Bản tin thời sự sáng 6/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ủng hộ tỉnh Quảng Nam đầu tư sân bay Chu Lai ngoài nguồn ngân sách tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.

Bộ KH&ĐT ủng hộ Quảng Nam đầu tư sân bay Chu Lai ngoài nguồn ngân sách

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng ủng hộ tỉnh Quảng Nam đầu tư sân bay Chu Lai ngoài nguồn ngân sách.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào ngày 5/7, Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề xuất nhiều giải pháp tái cấu trúc kinh tế, tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công, bố trí vốn khớp nối hạ tầng giao thông.

Đến nay, các doanh nghiệp ở Quảng Nam đã trở lại sản xuất bình thường nhưng vẫn còn chậm, nhiều doanh nghiệp còn thực hiện giãn cách xã hội, cho công nhân tạm ngừng sản xuất.

Giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam cũng cần bố trí khoảng 3.800 tỷ đồng đầu tư cho các dự án chiến lược như đường giao thông, phát triển sản phẩm sâm quốc gia sâm Ngọc Linh... Định hướng của tỉnh Quảng Nam là nâng cấp sân bay Chu Lai thành trung tâm duy tu, sửa chữa các loại máy bay, là cảng trung chuyển sửa chữa, thay thế phụ tùng, linh kiện của hàng không.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đồng tình với định hướng của tỉnh Quảng Nam về đầu tư sân bay Chu Lai ngoài nguồn ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, cần xác định sân bay Chu Lai có lợi thế riêng biệt mà nhiều sân bay lớn của cả nước không có được, là trung tâm về sửa chữa, trung chuyển phụ tùng, linh kiện, thiết bị của các hãng hàng không trong khu vực và quốc tế. Lãnh đạo Bộ KH&ĐT ủng hộ cao chủ trương tỉnh Quảng Nam xây dựng trường dạy nghề cấp vùng theo tiêu chuẩn quốc tế bằng nguồn vốn vay ODA; ưu tiên các dự án mới kết nối đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuống biển.

Hơn 300 công dân Việt Nam từ Malaysia về nước

Khoảng 310 công dân Việt Nam mắc kẹt ở Malaysia vì Covid-19 đã về nước trên chuyến bay hạ cánh tại sân bay quốc tế Cần Thơ.

Công dân Việt Nam xếp hàng tại sân bay ở Malaysia, chuẩn bị lên máy bay về nước ngày 5/7. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Công dân Việt Nam xếp hàng tại sân bay ở Malaysia, chuẩn bị lên máy bay về nước ngày 5/7. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Các cơ quan chức năng Việt Nam ngày 5/7 phối hợp với hãng Hàng không Quốc gia, các cơ quan liên quan của Malaysia tổ chức chuyến bay đưa khoảng 310 công dân Việt Nam từ Malaysia về nước.

Công dân được đưa về gồm trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau, phụ nữ mang thai, du học sinh không có nơi lưu trú do trường học và ký túc xá đóng cửa, người lao động hết hạn thị thực và hợp đồng lao động, một số khách du lịch bị kẹt lại do ảnh hưởng của Covid-19.

Chuyến bay được đảm bảo về an ninh, an toàn, các quy định về phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh dịch tễ. Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Cần Thơ, những người tham gia chuyến bay đã được kiểm tra y tế và đưa về cơ sở cách ly tập trung theo đúng quy định.

Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến gần 11,4 triệu người nhiễm và hơn 530.000 người tử vong. Trong những tháng qua, Việt Nam đã tổ chức nhiều chuyến bay đưa công dân ở nước ngoài hồi hương, trong bối cảnh nhiều nước đóng cửa biên giới, hạn chế các tuyến bay ngăn dịch bệnh.

Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ đốc thúc 5 dự án giao thông trọng điểm

Sáng ngày 5/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác đi kiểm tra tiến độ thi công tại 5 dự án giao thông trọng điểm ở Hà Nội.

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm

Đó là: Dự án Mở rộng đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; Dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo quy hoạch (đường vành đai 2,5); Dự án Xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng theo hình thức hợp đồng BT; Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối với đường vành đai 3; Dự án Đầu tư, xây dựng, hoàn chỉnh theo quy hoạch nút giao đường vành đai 3 với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Đối với Dự án Mở rộng đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, ông Vương Đình Huệ yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội khẩn trương thi công, hoàn thiện toàn bộ phần đi bằng theo quy hoạch trong tháng 9/2020.

Đối với Dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên, Bí thư Thành ủy yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ phần cầu vượt, cần triển khai ngay việc chỉnh trang, cải tạo vỉa hè, lòng đường, trồng cây xanh khu vực Dự án để đảm bảo mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường, đồng thời yêu cầu toàn bộ dự án này hoàn thành vào dịp 2/9 năm nay.

Tại Dự án Xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, ông Vương Đình Huệ yêu cầu quận Đống Đa và quận Hai Bà Trưng tập trung giải phóng mặt bằng các hộ dân còn lại để bàn giao cho đơn vị thi công.

Đối với đoạn đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến ngã Tư Vọng, Bí thư Thành ủy chốt tiến độ, xong vào 2/9 để chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17.

Toàn bộ phần đi bằng, từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng hoàn thành trước 30/12/2020 để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Toàn bộ Dự án (phần đi bằng mở rộng theo quy hoạch và phần đường bộ trên cao) hoàn thành vào cuối năm 2021.

