Bản tin thời sự sáng 7/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là xử lý việc cản trở thực hiện kết luận của TTCP về mua sắm phòng, chống dịch tại TP.HCM; hàng không đón 10 triệu khách trong tháng 1/2023; Phú Yên triển khai xây dựng 9 dự án nhà ở xã hội và thương mại; TP.HCM xin làm bãi xe trên các khu đất trống…

Xử lý việc cản trở thực hiện kết luận của TTCP về mua sắm phòng, chống dịch tại TP.HCM

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin và thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Thành phố.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã chuyển nhiều vụ việc mua sắm trang thiết bị y tế tại TP.HCM sang Bộ Công an. Ảnh minh họa

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã chuyển nhiều vụ việc mua sắm trang thiết bị y tế tại TP.HCM sang Bộ Công an. Ảnh minh họa

Kế hoạch nhằm mục đích theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo đầy đủ, kịp thời trong việc thực hiện các nội dung theo kết luận và kiến nghị của TTCP. UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân là đối tượng thanh tra, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đối tượng thanh tra cần quán triệt, chấp hành nghiêm các nội dung kết luận.

Đặc biệt, UBND TP.HCM yêu cầu phát hiện, xử lý các hành vi không thực hiện, cố tình chây ỳ, cản trở việc thực hiện kết luận thanh tra nhằm đảm bảo hiệu quả, hiệu lực hoạt động thanh tra, ngăn chặn tối đa thất thoát, thiệt hại ngân sách, tài sản nhà nước.

Trong bản kế hoạch, Sở Y tế sẽ kiểm tra việc quyết toán ngân sách nhà nước sử dụng để mua sắm; việc giao nhận và quản lý sử dụng trang thiết bị, vật tư, kít xét nghiệm, sinh phẩm và thuốc chữa bệnh phục vụ phòng, chống Covid-19. Cơ quan này cũng kiểm tra, rà soát các gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư, kít xét nghiệm, sinh phẩm, thuốc chữa bệnh...

Trước đó, TTCP đã ban hành thông báo kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin và thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM (thời kỳ từ 1/1/2020 đến 31/12/2021).

Qua đó, TTCP đã chuyển hai hồ sơ vụ việc có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản nhà nước tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đến Bộ Công an để điều tra, xử lý.

Hàng không đón 10 triệu khách trong tháng 1/2023

Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam trong tháng 1/2023 đạt 9,8 triệu khách và chứng kiến sự tăng trưởng rõ rệt, cả về lượng khách nội địa và quốc tế.

Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển gần 5 triệu khách, tăng 13,4% so với tháng trước.

Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển gần 5 triệu khách, tăng 13,4% so với tháng trước.

Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 1/2023, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trong cả nước đạt 9,8 triệu khách, tăng 13,8% so với tháng trước đó (tháng 12/2022). Trong đó, khách quốc tế đạt 2,3 triệu khách, tăng 10% và khách nội địa đạt 7,5 triệu khách, tăng 15%.

Trong số gần 10 triệu khách qua các cảng hàng không, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 4,85 triệu khách, tăng 13,4% so với tháng 12/2022, với 1,1 triệu khách quốc tế và 3,75 triệu khách nội địa, đạt tốc độ tăng trưởng lần lượt là 8,5% và 15% so với tháng trước.

Hàng hoá, sản lượng thông qua các cảng hàng không trong tháng đầu tiên của năm 2023 đạt 112 nghìn tấn, tăng 11,6% so với tháng 12/2022. Riêng hàng hóa quốc tế là 83 nghìn tấn, tăng 10% và hàng hóa nội địa đạt sản lượng 29 nghìn tấn, tăng 16,6%.

Tính riêng trong 7 ngày Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không đạt xấp xỉ 13 nghìn lần cất hạ cánh, tăng 39%. Đồng thời, các cảng hàng không đón hơn 1,9 triệu hành khách, tăng 58% và hơn 7,6 nghìn tấn hàng hóa, giảm 11,6% so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2022.

Các hãng hàng không Việt Nam trong dịp Tết đã vận chuyển hơn 967 nghìn hành khách và 1.550 tấn hàng hóa, tăng tương ứng 60,7% về hành khách và 28,4% về hàng hóa so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2022.

Cũng theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, tại hai sân bay lớn nhất cả nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất, lượng khách nội địa và quốc tế có sự tăng trưởng hơn nhờ sự đi lại của người dân về quê đón Tết.

