh dài 3,2 km được đầu tư xây dựng từ năm 2000, hiện bị hư hỏng nhiều vị trí. Tỉnh Quảng Nam đề nghị Trung ương hỗ trợ 800 tỷ đồng để xây dựng đồng bộ 3 km còn lại và sửa chữa các vị trí bị hư hỏng.
Dự án kè biển Tam Thanh xuất hiện một số vị trí bị sụt lún |
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã ký văn bản gửi Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và các bộ liên quan xin hỗ trợ nguồn vốn ngân sách trung ương đầu tư xây dựng Dự án Kè chống sạt lở bờ biển Tam Thanh (TP. Tam Kỳ).
Xã Tam Thanh có 6,5 km bờ biển. Dự án kè bảo vệ bờ biển Tam Thanh có chiều dài khoảng 3,2 km và được đầu tư xây dựng từ năm 2000.
Hơn 20 năm qua, kè bảo vệ đã phát huy tác dụng chống sạt lở bờ biển, đảm bảo ổn định cuộc sống của hơn 3.000 hộ dân thuộc các thôn Hòa Hạ, Hòa Trung, Hòa Thượng (xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ).
Tuy nhiên, qua thời gian, kè đã xuất hiện một số vị trí bị sụt lún cần được khắc phục, sửa chữa.
Tỉnh Quảng Nam mong muốn đầu tư xây dựng đồng bộ 3 km kè còn lại nhằm đảm bảo phòng, chống sạt lở khu vực bờ biển Tam Thanh, ổn định đời sống nhân dân khu vực và hoàn thiện hệ thống hạ tầng, góp phần phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu.
Do đó, địa phương kiến nghị được hỗ trợ 800 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương để đầu tư xây dựng khẩn cấp Dự án Kè chống sạt lở bờ biển Tam Thanh.
Chiều dài tuyến kè khoảng 6,5 km, bao gồm sửa chữa, gia cố 3,5 km kè hiện trạng và đầu tư mới 3 km, đồng thời đầu tư kết nối giao thông đỉnh kè với các tuyến hiện trạng. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2024 - 2025.
Tiền Giang - tỉnh đầu tiên ở miền Tây công bố hạn mặn, thiếu nước khẩn cấp
Tiền Giang công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Tân Phú Đông để triển khai ngay các biện pháp ứng phó.
Người dân tại xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang xin nước ngọt từ xe bồn từ thiện |
Đây là địa phương đầu tiên công bố tình huống khẩn cấp trong mùa khô năm nay, sau khi hạn mặn khiến hàng chục nghìn hộ bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng suốt nửa tháng qua.
Huyện Tân Phú Đông có 44.000 người dân sử dụng nước máy với nhu cầu hơn 10.000 m3 một ngày đêm. Hiện, nước máy lẫn nguồn nước tự cung cấp của người dân chỉ khoảng 8.000 m3, còn thiếu khoảng 2.000 m3. Địa phương này đang đề xuất Tỉnh vận chuyển nước ngọt thô bằng sà lan bơm vào các ao quy mô trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân.
Theo Nghị định số 66/2021/NĐ-CP, tình huống khẩn cấp về thiên tai là tình trạng thiên tai đã hoặc đang xảy ra gây nguy hại trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe của nhiều người và các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng đang sử dụng. Tình huống khẩn cấp được công bố bằng quyết định của người có thẩm quyền như chủ tịch UBND cấp tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Sau khi công bố tình huống khẩn cấp, các đơn vị liên quan phải triển khai ngay các biện pháp ứng phó cấp bách để ngăn chặn và khắc phục nhanh hậu quả. Nhu yếu phẩm, nước sạch sẽ được cấp phát miễn phí cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng.
Đến nay, Tiền Giang đã mở hơn 60 vòi công cộng cấp nước miễn phí. Nhiều tổ chức, cá nhân cũng dùng sà lan, xe bồn chở nước ngọt đến vùng khô hạn phát miễn phí cho người dân, song chỉ giải quyết tạm thời tình trạng thiếu nước ngọt.
Hạn mặn năm nay dự báo sẽ khiến 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, 20.000 ha lúa đông xuân gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo bị thiếu nước.
Các trạm BOT tại Quảng Ninh đồng loạt tăng giá
Các trạm BOT tại Quảng Ninh tới đây sẽ tăng giá khoảng 18% so với giá vé hiện tại.
Trạm thu phí BOT cầu Bạch Đằng sẽ tăng giá trong thời gian tới |
Ngày 6/4, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, vừa có văn bản đồng ý đề xuất của Sở Giao thông vận tải Tỉnh về việc điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng đường bộ qua một số trạm BOT trên địa bàn.
Các trạm BOT sẽ tăng giá gồm: cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Biên Cương (TP. Cẩm Phả).
Sở Giao thông vận tải đề xuất tăng giá 18% so với mức hiện nay đối với các loại phương tiện khi qua các trạm BOT nói trên. Thời gian điều chỉnh là sau 30 ngày kể từ khi các đơn vị quản lý các trạm BOT tiến hành thông báo, niêm yết công khai để người dân nắm được thông tin.
