2,2 tỷ cổ phiếu Vietnam Airlines bị hạn chế giao dịch
Từ ngày 12/7, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines chỉ được giao dịch phiên chiều do tiếp tục chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán 2022.
2,2 tỷ cổ phiếu Vietnam Airlines bị hạn chế giao dịch từ ngày 12/7 |
Quyết định chuyển cổ phiếu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch vừa được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) thông báo chiều 5/7.
Trước đó, HoSE cũng đưa mã này vào diện kiểm soát từ đầu tháng 5 vì chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 30 ngày. Hồi cuối tháng 3, Vietnam Airlines từng xin Ủy ban Chứng khoán, HoSE được chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán 2022 nhưng không được chấp thuận.
Trong lần giải trình đầu tháng 5, Vietnam Airlines nói đang tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp, ổn định lại hoạt động sản xuất - kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp. Theo hãng bay này, đơn vị kiểm toán cũng cần thêm thời gian thu thập, đối chiếu và đánh giá toàn diện các thông tin liên quan để có thể hoàn thành kiểm toán báo cáo tài chính.
Hồi tháng 2, HoSE từng cảnh báo cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết nếu lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ âm hoặc vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm. Theo báo cáo tự lập, đến hết năm ngoái, lợi nhuận lũy kế của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines âm xấp xỉ 32.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp âm hơn 10.000 tỷ đồng.
Nửa đầu năm nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Vietnam Airlines phục hồi tích cực. Hãng thực hiện khoảng 64.300 chuyến bay, vận chuyển 10,14 triệu lượt khách, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo kết quả sơ bộ, hãng ghi nhận doanh thu hơn 45.200 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ 2022. Mức doanh thu này cũng chỉ kém một chút so với giai đoạn trước dịch năm 2019.
SeABank sắp bán 95 triệu cổ phiếu cho quỹ đầu tư Na Uy
SeABank sẽ phát hành riêng lẻ gần 95 triệu cổ phiếu cho một quỹ đầu tư từ Na Uy với mức tối thiểu thu về dự kiến là hơn 1.200 tỷ đồng.
SeABank sắp bán 95 triệu cổ phiếu cho quỹ đầu tư Na Uy |
Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank, SSB) vừa thông qua phương án chào bán riêng lẻ gần 95 triệu cổ phiếu (tương ứng 4,63% cổ phần đang lưu hành và hơn 3,7% sau phát hành) cho Norwegian Investment Fund (Norfund) của Na Uy.
Mức giá chào bán dự kiến không thấp hơn giá trị sổ sách của SeABank (12.861 đồng mỗi cổ phiếu) và không vượt quá 120% mức trung bình giá cổ phiếu SSB trong 30 phiên gần nhất (37.032 đồng mỗi cổ phiếu). Dự kiến, ngân hàng này thu về tối thiểu hơn 1.200 tỷ đồng từ việc phát hành.
Toàn bộ lượng cổ phần chào bán cho Norfund sẽ bị hạn chế chuyển nhượng một năm. Việc thực hiện dự kiến trong năm nay hoặc thời điểm khác do Hội đồng Quản trị quyết định.
Cùng với nội dung phát hành riêng lẻ, SeABank cũng thông qua việc tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 1,2877% để đảm bảo "room" ngoại sau phát hành không vượt quá 5%.
SeABank là một trong số ít những ngân hàng hiện chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài. Vấn đề này được các cổ đông SeABank nhắc tới liên tục trong phiên họp thường niên những năm gần đây.
Năm 2018, cổ đông chiến lược nước ngoài là Tập đoàn Société Générale đã thoái toàn bộ phần vốn sở hữu tại SeABank.
Viglacera lãi hơn 5 tỷ đồng mỗi ngày từ bất động sản
Mảng bất động sản mang về lợi nhuận 950 tỷ đồng cho Tổng công ty Viglacera trong 6 tháng đầu năm, tương ứng lãi 5 tỷ đồng mỗi ngày.
Viglacera là chủ đầu tư Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh), nơi đặt nhà máy sản xuất của Samsung |
Viglacera (VGC) công bố doanh thu thuần hợp nhất 6 tháng ước đạt gần 7.000 tỷ đồng, hoàn thành hơn một nửa kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế khoảng 913 tỷ đồng, bằng 3/4 chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Tính riêng công ty mẹ, lợi nhuận ước đạt 1.210 tỷ đồng, cách đích kế hoạch năm khoảng 8%.
