Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm
Giới ngân hàng thống nhất cùng giảm lãi suất tiết kiệm lên tới 0,5% tại các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng.
Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm |
Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ ngày 6/3, 4 ngân hàng có vốn nhà nước giảm lãi suất huy động 0,2% với kỳ hạn từ 6 - 12 tháng. Khối ngân hàng tư nhân đồng thuận giảm lãi suất 0,5% với kỳ hạn 6 - 12 tháng (từ 27/2).
Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi theo Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp các nhà băng giảm chi phí, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
Tại phiên họp Chính phủ cuối tuần trước, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất hợp lý, phù hợp với kiểm soát lạm phát. Việc cắt giảm lãi suất theo Thủ tướng cần được làm thực chất.
Khảo sát cho thấy, nhiều nhà băng đã cập nhật biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất. Hai trong 4 ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank và Agribank đã hạ lãi suất kỳ hạn 6 và 9 tháng 0,2 - 0,3% so với trước, các kỳ hạn còn lại giữ nguyên.
Các nhà băng tư nhân khác như LienVietPostBank, VietCapitalBank, NamABank, BaoVietBank sáng ngày 6/3 cũng đã giảm lãi suất 0,1 - 0,6% với các kỳ hạn 6 - 12 tháng.
Như vậy, tính tới 6/3, mức lãi suất niêm yết cao nhất thị trường là 9,5%, chỉ còn xuất hiện tại số ít đơn vị như SCB và Kienlongbank.
Từ tuần trước, gần chục nhà băng cũng đã giảm lãi suất huy động như NCB, BacABank, OCB, BaoVietBank, DongABank, PGBank. Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tháng 2/2023, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm.
Cảnh sát khám xét Công ty F88 ở TP.HCM
Sáng 6/3, nhiều lực lượng của Công an TP.HCM phối hợp Công an quận Gò Vấp phong toả một đoạn đường Nguyễn Oanh, hạn chế phương tiện qua lại, khi nhà chức trách khám xét tầng 7 và 8 của một tòa nhà văn phòng. Khu vực này là trụ sở chính Công ty CP Kinh doanh F88 - công ty tài chính chuyên cho vay với quy mô lớn.
Cảnh sát phong toả toà nhà có trụ sở của Công ty F88 tại quận Gò Vấp, TP.HCM |
Theo cơ quan điều tra, F88 chuyên cho vay tiền, có cả trăm nhân viên thu hồi nợ và trong thời gian qua đã đe doạ người vay, nghi có dấu hiệu "cưỡng đoạt tài sản".
F88 được thành lập năm 2013, tự nhận là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân, cầm đồ... có quy mô và tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Công ty có 830 chi nhánh trên toàn quốc.
Đến chiều, hoạt động khám xét của cảnh sát được mở rộng trên toàn địa bàn TP.HCM. Hàng loạt các phòng giao dịch, chi nhánh ở các quận, huyện của Công ty đều bị cơ quan điều tra phong toả.
Trước đó, hồi đầu tháng 2, liên quan hoạt động của F88 tại tỉnh Thanh Hoá, lực lượng công an tỉnh này đã lập biên bản vi phạm hành chính với các điểm kinh doanh cầm đồ của chi nhánh Công ty tại phường Tân Sơn, Điện Biên, Ba Đình, Quảng Tâm, Đông Sơn, Đông Thọ...
Những cơ sở này bị xác định vi phạm trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội như lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu, tình hình hoạt động kinh doanh không đầy đủ; nhận cầm cố tài sản mà không lưu giữ tài sản cầm cố tại cơ sở kinh doanh trong thời gian cầm cố tài sản.
Hà Nội dự kiến bầu bổ sung Phó Chủ tịch UBND Thành phố vào ngày 10/3
HĐND TP. Hà Nội sẽ bầu bổ sung Phó Chủ tịch UBND Thành phố tại Kỳ họp thứ 11 ngày 10/3, hơn hai tháng sau khi nguyên Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng bị bắt.
Một phiên họp tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP. Hà Nội |
Theo HĐND TP. Hà Nội, Kỳ họp thứ 11 dự kiến diễn ra một ngày, nội dung xem xét bãi nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND Thành phố với ông Chử Xuân Dũng và bầu bổ sung nhân sự thay thế. Hôm 20/2, Thành ủy Hà Nội đã họp, cho ý kiến về kiện toàn chức danh Phó Chủ tịch này.
Ông Dũng bị bắt ngày 22/12/2022 với cáo buộc nhận hối lộ trong vụ án "chuyến bay giải cứu", sau đó bị khai trừ khỏi Đảng. UBND TP. Hà Nội đã tạm thời phân công 2 Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn và Hà Minh Hải đảm nhiệm phần việc do ông Chử Xuân Dũng phụ trách.
