Rút lực lượng y tế chi viện chống dịch khỏi TP.HCM trước 15/10
Tình hình dịch bệnh tại TP.HCM có nhiều chuyển biến tích cực, do đó, Bộ Y tế đề nghị Thành phố sắp xếp để nhân lực hỗ trợ được trở về địa phương công tác.
Bộ Y tế rút lực lượng y tế chi viện chống dịch khỏi TP.HCM trước 15/10 |
Trong văn bản gửi UBND TP.HCM, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận đặc biệt hỗ trợ chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM cho biết, để đáp ứng nhu cầu cấp thiết chống dịch tại Thành phố, Bộ Y tế đã huy động nhân lực từ nhiều địa phương và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ.
Trong đó, một số đoàn cán bộ, viên chức y tế của các địa phương, đơn vị đã có thời gian hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM liên tục từ tháng 7 đến nay.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM đã có nhiều chuyển biến tích cực và cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Thành phố cũng đã ban hành Chỉ thị 18 để thích ứng an toàn, từng bước phục hồi kinh tế.
Để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, viên chức y tế, đồng thời bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của họ tại các địa phương, Bộ Y tế đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế, các cơ quan chuyên môn của Thành phố và UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức bố trí, sắp xếp và tạo điều kiện hỗ trợ các thủ tục cần thiết để các đoàn chi viện này được về địa phương. Thời gian rút quân chi viện chậm nhất trước 15/10.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, lực lượng hỗ trợ của Bộ Y tế bao gồm nhân viên y tế chi viện, các trung tâm hồi sức người Covid-19 do bệnh viện Trung ương vận hành sẽ không rút quân về dồn dập vì bệnh nhân nặng vẫn còn. Bộ Y tế sẽ có phương án rút quân về từ từ, phối hợp nhuần nhuyễn giữa Trung ương và địa phương, để khi lực lượng này rút về sẽ không để lại khoảng trống cho y tế TP.HCM.
Dự kiến mở lại 10 đường bay nội địa từ 10/10
Cục Hàng không Việt Nam dự tính mở lại 10 đường bay nội địa từ 10/10, trong đó không có đường bay đến Nội Bài (Hà Nội).
10 đường bay nội địa dự kiến sẽ được nối lại từ 10/10 |
Đại diện Cục Hàng không cho biết, tính đến 6/10, trong số 20 địa phương được lấy ý kiến về việc mở lại đường bay, Cục đã tiếp nhận ý kiến của 13 tỉnh, thành.
Trong số này, 6 địa phương thống nhất toàn bộ với kế hoạch gồm Điện Biên, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Thanh Hóa và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); 4 địa phương thống nhất từng phần kế hoạch gồm TP.HCM, Đăk Lăk, Nghệ An và Thừa Thiên Huế.
3 địa phương chưa đồng tình thực hiện kế hoạch gồm Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai.
Dựa trên sự đồng thuận của các địa phương nơi đi, đến, Cục Hàng không Việt Nam đã đưa 10 đường bay có thể khai thác gồm: giữa TP.HCM với Thanh Hóa/Khánh Hòa/Phú Yên/Bình Định/Phú Quốc với tần suất 4 chuyến khứ hồi mỗi ngày.
Đường bay TP.HCM với Thừa Thiên Huế có một chuyến khứ hồi mỗi tuần; TP.HCM với Nghệ An có 2 chuyến mỗi tuần.
Đường bay Thanh Hóa - Khánh Hòa/Buôn Ma Thuột/Phú Quốc có một chuyến mỗi ngày.
Cục Hàng không Việt Nam đề xuất giai đoạn đầu khai thác từ 10/10 với tần suất đã được các địa phương đồng thuận; các giai đoạn tiếp theo sẽ tăng tần suất theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải.
Ngoài 10 đường bay trên, các đường bay sẽ tiếp tục được bổ sung khi có thêm ý kiến đồng ý của địa phương khác. Trường hợp những ngày tới sân bay Nội Bài vẫn đóng cửa, các đường bay có điểm đến, đi từ Hà Nội sẽ chuyển hướng khai thác tới sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa). Hành khách ở các tỉnh có nhu cầu đi đường bay này sẽ phải theo đường bộ, làm thủ tục qua các chốt kiểm soát và khởi hành từ sân bay Thọ Xuân.
Quảng Ninh dừng test nhanh với người trên xe hàng ra cửa khẩu từ 0h ngày 6/10
Tài xế, người đi cùng xe chở hàng hóa từ tỉnh ngoài vào khu vực cửa khẩu ở Móng Cái (Quảng Ninh) sẽ không phải test nhanh Covid-19.
Xe hàng đi qua cầu phao tạm nối TP. Móng Cái (Việt Nam) với TP. Đông Hưng (Trung Quốc) |
Từ 0h ngày 6/10, phương tiện đã thực hiện đầy đủ quy trình kiểm soát, xét nghiệm Covid-19 tại cầu Bạch Đằng và các chốt kiểm soát tại cửa ngõ Quảng Ninh, đảm bảo nguyên giấy dán niêm phong thì không phải test nhanh tại Trạm kiểm soát liên hợp Km15, TP. Móng Cái.
Theo nhà chức trách Quảng Ninh, quy định trên tạo thuận lợi cho người, phương tiện chở hàng hóa lưu thông nhanh chóng, tiết giảm chi phí. Với những trường hợp không phải xe chở hàng hóa, lực lượng chức năng tiếp tục lấy mẫu test nhanh hoặc test ngẫu nhiên (miễn phí) để dự phòng, chủ động kiểm soát tình hình.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp vận tải kêu khó vì tài xế muốn chở hàng đến cửa khẩu Móng Cái phải xét nghiệm Covid-19 ba lần. Đầu tiên là xét nghiệm PCR trong 48 giờ để xuất trình chứng nhận âm tính tại chốt kiểm soát cửa ngõ Quảng Ninh. Sau đó, đến TP. Móng Cái (cách chốt kiểm soát cửa ngõ tỉnh này gần 300 km), tài xế tiếp tục phải xét nghiệm nhanh; và khi rời khỏi cửa khẩu, lái xe lại phải xét nghiệm PCR.
Hơn 1.400 tỷ đồng nâng cấp tuyến du lịch Mũi Né - Đà Lạt
Quốc lộ 28B nối Bình Thuận và Lâm Đồng đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương cải tạo và nâng cấp với tổng mức đầu tư 1.435 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2025.
Quốc lộ 28B đoạn qua xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận |
UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Dự án Quốc lộ 28B nối Bình Thuận và Lâm Đồng vừa được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt với tổng mức đầu tư 1.435 tỷ đồng. Tuyến có chiều dài 69 km, điểm đầu tại Quốc lộ 1A - ngã ba Lương Sơn (huyện Bắc Bình), điểm cuối giao với Quốc lộ 20 - ngã ba Tà In (huyện Đức Trọng).
Quốc lộ 28B vốn là đường để phục vụ thi công Nhà máy Thủy điện Đại Ninh, hiện mặt đường 5,5 m, nhỏ hẹp, xuống cấp, hư hỏng. Sau khi được nâng cấp, mặt đường rộng 9 - 12 m, 2 làn xe. Đây là trục giao thông từ đông sang tây ngắn nhất kết nối 2 địa điểm du lịch nổi tiếng Mũi Né và Đà Lạt.
App PC-Covid trên iPhone được đổi màu giao diện để tránh nhầm lẫn
Phiên bản 4.0.4 của ứng dụng PC-Covid vừa được phát hành trên iOS. Bản cập nhật thay đổi giao diện ứng dụng và bổ sung thêm tính năng.
Màu sắc giao diện ứng dụng PC-Covid được thay đổi |
Nhà phát triển của PC-Covid vừa tung ra bản cập nhật mới có mã hiệu 4.0.4 cho ứng dụng này. Phiên bản mới có giao diện được thay đổi màu sắc, bổ sung thêm tính năng và cải thiện hiệu suất.
Thay đổi lớn nhất của ứng dụng PC-Covid nằm ở màu sắc chính trên ứng dụng. Tông màu xanh lá đậm trước đó được chuyển sang sắc độ nhạt hơn. Thay đổi này giúp người dùng phân biệt với màu của “Thẻ xanh Covid-19”.
Trạng thái của "Thẻ Covid-19" màu xanh hay đỏ trên ứng dụng sẽ phụ thuộc thông tin vào dịch tễ của người dùng, cập nhật trên hệ thống và được Bộ Y tế ghi nhận. Bên cạnh đó, màu sắc cũng có thể linh hoạt, thay đổi tùy vào quy định, chiến lược của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch vào từng thời điểm.
Tính năng ẩn thông tin trên mã QR cũng được nâng cấp, hỗ trợ người sử dụng bảo mật thông tin cá nhân. Mã QR sau khi được ẩn thông tin không còn hiển thị đầy đủ dữ liệu mà thay thế bằng các ký tự, vẫn có thể dùng để quét ra vào các địa điểm.
Hiện bản cập nhật 4.0.4 mới chỉ xuất hiện trên iOS, chưa có thông tin về phiên bản mới cho hệ điều hành Android. Trên Google Play, phiên bản hiện tại của PC-Covid là 4.0.0, được cập nhật từ 27/9 và chưa có tính năng ẩn thông tin mã QR.
