Bản tin thời sự sáng 7/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM thiếu xăng dầu cục bộ; cán bộ CDC Bạc Liêu chưa nhận tiền của Việt Á; 6 sân bay được đề xuất đầu tư mở rộng theo hình thức PPP; khách Việt có thể đến Nhật tự túc hoàn toàn từ 10/11; Phó Chủ tịch huyện Cam Lâm bị cách chức…

TP.HCM thiếu xăng dầu cục bộ

Sở Công Thương TP.HCM cho biết có tình trạng một số cửa hàng thiếu xăng dầu cục bộ và đề nghị cơ quan điều hành giá xăng hài hòa lợi ích các bên.

Có tình trạng một số cửa hàng tại TP.HCM thiếu xăng dầu cục bộ. Ảnh minh họa

Có tình trạng một số cửa hàng tại TP.HCM thiếu xăng dầu cục bộ. Ảnh minh họa

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Thị Kim Ngọc, hiện Thành phố có ba cửa hàng xăng dầu tạm ngưng kinh doanh để sửa chữa. Sở cũng ghi nhận một số cửa hàng tạm hết xăng hoặc dầu trong vài giờ, nhưng vẫn mở bán bình thường. Sau đó, các cửa hàng này đều được bổ sung đầy đủ nguồn hàng.

Qua kiểm tra, Sở cho biết một số doanh nghiệp đầu mối, thương nhân chưa cung cấp đủ số lượng xăng, dầu hoặc cung cấp thiếu hụt ở một số thời điểm như Công ty Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil; Công ty CP Thương mại và dịch vụ Cần Giờ; Công ty TNHH Dương Đông - Bình Thuận; Công ty TNHH MTV Kho vận xăng dầu Tây Nam, Công ty TNHH Hóa dầu Bình Triệu...TP.HCM hiện có 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Cho rằng nguồn cung vẫn hụt so với trước đây, đại diện một doanh nghiệp sở hữu hơn 10 cây xăng ở TP.HCM chia sẻ đang đứng ở thế lưỡng nan. Thực tế nhiều đầu mối không có hàng cung ứng và tận dụng điều này đưa chiết khấu về mức 0 đồng nên đại lý khó mạnh tay nhập và cũng khó bán. Do đó, công ty này đang cố gắng bán hết lượng hàng tồn và xem xét kế hoạch xin nghỉ bán.

Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, kỳ điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay có độ trễ nhất định, không phản ánh đúng xu hướng tăng, giảm của thế giới, khiến các thương nhân kinh doanh khó đảm bảo nguồn; tạo ra tâm lý găm hàng, đầu cơ gây bất ổn cho thị trường.

Trước thực trạng trên, UBND TP.HCM đã đề xuất Bộ Công Thương điều hành giá kịp thời, linh hoạt hơn, theo đúng chu kỳ, kể cả ngày thứ 7, chủ nhật và ngày lễ, Tết để hạn chế tác động đến cung cầu trên thị trường.

Trong giá cơ sở - căn cứ tính giá bán lẻ xăng dầu, chi phí kinh doanh có khoản đưa xăng dầu về đến cảng, chi phí vận tải tạo nguồn trong nước... nhưng các doanh nghiệp phản ánh hiện nhiều chi phí chưa được tính đúng, đủ khiến họ bị thua lỗ.

Cán bộ CDC Bạc Liêu chưa nhận tiền của Việt Á

Theo Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bạc Liêu có sai phạm trong đấu thầu nhưng về mặt tiền nong, các cá nhân của CDC chưa nhận của Việt Á đồng nào.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Bạc Liêu
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Bạc Liêu

Chiều 6/10, Đại tá Lê Việt Thắng, Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu đã thông tin về việc điều tra vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại CDC Bạc Liêu. Theo ông Thắng, vụ án được khởi tố ngày 31/5. Công an tỉnh Bạc Liêu đã báo cáo Bộ Công an về kết quả điều tra ban đầu.

Người đứng đầu Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, CDC tỉnh này có 3 hợp đồng mua kit test của của Công ty CP Công nghệ Việt Á. Quá trình điều tra đã làm rõ các sai phạm về quy định đấu thầu gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước.

Đại tá Lê Việt Thắng nêu quan điểm, CDC Bạc Liêu có sai phạm trong đấu thầu nhưng về mặt tiền nong, các cá nhân của CDC chưa nhận của Việt Á đồng nào.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bạc Liêu, CDC tỉnh này mua sắm 44 gói thầu với tổng giá trị hơn 126 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách cấp hơn 123 tỷ đồng, kinh phí còn lại từ nguồn thu dịch vụ xét nghiệm Covid-19. Đoàn thanh tra đã chọn 42 gói thầu để kiểm tra, phát hiện 35 gói thầu có nhiều sai phạm.

Đặc biệt, trong 3 gói thầu mua sinh phẩm, hóa chất, vật tư y của Công ty Việt Á với tổng giá trị hơn 23,7 tỷ đồng, lãnh đạo CDC Bạc Liêu để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng. Đó là công tác lập, trình dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu không thông qua tập thể ban giám đốc; giám đốc quyết định trên cơ sở đề xuất của Khoa Xét nghiệm và Phòng Tài chính - Kế hoạch.

Việc lập dự toán gói thầu có dấu hiệu thiếu minh bạch, chọn công ty báo giá theo chỉ dẫn của đơn vị tài trợ máy xét nghiệm; hồ sơ pháp lý của bảng báo giá và phương pháp so sánh giá lập dự toán vi phạm Khoản 2, Điều 11 Thông tư 58 của Bộ Tài chính. Có mặt hàng CDC mua vượt số lượng và giá trị so với quyết định phê duyệt.

6 sân bay được đề xuất đầu tư mở rộng theo hình thức PPP

Các sân bay Nà Sản (Sơn La), Vinh (Nghệ An), Chu Lai (Quảng Nam), Cần Thơ, Thọ Xuân (Thanh Hóa), Liên Khương (Lâm Đồng) được đề xuất đầu tư mở rộng theo hình thức PPP.

Sân bay Chu Lai ở Quảng Nam nằm trong số được đề xuất đầu tư

Sân bay Chu Lai ở Quảng Nam nằm trong số được đề xuất đầu tư

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa báo cáo Chính phủ công tác đầu tư, khai thác tại một số cảng hàng không. Theo đó, Bộ lựa chọn 6 sân bay để đầu tư mở rộng, nâng cấp theo nhu cầu phát triển của địa phương.

Các sân bay dự kiến được đầu tư mới một số hạng mục như nhà ga hành khách, kéo dài đường băng, bổ sung sân đỗ để nâng công suất khai thác và đón máy bay lớn hơn, hoặc mở rộng khu nhà ga hàng hóa, phát triển khu logistic.

Công tác nghiên cứu mở rộng 6 sân bay sẽ trải qua các bước như khảo sát hiện trạng, lấy ý kiến địa phương, các bộ, ngành...

Hiện một số sân bay như Chu Lai, Vinh, Cần Thơ chưa đạt công suất thiết kế, song theo dự thảo quy hoạch đến năm 2030 sẽ được nâng công suất. Một số địa phương như Nghệ An đã kiến nghị mở rộng sân bay Vinh, xây mới nhà ga hành khách T2 công suất 10 triệu hành khách mỗi năm, xây đường cất hạ cánh số 2, xây nhà ga hàng hóa và các hạng mục phụ trợ trước năm 2025.

Trừ Nà Sản dừng hoạt động, năm sân bay đang nằm trong số 22 cảng do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác. Trong khi nguồn lực của ACV tập trung đầu tư các sân bay lớn thì việc huy động vốn xã hội sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình nâng cấp sân bay nhỏ.

Để tạo hành lang pháp lý, Bộ GTVT đã xây dựng đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Theo đó, Bộ đề xuất chuyển giao khu bay và ACV chuyển giao các công trình hạ tầng thiết yếu của một số sân bay ở vùng xa cho địa phương quản lý để chủ động huy động nguồn lực đầu tư phát triển.

Khách Việt có thể đến Nhật tự túc hoàn toàn từ 10/11

Khách du lịch có thể đặt dịch vụ qua bất kỳ kênh nào, không cần thông qua công ty lữ hành hoặc đại lý, không còn các hạn chế về kiểm dịch.

Từ 0h ngày 11/10, khách Việt nhập cảnh Nhật Bản sẽ được hưởng các chính sách nới lỏng mới

Từ 0h ngày 11/10, khách Việt nhập cảnh Nhật Bản sẽ được hưởng các chính sách nới lỏng mới

Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản tại Việt Nam (JNTO) cho biết, từ 0h ngày 11/10, khách Việt nhập cảnh Nhật Bản sẽ được hưởng các chính sách nới lỏng mới.

Các chính sách cụ thể là không yêu cầu phải xin giấy chứng nhận tiếp nhận trên Hệ thống theo dõi xuất nhập cảnh ERFS. Đây là một trong những chính sách mới nhất được phía Nhật triển khai. Hiện nay, khách đi tự túc vẫn cần phải thông qua một công ty du lịch tại Việt Nam để lấy ID trên ERFS. Sau khi có ID này, khách mới có thể xin visa.

