Bản tin thời sự sáng 7/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là toàn bộ học sinh TP.HCM đến trường từ 14/2; Cục Hàng không yêu cầu gấp rút tăng chuyến bay đêm sau Tết; 3 cây cầu huyết mạch ở TP.HCM có tổng vốn đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng; Hà Nội đón hơn 100.000 lượt khách dịp Tết Nhâm Dần…

Toàn bộ học sinh TP.HCM đến trường từ 14/2

Ngày 7/2, hàng trăm ngàn học sinh từ khối 7 - 12 sẽ trở lại trường học tập trực tiếp như kế hoạch đã thực hiện trước đó. Song song đó, các trường tiếp tục lên kế hoạch chuẩn bị đón học sinh mầm non và các khối còn lại. Dự kiến đến ngày 14/2, tất cả học sinh các cấp tại TP.HCM sẽ quay trở lại trường học tập bình thường.

Học sinh TP.HCM sẽ đến trường đồng loạt từ 14/2. Ảnh minh họa

Học sinh TP.HCM sẽ đến trường đồng loạt từ 14/2. Ảnh minh họa

Theo UBND TP.HCM, trẻ mầm non, tiểu học và lớp 6 học trực tiếp từ ngày 7/2/2022.

Cụ thể là từ 7/2, cơ sở giáo dục thực hiện công tác chuẩn bị đón trẻ và học sinh đi học trực tiếp.

Từ 10 - 13/2, cơ sở giáo dục tổ chức họp phụ huynh học sinh triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc trẻ, tập huấn công tác chống dịch Covid-19.

Từ 14/2, tổ chức đón trẻ mầm non và tiểu học đến trường, trường hợp cha mẹ học sinh chưa đồng thuận thì học sinh tiếp tục học trên môi trường internet, trên truyền hình...

Đối với bậc tiểu học, Thành phố triển khai đón học sinh theo cấp độ dịch của từng địa phương. Với vùng xanh, từ ngày 14 - 20/2, các trường có thể dạy học 2 buổi/ngày hoặc bán trú tất cả khối lớp.

Các trường ở vùng vàng, từ ngày 14 - 20/2, có thể tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hoặc bán trú khối 1, 2, 5. Riêng học sinh khối 3, 4 học một buổi/ngày. Với cơ sở giáo dục ở vùng cam, từ ngày 14 - 20/2, học sinh khối 1, 2, 5 đi học một buổi/ngày, học sinh khối 3, 4 học trực tuyến. Các cơ sở ở vùng đỏ tiếp tục dạy học trên truyền hình, Internet.

Ngoài ra, UBND Thành phố cũng giao Sở GD&ĐT, Sở Y tế rà soát, tiếp tục tham mưu điều chỉnh bộ tiêu chí an toàn, tiếp tục triển khai các hướng dẫn chuyên môn về phương án tổ chức học trực tiếp...

Cục Hàng không yêu cầu gấp rút tăng chuyến bay đêm sau Tết

Do các khung giờ bay vào ban ngày đã rất đông, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các hãng hàng không tăng chuyến bay đêm để kịp thời đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân đi lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Các hãng hàng không lên kế hoạch tăng chuyến bay đêm, phục vụ nhu cầu khách đi lại dịp sau Tết

Các hãng hàng không lên kế hoạch tăng chuyến bay đêm, phục vụ nhu cầu khách đi lại dịp sau Tết

Đây là chỉ đạo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, về việc tăng cường thêm các chuyến bay đêm, phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.

Theo cơ quan này, các ngày sau Tết Nguyên đán, lượng khách đi từ các cảng hàng không khu vực phía Bắc, đặc biệt là cảng hàng không quốc tế Nội Bài tăng rất cao.

Lượng khách đi từ sân bay Nội Bài vào ngày cao điểm trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022 tăng gần gấp đôi so với ngày cao điểm Tết Nguyên đán năm 2021 (383 chuyến bay với 29.000 hành khách).

Riêng trong ngày 6/2, tức mùng 6 Tết, tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có tổng số 372 chuyến bay.

Lưu lượng khách nội địa đi từ cửa ngõ hàng không khu vực phía Bắc trong ngày khoảng 56.000 hành khách.

Các đơn vị đều tăng cường nhân lực để phục vụ, hướng dẫn hành khách và chủ động phương án phục vụ trong khung giờ cao điểm, không xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ.

