Bản tin thời sự sáng 7/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đóng 880.000 tài khoản chứng khoán không giao dịch; Hà Nội xin lùi hạn báo cáo Thủ tướng vụ mỏ cát trúng đấu giá cao bất thường; TP.HCM mở rộng đường kết nối cảng Cát Lái từ 6 - 8 m lên 30 m; Hà Nội tăng phí tham quan nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử…

Đóng 880.000 tài khoản chứng khoán không giao dịch

Tổng số tài khoản chứng khoán không giao dịch bị đóng trong tháng 10 và 11 là 880.000 tài khoản. Phần lớn trong số này được đóng/mở tại Công ty Chứng khoán MB.

Số tài khoản được đóng nhiều nhất được ghi nhận tại Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) với gần 340.000 tài khoản.

Số tài khoản được đóng nhiều nhất được ghi nhận tại Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) với gần 340.000 tài khoản.

Theo thông tin từ Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), tính đến ngày 30/11/2023, tổng số tài khoản giao dịch chứng khoán trong nước là hơn 7,2 triệu.

Trong đó, 99,8% là tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân (hơn 7 triệu tài khoản). Phần còn lại khoảng 16.000 tài khoản thuộc về các nhà đầu tư tổ chức.

Tổng số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài là 45.000 tài khoản, bao gồm 40.600 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân và 4.500 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức.

Trong tháng 11, tổng số tài khoản mở mới là 148.500 tài khoản, số tài khoản thực hiện đóng là hơn 341.000 tài khoản. Theo VSDC, số tài khoản bị đóng nhiều nhất được ghi nhận tại Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) với 340.000 tài khoản.

Phía MB cho biết, Công ty vẫn đang trong quá trình rà soát danh sách các tài khoản chứng khoán và chủ động thực hiện đóng các tài khoản đã mở trước đó nhưng không phát sinh giao dịch.

Tháng 10, hơn 545.000 tài khoản cũng bị đóng. Phần lớn các tài khoản này được mở ở MB. Như vậy trong 2 tháng liên tiếp, số tài khoản chứng khoán thực hiện đóng là hơn 880.000 tài khoản.

Hà Nội xin lùi hạn báo cáo Thủ tướng vụ mỏ cát trúng đấu giá cao bất thường

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, việc rà soát kết quả đấu giá 3 mỏ cát cao bất thường cần thêm thời gian, nên Thành phố đã báo cáo Thủ tướng cho phép lùi thời gian báo cáo tới ngày 15/12.

3 mỏ cát tại Hà Nội được đấu thành công với mức giá gần 1.700 tỷ đồng

3 mỏ cát tại Hà Nội được đấu thành công với mức giá gần 1.700 tỷ đồng

Chiều 6/12, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết về tiến độ kiểm tra, rà soát liên quan đến việc đấu giá 3 mỏ cát tại Hà Nội (Châu Sơn, Liên Mạc và Tây Đằng - Minh Châu) có giá cao gấp nhiều lần gây xôn xao dư luận và tiến độ thực hiện nhiệm vụ này từ Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, UBND Thành phố đã có chỉ đạo tại Văn bản số 3861/UBND-TNMT về việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 mỏ cát: Châu Sơn, Liên Mạc và Tây Đằng - Minh Châu.

Tại văn bản này, UBND TP. Hà Nội đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) thực hiện cùng với Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Công an Thành phố và các đơn vị có liên quan rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và quá trình đấu giá tại 3 mỏ cát theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 17/11, Sở TNMT đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội có báo cáo về những nội dung nêu trên.

“Qua rà soát kết quả báo cáo, chúng tôi nhận thấy, đây là nội dung quan trọng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, cơ quan đơn vị nên cần thời gian đánh giá, nghiên cứu xem xét chi tiết cụ thể. Từ đó đánh giá theo yêu cầu của Thủ tướng về việc lập hồ sơ, đấu giá, đánh giá trữ lượng bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định”, ông Hà Minh Hải cho hay.

TP.HCM mở rộng đường kết nối cảng Cát Lái từ 6 - 8 m lên 30 m

Đoạn đường Nguyễn Thị Định dài 2 km dẫn vào cảng Cát Lái (TP.HCM) được mở rộng từ 6 - 8 m lên 30 m với tổng vốn dự kiến hơn 2.000 tỷ đồng để giảm ùn tắc, tai nạn.

Đường Nguyễn Thị Định, TP. Thủ Đức từ trên cao

Đường Nguyễn Thị Định, TP. Thủ Đức từ trên cao

Nội dung được nêu trong tờ trình của UBND TP.HCM gửi HĐND Thành phố khóa X, tại Kỳ họp thứ 13, khai mạc sáng 6/12. Đoạn đường Nguyễn Thị Định được nâng cấp có chiều dài 2 km, từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy.