Phú Yên triển khai xây dựng 9 dự án nhà ở xã hội và thương mại

Trước nguồn cung rất lớn của bất động sản, tỉnh Phú Yên đang triển khai xây dựng 9 dự án nhà ở. Trong đó, có dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.

Khu Kinh tế Nam Phú Yên

Khu Kinh tế Nam Phú Yên

Sở Xây dựng Phú Yên cho biết, nguồn cung bất động sản trên địa bàn Tỉnh là rất lớn, bao gồm phân khúc nhà ở thương mại trong khu đô thị được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và đất nền.

Tỉnh Phú Yên hiện có 9 dự án nhà ở đang được triển khai xây dựng (1 dự án nhà ở xã hội và 8 dự án nhà ở thương mại); 4 dự án nhà ở đang hoàn tất thủ tục để khởi công xây dựng theo quy định của pháp luật (đã có chủ đầu tư và đang hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư).

Cụ thể, Dự án Nhà ở xã hội Nam Hùng Vương (TP. Tuy Hòa) do Công ty TNHH Bích Hợp làm chủ đầu tư, với quy mô 393 căn nhà liền kề.

Các dự án nhà ở thương mại tại TP. Tuy Hòa gồm: Dự án Tòa nhà hỗn hợp The Light Phú Yên; Dự án Khu công trình hỗn hợp 77-79 Nguyễn Du; Dự án Khu nhà ở tại lô đất ký hiệu số 1, phía Đông đường Hùng Vương; Dự án Khu nhà ở tại lô đất ký hiệu số 2, phía Đông đường Hùng Vương; Dự án Khu nhà ở hỗn hợp cao cấp tại khu đất phía Nam đường Quy hoạch N3, đường Hùng Vương; Dự án Khu nhà ở tại lô đất ký hiệu số 3, phía Đông đường Hùng Vương; Dự án Khu nhà ở hỗn hợp cao cấp tại khu đất phía Bắc đường N3, đường Hùng Vương; Dự án Khu nhà ở hỗn hợp cao cấp tại số 296 Trần Hưng Đạo.

Bên cạnh đó, 13 dự án nhà ở cũng đang được hoàn tất thủ tục để thực hiện lựa chọn chủ đầu tư (đấu thầu theo pháp luật về đấu thầu và đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đấu giá).

Theo Sở Xây dựng, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc tổ chức đấu giá (lựa chọn chủ đầu tư và đất nền) gặp nhiều khó khăn.

TP.HCM xin làm bãi xe trên các khu đất trống

TP.HCM đang thiếu 900 ha bến bãi nên muốn Quốc hội cho cơ chế để làm bãi đỗ xe trên các khu đất trống chưa làm dự án, không cần phải theo quy hoạch.

Công viên 23 Tháng 9 - một trong những nơi thành phố dự tính làm bãi xe cao tầng

Công viên 23 Tháng 9 - một trong những nơi thành phố dự tính làm bãi xe cao tầng

Nội dung được nêu trong dự thảo mới thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù, vừa được TP.HCM gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trước khi trình Chính phủ. Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh đô thị 10 triệu dân hiện thiếu bãi đỗ xe trầm trọng. Hệ thống bến bãi hiện hữu chỉ đạt khoảng 20% quy hoạch, thiếu hơn 900 ha so với chỉ tiêu gần 1.200 ha.

Theo đó, Thành phố xin Quốc hội cho phép đầu tư công trình có thời hạn khai thác và sử dụng tối đa 10 năm, không nhất thiết phù hợp quy hoạch, trên các khu đất đang để trống như: nhà đậu xe cao tầng lắp ghép; các công trình phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao...

Chính quyền Thành phố cho rằng, cách này sẽ giúp huy động đầu tư từ xã hội, phát huy tối đa nguồn lực từ đất trong khi ngân sách chưa đáp ứng. Cơ chế này cũng giúp tăng khả năng cung cấp dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đậu xe và giảm các hao phí xã hội do ùn tắc giao thông.

Theo quy hoạch, khu vực trung tâm (930 ha) TP.HCM sẽ có 4 bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại và công cộng trong, song chưa dự án nào được triển khai do nhiều vướng mắc. Trong khi đó, Thành phố đang quản lý hơn 850.000 ô tô và hơn 7,8 triệu xe máy, chưa tính số vãng lai. Riêng Quận 1, 3, 5 đang có hơn 21.500 ô tô. 6 tháng đầu năm 2022, số ôtô đăng ký mới hơn 7.500, tăng hơn 20% so cùng kỳ.

