Bản tin thời sự sáng 6/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam đầu tư ra nước ngoài hơn 420 triệu USD trong năm 2023; vợ ông Lưu Bình Nhưỡng nộp hơn 7 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho chồng; hộ chiếu Việt Nam xếp thứ 73 toàn cầu; dự án BOT cầu Đồng Nai chính thức thuộc sở hữu toàn dân…

Việt Nam đầu tư ra nước ngoài hơn 420 triệu USD trong năm 2023

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong năm 2023, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 420,9 triệu USD.

Thông tin và truyền thông là lĩnh vực chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2023. Ảnh minh họa

Thông tin và truyền thông là lĩnh vực chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2023. Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2023 có 124 dự án của Việt Nam được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 282,7 triệu USD, giảm 33,7% so với năm trước; có 25 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 138,2 triệu USD, gấp 1,3 lần.

Như vậy, tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 420,9 triệu USD, giảm 21,2% so với năm trước, trong đó bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 156,9 triệu USD, chiếm 37,3% tổng vốn đầu tư; thông tin và truyền thông đạt 120,6 triệu USD, chiếm 28,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 84,4 triệu USD; chiếm 20%.

Tổng cục Thống kê cho biết, trong năm 2023 có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Canada là nước dẫn đầu với 150,3 triệu USD, chiếm 35,7% tổng vốn đầu tư; Singapore 122,6 triệu USD, chiếm 29,1%; Lào 116,7 triệu USD, chiếm 27,7%; Cu Ba đạt 11,8 triệu USD, chiếm 2,8%; Israel 6,1 triệu USD, chiếm 1,4%.

Ở chiều ngược lại, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2023 bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước.

Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 19,08 tỷ USD, chiếm 82,3%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,37 tỷ USD, chiếm 5,9%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,15 tỷ USD, chiếm 4,9%.

Vợ ông Lưu Bình Nhưỡng nộp hơn 7 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho chồng

Theo hướng dẫn của cơ quan điều tra, vợ ông Lưu Bình Nhưỡng đã tới Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình nộp 300.000 USD (tương đương trên 7 tỷ đồng) khắc phục hậu quả cho chồng.

Ông Lưu Bình Nhưỡng

Ông Lưu Bình Nhưỡng

Tối 5/1, Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, vợ ông Lưu Bình Nhưỡng, nguyên Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã tới Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình nộp 300.000 USD, tương đương hơn 7 tỷ đồng, khắc phục hậu quả cho chồng.

Sau khi được ông Nhưỡng ủy quyền, gia đình ông Nhưỡng đã chủ động có đơn xin khắc phục hậu quả gửi cơ quan chức năng.

Trước đó, ngày 14/11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) để điều tra về tội Cưỡng đoạt tài sản.

Việc bắt ông Nhưỡng là kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (thường gọi là Cường "Quắt"), đối tượng hình sự có 3 tiền án, trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Đến ngày 26/12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với ông Lưu Bình Nhưỡng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi quy định tại khoản 4 Điều 358 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo buộc, ngoài hành vi cưỡng đoạt tài sản, trong thời gian là đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định được số tiền trục lợi hàng trăm nghìn USD.

Hộ chiếu Việt Nam xếp thứ 73 toàn cầu

Hộ chiếu Việt Nam xếp thứ 73 trên bảng xếp hạng gồm 199 hộ chiếu của các quốc gia và vùng lãnh thổ, với 70 điểm đến miễn hoặc chỉ cần xin visa tại cửa khẩu, e-visa.

Mẫu hộ chiếu phổ thông của Việt Nam có hiệu lực từ tháng 8/2023

Mẫu hộ chiếu phổ thông của Việt Nam có hiệu lực từ tháng 8/2023

Theo bảng xếp hạng của Công ty Tư vấn tài chính và quốc tịch toàn cầu Arton Capital, người mang hộ chiếu Việt Nam có thể đến 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 24 điểm miễn visa và 46 nơi chỉ yêu cầu visa tại cửa khẩu hoặc visa điện tử.

Bảng xếp hạng 199 hộ chiếu từ khắp nơi trên thế giới dựa trên số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ mà người sở hữu có thể đến thăm mà không cần xin visa trước, hoặc chỉ cần visa tại cửa khẩu, visa điện tử (cấp trong vòng 3 ngày) hoặc giấy thông hành điện tử.

Tại Đông Nam Á, hộ chiếu Việt Nam quyền lực hơn hộ chiếu của Lào (thứ 79) và Myanmar (thứ 84).

Singapore có hộ chiếu quyền lực thứ 5 trên thế giới với 175 quốc gia và vùng lãnh thổ không yêu cầu xin visa trước. Hộ chiếu Malaysia mạnh thứ 10 trên thế giới với 170 điểm, trong khi hộ chiếu Thái Lan xếp thứ 51, cho phép công dân nước này đến 97 quốc gia và vùng lãnh thổ mà không phải lo lắng về visa.

Hộ chiếu UAE vẫn giữ vị trí quyền lực nhất thế giới khi công dân nước này có thể đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới mà không cần xin visa trước.

Tiếp theo là hộ chiếu Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Italy và Hà Lan cùng ở vị trí thứ hai.

Những hộ chiếu kém quyền lực nhất thế giới đến từ các nơi đang chìm trong xung đột chính trị như Pakistan, Somalia, Iraq, Afghanistan và Syria.

Dự án BOT cầu Đồng Nai chính thức thuộc sở hữu toàn dân

Dự án BOT cầu Đồng Nai được xây dựng vào năm 2008, gồm các hạng mục: nút giao Tân Vạn, cầu Đồng Nai mới, nút giao Vũng Tàu, nâng cấp cầu Đồng Nai cũ và đường gom kết nối vào Dự án.

Trạm thu phí Dự án BOT cầu Đồng Nai

Trạm thu phí Dự án BOT cầu Đồng Nai

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Đồng Nai cho biết, Bộ GTVT đã ban hành quyết định về việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản được đầu tư, mua sắm mới của Dự án Xây dựng cầu Đồng Nai và tuyến hai đầu cầu từ ngã ba Tân Vạn đến cuối tuyến tránh TP. Biên Hòa theo hợp đồng BOT (Dự án BOT cầu Đồng Nai).

Theo quyết định, tổng giá trị tài sản hình thành sau đầu tư và trong giai đoạn kinh doanh khai thác Dự án BOT cầu Đồng Nai là hơn 2.270 tỷ đồng.

Sau thời gian sử dụng, đến nay tổng giá trị tài sản còn lại được xác định là hơn 1.825 tỷ đồng.

Đối với tài sản được xác lập sở hữu toàn dân, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định.

Với các tài sản khác, Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm quản lý, bảo quản; thực hiện rà soát và báo cáo Bộ GTVT phương án xử lý phù hợp với quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản công.

Riêng tài sản chuyển giao cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện Dự án, Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện việc tiếp nhận lại để quản lý, sử dụng và khai thác phù hợp theo quy định.

Theo Khu Quản lý đường bộ 4, Cục Đường bộ Việt Nam đã giao Khu Quản lý đường bộ 4 quản lý khu vực Dự án BOT cầu Đồng Nai.

Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân Dự án BOT cầu Đồng Nai sẽ tạo cơ sở pháp lý để Khu Quản lý đường bộ 4 thực hiện các công việc liên quan đến duy tu, bảo dưỡng trong phạm vi Dự án.

Tới đây, các đơn vị sẽ thực hiện thủ tục bàn giao, sau đó Khu Quản lý đường bộ 4 sẽ khảo sát, lên phương án sửa chữa, nâng cấp Dự án BOT cầu Đồng Nai.

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn cao kỷ lục

Trong năm 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn lên tới 238.000 tỷ đồng, tiếp tục tăng 5% so với năm liền trước và là mức kỷ lục.