Dự án mở rộng đoạn đường Nguyễn Thị Định có chủ trương đầu tư năm 2015, sử dụng ngân sách Thành phố. Thời điểm đó, công trình được chia làm hai dự án riêng biệt. Tuy nhiên, hiện Dự án vẫn chưa thể thi công do vướng mặt bằng.

Tại tờ trình này, UBND TP.HCM đề xuất gộp hai dự án riêng lẻ thành Dự án xây dựng, nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định với tổng vốn đầu tư hơn 2.075 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp giữ nguyên nhưng chi phí bồi thường là 295 tỷ đồng, và gần 1.800 tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng (tăng hơn 660 tỷ đồng so với ban đầu).

Theo UBND Thành phố, vốn dành cho bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng, do việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư kéo dài dẫn đến hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường đã thay đổi. Tổng vốn Dự án tăng cũng có nguyên nhân từ việc thực hiện bổ sung hai vị trí.

Sau khi Dự án được thông qua chủ trương, cơ quan chức năng sẽ thực hiện khâu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp được phê duyệt, hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thành phần trong năm sau. Năm 2025, các cơ quan sẽ tổ chức đấu thầu, khởi công Dự án và hoàn thành, đưa vào sử dụng công trình trong năm 2026.

Cát Lái là cảng đứng đầu cả nước về sản lượng hàng hoá với hơn 19.000 lượt xe ra vào mỗi ngày. Các tuyến đường ra vào cảng thường xuyên bị ùn tắc do mật độ xe rất cao, nhất là ôtô tải, container. Cùng với Dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định, TP.HCM cũng đã triển khai dự án nút giao Mỹ Thủy (giai đoạn một), mở rộng đường Đồng Văn Cống để giảm ùn tắc cho khu vực này.

Hà Nội tăng phí tham quan nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử

Phí tham quan một lượt với mỗi khách đến Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là 70.000 đồng; Đền Ngọc Sơn 50.000 đồng; Di tích Nhà tù Hỏa Lò 50.000 đồng; Trung tâm Hoàng thành Thăng Long 100.000 đồng.

Không gian Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám lung linh về đêm

Không gian Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám lung linh về đêm

Chiều 6/12, HĐND TP. Hà Nội thông qua Dự thảo Nghị quyết sửa đổi quy định về phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn Thành phố được quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020. Nghị quyết mới điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan, thắng cảnh tại các di tích, thắng cảnh từ 30.000 đồng/lượt/nơi lên mức thu mới.

Cụ thể, Nghị quyết quy định phí tham quan một lượt với mỗi khách đến Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là 70.000 đồng; Di tích đền Ngọc Sơn 50.000 đồng; Di tích Nhà tù Hỏa Lò 50.000 đồng; Trung tâm Hoàng thành Thăng Long 100.000 đồng; Di tích Cổ Loa 30.000 đồng; Di tích Chùa Hương 120.000 đồng (trong đó có 2.000 đồng bảo hiểm khách du lịch); Di tích Đền Quán Thánh 10.000 đồng; Làng cổ Đường Lâm 20.000 đồng; Chùa Thầy 10.000 đồng; Chùa Tây Phương 10.000 đồng.

Các di tích không thu phí vào ngày di sản văn hóa 23/11. Ngoài ra, Đền Ngọc Sơn không thu phí ngày giỗ Thánh 20/8 Âm lịch, các ngày mùng 1 âm lịch hàng tháng trong năm; Chùa Hương không thu phí ngày 30, 1, 2 Tết Nguyên đán; ngày lễ Phật Đản (15/4 âm lịch); Đền Quán Thánh, chùa Tây Phương, chùa Thầy, làng cổ Đường Lâm không thu phí các ngày 30/12 âm lịch, ngày 1, 2 Tết Nguyên đán.

Như vậy, với việc HĐND TP. Hà Nội thông qua nghị quyết này, hầu hết phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn đều đã tăng giá.

Hoàng Quân huy động 15.000 tỷ đồng làm nhà ở xã hội

Ông trùm nhà ở xã hội Hoàng Quân muốn huy động 15.000 tỷ đồng để hoàn thành ít nhất 50 dự án nhà xã hội và cải tạo 10 tòa chung cư cũ trong 7 năm.

Những năm gần đây, địa ốc Hoàng Quân đã hoàn thành nhiều dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM
Những năm gần đây, địa ốc Hoàng Quân đã hoàn thành nhiều dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM

Văn phòng Chính phủ vừa chuyển văn bản kiến nghị Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng từ Tập đoàn Hoàng Quân đến Bộ Xây dựng. Trong đó, tập đoàn này cam kết hoàn thành ít nhất 50 dự án nhà xã hội với khoảng 50.000 căn và 10 tòa chung cư cũ tại TP.HCM, Đồng Nai, Long An trong giai đoạn 2023 - 2030.