Xuất khẩu gạo giảm mạnh tháng đầu năm 2023

Tháng 1/2023, xuất khẩu gạo ước đạt 400.000 tấn với giá trị 203 triệu USD, giảm lần lượt 20,9% và 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 1/2023, xuất khẩu gạo ước đạt 400.000 tấn với giá trị 203 triệu USD

Tháng 1/2023, xuất khẩu gạo ước đạt 400.000 tấn với giá trị 203 triệu USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, không chỉ giảm về sản lượng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng quay đầu và thấp hơn so với hàng Thái Lan 50 USD một tấn.

Nguyên nhân được cho là nhu cầu tiêu thụ trên thế giới giảm. Trong khi đó lượng tồn kho ở nhiều nước còn cao. Báo cáo tháng 1 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng dự báo, nhu cầu gạo năm nay chỉ đạt khoảng 54,4 triệu tấn, giảm 4% so với kỷ lục năm ngoái và lần đầu tiên giảm kể từ năm 2019.

Mặc dù tình hình thế giới dự báo khá khó khăn, theo các doanh nghiệp Việt, cuối quý I, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại khi nguồn cung của thị trường dồi dào. Trong khi đó, Thái Lan - đối thủ cạnh tranh của Việt Nam - đang chịu sức ép về giá khi đồng baht tăng làm giảm lợi nhuận của các nhà phân phối ở nước ngoài. Do đó, nhiều đối tác có thể tìm nguồn hàng mới từ Việt Nam để tối ưu lợi nhuận. Hiện, gạo Việt có nhiều lợi thế về chất lượng và giá ở thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc.

Quảng Ngãi dự chi gần 1.000 tỷ xây đường giao thông, kè trên sông Trà Khúc

Tỉnh Quảng Ngãi dự kiến chi số tiền gần 1.000 tỷ đồng để xây dựng hệ thống giao thông, kè dọc theo sông Trà Khúc.

Tỉnh Quảng Ngãi dự kiến chi khoảng 1.000 tỷ đồng xây dựng đường giao thông, kè dọc theo cồn cát ven sông Trà Khúc để khai thác quỹ đất.

Tỉnh Quảng Ngãi dự kiến chi khoảng 1.000 tỷ đồng xây dựng đường giao thông, kè dọc theo cồn cát ven sông Trà Khúc để khai thác quỹ đất.

Ngày 6/2, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã tổ chức buổi làm việc với cơ quan chức năng để bàn thảo, xây dựng kế hoạch đầu tư Dự án hạ tầng giao thông, kè tại ốc đảo Xóm Lân trên sông Trà Khúc để khai thác quỹ đất hơn 45 ha.

Tỉnh Quảng Ngãi dự kiến chi khoảng 1.000 tỷ đồng (ngân sách 425 tỷ đồng và nhà đầu tư 541 tỷ đồng) xây dựng đường giao thông, kè dọc theo cồn cát ven sông Trà Khúc để khai thác quỹ đất.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi và đơn vị tư vấn thiết kế, về phương án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tạo quỹ đất sạch tại vị trí hạ lưu đập dâng sông Trà Khúc. Khu vực quy hoạch có diện tích 45,7 ha thuộc địa phận xã Tịnh An và Tịnh Long, TP. Quảng Ngãi.

Cụ thể, theo phương án quy hoạch, tỉnh Quảng Ngãi sẽ đầu tư hệ thống kè ven sông với chiều dài 2,6 km từ Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc đến vị trí kè hiện trạng. Xây cầu nối và đường nối đầu cầu từ đảo Xóm Lân tiếp giáp với đường Hoàng Sa… với tổng mức đầu tư khoảng 967 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Tỉnh khoảng 425 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư khoảng 541 tỷ đồng.

Đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, khi đầu tư dự án này, địa phương sẽ khai thác triệt để quỹ đất hơn 45,7 ha nằm giữa sông Trà Khúc và đường Hoàng Sa.

Trong đó, sẽ quy hoạch đất vào mục đích sử dụng đất ở có diện tích gần 16,6 ha với hệ thống đất ở liền kề, đất nhà ở biệt thự đơn lập, đất nhà ở biệt thự song lập, đất nhà ở xã hội. Ngoài ra, sẽ trích khoảng 2,9 ha quỹ đất phục vụ thương mại công cộng, hơn 10 ha đất công viên, quảng trường; hơn 2 ha đất hạ tầng kỹ thuật và hơn 13,5 ha đất giao thông.

