Bản tin thời sự sáng 7/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Metro số 1 nguy cơ thiếu nhân sự vận hành; hoàn thành thử tải cầu bộ hành ở An Giang; kiến nghị dừng thu phí BOT Nam Bình Định do đường hỏng; đình chỉ hoạt động 9 doanh nghiệp thẩm định giá; cao tốc Bến Lức - Long Thành giảm vốn hơn 1.200 tỷ đồng; giá thép bắt đầu giảm…

Metro số 1 nguy cơ thiếu nhân sự vận hành

Đến cuối năm nay, Metro số 1 cần hơn 700 nhân viên vận hành, bảo dưỡng nhưng nguy cơ bị thiếu nhân sự vì đơn vị phụ trách hết tiền trả lương.

Đoàn tàu ba toa dài hơn 61 m của Metro Bến Thành - Suối Tiên

Đoàn tàu ba toa dài hơn 61 m của Metro Bến Thành - Suối Tiên

Thông tin được chính quyền thành phố nêu trong công văn vừa gửi Bộ Tài chính, liên quan thủ tục bổ sung kinh phí hoạt động cho đơn vị vận hành Metro Bến Thành - Suối Tiên (Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 - HURC1), trong bối cảnh Dự án sắp về đích.

Công ty trên được lập năm 2015, trực thuộc UBND TP.HCM, 100% vốn nhà nước. Từ tháng 8/2021, đơn vị này đã không còn kinh phí sau khi tạm ứng hết 14 tỷ đồng vốn điều lệ ban đầu. Lương, bảo hiểm cho người lao động gần hai năm qua không được chi trả, tổng các khoản nợ hiện khoảng 6,7 tỷ đồng.

Theo UBND Thành phố, gần hai năm qua, đã có 21 trong tổng 36 nhân viên HURC1 nghỉ việc. Trong khi đến cuối năm, Dự án cần tuyển 706 người để vận hành, bảo trì tuyến metro. Do vậy, ngoài nguy cơ thiếu nhân sự còn có thể bị nhà thầu khiếu kiện do không cung cấp được nhân sự để đào tạo, chuyển giao công nghệ theo hợp đồng.

Trước đó, TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng được bổ sung vốn cho HURC 268 tỷ đồng, từ nguồn chi đầu tư phát triển ngân sách Thành phố. Tuy nhiên, việc này bị vướng bởi bổ sung vốn điều lệ chỉ áp dụng với doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động hiệu quả. Trong khi đơn vị này chưa có doanh thu mà chỉ phát sinh chi phí nên chưa thể đánh giá hiệu quả.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sau đó yêu cầu Bộ trưởng Tài chính chủ trì làm việc với các bên liên quan thống nhất pháp lý để Chính phủ ban hành Nghị quyết bổ sung vốn cho HURC trước ngày 8/3. Tuy nhiên, đến nay vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Toàn tuyến dài gần 20 km, từ depot Long Bình (TP. Thủ Đức) đến ga Bến Thành (Quận 1).

Hoàn thành thử tải cầu bộ hành ở An Giang

Thử tải bằng nước tại cầu bộ hành Nguyễn Thái Học, TP. Long Xuyên, hoàn tất, các thông số được ghi nhận, chuyển cho công an xác minh sai phạm ở dự án này, chiều 6/4.

Cầu bộ hành nằm bên trái

Cầu bộ hành nằm bên trái

Phân viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải phía Nam (đơn vị kiểm định) đã huy động hơn 20 công nhân lắp ba dãy giàn giáo (ngang 2 m, dài hơn 30 m) dọc cầu, tương đương trọng lượng 400 người. Hai xe bồn dung tích 8 m3 được huy động để bơm nước lên dụng cụ chứa. Các thiết bị lắp đặt trên cầu sẽ ghi nhận các thông số hướng suất, biến dạng, dao động liên quan thử tải.

Ông Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải phía Nam cho biết, ngoài thử tải, đơn vị còn kiểm định các hạng mục khác của công trình, mọi thứ sẽ hoàn thành trong vài ngày tới.

Ông Hùng cho biết thêm, còn nhiều thông số chưa đánh giá nên chưa thể kết luận và kết quả thử tải sẽ được cung cấp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang.

Dự án cầu Nguyễn Thái Học bắc qua rạch Long Xuyên, gồm cầu chính dài 120 m, rộng 16 m dành cho ôtô, xe máy, xe đạp và cầu dành cho người đi bộ bên cạnh. Toàn Dự án có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, khởi công tháng 5/2019 và khánh thành sau hai năm triển khai. Qua nửa năm vận hành, phần cầu bộ hành bị phản ánh chất lượng chưa đảm bảo, sai thiết kế, phải nhiều lần sửa chữa.

Để xác minh nghi vấn sai phạm ở cầu đi bộ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã trưng cầu Phân viện Khoa học Công nghệ giao thông vận tải phía Nam thực hiện giám định chất lượng công trình. Đơn vị này đề xuất phương án thử tải bằng 400 người đi qua cầu, song nhiều ý kiến không đồng tình, phải chuyển sang phương pháp dùng nước.

Kiến nghị dừng thu phí BOT Nam Bình Định do đường hỏng

Khu Quản lý đường bộ 3 vừa kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam tạm dừng thu phí BOT Nam Bình Định (Dự án mở rộng Quốc lộ 1) đến khi khắc phục xong hư hỏng.

Trạm BOT Nam Bình Định ở thị xã An Nhơn

Trạm BOT Nam Bình Định ở thị xã An Nhơn

BOT Nam Bình Định (thị xã An Nhơn) thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên dài hơn 40 km, theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao).

Dự án có tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng do Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định làm chủ đầu tư. Công trình thu phí từ năm 2016, thời gian thu trong hơn 25 năm (305 tháng).

Theo Khu Quản lý đường bộ 3, sau 8 năm khai thác, nhiều đoạn mặt đường thuộc Dự án bị bong bật, rạn nứt lớn, dồn ụ, vạch sơn tim đường bị mờ... Một số đoạn bị đọng nước, mặt cầu đọng nhiều đất, rác gây lấp lỗ thoát nước như tại cầu Suối Lữ, Suối Dứa, cầu Vượt.

Các cơ quan chức năng đã làm việc trực tiếp, có nhiều văn bản đôn đốc sửa chữa nhưng chủ đầu tư vẫn chưa khắc phục triệt để, nguy cơ mất an toàn giao thông.

Năm 2018, trạm BOT Nam Bình Định bị người dân và doanh nghiệp phản ứng vì giá vé cao, vị trí đặt trạm không hợp lý, trong khi chất lượng đường thấp, hư hỏng. Sau đó, chủ đầu tư đã giảm giá 5.000 đồng mỗi vé cho các xe qua trạm.

Đình chỉ hoạt động 9 doanh nghiệp thẩm định giá

Bộ Tài chính vừa có quyết định đình chỉ kinh doanh đối với 9 doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ thẩm định giá.

Bộ Tài chính vừa đình chỉ hoạt động 9 doanh nghiệp thẩm định giá

Bộ Tài chính vừa đình chỉ hoạt động 9 doanh nghiệp thẩm định giá

Ngày 6/4, Bộ Tài chính cho biết vừa có quyết định đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá 9 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Dịch vụ Tài chính và Thẩm định giá VIETVALUE; Công ty CP Tư vấn đầu tư và Thẩm định giá Thăng Long; Công ty TNHH Kiểm toán Châu Á; Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán AAC; Công ty TNHH Tư vấn và định giá AMI; Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá BMC Việt Nam; Công ty TNHH Global CPAs; Công ty TNHH Kiểm toán IMMANUEL; Công ty TNHH Thẩm định giá và Thương mại Việt Nam.

Các doanh nghiệp trên bị đình chỉ kinh doanh thẩm định giá trong thời gian 60 ngày kể từ ngày 1/4. Công ty vi phạm đều đã được lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và tiến hành xử phạt theo quy định. Theo Cục Quản lý giá, một số doanh nghiệp còn tồn tại, thiếu sót cần được chấn chỉnh trong thời gian tới.

Cục Quản lý giá cho biết, nguyên nhân chính của những vi phạm này chủ yếu là do doanh nghiệp chưa quán triệt tốt việc thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. Đặc biệt là doanh nghiệp chưa cập nhật kịp thời các quy định mới, mặc dù các thẩm định viên đều đã có Giấy chứng nhận tham gia các lớp cập nhật kiến thức. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt việc kiểm soát, kiểm tra nội bộ hoạt động thẩm định giá tại doanh nghiệp.

Theo Cục Quản lý giá, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành pháp luật về thẩm định giá của 15 doanh nghiệp. Trong quá trình kiểm tra nhận thấy, một số doanh nghiệp có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thẩm định giá (như không thông báo cho Bộ Tài chính khi thay đổi danh sách thẩm định viên; không thực hiện đúng quy trình; không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, đồng thời không trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp, phát hành Chứng thư hoặc Báo cáo thẩm định giá không có đủ các thông tin cơ bản theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam).

Cao tốc Bến Lức - Long Thành giảm vốn hơn 1.200 tỷ đồng

Vốn đầu tư cao tốc dài 58 km, nối Long An - TP.HCM - Đồng Nai còn 30.073 tỷ đồng, giảm 1.247 tỷ đồng sau khi cập nhật khối lượng công việc còn lại của Dự án.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn giao Quốc lộ 1 (TP.HCM) đã cơ bản hoàn thành

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn giao Quốc lộ 1 (TP.HCM) đã cơ bản hoàn thành

Thông tin nêu trong tờ trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành, vừa được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) gửi lãnh đạo Chính phủ.

Dự án trước đó được duyệt tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, gồm: hơn 13.600 tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), gần 12.000 tỷ từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), còn lại gần 5.700 tỷ đồng từ nguồn đối ứng trong nước. Sau 4 năm vướng thủ tục cấp vốn, Chính phủ đã có nghị quyết cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tự cân đối và bố trí vốn để hoàn thành tuyến đường.

Theo Bộ GTVT, cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện đạt gần 82% khối lượng. Sau khi cập nhật giá trị các gói thầu cùng khối lượng công việc còn lại, tổng mức đầu tư giảm còn 30.073 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu nguồn vốn cũng được phân chia gồm: hơn 8.000 tỷ đồng vốn vay ADB, gần 10.600 tỷ đồng của JICA, gần 3.900 tỷ đồng từ nguồn đối ứng.

Phần còn lại hơn 7.500 tỷ đồng sẽ do VEC tự bố trí từ tiền tích lũy của đơn vị để hoàn thành toàn bộ Dự án. Số tiền này sẽ dùng để bổ sung cho phần vốn đối ứng còn lại; hoàn thiện các gói thầu phía Tây và Đông của Dự án, sau khi hiệp định vay của ADB hết hạn. Đồng thời, việc đầu tư hoàn thiện nút giao giữa cao tốc với Quốc lộ 51; trả các chi phí phát sinh trong thời gian Dự án dừng thi công; lãi vay; thuế... cũng sẽ lấy từ nguồn kinh phí trên.

Ngoài điều chỉnh tổng mức đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị lùi thời gian hoàn thành tuyến cao tốc đến tháng 9/2025, thay vì cuối năm nay do cần thời gian khởi động lại công trình. Trước đó, do Dự án bị dừng quá lâu nhiều nhà thầu đã dừng hợp đồng.

Giá thép bắt đầu giảm

Sau 6 phiên liên tiếp tăng giá, các thương hiệu thép lớn bắt đầu hạ giá về vùng 15,6 - 15,9 triệu đồng một tấn, giữa bối cảnh tiêu thụ ảm đạm.

Các thương hiệu thép lớn bắt đầu hạ giá

Các thương hiệu thép lớn bắt đầu hạ giá

Hòa Phát vừa thông báo giảm giá thép cây 100.000 đồng một tấn và thép cuộn các loại 300.000 đồng một tấn. Hiện giá sản phẩm thép thanh CB300 D10 còn 15,89 triệu đồng một tấn và thép cuộn CB240 còn 15,66 triệu đồng một tấn.

Mức giảm tương tự cũng được Thép Việt Ý áp dụng. Giá thép CB300 D10 lùi về 15,86 triệu đồng một tấn, thép CB240 còn 15,61 triệu đồng một tấn.

Nguyên nhân giảm giá thép được Hòa Phát đưa ra là giá phôi thép và giá nguyên liệu đầu vào giảm. Trong khi Thép Việt Ý nói điều chỉnh giá do sự biến động của thị trường thép xây dựng và để phù hợp nhu cầu hiện tại.

Tiêu thụ kém cũng là yếu tố tác động lớn đến diễn biến giá thép. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) thống kê trong hai tháng đầu năm, bán hàng thép thành phẩm đạt hơn 3,8 triệu tấn, giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng xuất khẩu giảm 10%. Trong khi sản xuất thép thành phẩm đã giảm 16%, chênh lệch giữa tiêu thụ và sản xuất vẫn lên đến hơn 430.000 tấn.

Hòa Phát - đơn vị nắm khoảng 40% thị phần thép xây dựng cả nước - ghi nhận sản lượng bán hàng thép xây dựng, HRC và phôi thép trong hai tháng đầu năm đạt 877.000 tấn, giảm 34% so với cùng kỳ 2022. Hòa Phát lỗ ròng trong giai đoạn này.

TP.HCM nghiên cứu triển khai làn đường dành riêng cho xe đạp

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, TP.HCM sẽ nghiên cứu triển khai làn đường dành riêng cho xe đạp như một số nước trên thế giới.