Hà Nội hiện có 5 Phó Chủ tịch UBND Thành phố. Trong đó, 4 người được bầu cuối năm 2020 là các ông Dương Quốc Tuấn, Hà Minh Hải, Nguyễn Trọng Đông, Nguyễn Mạnh Quyền; và ông Lê Hồng Sơn - nguyên Thứ trưởng Tư pháp được luân chuyển từ năm 2014.
Cũng tại Kỳ họp, HĐND Thành phố dự kiến miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên UBND Thành phố đối với một số lãnh đạo sở, ngành. Thời gian qua, UBND Thành phố đã quyết định điều động nhân sự đứng đầu tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Ban Dân tộc.
TP.HCM sẽ chi gần 250 tỷ đồng nâng tĩnh không 2 cầu bắc qua sông Sài Gòn
Hai cầu Bình Triệu 1 và Bình Phước 1 bắc qua sông Sài Gòn sẽ được nâng tĩnh không lên 7 m, tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng, hoàn thành năm 2024, giúp tàu thuyền lưu thông dễ dàng, thúc đẩy phát triển giao thông thủy.
Cầu Bình Triệu 1 tĩnh không thấp gây khó khăn cho phương tiện đường thủy |
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, hai dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 (tổng vốn hơn 133 tỷ đồng) và cầu Bình Phước 1 (tổng vốn gần 112 tỷ đồng) sẽ trình HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp trong tháng 3 này.
Nếu được thông qua, cả hai cây cầu sẽ được nâng tĩnh không lên 7 m, triển khai trong năm nay và hoàn thành năm 2024.
Cầu Bình Phước 1 nằm trên Quốc lộ 1, bắc qua sông Sài Gòn, nối TP. Thủ Đức với Quận 12, thông xe năm 2003, dài gần 480 m, rộng hơn 11 m. Tuy nhiên, do tĩnh không cầu chỉ khoảng 6 m nên đã gây khó khăn cho tàu thuyền qua lại.
Tháng 8/2022, dầm thép nhịp chính cầu Bình Phước 1 bị cong vênh, biến dạng do bị phương tiện đường thủy va chạm. Để đảm bảo an toàn, xe trọng tải lớn vẫn bị cấm đi qua cầu Bình Phước 1.
Tương tự, cầu Bình Triệu 1 bắc qua sông Sài Gòn nối Thủ Đức với quận Bình Thạnh xây trước năm 1975, được sửa chữa và mở rộng năm 2010. Tĩnh không cầu chỉ 5,5 m đã gây khó khăn rất lớn trong vận chuyển hành khách cũng như hàng hóa bằng đường thủy nội địa.
Sông Sài Gòn là tuyến vận tải đường thủy nội địa quan trọng trong mạng lưới giao thông thủy tại khu vực Đông Nam Bộ, phục vụ vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương đến các cảng biển khu vực TP.HCM và khu bến Cái Mép (cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu).
Tuy nhiên, do tĩnh không thấp, nhiều cầu bắc qua sông Sài Gòn đang là trở ngại với tàu thuyền, kìm hãm phát triển đường thủy.
Cần Thơ nguy cơ ùn ứ khoảng 7.000 tấn rác
Nhà máy đốt rác phát điện lớn nhất bảo dưỡng gần hai tháng, giảm tiếp nhận mỗi ngày 100 - 130 tấn, khiến Cần Thơ rơi vào nguy cơ ùn ứ khoảng 7.000 tấn rác.
Một điểm tập kết rác tại phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều |
Nhà máy xử lý rác phát điện (thuộc Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB) tại huyện Thới Lai thông báo từ đầu tháng 4 sẽ đại tu, bảo dưỡng theo định kỳ 5 năm. Vì thế, khả năng tiếp nhận rác để xử lý của cơ sở này còn 400 tấn mỗi ngày. Do chiếm hơn 70% khối lượng rác xử lý ở Cần Thơ, việc cơ sở giảm tiếp nhận sẽ gây ùn ứ rác thải ở Thành phố.
Ông Trần Hoàng Anh, Giám đốc điều hành Nhà máy cho biết, lẽ ra việc đại tu phải thực hiện trước Tết Nguyên đán 2023, nhưng do cam kết với TP. Cần Thơ đảm bảo tiếp nhận rác trong dịp Tết nên phải trì hoãn đến nay. Sau khi hoàn thành đại tu, nhà máy này có thể tiếp nhận 520 - 530 tấn rác mỗi ngày.
Ông Trần Hoàng Anh cho biết thêm, về lâu dài, đơn vị kiến nghị UBND TP. Cần Thơ chấp thuận nâng công suất Nhà máy lên 600 tấn mỗi ngày.
Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ, hiện tổng lượng rác thải hàng ngày của địa phương khoảng 700 tấn. Trong số này, hơn 650 tấn được thu gom, vận chuyển, xử lý tại lò đốt rác ở xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ và Nhà máy đốt rác phát điện ở huyện Thới Lai.
