Bản tin thời sự sáng 7/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 26.000 vé tàu Tết Ất Tỵ 2025 được đặt mua sau 2 giờ mở bán; quân đội lắp đặt xong cầu phao Phong Châu, hoạt động từ 6h đến 22h; Việt Nam thu hơn 5.600 tỷ đồng từ xuất khẩu cua, ghẹ; Bộ Y tế cảnh báo thủ đoạn mạo danh y tế kiểm tra thực phẩm để lừa tiền…

26.000 vé tàu Tết Ất Tỵ 2025 được đặt mua sau 2 giờ mở bán

Sáng 6/10, ngành đường sắt mở bán vé tàu Tết Ất Tỵ 2025 tại ga Sài Gòn, các điểm bán vé trực tiếp và kênh trực tuyến.

Khách mua vé tàu Tết tại ga Sài Gòn

Khách mua vé tàu Tết tại ga Sài Gòn

Đúng 8h sáng 6/10, ngành đường sắt chính thức mở bán vé tàu Tết trên toàn hệ thống qua các nhà ga, đại lý.

Ông Thái Văn Truyền, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, đến 10h sáng 6/10 đã bán hơn 26.000 vé, trong đó khoảng 17.000 vé được thanh toán online và hơn 9.000 vé thanh toán tiền mặt. Giá vé tàu Tết năm 2025 tăng 4 - 5% so với cùng kỳ năm ngoái, tùy hành trình và loại tàu.

Giá vé cao nhất áp dụng với loại giường nằm mềm trên tàu SE2 trong thời gian cao điểm (21-27/1/2025, tức từ 22 đến 28 tháng Chạp), với giá hơn 3,2 triệu đồng, cao hơn mức 3,1 triệu đồng của năm trước. Ngoài ra, vé VIP trên khoang 2 giường có giá lên tới 6,4 triệu đồng.

Giá vé thấp nhất là ghế ngồi mềm trên các tàu TN4/6 trong giai đoạn cao điểm có giá từ hơn 2,2 triệu đồng, không thay đổi so với năm ngoái.

Cụ thể, Tết 2025 sẽ có 388 chuyến tàu với 167.000 chỗ, giảm 38.000 chỗ so với năm 2024. Tuy nhiên, nếu nhu cầu tăng cao, ngành đường sắt sẽ tổ chức chạy thêm tàu để phục vụ hành khách trong các ngày cao điểm trước và sau Tết.

Dịp Tết này, từ ngày 15/1 đến hết ngày 16/2/2025 (tức từ ngày 16 tháng Chạp đến ngày 19 tháng Giêng), Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn sẽ chạy 9 đôi tàu khách Thống Nhất (TP.HCM - Hà Nội và ngược lại), gồm tàu SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8, SE9/SE10, SE11/SE12, SE23/SE24, TN3/TN4, TN5/TN6.

Trong thời gian nghỉ Tết (từ ngày 28/1 đến ngày 31/1/2025, tức từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày mồng 3 tháng Giêng), Công ty còn tổ chức chạy thêm một số đôi tàu từ ga Sài Gòn đi Đà Nẵng, Tam Kỳ, Diêu Trì, Nha Trang... và ngược lại phục vụ hành khách đi du xuân.

Quân đội lắp đặt xong cầu phao Phong Châu, hoạt động từ 6h đến 22h

Từ sáng 7/10, người, xe thô sơ, xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), ô tô con và xe bán tải được phép qua cầu Phong Châu (Phú Thọ) trong thời gian từ 6h đến 22h hàng ngày.

Cầu phao Phong Châu được quân đội lắp đặt trở lại vào chiều 6/10

Cầu phao Phong Châu được quân đội lắp đặt trở lại vào chiều 6/10

Theo thông tin từ UBND tỉnh Phú Thọ, cầu phao Phong Châu đã được quân đội lắp đặt xong và cho phép người dân lưu thông qua lại từ 17h30 ngày 6/10.

Từ sáng 7/10, lực lượng chức năng Phú Thọ cho phép người, xe thô sơ, mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), ô tô con và ô tô bán tải lưu thông qua cầu phao trong thời gian từ 6h đến 22h hàng ngày.

Trong đó, xe thô sơ, mô tô, xe gắn máy được phép lưu thông 2 chiều, vận tốc không quá 5 km/h.

Ô tô con, xe bán tải lưu thông một chiều khi qua cầu, khoảng cách giữa các xe trên cầu không dưới 30 m, vận tốc không quá 10 km/h.

Trước tình hình mực nước và lưu tốc dòng chảy sông Hồng biến động nhanh, lực lượng quân đội đã huy động nhiều cán bộ, chiến sĩ và phương tiện thực hiện gia cố lại hai bên bờ sông để đảm bảo an toàn.

Cầu phao được Lữ đoàn 249 - Binh chủng Công binh lắp đặt cách vị trí cầu Phong Châu bị sập khoảng 400m.

Để lắp cầu phao, Lữ đoàn 249 đã huy động trên 200 cán bộ, chiến sĩ và gần 90 phương tiện các loại tham gia thực hiện nhiệm vụ.

Việc nối lại cầu phao Phong Châu giúp người dân các huyện Tam Nông, Lâm Thao, TP. Việt Trì (Phú Thọ) đi lại dễ dàng hơn, không phải đi vòng qua cầu Ngọc Tháp xa hơn 40 - 50 km.

Việt Nam thu hơn 5.600 tỷ đồng từ xuất khẩu cua, ghẹ

9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cua ghẹ Việt Nam đạt gần 227 triệu USD (hơn 5.600 tỷ đồng), tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.

9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cua ghẹ Việt Nam đạt gần 227 triệu USD

9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cua ghẹ Việt Nam đạt gần 227 triệu USD

Số liệu được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong tám nhóm thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam. Cua ghẹ, cùng với nhuyễn thể có vỏ, là những sản phẩm dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng.

Theo VASEP, sự gia tăng mạnh mẽ này đến từ nhu cầu cao của các thị trường lớn, đặc biệt là Trung Quốc, nơi sản phẩm cua sống Việt Nam được ưa chuộng. Lượng cua ghẹ xuất khẩu sang Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm đã tăng bằng lần ở mức hai con số. Không chỉ có Trung Quốc, Nhật Bản cũng là thị trường quan trọng nhờ vào giá cả cạnh tranh và chất lượng sản phẩm cua ghẹ Việt Nam. Các sản phẩm này không bị nhiễm kháng sinh hay vi khuẩn gây bệnh, nâng cao uy tín và gia tăng nhu cầu trên thị trường quốc tế.

Dự báo cho cả năm 2024, xuất khẩu cua ghẹ có thể mang về hơn 300 triệu USD, đánh dấu một bước tiến lớn cho ngành thủy sản Việt Nam.

Không chỉ riêng cua ghẹ, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong 9 tháng đầu năm cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong tháng 9, xuất khẩu thủy sản đạt 866 triệu USD, tăng 6,4% so với tháng 9/2023.

Trong quý III, xuất khẩu thủy sản đạt 2,76 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm chủ lực đều có mức tăng trưởng đáng kể, gồm cá tra tăng 13,5%, tôm tăng 17,5%, và nhuyễn thể có vỏ tăng 95%.

Tính chung 9 tháng, tôm là mặt hàng dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu gần 2,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023. Cá tra đạt 1,46 tỷ USD, tăng 8%, trong khi mực và bạch tuộc ghi nhận sự sụt giảm.

Bộ Y tế cảnh báo thủ đoạn mạo danh y tế kiểm tra thực phẩm để lừa tiền

Bộ Y tế cảnh báo tình trạng kẻ xấu giả mạo văn bản sở y tế thông báo sẽ kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, sau đó yêu cầu trả tiền nếu muốn không kiểm tra.

Nhân viên làm xúc xích tại một nhà máy sản xuất thực phẩm ở Bắc Ninh

Nhân viên làm xúc xích tại một nhà máy sản xuất thực phẩm ở Bắc Ninh

"Đây là thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản", đại diện Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế cho biết trong công văn gửi các tỉnh thành ngày 6/10, đề nghị địa phương công khai cảnh báo.

Văn bản bị giả mạo là thông báo, quyết định về việc thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát. Dấu hiệu giả mạo là thường sai về thể thức văn bản, nội dung bị cắt ghép, không đúng chức danh của người ký văn bản, chữ ký giả mạo... Tình trạng này rộ lên ở nhiều địa phương thời gian gần đây.

Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị người phát hiện văn bản nghi ngờ giả mạo cần thông báo đến đường dây nóng của Sở Y tế, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, hoặc cơ quan công an nơi gần nhất. Đồng thời, phối hợp cơ quan công an để xử lý những trường hợp phát hiện sai phạm.

Với các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão Yagi vừa qua, Bộ Y tế đề nghị địa phương thông báo cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về việc ngưng các hoạt động thanh, kiểm tra để khắc phục hậu quả bão, theo Nghị quyết 143 của Chính phủ.

Hợp long cầu dài nhất cao tốc Vân Phong - Nha Trang

Cầu Khánh Bình, cây cầu dài nhất trên cao tốc Vân Phong - Nha Trang đã được hợp long. Sau khi hợp long, đơn vị thi công cầu đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

Cầu Khánh Bình là cầu dài nhất cao tốc Vân Phong - Nha Trang

Cầu Khánh Bình là cầu dài nhất cao tốc Vân Phong - Nha Trang

Ngày 6/10, Ban Quản lý dự án 7 thuộc Bộ Giao thông vận tải - Chủ đầu tư Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang cho biết, các đơn vị, nhà thầu đã hợp long (thi công nối 2 phần gặp nhau ở giữa cầu) cầu Khánh Bình.

Cây cầu này bắc qua tỉnh lộ 8 và thung lũng núi nằm trong vùng địa hình phức tạp ở phía đông bắc xã Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa).

Theo Chủ đầu tư, cầu Khánh Bình là cây cầu dài nhất trên Dự án Đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang với quy mô 4 làn xe, rộng 17,5 m, dài gần 700 m, gồm 17 nhịp. Tổng giá trị xây dựng của công trình này là hơn 200 tỷ đồng.

Ông Trần Minh Tân, Chỉ huy trưởng công trình cầu Khánh Bình cho biết, qua 14 tháng khẩn trương thi công, đơn vị đã hoàn thành lắp dầm nhịp thứ 17, khối lượng công trình đạt trên 90%.

Theo ông Tân, sau khi hợp long cầu Khánh Bình, nhà thầu đẩy nhanh thi công bản mặt cầu, lắp đặt lan can cầu, đổ bê tông mặt cầu để tiến tới thảm nhựa nhằm hoàn thành hạng mục còn lại. Phấn đấu đến 31/12, cầu Khánh Bình sẽ hoàn thành, rút ngắn 10 tháng so với tiến độ cam kết.

Dự án Đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang dài hơn 83km, đi qua 4 huyện, thị xã của tỉnh Khánh Hòa. Tổng mức đầu tư Dự án hơn 11.800 tỷ đồng.

Cao tốc Vân Phong - Nha Trang được khởi công vào tháng 1/2023, dự kiến hoàn thành vào ngày 30/4/2025.

23.747 doanh nhân bị hoãn xuất cảnh vì nợ thuế 50.665 tỷ, mới thu được 1.844 tỷ

Tính từ đầu năm 2023 đến hết tháng 9/2024, cơ quan thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 50.665 tỷ đồng, nhưng chỉ mới thu được phần nhỏ.

Thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh. Ảnh minh họa

Thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh. Ảnh minh họa

Báo cáo vừa công bố của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho thấy, thu nợ thuế trong tháng 9 ước đạt 2.321 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2024, ước thu được 56.092 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 52.408 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 3.684 tỷ đồng.

Ngoài ra, 9 tháng, toàn ngành thuế đã thực hiện được 44.670 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 67,03% kế hoạch năm 2024 (44.670 doanh nghiệp/66.639 doanh nghiệp) và bằng 98,43% so với cùng kỳ năm 2023; kiểm tra được 365.344 hồ sơ, bằng 82,44% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 46.779,18 tỷ đồng, bằng 103,78% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền thuế nộp ngân sách là 7.867,2 tỷ đồng, bằng 69,06% số tăng thu qua thanh tra, kiểm tra.

Về tình hình thực hiện biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, từ đầu năm 2023 đến hết tháng 9, cơ quan thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 50.665 tỷ đồng.

Song, chỉ thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh.

Năm 2023, cơ quan thuế thông báo tạm hoãn xuất cảnh 2.411 trường hợp với tổng số tiền thuế nợ là 6.719 tỷ đồng.

Như vậy, 9 tháng năm nay, đã có 21.366 trường hợp bị cơ quan thuế thông báo tạm hoãn xuất cảnh. Tương đương, mỗi tháng có 2.374 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế.

Đồng loạt 5 cổ phiếu bị HOSE đưa vào diện hạn chế giao dịch, kiểm soát

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) công bố đưa 5 cổ phiếu vào diện bị đình chỉ giao dịch và kiểm soát.

Nhiều cổ phiếu bị đưa vào kiểm soát, hạn chế giao dịch do chậm công bố thông tin

Nhiều cổ phiếu bị đưa vào kiểm soát, hạn chế giao dịch do chậm công bố thông tin

Thông báo từ HOSE cho biết kể từ ngày 11/10, cổ phiếu KPF của Công ty CP Đầu tư Tài sản Koji sẽ bị chuyển từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch. Lý do là Công ty chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Cổ phiếu KPF chỉ được giao dịch trong phiên chiều theo phương thức khớp lệnh tập trung (đợt khớp lệnh đóng cửa) và giao dịch thỏa thuận. Theo giải trình trước đó, Công ty cho biết, đơn vị kiểm toán đang thực hiện soát xét và dự kiến cuối tháng 10 sẽ có Báo cáo tài chính bán niên năm 2024.

Bên cạnh đó, HOSE cũng thông báo chuyển cổ phiếu DAG của Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á và cổ phiếu SJF của Công ty CP Đầu tư Sao Thái Dương từ diện cảnh báo sang kiểm soát từ ngày 11/10 do chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.

Tương tự, cổ phiếu PSH của Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu và cổ phiếu PMG của Công ty CP Đầu tư và Sản xuất Petro Miền Trung cũng bị chuyển từ diện cảnh báo sang kiểm soát. Lý do, PSH chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 quá 30 ngày so với thời hạn quy định. Trong khi đó, mã PMG bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty tại ngày 30/6 là số âm.

Trong tháng 9, HOSE cũng đã thực hiện đình chỉ giao dịch với một số cổ phiếu như mã DRH của DRH Holdings; cổ phiếu TNA của Công ty CP Xuất nhập khẩu Thiên Nam... vì lý do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin. Theo đó, các doanh nghiệp đã chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 theo quy định trong khi cổ phiếu đang trong diện bị kiểm soát hay hạn chế giao dịch...

Chuyên đề