Không cần đặt dịch vụ như phòng khách sạn, vé máy bay, tour hoặc hướng dẫn viên qua hãng lữ hành. Du khách có thể tự đặt mọi dịch vụ trên mạng hoặc qua bất kỳ kênh nào.

Gỡ bỏ các yêu cầu người nhập cảnh phải xét nghiệm, cách ly sau nhập cảnh; theo dõi trong thời gian cách ly; không được sử dụng phương tiện giao thông công cộng...

Chấp nhận các loại vaccine được WHO công nhận. Trước đó, Nhật chỉ chấp thuận một số loại vaccine theo quy định của nước này.

Gỡ bỏ hạn chế về số người nhập cảnh. Hiện tại, Nhật chỉ tiếp nhận tối đa 50.000 người một ngày.

Nhật Bản chuẩn bị bước vào cao điểm du lịch khi mùa thu đến, với lá vàng và lá đỏ rực rỡ. Đầu tháng 10, Sapporo sẽ đón thu sớm nhất, sau đó là các thành phố như Tokyo, Kyoto, Osaka... Mùa thu ở Nhật Bản sẽ kéo dài đến tháng 12.

Phó Chủ tịch huyện Cam Lâm bị cách chức

Bà Lê Phạm Thùy Ngân, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa), vừa bị cách chức do sai phạm trong quản lý đất đai, gây thất thu ngân sách.

Một góc ở Cam Lâm nhìn từ trên cao

Một góc ở Cam Lâm nhìn từ trên cao

Quyết định kỷ luật được Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà đưa ra sau hơn một tháng bà Ngân bị Ban thường vụ Tỉnh ủy cách tất cả chức vụ trong Đảng. Thời gian tới, Cam Lâm sẽ giới thiệu, bổ sung vị trí Phó Chủ tịch Huyện bị khuyết.

Trước đó, bà Ngân cùng nhiều cán bộ ở huyện Cam Lâm bị xác định vi phạm quy chế làm việc và pháp luật đất đai, thiếu trách nhiệm lãnh đạo, kiểm tra khi cho phép 114 trường hợp tặng cho đất, hiến đất tự làm đường để tách 2.350 thửa với tổng diện tích hơn 57 ha.

Những sai phạm trên tác động xấu quy hoạch hạ tầng, quản lý đất đai, gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thu ngân sách... Hơn một năm qua, huyện Cam Lâm trở thành điểm nóng "phân lô, bán nền". Một số sàn giao dịch bất động sản, cò đất về đây "vẽ" dự án khiến thị trường nhà đất ở huyện rối loạn.

Còn 4,4 triệu lao động chịu ảnh hưởng của Covid-19

Lao động mất việc, nghỉ giãn việc trong quý III còn 4,4 triệu, giảm hơn một nửa so với quý trước, thấp nhất từ khi đại dịch xuất hiện năm 2020.

Dù Covid-19 đã được kiểm soát tuy nhiên trong quý III, cả nước vẫn ghi nhận 4,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19

Dù Covid-19 đã được kiểm soát tuy nhiên trong quý III, cả nước vẫn ghi nhận 4,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19

Thông tin về tình hình việc làm, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, thị trường tiếp tục khởi sắc, đời sống lao động trở lại trạng thái bình thường mới, thể hiện trên nhiều chỉ số. Lực lượng lao động và thu nhập bình quân tăng, trong khi tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm so với quý trước lẫn cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tăng hơn 200.000 người so với trước, đạt 51,9 triệu. Tỷ lệ thất nghiệp kéo giảm còn 2,28%, tương ứng gần 1,06 triệu người. Đây là con số thấp nhất sau hai năm chịu tác động của đại dịch.

Quý III, thu nhập bình quân lao động cả nước đạt 6,7 triệu đồng, tăng 30% (khoảng 1,6 triệu) so với cùng kỳ năm 2021 (gần 5,2 triệu do đợt dịch thứ tư kéo dài). Lao động công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất trong ba khu vực kinh tế, gần 40% và đạt 7,7 triệu đồng; tiếp đến là ngành dịch vụ tăng hơn 29%, đạt 8 triệu và lao động nông lâm ngư thủy sản đạt 3,9 triệu đồng (tăng 16,6%).

Các ngành kinh tế đang lần lượt hồi phục, song vẫn gặp nhiều thách thức do thế giới biến động, sức ép lạm phát tăng cao. Dù Covid-19 đã được kiểm soát tuy nhiên trong quý III, cả nước vẫn ghi nhận 4,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, giảm gần một nửa (3,6 triệu người) so với quý trước.

Trong tổng số hơn 4,4 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, có 0,3 triệu người bị mất việc; 1,3 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh; 1,2 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 3,6 triệu lao động bị giảm thu nhập.

Bình Dương xây 300 nhà ở xã hội dạng liền kề

Dự án nhà ở xã hội thị xã Bến Cát quy mô 300 căn, mỗi căn rộng 60 m2, gồm hai tầng cùng nội thất, giá dự kiến 1,6 tỷ đồng, được khởi công ngày 6/10.

Nhà mẫu nhà ở xã hội tại thị xã Bến Cát

Nhà mẫu nhà ở xã hội tại thị xã Bến Cát

Công trình do UBND thị xã Bến Cát cùng một doanh nghiệp xây tại xã An Điền theo dạng nhà phố liền kề. Người lao động khi mua nhà ở xã hội thuộc dự án này sẽ được trả góp, hỗ trợ vay vốn gói ưu đãi lãi suất 4,8% một năm kèm cam kết hoàn thiện 100% pháp lý.

Dự án còn có nhiều tiện ích như: công viên ven sông Thị Tính 4,8 ha, khu vui chơi, thể dục thể thao, trung tâm thương mại, trường học liên cấp INSchool...

Trước đó, tỉnh Bình Dương cùng Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD, Bộ Xây dựng) đã khởi công xây 1.000 căn hộ xã hội tại TP. Thủ Dầu Một với hệ thống sân vườn, bể bơi, bãi đỗ xe, khu sân chơi... Một tập đoàn khác cũng vừa công bố xây 1.000 căn hộ nhà ở xã hội tại phường Tân Đông Hiệp, TP. Dĩ An.

Bình Dương có khoảng 2,7 triệu dân với 1,5 triệu lao động. Toàn Tỉnh hiện có 25 dự án nhà ở xã hội với trên 1,4 triệu m2 sàn, giá bán 5,6 - 14,9 triệu đồng mỗi m2. Địa phương còn có 22 dự án nhà ở thương mại dành 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội với tổng diện tích trên 64 ha.

Hiện cả nước đã có hơn 300 dự án nhà ở xã hội với khoảng 155.800 căn; hơn 400 dự án với tổng số 450.000 căn đang triển khai.

Đề xuất tư vấn độc lập giám định cầu Nguyễn Hữu Cảnh

Sở GTVT TP.HCM muốn chỉ định tư vấn độc lập giám định chất lượng cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh để tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục sau sự cố đứt cáp ngầm.

Kỹ sư đến đo đạc, kiểm tra trên cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh tại đoạn mặt cầu bị võng xuống, đọng nước

Kỹ sư đến đo đạc, kiểm tra trên cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh tại đoạn mặt cầu bị võng xuống, đọng nước

Đề xuất vừa được Sở GTVT gửi UBND TP.HCM, sau hơn hai tuần phát hiện cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, bị đứt 4 bó cáp dự ứng lực ngầm, khiến nhịp chính công trình bị võng xuống, kèm nhiều vết nứt. Cáp dự ứng lực là những bó dây trợ lực, hỗ trợ kết nối các khối bêtông với nhau, sử dụng nhiều trong các công trình xây dựng, giúp giảm tác động từ bên ngoài.

Ngoài đảm bảo năng lực, kinh nghiệm kiểm tra các công trình bị sự cố tương tự, để đảm bảo khách quan, đơn vị kiểm định được chọn sẽ là tư vấn độc lập với chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông - TCIP) Dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh - công trình có cống thoát nước cắt qua hệ thống cáp.

Kinh phí kiểm định khoảng 490 triệu đồng, lấy từ nguồn duy tu giao thông. Sau khi có báo cáo giám định chất lượng công trình từ tư vấn và kết quả của tổ điều tra nguyên nhân, Sở GTVT sẽ xác định thiệt hại, trách nhiệm các bên liên quan và yêu cầu khắc phục sự cố.

Hôm 19/9, khi đào thăm dò, cơ quan chức năng phát hiện 4 bó cáp dự ứng lực ngầm của cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị đứt tại nơi giao cắt với cống hộp của hệ thống thoát nước, thuộc Dự án sửa đường cắt qua. Hệ thống này đã hoàn thành tháng 3 năm ngoái, nên các đơn vị nghi ngờ sự cố có thể đã xảy ra từ hơn một năm trước. Để bảo đảm an toàn, từ ngày 29/9 toàn bộ xe bị cấm qua cầu vượt.

Sở GTVT Thành phố cũng yêu cầu chủ đầu tư dừng thanh toán hợp đồng với các nhà thầu thi công Dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh, nhằm đảm bảo việc xử lý, khắc phục sau khi xác định được trách nhiệm các bên liên quan.

Chuyên đề