Trong khi nhà máy xử lý lớn nhất bảo dưỡng dẫn đến dôi dư 130 - 150 tấn/ngày, Sở Tài Nguyên và Môi trường kiến nghị UBND TP. Cần Thơ chấp thuận cho nâng cấp, cải tạo hạ tầng khu xử lý rác ở xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, để có thể tiếp nhận thêm lượng rác chưa kịp xử lý.
Đóng cửa trường đua chó ở Vũng Tàu
Trường đua chó Lam Sơn tổng vốn đầu tư 5 triệu USD, quy mô nhất Đông Nam Á tại TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đóng cửa từ ngày 10/3, do giấy phép hết hạn.
Thông báo ngưng hoạt động trường đua được chủ đầu tư treo ở cổng sân vận động Lam Sơn |
Thông tin được Công ty CP Dịch vụ thể thao thi đấu giải trí (chủ đầu tư) cho biết ngày 6/3. Trước mắt, doanh nghiệp sẽ di dời trang thiết bị ở trường đua sân vận động Lam Sơn trả mặt bằng. Trung tâm ở TP. Bà Rịa sẽ tiếp tục nuôi, huấn luyện gần 400 con chó Greyhound trong thời gian chờ thanh lý hợp đồng. Chủ đầu tư đang đẩy nhanh xây trường đua cho mới ở Lâm Đồng.
Trường đua chó Lam Sơn hoạt động từ năm 2000 với tần suất 2 buổi mỗi tuần, vé vào cổng 90.000 - 180.000 đồng mỗi người. Sau 23 năm, chủ đầu tư đã tổ chức gần 1.500 kỳ đua, thu hút hơn 3,5 triệu lượt khách mua vé vào sân xem và đặt cược. Tuy nhiên, hoạt động đua chó được đánh giá hiệu quả chưa cao. Chủ đầu tư cho biết, đến nay đã lỗ 205 tỷ đồng, nộp ngân sách địa phương hơn 45 tỷ đồng.
Đại diện chủ đầu tư cho hay, nếu được gia hạn giấy phép, doanh nghiệp sẽ đóng thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt của ngành kinh doanh đua chó ít nhất 100 tỷ đồng mỗi năm. Sau 10 năm, số tiền này sẽ tăng 30 lần nếu doanh nghiệp được bán vé đặt cược trên cả nước thông qua các điểm bán vé ngoài trường đua và tin nhắn sms.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi di dời trường đua Lam Sơn, khu đất sẽ được quy hoạch với chức năng thể dục thể thao.
Tàu cao tốc Cà Mau - Nam Du - Phú Quốc chạy từ 18/3
Tàu cao tốc từ Cà Mau đi Nam Du và Phú Quốc hoạt động trở lại sau gần hai năm ngừng chạy vì tác động Covid-19.
Tàu cao tốc đậu tại bến ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời |
Thông tin từ Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc, thời gian đầu, tàu từ Cà Mau đi đảo Nam Du và Phú Quốc vào Thứ Bảy, Chủ nhật; sau đó gần ba tuần, tàu sẽ chạy mỗi ngày. Bến của tuyến nằm tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Đảo Phú Quốc và Nam Du là địa điểm du lịch nổi tiếng thuộc Kiên Giang. Trước đó, từ tháng 7/2020, tàu cao tốc từ Cà Mau đến hai địa danh này khai trương, thời gian chạy hơn 3 giờ.
Công an Cần Thơ khởi tố 2 nhân viên y tế liên quan Việt Á
Đỗ Thị Yến Phương cùng đồng nghiệp bị cáo buộc kê khống hoá chất, kít xét nghiệm viêm gan B, C; cấu kết với Công ty Việt Á làm hàng giả..., qua đó chiếm đoạt 800 triệu đồng.
Cơ quan điều tra đọc lệnh khởi tố Phạm Ngọc Thuỳ (trái) và Đỗ Thị Yến Phương |
Ngày 6/3, Phương và Phạm Ngọc Thùy (cùng là nhân viên Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ) bị Công an Thành phố khởi tố về hành vi "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" theo Điều 355 Bộ luật Hình sự. Cả hai được tại ngoại hầu tra.
Theo điều tra ban đầu, từ năm 2017 - 2021, Phương và Thuỳ kê khống nhu cầu sử dụng hoá chất tách chiết, kít xét nghiệm viêm gan B, C, lao... để bộ phận mua sắm đặt hàng của Công ty CP Công nghệ Việt Á (đã trúng thầu trước đó). Đồng thời, cả hai cấu kết với nhân viên nhà thầu làm khống hàng hóa (bao bì, nhãn mác giống thật nhưng bên trong là nước lọc), thủ tục, để bộ phận mua sắm trình Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ thanh toán đầy đủ.
Sau đó, hai nhân viên này đề nghị Công ty Việt Á chi lại giá trị hàng khống (đã thanh toán) để chiếm đoạt của Bệnh viện khoảng 800 triệu đồng.
Công an TP. Cần Thơ đang mở rộng điều tra, xác định trách nhiệm, vai trò đồng phạm của một số nhân viên Công ty Việt Á.