Ban lãnh đạo Tổng công ty cho biết, mảng bất động sản đóng góp chính vào kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp. Mảng này thu về hơn 2.600 tỷ đồng doanh thu và 950 tỷ đồng lợi nhuận. Trung bình mỗi ngày, Viglacera thu hơn 5 tỷ đồng lợi nhuận từ kinh doanh địa ốc.
Mức lãi này lớn hơn lợi nhuận bất động sản cả năm 2020 khoảng 34%. Kết quả trên cho thấy, mảng bất động sản của Viglacera khá tích cực, hơn hẳn giai đoạn 2020 - 2022 (bình quân mỗi ngày, VGC thu lãi lần lượt 2 tỷ đồng, 2,8 tỷ đồng và 4,4 tỷ đồng từ kinh doanh địa ốc).
Ngoài ra, nửa đầu năm nay, doanh nghiệp này còn ghi nhận 310 tỷ đồng cổ tức thu từ công ty liên kết. Viglacera vốn là "ông lớn" trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, được thành lập từ năm 1974. Trong những năm 2000, Tổng công ty bắt đầu rót tiền vào bất động sản và gần đây trở thành lĩnh vực có vai trò dẫn dắt, đóng góp chính vào mức tăng trưởng lợi nhuận. Doanh nghiệp thường được biết đến với Dự án Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh), nơi Samsung đặt nhà máy sản xuất.
VGC đang sở hữu và vận hành 12 khu bất động sản công nghiệp, thu hút 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước với hơn 16 tỷ USD vốn FDI. Đến năm 2025, Viglacera cho biết sẽ nâng tổng số khu công nghiệp lên 20, tổng diện tích tăng thêm khoảng 2.000 - 3.000 ha.
Ngoài khu công nghiệp, Tổng công ty cũng tham gia nhiều phân khúc gồm khu nghỉ dưỡng, khu đô thị, nhà vườn và chung cư. Thời gian gần đây, Viglacera dần đẩy mạnh mảng nhà ở xã hội.
Đề xuất dùng tiếp đầu máy, toa tàu hết niên hạn tới năm 2030
Bộ Giao thông vận tải vừa hoàn tất dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt với đề xuất Chính phủ cho phép kéo dài hạn sử dụng tới hết năm 2030 đối với những đầu máy, toa tàu hết niên hạn, nhưng được bảo dưỡng, sửa chữa tốt.
Đề xuất Chính phủ cho phép kéo dài hạn sử dụng tới hết năm 2030 đối với những đầu máy, toa tàu hết niên hạn, nhưng được bảo dưỡng, sửa chữa tốt |
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, người dân về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt.
Dự thảo nghị định đề xuất cho phép các công ty đường sắt được sử dụng đầu máy, toa tàu đã hết niên hạn theo quy định của Luật Đường sắt được tiếp tục sử dụng tới hết tháng 12/2030. Đây là bước đề xuất mới nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải đường sắt vì theo quy định hiện hành, phương tiện đường sắt hết niên hạn chỉ được dùng thêm 6 năm từ ngày hết hạn và không gia hạn thêm từ năm 2026.
Đa số đầu máy, toa tàu đường sắt đang khai thác có tuổi đời trên 30 năm, trong khi việc kinh doanh khó khăn khiến các doanh nghiệp khó có khả năng mua sắm để thay mới.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, tính đến hết năm 2022, các doanh nghiệp đường sắt đang khai thác 258 đầu máy, 980 toa tàu khách và 4.318 toa tàu hàng. Trong đó, có 58 đầu máy trên 40 năm tuổi, 82 đầu máy từ 30 - 40 tuổi, chỉ có 118 đầu máy dưới 30 tuổi.
Với toa tàu khách, có 163 toa trên 40 tuổi, 100 toa 30 - 40 tuổi, 717 toa tàu dưới 30 năm khai thác. Với toa tàu hàng, có 1.491 toa trên 40 năm khai thác, 591 toa đã khai thác từ 30 - 40 năm và 2.236 toa khai thác dưới 30 năm.
Theo quy định của Luật Đường sắt, đầu máy và toa tàu khách có niên hạn sử dụng tối đa 40 năm, toa tàu hàng tối đa 45 năm. Với quy định này, dự kiến tới cuối năm 2025, các công ty đường sắt sẽ phải dừng hoạt động do hết niên hạn 114 đầu máy, 1.472 toa tàu hàng và 168 toa tàu khách.
Giám đốc bị cáo buộc lừa bán găng tay y tế chiếm đoạt 3,2 triệu USD
Bùi Quang Hải - Giám đốc Công ty HBC bị cáo buộc lừa bán găng tay y tế cho 3 đối tác nước ngoài trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19, chiếm đoạt 3,2 triệu USD.
Giám đốc bị cáo buộc lừa bán găng tay y tế chiếm đoạt 3,2 triệu USD. Ảnh minh họa |
Hành vi của Bùi Quang Hải được nêu trong cáo trạng VKSND TP.HCM vừa hoàn tất, chuyển hồ sơ qua tòa để đưa ra xét xử tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt cao nhất là chung thân.
Giữa năm 2020, Covid-19 bùng phát mạnh trên thế giới, nhiều mặt hàng y tế khan hiếm, đặc biệt là khẩu trang. Theo cáo trạng, ngày 24/7/2020, Hải đại diện Công ty Cổ phần HBC International Trading (Công ty HBC), ký hợp đồng bán một triệu hộp găng tay y tế không bột với Công ty PDP (trụ sở Hong Kong) trị giá 6.350 USD.
Đối tác đã chuyển 30% tiền cọc (hơn 1,9 triệu USD) và 210.000 USD tiền phụ lục hợp đồng cho Công ty HBC. Hai bên sau đó đã thanh lý hợp đồng nhưng HBC không trả lại tiền cho đối tác.
Cuối tháng 11/2020, Hải ký hợp đồng bán 6.400 thùng găng tay y tế với một công ty ở Nhật Bản. Công ty này đã thanh toán một phần giá trị hợp đồng 512.000 USD. Cũng trong thời gian này, Hải ký hợp đồng bán 6.400 thùng găng tay y tế cho một công ty ở Mỹ và đối tác đã thanh toán 607.000 USD.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Công ty HBC không sản xuất cũng như tìm kiếm nguồn hàng để giao theo thỏa thuận mà chiếm đoạt của 3 công ty tổng cộng hơn 3,2 triệu USD (tương đương hơn 75 tỷ đồng).
Quá trình điều tra, Hải khai tuy là Giám đốc nhưng ông Đỗ Trùng Dương mới là người đứng sau điều hành, chỉ đạo công ty. Thông qua môi giới, Công ty HBC đã liên hệ 3 công ty trên để ký hợp đồng mua bán găng tay y tế. Sau khi đối tác chuyển tiền vào tài khoản công ty, theo chỉ đạo của ông Dương, Hải ký giấy rút tiền mặt, ủy nhiệm chi giao cho thủ quỹ Nguyễn Thị Thu Hà đến ngân hàng rút. Hà sau đó chuyển tiền vào tài khoản của ông Dương.
Hải cho rằng mình đứng tên sở hữu tài khoản của công ty nhưng ông Dương là người nhận thông tin biến động. Nghĩ ông Dương chỉ đạo rút tiền để tìm nguồn mua găng tay giao cho đối tác nên Hải mới ký.
Thủ quỹ Hà khai số tiền rút ra không giao cho Hải mà chuyển theo chỉ đạo của Dương…
Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu giảm hơn 19%
Số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 183.744 tỷ đồng, đạt 43,23% dự toán, giảm 19,19% so với cùng kỳ năm trước.
Số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 183.744 tỷ đồng |
Ngày 5/7, Tổng cục Hải quan cho biết, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 183.744 tỷ đồng, đạt 43,23% dự toán, giảm 19,19% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 56,01 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước (tương ứng tăng 1,93 tỷ USD).
Mặc dù giá trị xuất nhập khẩu tháng 6 tăng, nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 vẫn giảm. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt 316,64 tỷ USD, giảm 15,1% (tương ứng giảm 56,54 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 là 425.000 tỷ đồng. Xác định thu ngân sách nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, Tổng cục Hải quan đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Công an tỉnh Đồng Tháp điều tra 4 biển số "siêu đẹp"
Hết thời hạn thanh tra quy trình cấp 4 biển số xe "siêu đẹp", Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp đề nghị chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra.