Doanh nghiệp cho biết, 4 công ty thuộc nhóm địa ốc Hoàng Quân được HDBank cam kết cho vay 15.000 tỷ đồng để thực hiện số dự án trên. Trong đó, 10.000 tỷ đồng để xây dựng nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ tại TP.HCM, 5.000 tỷ đồng xây nhà xã hội ở Đồng Nai và Long An. Đây cũng là 3 địa phương đặt mục tiêu cao trong phát triển dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

Hoàng Quân kiến nghị tổ công tác của Thủ tướng hỗ trợ kết nối với 3 địa phương để đăng ký đầu tư số dự án trên. Đồng thời, doanh nghiệp muốn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư các dự án. Tập đoàn này cũng đề xuất với TP.HCM cho tham gia cải tạo, xây mới 10 tòa chung cư cũ, quy mô xây mới 10.000 căn hộ.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên 2023 hồi tháng 4 của Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC), lãnh đạo Tập đoàn cho biết đã làm việc với 5 ngân hàng và hầu hết dự án công ty đầu tư đều được vay vốn, kể cả những dự án đã hoàn thành cũng được tiếp cận tín dụng. Với rổ hàng phần lớn là các dự án nhà ở xã hội, mục tiêu sống còn của doanh nghiệp trong năm nay là tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021 - 2030, TP.HCM muốn xây dựng 93.000 căn nhà ở xã hội, cao gấp 1,3 lần chỉ tiêu Thủ tướng giao trong đề án xây một triệu căn hộ nhà xã hội. Chỉ tiêu của Long An và Đồng Nai lần lượt hơn 71.000 căn và 22.500 căn đến năm 2030.

Việt Nam sơ tán 780 công dân từ vùng chiến sự Myanmar

Việt Nam đã hồi hương 780 công dân từ Myanmar trên 6 chuyến bay thuê riêng, giữa bối cảnh tình hình chiến sự tại Myanmar diễn biến phức tạp.

Nhóm công dân Việt Nam từ Myanmar về nước ngày 6/12

Nhóm công dân Việt Nam từ Myanmar về nước ngày 6/12

Bộ Công an cho biết, tính đến ngày 6/12, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phối hợp với các đơn vị và cơ quan liên quan tiếp nhận 780 người về nước từ Myanmar qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài trên 6 chuyến bay thuê riêng.

Trong tuần này, dự kiến có thêm một số chuyến bay thuê riêng để đưa số công dân còn mắc kẹt về nước.

Toàn bộ chi phí hồi hương đều được chính phủ Việt Nam chi trả, theo Bộ Ngoại giao.

Đến nay, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã xác minh và trả lời cấp hộ chiếu cho 1.068 công dân cần được giải cứu ở Myanmar.

Công dân Việt Nam mắc kẹt ở Myanmar phần lớn là thanh niên trẻ, trong đó có cả thiếu niên, trẻ em sơ sinh và phụ nữ mang thai, ra nước ngoài làm việc trong những cơ sở đánh bạc trực tuyến ở các bang phía bắc Myanmar, bị chủ lao động bỏ rơi.

Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam tỉnh táo trước những lời mời chào ra nước ngoài làm "việc nhẹ lương cao", không yêu cầu về bằng cấp, trình độ, không có hợp đồng ký kết, không thông qua doanh nghiệp, tổ chức phái cử lao động.

Công dân cần tìm hiểu kỹ về nội dung công việc, đơn vị, địa điểm dự kiến làm việc, thân nhân người giới thiệu, chế độ bảo hiểm, quyền lợi được hưởng trước khi quyết định việc xuất cảnh ra nước ngoài.

Hà Nội tăng hệ số điều chỉnh giá đất tại 5 khu vực

Hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 tại 5 khu vực của Hà Nội được điều chỉnh tăng so với năm 2023. Trung bình tại các quận tăng khoảng gần 17% và tại các huyện khoảng 22%.

Hà Nội tăng hệ số điều chỉnh giá đất tại 5 khu vực. Ảnh minh họa

Hà Nội tăng hệ số điều chỉnh giá đất tại 5 khu vực. Ảnh minh họa

Chiều 6/12, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 14, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, các đại biểu đã biểu quyết thông qua hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 đối với các trường hợp áp dụng hệ số theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 làm căn cứ thu tiền sử dụng đất khi giao đất không thông qua đấu giá; thu tiền sử dụng đất khi tổ chức được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất ở trên địa bàn TP. Hà Nội áp dụng tại 5 khu vực được điều chỉnh tăng so với năm 2023, trung bình tại các quận tăng khoảng gần 17% và tại các huyện khoảng 22%.