Thúc tiến độ 5 công trình giao thông trọng điểm ở TP.HCM

Liên quan tình hình thực hiện các dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, vừa đề ra mốc thời gian gỡ vướng cho từng dự án để đẩy nhanh tiến độ 5 dự án giao thông trọng điểm.

Người dân TP.HCM thường xuyên phải đối mặt với tình trạng kẹt xe ở nhiều tuyến đường cửa ngõ.

Người dân TP.HCM thường xuyên phải đối mặt với tình trạng kẹt xe ở nhiều tuyến đường cửa ngõ.

Đối với Dự án Đường nối Nguyễn Văn Hưởng đến Xa Lộ Hà Nội (Quận 2), đến nay vẫn còn khoảng 200 m đoạn từ đường Nguyễn Cừ đến đường Xuân Thuỷ chưa hoàn thành, ông Lâm lưu ý chính quyền địa phương đẩy nhanh việc bồi thường, vận động các hộ dân sớm bàn giao mặt bằng cũng như giải quyết dứt điểm các thủ tục pháp lý liên quan.

Ngoài ra, Sở GTVT cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tập trung thi công những đoạn mặt bằng đã có, hoàn thành mở rộng cả 2 bên tuyến trong tháng 10 tới.

Dự án Mở rộng đường Đồng Văn Cống cũng trễ hẹn 2 tháng so với kế hoạch ban đầu. Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM đã yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trước tháng 12 năm nay.

Một dự án trọng điểm khác là xây dựng nút giao Mỹ Thủy, công trình này đang gặp vướng mắc về pháp lý với việc tách riêng bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập hay gộp thành một dự án bồi thường và xây lắp chung. Ông Lâm yêu cầu rà soát, làm rõ cơ sở pháp lý của 2 trường hợp trên, gửi về Sở GTVT trước ngày 10/7 để báo cáo UBND Thành phố.

Giám đốc Sở GTVT cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp đường Lương Định Của. Với đoạn từ đường Trần Não đến Nguyễn Hoàng, Sở GTVT đề nghị chính quyền địa phương sớm hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng để chủ đầu tư có thể thi công trước tháng 12 năm nay.

Riêng Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, Sở GTVT đề nghị các đơn vị và địa phương phụ trách đẩy nhanh việc điều chỉnh ranh tuyến tại đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết 1/2.000, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Còn chủ đầu tư được đề xuất phối hợp, rà soát chi phí bồi thường tại dự án.

Ngân hàng ồ ạt bán thanh lý ôtô

TPBank, VIB cùng nhiều ngân hàng khác đang rao bán thanh lý nhiều xe hơi là tài sản đảm bảo cho các khoản nợ với giá thấp hơn 8 - 20% so với giá thị trường.

Các mẫu xe hơi do ngân hàng bán thanh lý thường có giá rẻ hơn so với chợ xe cũ ngoài thị trường

Các mẫu xe hơi do ngân hàng bán thanh lý thường có giá rẻ hơn so với chợ xe cũ ngoài thị trường

Từ cuối tháng 6, hàng loạt ngân hàng liên tục phát đi thông báo về việc bán thanh lý tài sản bảo đảm là ôtô để thu hồi và xử lý các khoản nợ đi kèm.

Mới đây, TPBank đã ra thông báo bán đấu giá 5 ôtô thương hiệu Toyota, Chevrolet, và Kia để thu hồi các khoản nợ tại ngân hàng này.

Đây là 5 ôtô của 5 khách hàng cá nhân có phát sinh khoản nợ tại ngân hàng với số dư nợ gốc và lãi hiện vào khoảng 2,23 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khách hàng nói trên đều đã mất khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ nên ngân hàng đã thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm và thanh lý thu hồi nợ.

Ngân hàng VIB cũng đang rao bán 64 phương tiện vận tải, chủ yếu là ôtô dưới 9 chỗ của nhiều thương hiệu nổi tiếng để xử lý nợ.

Trong đó, có nhiều dòng xe phổ biến hiện nay như Toyota Vios; Toyota Innova; Honda City, Chevrolet Colorado… thậm chí bao gồm cả một số dòng xe đắt tiền như Mitsubishi Pajero hay Peugeot.

TPBank và VIB hiện là hai nhà băng thanh lý nhiều tài sản bảo đảm là xe hơi nhất. Đây cũng là 2 ngân hàng chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực cho vay mua ôtô trên thị trường.

Nhiều ngân hàng khác cũng liên tục rao bán thanh lý xe hơi để xử lý nợ gần đây như BIDV đang rao bán xe Toyota Corolla Altis 2.0 đăng ký lần đầu năm 2011 với giá 420 triệu đồng và xe Toyota InnovaG đăng ký lần đầu năm 2013 giá 220 triệu.

Vietcombank thanh lý 10 xe hơi hiệu Kia đời 2008 - 2011 với tình trạng nguyên vẹn, nhưng có dấu hiệu xuống cấp, giá khởi điểm cho các tài sản này chỉ từ 60-70 triệu đồng/chiếc.

VPBank cũng đang bán đấu giá 17 phương tiện vận tải, chủ yếu là xe hơi với giá dao động từ 276 triệu đến 1,5 tỷ đồng…

Đáng chú ý, hầu hết mẫu xe đang được ngân hàng rao bán đều có giá rẻ hơn so với xe cùng tình trạng trên thị trường.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư