Bản tin thời sự sáng 7/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội lần thứ 6 điều chỉnh phân tầng điều trị F0; cáp quang biển AAG bị lùi lịch sửa qua đợt nghỉ Tết Âm lịch 2022; Hà Nội di dân tại 6 chung cư cũ nguy hiểm cấp D; tăng thêm gần trăm tỷ đồng cho dự án đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông; vây bắt 14 tàu hút cát lậu cùng lúc trên sông Hồng…

Hà Nội lần thứ 6 điều chỉnh phân tầng điều trị F0

Ngày 6/1, Sở Y tế Hà Nội thay đổi phân luồng tiếp nhận, điều trị F0, trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mỗi ngày. Đây là lần điều chỉnh thứ 6 kể từ khi dịch bùng phát ở Thủ đô.

Vận chuyển F0 tại Hà Nội

Vận chuyển F0 tại Hà Nội

Những ngày gần đây, số ca mắc tại Hà Nội đều trên 2.500 ca/ngày, cao nhất cả nước. Sở Y tế điều chỉnh phân tầng quản lý, điều trị F0 là tùy theo mức độ lâm sàng, mức độ nguy cơ của người bệnh.

Sở Y tế vẫn bám sát mô hình điều trị tháp 3 tầng, phân ra 4 nhóm bệnh nhân gồm: Nguy cơ rất cao, cao, trung bình và thấp.

Tầng 3 tiếp nhận F0 được đánh giá ở nguy cơ rất cao. Nhóm bệnh nhân này điều trị tại 5 bệnh viện của Hà Nội là Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn và Sơn Tây; các bệnh viện Trung ương/bộ/ngành. Riêng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân sản khoa.

Trước đây, bệnh viện tầng 3 ở Hà Nội tiếp nhận F0 tuổi trên hoặc bằng 65 và chưa tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền; có tình trạng cấp cứu chuyên khoa.

Tầng 2 dành cho F0 ở mức độ nguy cơ cao. Các cơ sở tiếp nhận gồm các bệnh viện thuộc tầng 2.

Trước đây, bệnh viện tầng 2 dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao. Nay, chỉ có trường hợp nguy cơ cao mới vào tầng 2.

Tầng 1 tiếp nhận F0 có nguy cơ thấp hoặc trung bình. Nhóm này điều trị tại cơ sở thu dung điều trị của Thành phố.

Ngoài ra, nhóm F0 được quản lý, điều trị tại nhà gồm người từ 3 tháng tuổi đến dưới 49 tuổi chưa phát hiện bệnh nền, tiêm đủ vaccine, không mang thai, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% trở lên.

Tới hết ngày 5/1, hơn 35.500 bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội đang điều trị, trong đó hơn 320 F0 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Cơ sở 2) và Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Hơn 2.600 F0 điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3). Khoảng 6.700 F0 điều trị ở tầng 1 tại cơ sở thu dung điều trị. Số F0 điều trị tại nhà là gần 25.800 người.

Cáp quang biển AAG bị lùi lịch sửa qua đợt nghỉ Tết Âm lịch 2022

Việc kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế vẫn bị ảnh hưởng đến qua Tết Âm lịch Nhâm Dần 2022.

Tuyến cáp quang biển AAG. Ảnh minh họa: Internet

Tuyến cáp quang biển AAG. Ảnh minh họa: Internet

Theo các nhà cung cấp dịch vụ mạng tại Việt Nam, đơn vị quản lý tuyến cáp vừa thông báo việc sửa chữa tuyến cáp quang biển AAG phải đến cuối tháng 2/2022 mới hoàn thành thay vì cuối tháng 12/2021 như thông báo trước đó.

Tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gateway (AAG), một trong những tuyến cáp chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, gặp sự cố lần gần đây nhất là vào tối 22/10/2021. Sự cố này gây mất toàn bộ lưu lượng từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến.

Hiện đơn vị quản lý tuyến cáp khắc phục được lỗi trên nhánh cáp kết nối hướng Singapore. Trong khi đó, sự cố xảy ra trên nhánh cáp S1I hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc) hiện vẫn chưa được khắc phục xong. Nguyên nhân thời gian sửa chữa tiếp tục bị lùi là do tàu sửa chữa cáp phát hiện có tới 3 điểm lỗi trên nhánh cáp này.

Cụ thể, theo lịch mới được cập nhật, thời gian sửa chữa các lỗi trên nhánh S1I của tuyến cáp AAG sẽ kéo dài từ 16/2 đến ngày cuối cùng của tháng 2/2022...

Như vậy, phải 1 tuần sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, các lỗi trên cáp nhánh S1I hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc) của cáp AAG mới được khắc phục xong. Khi đó, các kênh truyền trên tuyến cáp biển này mới được khôi phục hoàn toàn.

Ngoài AAG, thời điểm hiện tại còn có một tuyến cáp biển nữa cũng gặp sự cố là Asia Pacific Gateway (APG). Tuyến cáp bị gián đoạn dịch vụ từ ngày 13/12/2021 do lỗi cáp cách trạm cập bờ Hong Kong (Trung Quốc) của tuyến APG khoảng 125 km. Theo kế hoạch, dự kiến sự cố trên tuyến cáp APG được sửa từ ngày 2 - 6/2/2022.

Hà Nội di dân tại 6 chung cư cũ nguy hiểm cấp D

Các địa bàn ở Hà Nội có nhà chung cư cũ đã được kiểm định nguy hiểm ở cấp D phải di dời người dân trong quý I/2022 để phục vụ tiến độ đề án cải tạo, xây dựng lại.

Nhiều chung cư cũ ở Hà Nội đang xuống cấp

Nhiều chung cư cũ ở Hà Nội đang xuống cấp

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố đợt 1.

Theo kế hoạch, sẽ triển khai cải tạo, xây dựng lại 6 khu chung cư, dự án nhà chung cư (có nhà nguy hiểm cấp D).

Cụ thể tại quận Ba Đình có: Khu tập thể Giảng Võ (nhà C8); Khu tập thể Thành Công (Nhà G6A); Khu tập thể Ngọc Khánh (Nhà A); Khu tập thể Bộ Tư pháp (2 đơn nguyên đầu hồi ở cấp D). Quận Đống Đa có nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng.

Thành phố giao trách nhiệm cho UBND quận Ba Đình, UBND quận Đống Đa có trách nhiệm hoàn thành di dời các hộ dân ở nhà nguy hiểm cấp D trong quý I/2022; đề xuất phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bố trí nhà ở tạm thời trong quý III/2022; lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại trình thành phố trong quý IV/2022; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư trong quý I/2023.

Chủ đầu tư sau khi được chọn phải thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, lập phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng,... hoàn thành trong quý II/2023.

Thời gian phá dỡ nhà chung cư cũ, theo kế hoạch, với nhà nguy hiểm cấp D, dự kiến thực hiện phá dỡ trong quý III/2023; với các nhà còn lại tiến độ cụ thể trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án (từ quý III/2023).

Riêng với nhà 148 - 150 Sơn Tây (Quận Ba Đình), Thành phố giao UBND Quận Ba Đình di dời dân, lựa chọn chủ đầu tư, bố trí chỗ ở tạm thời... báo cáo Thành phố ngay trong quý I/2022; thời gian phá dỡ chung cư hoàn thành trong quý III/2022.

Tăng thêm gần trăm tỷ đồng cho dự án đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông

Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông để đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông được tỉnh Tây Ninh tăng thêm gần 98 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư sau điều chỉnh lên 1.246 tỷ đồng.

Công trình dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông dài 2,361 km bằng cầu máng qua ống thép

Công trình dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông dài 2,361 km bằng cầu máng qua ống thép

UBND tỉnh Tây Ninh cho biết đã quyết định tăng vốn đầu tư Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (Dự án đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông) thêm gần 98 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là hơn 1.246 tỷ đồng. Theo đó, số vốn đầu tư được tăng thêm để bổ sung chi phí bồi thường, tái định cư.

Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông được khởi công từ tháng 4/2018, với số vốn đầu tư ban đầu là gần 998 tỷ đồng. Cuối năm 2019, Dự án được điều chỉnh nâng vốn lên gần 1.148 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2022.

Công trình dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về phục vụ tưới tiêu cho gần 17.000 ha đất nông nghiệp. Công trình gồm kênh chuyển nước từ hồ Dầu Tiếng đưa sang dài 16,67 km, lưu lượng thiết kế đầu kênh là 14,81 m3/giây. Trong đó, công trình dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông dài 2,361 km bằng cầu máng qua ống thép. Ngoài ra, công trình có 101 km gồm kênh tưới chính và kênh cấp 1.

Vây bắt 14 tàu hút cát lậu cùng lúc trên sông Hồng

Các đơn vị nghiệp vụ của Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam, Thái Bình tổ chức bắt giữ 14 tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng khu vực giáp ranh giữa hai địa phương này.

Lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ 14 tàu hút cát lậu trên sông Hồng ngày 6/1

Lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ 14 tàu hút cát lậu trên sông Hồng ngày 6/1

Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông cho biết ngày 6/1, lực lượng cảnh sát nhiều đơn vị ra quân, mật phục vây bắt 14 tàu hút cái trái phép với số lượng lớn.

Cụ thể, lực lượng cảnh sát đường thủy thuộc Phòng hướng dẫn tuần tra, kiểm soát và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên đường thủy nội địa thuộc Cục Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam, Thái Bình đồng loạt ra quân bắt giữ 14 tàu hút cát cùng 55 thuyền viên, người có liên quan đang vi phạm quy định về khai thác cát trên tuyến sông Hồng.

Tại thời điểm kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hơn 3.000 mét khối cát đã được hút lên trên 14 tàu này. Thời điểm bị bắt, các tàu này đang hút cát trái phép trên tuyến sông Hồng khu vực giáp ranh giữa tỉnh Hà Nam và Thái Bình.

Lực lượng chức năng thuộc các đơn vị trên đã huy động nhiều phương tiện, hàng chục cán bộ chiến sĩ tổ chức thực hiện việc bắt quả tang những người chủ, thuyền viên trên các tàu đang khai thác cát trái phép. Cảnh sát đã lập biên bản đưa số tàu này về khu vực neo đậu để phục vụ công tác điều tra xử lý vi phạm.

Huyện đầu tiên của Hà Nội cho học sinh lớp 1, 2 đến trường

Trong ngày 4 - 7/1/2022, huyện Mê Linh cho hơn 10.000 học sinh khối 1, 2 đến trường ôn tập và kiểm tra học kỳ I.

Học sinh lớp 1 ở Mê Linh đến trường sáng 6/1

Học sinh lớp 1 ở Mê Linh đến trường sáng 6/1

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu cho biết, kế hoạch kiểm tra trực tiếp với học sinh lớp 1, 2 được tổ chức tại 29 trường tiểu học trên toàn Huyện.

Tổng số học sinh khối 1 và 2 của Mê Linh là 10.082 em, trong đó 10.005 em thi học kỳ trực tiếp từ ngày 4 - 7/1. Những em ở các khu phong tỏa sẽ kiểm tra trực tiếp vào đợt hai, diễn ra sau một tuần. Trong trường hợp bỏ lỡ cả hai đợt hoặc phụ huynh không đồng ý để con đến trường, các em sẽ kiểm tra trực tuyến.

Ông Hậu cho biết, quyết định cho học sinh đến trường được cân nhắc dựa trên hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng tình hình dịch bệnh tại địa phương. Hiện, huyện Mê Linh không có xã nào cấp độ 3 (màu cam), một nửa trong số 18 xã được đánh giá cấp độ 1.

Để tổ chức trực tiếp, các trường chủ động lên lịch ôn tập, sau đó kiểm tra trong tuần. Học sinh được yêu cầu đeo khẩu trang khi làm bài, nếu đủ điều kiện các trường có thể bố trí các em ngồi giãn cách hoặc zic zac.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, huyện Mê Linh là đơn vị đầu tiên ở Hà Nội báo cáo và triển khai kiểm tra trực tiếp với học sinh lớp 1, 2.

Vào cuối tháng 12/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành hướng dẫn kiểm tra định kỳ, trong đó cho phép các trường tiểu học linh hoạt hình thức kiểm tra với học sinh lớp 1, 2, tùy thuộc điều kiện cơ sở vật chất và tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Chuyên đề