Ứng dụng PC-Covid nằm trong kế hoạch triển khai ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 thống nhất cho người dân. App do Bkav, Viettel và VNPT hợp tác phát triển, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia vận hành. Các cơ quan chủ trì gồm Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ Thông tin & Truyền thông.
Australia cam kết hỗ trợ Việt Nam 5,2 triệu liều vaccine
Ngoài 1,5 triệu liều vaccine đã cam kết trao tặng, Australia sẽ hỗ trợ Việt Nam thêm 3,7 triệu liều vaccine thông qua UNICEF.
Tính đến ngày 6/10, Australia đã chuyển giao hơn 700.000 liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam |
Chiều 6/10, Bộ Y tế tiếp nhận 300.000 liều vaccine AstraZeneca và trang thiết bị y tế do Chính phủ Australia trao tặng.
Đến nay, Australia đã chuyển giao hơn 700.000 liều vaccine cho Việt Nam, nằm trong cam kết hỗ trợ Việt Nam 1,5 triệu liều vaccine Covid-19. Hơn 400.000 liều trước đó được bàn giao cho Bộ Y tế tại TP.HCM.
Tại cuộc bàn giao, bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia, thông báo Chính phủ nước này sẽ tăng cường hỗ trợ bằng cách giúp Việt Nam thêm 3,7 triệu liều vaccine thông qua UNICEF, nâng tổng số lượng vaccine Australia hỗ trợ Việt Nam lên khoảng 5,2 triệu liều.
Ngoài ra, Australia đang hợp tác với UNICEF để hỗ trợ nâng cấp dây chuyền lạnh, đào tạo cho nhân viên y tế, hỗ trợ truyền thông, lập kế hoạch và triển khai tiêm vaccine các tỉnh vùng sâu, vùng xa của Việt Nam.
Đến nay, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã có ít nhất 56 đợt phân bổ vaccine với khoảng 60 triệu liều cho các địa phương, đơn vị. Cả nước đã tiêm được 48,8 triệu liều, trong đó gần 12 triệu liều là mũi hai (tương đương 16,5% dân số từ 18 tuổi được tiêm đủ 2 mũi).
Đề nghị truy tố thêm 11 bị can trong vụ án gây thiệt hại trăm tỷ tại VEAM
C03 đề nghị truy tố thêm 11 bị can trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), trong lần thứ hai ra kết luận điều tra bổ sung.
Bị can Trần Ngọc Hà và Lâm Chí Quang |
Cụ thể, C03 đã chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao, giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố các bị can Trần Ngọc Hà - cựu Chủ tịch HĐQT, cựu Tổng Giám đốc (TGĐ) VEAM; Lâm Chí Quang - cựu TGĐ VEAM; Vũ Quang Tâm và Vũ Từ Công - đều là cựu Phó TGĐ VEAM; Nguyễn Mạnh Chung - Giám đốc Công ty TNHH Máy kéo nông nghiệp…
Theo hồ sơ vụ án, giai đoạn 2011 - 2014, ông Trần Ngọc Hà giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT; từ 2015 - 2019 giữ chức vụ TGĐ VEAM, là người giữ vai trò chính, quyết định các công việc điều hành của VEAM. Tuy nhiên, ông Hà đã thực hiện không đúng các quyền và nghĩa vụ được giao, buông lỏng quản lý, quyết định những chủ trương, chiến lược hoạt động của VEAM không đúng các quy định pháp luật gây thất thoát tài sản nhà nước.
Giai đoạn từ năm 2007 - 2013, TGĐ VEAM qua các thời kỳ đã có 7 lần bảo lãnh cho Công ty CP Vận tải và Thương mại VEAM (Vetranco) vay tiền tại các ngân hàng, ký hợp đồng thương mại và cho Vetranco vay tiền theo hạn mức trái quy định để ký các hợp đồng kinh doanh mua bán hàng hóa.
Theo kết luận điều tra, tổng giá trị bảo lãnh được tính tại các văn bản là 193 tỷ đồng. Việc bảo lãnh cho công ty con vay ngân hàng trái quy định của VEAM đã gây thiệt hại hơn 75 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo của VEAM còn bị cáo buộc phê duyệt dự án đầu tư sản xuất máy kéo 4 bánh hạng trung và ký một số hợp đồng khác có nhiều sai phạm gây thất thoát hơn 56 tỷ đồng; quyết định chủ trương đầu tư số tiền 400 nghìn USD để phát triển sản phẩm mới không đúng quy định pháp luật gây thiệt hại gần 10 tỷ đồng…
Từ căn cứ trên, Cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị truy tố thêm 11 bị can cán bộ lãnh đạo của VEAM, Vetranco, Công ty Bách Việt, Công ty CP Thép Minh Quang.