Xe đạp công cộng tại đường Lê Lợi, Quận 1, TP.HCM

Xe đạp công cộng tại đường Lê Lợi, Quận 1, TP.HCM

Theo ông Hà Lê Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, mục tiêu của dịch vụ xe đạp công cộng là đa dạng hóa các loại phương tiện công cộng, từ đó giúp môi trường xanh - sạch hơn, nâng cao sức khỏe người dân và kết nối hệ thống giao thông công cộng.

Tại TP.HCM, xe đạp công cộng được triển khai trên địa bàn Quận 1 từ tháng 12/2021 với 42 trạm dừng và gần 500 xe. Theo ông Ân, sau 15 tháng hoạt động, xe đạp công cộng đã thu được kết quả ấn tượng với hơn 305.000 người đăng ký tài khoản (trong đó có hơn 80% số người thật sự sử dụng dịch vụ).

Theo thống kế, có hơn 473.000 chuyến đi, trung bình 1.100 chuyến/ngày. Quãng đường sử dụng xe đạp công cộng là hơn 2,1 triệu km, trung bình 5.120km/ngày, tương đương 4,5km/chuyến. Tổng thời gian sử dụng hơn 390.000 giờ, trung bình gần 1.000 giờ/ngày, tương đương 50 phút/chuyến.

So với di chuyển bằng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy, khách hàng đạp xe với quãng đường kể trên đã giúp giảm hơn 183.000 kg khí thải CO2 ra môi trường, tương đương với khả năng hấp thụ của hơn 8.700 cây xanh.

Không chỉ có thân thiện với môi trường, tần suất đạp xe trung bình hiện nay giúp người sử dụng đốt cháy tổng hơn 2,4 triệu calo mỗi tuần, có tác dụng tích cực với việc cải thiện sức khỏe.

TP.HCM là địa phương đầu tiên triển khai dịch vụ và lan rộng đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước, gồm: TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), TP. Hải Dương (tỉnh Hải Dương), TP. Quy Nhơn (Bình Định), TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng.

Ngày 28/4, khai trương tuyến phố đi bộ - chợ đêm Hải Dương

Tuyến phố đi bộ sử dụng toàn bộ khu vực Quảng trường Thống Nhất và 1/2 đường Bạch Đằng, cầu Hồng Quang, toàn bộ đường Chương Dương đoạn từ cầu Hồng Quang đến Bùi Thị Xuân và 1/2 đường Bùi Thị Xuân.

Tuyến phố đi bộ - chợ đêm thành phố Hải Dương được triển khai theo ý tưởng “Tinh hoa hội tụ, bừng sáng Thành Đông.”

Tuyến phố đi bộ - chợ đêm thành phố Hải Dương được triển khai theo ý tưởng “Tinh hoa hội tụ, bừng sáng Thành Đông.”

Tuyến phố đi bộ - chợ đêm với chủ đề "Tinh hoa hội tụ - Bừng sáng thành Đông" của thành phố Hải Dương sẽ khai trương ngày 28/4 tới.

Thời gian hoạt động của tuyến phố từ 16 giờ ngày thứ Bảy đến hết 24 giờ ngày Chủ nhật hằng tuần. Tuyến phố đi bộ sử dụng toàn bộ khu vực Quảng trường Thống Nhất và 1/2 đường Bạch Đằng (phía giáp sông), cầu Hồng Quang, toàn bộ đường Chương Dương đoạn từ cầu Hồng Quang đến Bùi Thị Xuân và 1/2 đường Bùi Thị Xuân (phía giáp sông).

Tuyến phố đi bộ chia thành 4 phân khu: Long, Lân, Quy, Phụng. Biểu tượng các phân khu gắn với các danh nhân kiệt xuất gắn liền với vùng đất Xứ Đông.

Cụ thể, tại tuyến phố đi bộ - chợ đêm, thành phố Hải Dương sẽ giới thiệu các tour tuyến du lịch, để đưa du khách đến với những di tích lịch sử và các sản phẩm du lịch mới của Hải Dương.

Tại không gian tuyến phố đi bộ - chợ đêm, 50 gian hàng được sắp xếp khoa học, tuyển chọn các sản phẩm đặc trưng của tỉnh và các địa phương, tạo sự đa dạng về sản phẩm, trong đó có sự đan xen giữa các gian hàng bán sản phẩm OCOP và các gian hàng phục vụ giải khát, đồ ăn nhanh, ẩm thực đường phố. Các sản phẩm đều đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả được niêm yết công khai.

Hoạt động trình chiếu ánh sáng nghệ thuật là một điểm nhấn của tuyến phố đi bộ - chợ đêm.

Chuyên đề