Công an tỉnh Đồng Tháp điều tra 4 biển số siêu đẹp |
Thông tin được Thượng tá Trần Trung Quốc, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết tại cuộc họp giao ban báo chí chiều 5/7.
Ba tháng trước, sau khi Công an huyện Cao Lãnh cấp 4 biển số xe 999.96, 999.79, 998.98, 999.99, Công an tỉnh Đồng Tháp đã lập tổ thanh tra đặc biệt toàn bộ quy trình.
"Sau 45 ngày, có những vấn đề cần làm rõ thêm như tình trạng mượn người đứng tên, người đứng tên là người ngoài tỉnh, nên vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra, thụ lý theo diện tin tố giác tội phạm", ông Quốc nói.
Bốn biển số xe "siêu đẹp" được cấp cùng ngày 8/3. Trong đó, Phó Công an huyện Cao Lãnh sở hữu biển số 999.79; một người thân của cán bộ làm việc tại bộ phận đăng ký xe bấm được biển 999.98.
Theo lý giải của Phó Công an huyện Cao Lãnh, đầu tháng 3, biển số xe máy đang ra đầu số 999 nên nhiều người canh thời điểm này để đăng ký biển số mới. Việc ông canh đúng hai số cuối đẹp cũng là ngẫu nhiên, "mang tính chất hên xui".
Đồng Nai muốn xây 3 khu công nghiệp đón sóng đầu tư khi sân bay Long Thành hoàn thành
Tỉnh Đồng Nai vừa có kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho triển khai đầu tư thêm 3 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 6.500 ha để kịp đón đầu làn sóng đầu tư khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động.
Các khu công nghiệp tại Đồng Nai đã cơ bản lấp đầy diện tích cho thuê |
Ngày 5/7, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận triển khai đầu tư 3 khu công nghiệp (KCN) mới bao gồm Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp (huyện Long Thành) và Xuân Quế - Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ).
Đồng Nai hiện có 31 KCN đang hoạt động và quy hoạch mới 8 KCN, tuy nhiên các KCN hiện hữu đã gần lấp đầy diện tích cho thuê. Do đó, 3 năm qua, Đồng Nai đã bỏ lỡ nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn từ vài trăm triệu đến cả tỷ USD, có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao. Đồng thời, các KCN mới hình thành để kịp đón đầu làn sóng đầu tư khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào vận hành, khai thác.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, các KCN Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp và Xuân Quế - Sông Nhạn có tổng diện tích gần 6,5 nghìn ha, đa số thu hồi từ đất cao su. Vì thế, Tỉnh có thể đẩy nhanh việc thành lập KCN khi được Chính phủ sớm chấp thuận. Khi xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, các KCN này sẽ có trên 4 nghìn ha đất công nghiệp cho các doanh nghiệp thuê xây dựng nhà máy sản xuất.
Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất ở Lâm Đồng bị điều tra nhận hối lộ
Ông Vũ Chí Hữu bị cáo buộc khi làm Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đất đai huyện Bảo Lâm đã nhận hối lộ để làm sai lệch nhiều hồ sơ đăng ký tách thửa, biến động trong cấp đổi giấy tờ đất.
Cảnh sát bắt giam ông Vũ Chí Hữu và khám xét nhà riêng |
Chiều 5/7, ông Hữu bị Công an huyện Bảo Lâm bắt, khám xét nhà về tội Nhận hối lộ. Ông Hữu làm Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bảo Lâm giai đoạn năm 2015 - 2021. Hiện, ông làm Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đạ Huoai.
Cơ quan điều tra cáo buộc, trong thời gian làm giám đốc ở huyện Bảo Lâm, ông Hữu cùng Tạ Duy Phước (cán bộ phụ trách đo đạc, đã bị bắt trước đó về tội Giả mạo trong công tác) nhận tiền của người dân để làm sai lệch nhiều hồ sơ đăng ký tách thửa, biến động trong cấp đổi giấy tờ đất và cập nhật đường giao thông.
Liên quan hàng loạt sai phạm đất đai ở huyện Bảo Lâm, đầu tháng 3, Công an huyện bắt ông Lê Văn Sáng, nguyên Trưởng Ban dữ liệu cơ sở Trung tâm Kỹ thuật công nghệ địa chính (thuộc Cục Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cùng cấp phó Đỗ Ngọc Châu và Lương Công Vũ, cán bộ địa chính thị trấn Lộc Thắng, về tội Nhận hối lộ.