Với đất sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp, điều chỉnh tăng trung bình tại các quận khoảng 4,17% và tại các huyện khoảng 4,74%. Đối với đất thương mại dịch vụ điều chỉnh tăng trung bình tại các quận khoảng 3,56% và tại các huyện khoảng 4,45%.

Với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản để sản xuất nông nghiệp, hệ số điều chỉnh giá đất K = 1,0 cho toàn địa bàn Thành phố.

Hệ số điều chỉnh giá đất làm cơ sở thu tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất ở vượt hạn mức tăng trung bình tại các quận, huyện là 15%.

Năm 2024 xây 2 khu tái định cư cho người dân nhường đất làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Hai khu tái định cư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được xây dựng tại phường Tam Phước và Phước Tân, thành phố Biên Hòa.

Khu tái định cư Long Đức là khu tái định cư đầu tiên ở Đồng Nai được xây dựng để phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Khu tái định cư Long Đức là khu tái định cư đầu tiên ở Đồng Nai được xây dựng để phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Ngày 6/12, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành kế hoạch kiểm đếm, lập phương án bồi thường, di dời hạ tầng kỹ thuật, công tác triển khai các khu tái định cư để triển khai dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 đoạn qua Đồng Nai.

Tại Dự án thành phần 1, công tác kiểm đếm đất đai, tài sản trên đất đến nay đã hoàn thành kiểm đếm ở phường Tam Phước (TP. Biên Hòa); các xã Long Đức, Lộc An, Long An, thị trấn Long Thành (huyện Long Thành).

Tỉnh Đồng Nai yêu cầu việc kiểm đếm đất của các đơn vị còn lại gồm phường Phước Tân, Biên Hòa và xã An Phước, huyện Long Thành phải hoàn thành trước ngày 15/12.

Còn với vị trí Đan viện Biển Đức Thiên Bình tại phường Tam Phước, các đơn vị có liên quan cũng phải kiểm đếm trước ngày 15/12/2023.

Tại Dự án thành phần 2, đến nay đã hoàn thành kiểm đếm trên địa bàn các xã: Tân Hiệp, Long An, Phước Thái thuộc huyện Long Thành. Hai địa phương khác là xã Long Phước và Phước Bình huyện Long Thành cũng được yêu cầu phải hoàn thành kiểm đếm trước 15/12.

Tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, việc xây dựng 2 khu tái định cư phục vụ nhu cầu an cư lạc nghiệp của người dân nhường đất làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phải được khởi công trong năm 2024.

Cụ thể, khu tái định cư tại phường Tam Phước phải được khởi công xây dựng trước ngày 20/7/2024. Còn khu tái định cư tại phường Phước Tân phải khởi công trước ngày 30/10/2024. Song song đó, phải khởi công thực hiện các dự án di dời hạ tầng kỹ thuật trước ngày 2/4/2024.

Di dời hơn 1.000 hộ để cải tạo bờ bắc kênh Đôi ở TP.HCM

TP.HCM sẽ di dời hơn 1.000 hộ trên và ven bờ bắc kênh Đôi ở Quận 8 để làm đường, chỉnh trang đô thị với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng bằng vốn ngân sách.

Kênh Đôi chảy qua quận 8, nơi dự kiến được cải tạo

Kênh Đôi chảy qua quận 8, nơi dự kiến được cải tạo

Nội dung được UBND TP.HCM trình HĐND Thành phố khóa X, Kỳ họp thứ 13, ngày 6/12. Dự án gồm các hạng mục: xây dựng khoảng 4,3 km kè, kết hợp nạo vét một phần lòng sông kênh Đôi phía bờ Bắc; mở rộng đường Hoài Thanh, Nguyễn Duy dọc bên lên 20 m; xây mới đường Nguyễn Duy nối dài (từ hẻm 157 Hưng Phú đến cầu chữ Y) rộng 16 m và cầu Hiệp Ân 2.

Đồng thời, Dự án cũng sẽ làm hệ thống thoát nước mưa, nước thải, cây xanh, chiếu sáng dọc theo các đường ven kênh; xây dựng bến thủy nội địa (loại bến hành khách) dọc kè bờ bắc kênh Đôi tại Phường 8.

Dự án cải tạo bờ Bắc kênh Đôi hoàn thành giúp giảm ô nhiễm, chống ngập, nâng cao chất lượng đời sống người dân và tăng cường kết nối giao thông khu vực xung quanh.

Sau khi được HĐND Thành phố thông qua chủ trương, Dự án sẽ lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, chuẩn bị công tác bồi thường (dự kiến di dời 1.017 căn nhà) trong năm 2024. Năm 2025, cơ quan chức năng sẽ tiến hành sẽ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đồng thời khởi công công trình và hoàn thành sau 3 năm.

Chuyên đề