Đề xuất bến container quốc tế cảng Sài Gòn tiếp nhận tàu siêu trọng tải

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết vừa có ý kiến liên quan đến đề xuất tiếp nhận tàu trọng tải 200.148 DWT vào, rời Bến cảng container quốc tế cảng Sài Gòn - SSA (Bến cảng SSIT) của Công ty Liên doanh Dịch vụ container quốc tế cảng Sài Gòn - SSA (Chủ đầu tư).

Tàu ra vào bốc xếp hàng hóa tại Cảng Tân cảng Cát Lái.

Tàu ra vào bốc xếp hàng hóa tại Cảng Tân cảng Cát Lái.

Theo đó, Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, Bến cảng SSIT được công bố mở để tiếp nhận tàu có trọng tải đến 160.000 DWT. Tuy nhiên, cảng được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chấp thuận chủ trương cho phép nghiên cứu, lập phương án tiếp nhận tàu có trọng tải đến 200.000 DWT.

Trên cơ sở đó, Chủ đầu tư đã phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức đánh giá kiểm định kết cấu bến cảng, được Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) thẩm định và thông báo kết quả đánh giá khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 199.273 DWT và Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương cho phép tổ chức thử nghiệm tiếp nhận tàu container trọng tải 199.273 DWT vào, rời Bến cảng SSIT.

Đồng thời, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã phê duyệt phương án bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu container trọng tải trên 166.000 DWT đến 199.273 DWT vào, rời Bến cảng SSIT.

Đối với đề nghị tiếp nhận tàu MSC Jade có trọng tải 200.148 DWT vào, rời Bến cảng SSIT, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho biết đang yêu cầu, hướng dẫn Công ty Liên doanh Dịch vụ container quốc tế cảng Sài Gòn - SSA phối hợp với đơn vị tư vấn chuyên ngành thực hiện rà soát, tính toán, đánh giá khả năng đáp ứng của kết cấu hạ tầng bến cảng và so sánh với phương án bảo đảm an toàn hàng hải đã được phê duyệt, làm cơ sở báo cáo Bộ GTVT.

Hãng tàu MSC đã có kế hoạch đưa tàu lớn vào cảng SSIT làm hàng, thay thế một số tàu cỡ vừa thuộc tuyến dịch vụ Sentosa hiện hữu.

Phía lãnh đạo cảng SSIT khẳng định đã liên hệ đơn vị tư vấn và sau khi kiểm tra, đơn vị tư vấn phản hồi rằng với mức chênh lệch nhỏ (Tàu MSC Jade tải trọng 200.148 DWT so với giấy phép thử nghiệm 199.273 DWT), cảng vẫn đáp ứng và đảm bảo điều kiện kỹ thuật tiếp nhận tàu an toàn.

Do đó, lãnh đạo cảng SSIT đã đề nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận cho cảng được tiếp nhận tàu MSC Jade với tải trọng thực tế nêu trên.

Hải Phòng thiếu hơn 10.000 lao động đầu năm 2023

Để đáp ứng kế hoạch sản xuất kinh doanh, hiện, các doanh nghiệp TP.Hải Phòng tuyển dụng hơn 10.000 lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông.

Các doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hải Phòng hiện có nhu cầu tuyển dụng khoảng 10.000 lao động. Ảnh minh hoạ

Các doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hải Phòng hiện có nhu cầu tuyển dụng khoảng 10.000 lao động. Ảnh minh hoạ

Ông Nguyễn Văn Luận - Trưởng phòng Quản lý lao động Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng cho biết, năm nay, tỷ lệ người lao động trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán cao. Do vậy, các doanh nghiệp hầu hết ổn định lực lượng lao động. Đến thời điểm hiện tại, chỉ có 40 doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng với tổng số lượng là gần 2.000 lao động, ít hơn nhiều so với thời điểm này năm 2022 (gần 70.000 lao động). Các doanh nghiệp tuyển dụng lao động chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quá trình tuyển dụng tương đối thuận lợi.

Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Trưởng phòng Việc làm An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hải Phòng, sau Tết nguyên đán, hơn 90% lao động quay trở lại làm việc. Hiện nay, như nhiều doanh nghiệp trên cả nước gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, một số doanh nghiệp tại Hải Phòng phải thu hẹp sản xuất, không bố trí tăng ca, thậm chí cho người lao động nghỉ giãn việc nên không có nhu cầu tuyển dụng. Nhu cầu tuyển dụng trên toàn Thành phố hiện khoảng 10.000 lao động, chủ yếu là các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động hoặc doanh nghiệp bị thiếu hụt nhiều lao động sau kỳ nghỉ Tết...

Chuyên đề