Do các khung giờ bay vào ban ngày đã rất đông, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các hãng hàng không tăng chuyến bay đêm để kịp thời đáp ứng nhu cầu tăng cao của nhân dân đi vào phía Nam sau kỳ nghỉ Tết.

Trong ngày 6/2, các hãng đã lập kế hoạch để tăng hơn 100 chuyến bay trong giai đoạn từ ngày 6 - 12/2, chủ yếu chặng Hà Nội - TP.HCM.

3 cây cầu huyết mạch ở TP.HCM có tổng vốn đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng

Cầu Cần Giờ, Cát Lái, Thủ Thiêm 4, tổng vốn hơn 21.000 tỷ đồng, đầu tư những năm tới giúp liên kết vùng, tháo điểm nghẽn hạ tầng nhiều khu vực ở TP.HCM.

Vị trí 3 cầu kết nối nhiều địa phương ở TP.HCM.

Vị trí 3 cầu kết nối nhiều địa phương ở TP.HCM.

Quy mô lớn nhất là Dự án cầu Cần Giờ, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Cầu bắc qua sông Soài Rạp, nối huyện Cần Giờ qua Nhà Bè vào trung tâm TP.HCM. Thành phố đã tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế cầu. Trong 17 thiết kế đưa ra, cầu có kiến trúc dây văng một trụ tháp hình cây đước - đặc trưng của Cần Giờ được chọn. Theo phương án này, cầu Cần Giờ dài 3,4 km, có 4 làn xe...

Dự án cầu Cần Giờ lúc trước dự kiến kết hợp đầu tư giữa hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), với nguồn vốn khoảng 7.600 tỷ đồng và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) khoảng 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) loại hình thức BT, công trình phải tìm nguồn vốn đầu tư khác. Hiện, Dự án được lên kế hoạch thực hiện giai đoạn 2023 - 2028.

Cầu Cát Lái nối TP.HCM và Đồng Nai tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng. Cầu có thiết kế dây văng hai trục tháp, dài 650 m, rộng hơn 37 m, 6 làn ôtô và 3 làn xe thô sơ, lề đi bộ mỗi bên 1,5 m... Mới đây, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI, đơn vị tư vấn) đưa ra 5 phương án thiết kế cầu Cát Lái.

Dự án cầu Thủ Thiêm 4 nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm qua Quận 7, tổng vốn 5.300 tỷ đồng. Công trình trước đó cũng dự tính thực hiện theo hợp đồng BT nên sau khi hình thức bị loại bỏ trong Luật PPP, Dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Theo kế hoạch, công trình dự kiến thực hiện giai đoạn 2024 - 2028.

Thu ngân sách nhà nước tháng 1/2022 giảm so với cùng kỳ năm trước

Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, thu ngân sách nhà nước trong tháng 1/2022 giảm gần 4% so với cùng kỳ năm trước. Do thu nội địa giảm mạnh, nên dù thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu có tăng cũng không bù đắp được.

Thu ngân sách tháng 1 vừa qua giảm so với cùng kỳ do thu nội địa giảm sâu. Ảnh minh hoạ.

Thu ngân sách tháng 1 vừa qua giảm so với cùng kỳ do thu nội địa giảm sâu. Ảnh minh hoạ.

Trong tháng 1/2022, thu ngân sách nhà nước ước đạt 13% dự toán, giảm gần 4% so với cùng kỳ năm 2021, điều này do thu nội địa giảm tới hơn 8%. Dù thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước (tăng lần lượt 44% và 31%), nhưng tổng thu vẫn giảm.

Trong tháng vừa qua, ngân sách nhà nước đã chi hơn 113.900 tỷ đồng, bằng 6,4% dự toán. Trong đó, chi thường xuyên chiếm gần 75% tổng chi, chi trả nợ và lãi vay chiếm gần 14% tổng chi.

Chi đầu tư phát triển trong tháng 1 vừa qua đạt rất thấp. Các bộ ngành địa phương chỉ giải ngân được 2,5% dự toán Thủ tướng giao. Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân do giai đoạn này các bộ ngành, địa phương tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, thanh toán vốn cho các dự án thuộc kế hoạch năm trước kéo dài sang nên chưa tập trung cao cho giải ngân vốn năm 2022 (ước giải ngân vốn năm 2021 đạt 90% dự toán)

Tới nay đa số các bộ ngành, địa phương đã ban hành quyết định phân bổ ngân sách năm 2022. Theo đó, các địa phương giao dự toán thu ngân sách cả năm 2022 khoảng 1,6 triệu tỷ đồng (cao hơn 4,4% so với dự toán Chính phủ giao); tổng chi ngân sách các địa phương hơn 1 triệu tỷ đồng (cao hơn 7,4% so với dự toán Thủ tướng giao).

Hà Nội đón hơn 100.000 lượt khách dịp Tết Nhâm Dần

Từ ngày 31/1/2022 đến hết ngày 6/2/2022, thủ đô Hà Nội đón và phục vụ hơn 105.000 lượt khách, tuy nhiên lượng khách lưu trú không cao.

Từ ngày 31/1/2022 đến hết ngày 6/2/2022, thủ đô Hà Nội đón và phục vụ hơn 100.000 lượt khách

Từ ngày 31/1/2022 đến hết ngày 6/2/2022, thủ đô Hà Nội đón và phục vụ hơn 100.000 lượt khách

Theo Sở Du lịch Hà Nội, lượng du khách lưu trú tại Hà Nội dịp Tết Nhâm Dần 2022 không cao. Công suất bình quân sử dụng buồng phòng khối cơ sở lưu trú từ 1 - 5 sao uớc đạt 22,4%, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động đón khách đảm bảo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Khách du lịch chủ yếu là người dân Thủ đô đi du xuân và khách đến từ một số các tỉnh thành lân cận như Hà Nam, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... Du khách thường đi theo các nhóm nhỏ, gia đình tham quan nội thành hoặc nghỉ dưỡng ở ngoại thành Hà Nội.

Một số khu, điểm tham quan du lịch, bảo tàng, công viên đã mở cửa phục vụ du khách và nhân dân Thủ đô trong dịp Tết Nhâm Dần 2022. Từ ngày 31/1 - 4/2, Vườn Quốc gia Ba Vì đón 13.000 lượt khách, vườn thú Hà Nội đón khoảng 28.000 lượt khách, công viên Thiên đường Bảo Sơn đón khoảng 15.000 lượt khách, Khu du lịch Tản Đà ước đón 1.000 lượt khách…

Dịp nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, nhiều điểm đến di tích, văn hóa trên địa bàn Hà Nội vẫn tạm dừng hoạt động, chưa mở cửa đón khách trở lại. Đồng thời, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, các lễ hội xuân trên địa bàn Thủ đô như lễ hội Đền Sóc, lễ hội Đống Đa, lễ hội Hai Bà Trưng, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh cũng tạm dừng tổ chức; khu Di tích thắng cảnh chùa Hương chỉ tổ chức nghi lễ mở cửa rừng.

Đường hoa Nguyễn Huệ đón lượng khách kỷ lục tăng 440% so với năm 2021

Sau 9 ngày hoạt động, đường hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM) đón tiếp khoảng 350.000 lượt khách tham quan thưởng lãm, tăng 440% so với năm 2021.

Đường hoa năm nay tăng thêm thời gian mở cửa và đón nhận lượng khách tham quan cao đột biến so với năm trước

Đường hoa năm nay tăng thêm thời gian mở cửa và đón nhận lượng khách tham quan cao đột biến so với năm trước

Theo Saigontourist Group (đơn vị chủ trì tổ chức đường hoa), trong 9 ngày hoạt động, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nhâm Dần 2022 với chủ đề “Xuân quê hương, ấm tình nhân ái” đã đón tiếp khoảng 350.000 lượt khách tham quan thưởng lãm, tăng 440% so với năm 2021. Số lượng khách tham quan đặc biệt đông vào buổi chiều và buổi tối. Có thời điểm Ban tổ chức phải tạm thời đóng cửa đường hoa để giãn bớt số lượng khách bên trong theo yêu cầu phòng dịch.

Tổng cộng có hơn 10 đơn vị với khoảng 500 người tham gia thu dọn Đường hoa Nguyễn Huệ. Công tác thu dọn hoàn thành trước 6 giờ ngày 7/2 để hoàn trả lại mặt bằng Phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Trước đó, công trình này đã được lãnh đạo TP.HCM cho phép tăng thêm 2 ngày mở cửa đón khách để phục vụ lâu hơn nhu cầu thưởng ngoạn, du xuân của bà con, du khách tại Thành phố.

Đường hoa Nguyễn Huệ 2022 là công trình đường hoa thứ 19 được thực hiện trong dịp Tết cổ truyền tại trung tâm TP.HCM.

Chuyên đề