Các trạm BOT trên được đưa vào sử dụng từ năm 2018, 2019. Theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, các trạm sẽ tăng giá vào năm 2021 và 2022, tuy nhiên, đến nay chưa điều chỉnh giá lần nào do ảnh hưởng dịch Covid-19.
UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải giám sát việc thu phí của các nhà đầu tư theo đúng quy định.
Yêu cầu nhanh chóng đóng cửa mỏ đã khai thác bô xít ở Đắk Nông
Cục trưởng Cục Khoáng sản Nguyễn Trường Giang chỉ đạo làm nhanh các thủ tục đóng cửa mỏ bô xít tại Đắk Nông.
Hoạt động khai thác bô xít ở Đắk Nông |
Hội đồng thẩm định Đề án đóng cửa mỏ do ông Nguyễn Trường Giang, Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc tại Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV.
Hiện nay, trên phần diện tích đã được cấp phép khai thác khoáng sản 3.074 ha, Công ty Nhôm Đắk Nông đã thuê đất 481,22 ha. Hiện đơn vị đã khai thác 425,8 ha; hoàn thành 368,44 ha; trồng cây cải tạo, phục hồi môi trường 123,23 ha.
Khu vực đóng cửa mỏ 130 ha thuộc phần diện tích đã khai thác và hoàn thành tại địa phận các xã Đắk Wer và Nghĩa Thắng. Trong đó, 111,7 ha có trữ lượng đã khai thác, hoàn thành và 18,3 ha không có trữ lượng khai thác, thuộc phần rìa ngoài thân quặng và hồ nước.
Đối với khu vực này, Công ty Nhôm Đắk Nông đã hoàn thành công tác cải tạo, phục hồi môi trường như: trồng cây 69,18 ha; tuyến đường giao thông chăm sóc cây 24,39 ha; hồ chứa nước 23,61 ha; diện tích chưa bị tác động bởi dự án 12,82 ha (phần diện tích không có trữ lượng)...
Cục trưởng Cục Khoáng sản Nguyễn Trường Giang cho biết, hiện nay, cơ sở pháp lý cho việc đóng cửa mỏ, trả một phần diện tích cho địa phương đã cơ bản hoàn thành. Các đơn vị liên quan có thể hoàn toàn yên tâm triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Cục trưởng Nguyễn Trường Giang chỉ đạo làm nhanh các thủ tục đóng cửa mỏ bô xít tại Đắk Nông. Cục Khoáng sản đề nghị, Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin (VITE) tiếp thu các ý kiến của Hội đồng để sớm hoàn chỉnh Đề án đóng cửa mỏ, nhanh nhất là 8/4/2024 phải có.
Sắp kiểm tra 6 casino, 10 công ty xổ số
Mười công ty xổ số, 6 casino cùng 11 doanh nghiệp kinh doanh trò chơi có thưởng nằm trong kế hoạch kiểm tra của Bộ Tài chính năm nay.
Bộ Tài chính sẽ kiểm tra 6 công ty kinh doanh casino trong năm nay |
Bộ Tài chính vừa duyệt Kế hoạch kiểm tra hoạt động kinh doanh xổ số, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài và casino năm 2024.
Năm nay, Bộ Tài chính dự kiến kiểm tra 10 công ty kinh doanh xổ số, 11 doanh nghiệp kinh doanh trò chơi có thưởng cho người nước ngoài và 6 công ty kinh doanh casino. Đây là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần quản lý chặt.
Hiện cả nước có 63 doanh nghiệp xổ số kiến thiết tại các địa phương và một công ty điện toán hoạt động từ năm 2017. Các công ty này đều là doanh nghiệp nhà nước.
Danh sách các công ty xổ số nằm trong kế hoạch kiểm tra gồm 4 công ty ở miền Bắc (Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang), 4 ở miền Trung (Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kon Tum) và 2 ở miền Nam (Bình Thuận, Bến Tre). Cơ quan quản lý sẽ kiểm tra nghiệp vụ phát hành xổ số và chấp hành quy định quản lý tài chính của các doanh nghiệp này.
Các công ty kinh doanh casino, sòng bài đầu tiên cho người Việt vào chơi ở Phú Quốc, do Công CP Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc làm Chủ đầu tư, cũng nằm trong kế hoạch kiểm tra. Casino này mới đây công bố lỗ lũy kế 3.720 tỷ đồng sau 4 năm hoạt động, do chi phí khấu hao và lãi phải trả lớn.
Ngoài ra, 5 casino còn lại ở Khách sạn Hoàng Gia - Quảng Ninh, Lợi Lai - Quảng Ninh, Aristo - Lào Cai, Hoiana - Quảng Nam, Trung tâm Hội nghị quốc tế - Hải Phòng.
Với 11 công ty kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra về tuân thủ điều kiện cấp giấy chứng nhận kinh doanh, quy định tổ chức hoạt động kinh doanh, phòng, chống rửa tiền.
Hiện nay, thị trường kinh doanh trò chơi có thưởng có 69 điểm kinh doanh trên cả nước. Hàng năm, UBND cấp tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra tại doanh nghiệp trên địa bàn. Đến nay, 10 UBND cấp tỉnh đã kiểm tra tại 20 doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.