Trong năm 2023 có 39% trái phiếu quá hạn được doanh nghiệp phát hành và trái chủ đàm phán cơ cấu lại. Ảnh minh họa

Trong năm 2023 có 39% trái phiếu quá hạn được doanh nghiệp phát hành và trái chủ đàm phán cơ cấu lại. Ảnh minh họa

Đây là số liệu được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chia sẻ tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/1.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, tính đến hết ngày 31/12/2023, toàn thị trường ghi nhận 81 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng 269.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã bố trí thanh toán trái phiếu trước hạn với giá trị 238.000 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm liền trước.

Ngoài ra, 39% trái phiếu quá hạn đã được doanh nghiệp phát hành và trái chủ đàm phán cơ cấu lại.

Với mức tăng gần 5% kể trên, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn năm 2023 đã đạt kỷ lục từ khi thị trường này đi vào vận hành.

Trong năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại trên 226.700 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, tăng 56% so với 2021. Trong đó, phần lớn giá trị mua lại thuộc về nhóm các tổ chức tín dụng với gần 94.900 tỷ đồng, chiếm 42%. Theo sau là nhóm các doanh nghiệp bất động sản, mua lại gần 44.200 tỷ trái phiếu, tương đương 19,5% tổng giá trị mua lại.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp tăng vọt kể từ khi xảy ra vi phạm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vào đầu tháng 4/2022, rồi tiếp tục tăng mạnh trong tháng 12 cùng năm sau sự kiện Vạn Thịnh Phát và Nghị định 65/2022/NĐ-CP được ban hành.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, một trong những điểm tích cực của thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 là việc khuôn khổ pháp lý được hoàn thiện.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã đưa sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ vào vận hành từ tháng 7/2023, cải thiện đáng kể tính minh bạch và thanh khoản cho thị trường.

Tính đến hết năm 2023, tổng giá trị giao dịch trên sàn trái phiếu riêng lẻ đạt 218.000 tỷ đồng, với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 1.880 tỷ đồng. Toàn thị trường ghi nhận 887 mã trái phiếu của 249 tổ chức đăng ký.

Tiền lương cao nhất ở Hà Nội đạt 125 triệu đồng/tháng

Năm 2023, tiền lương lao động khu vực dân doanh ở Hà Nội chênh lệch lớn, cao nhất là 125 triệu đồng mỗi tháng và thấp nhất bằng lương tối thiểu vùng I - 4,68 triệu đồng.

Ca làm việc trong dây chuyền sản xuất áo sơ mi tại Công ty May 10 (Hà Nội)

Ca làm việc trong dây chuyền sản xuất áo sơ mi tại Công ty May 10 (Hà Nội)

Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội tiến hành thống kê với hơn 3.000 doanh nghiệp trên địa bàn, tới hết tháng 12/2023. Kết quả, công ty dân doanh dẫn đầu về mức tiền lương cao nhất trả cho lao động mỗi tháng; tiếp đến là doanh nghiệp FDI 70 triệu đồng; công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối 29,8 triệu đồng và đơn vị do Nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ đạt 25 triệu đồng.

Về bình quân tiền lương lao động, khối FDI dẫn đầu với 7,4 triệu đồng mỗi tháng; công ty nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ và đơn vị có vốn nhà nước chi phối đều đạt 7 triệu đồng; xếp cuối là khu vực dân doanh 6,8 triệu đồng.

So với năm 2022, tiền lương bình quân của lao động làm việc tại Hà Nội năm 2023 không có nhiều biến động. Năm 2022, FDI cũng là khối dẫn đầu với 7,4 triệu đồng mỗi người một tháng. Tiếp đến là lao động doanh nghiệp vốn nhà nước 7 triệu đồng; công ty cổ phần góp vốn nhà nước đạt 6,95 triệu đồng và khối dân doanh 6,8 triệu đồng.

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố những tháng cuối năm gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, khủng hoảng kinh tế cùng đại dịch vẫn có nguy cơ bùng phát. Một số doanh nghiệp thiếu kinh phí trả lương lao động, trong đó có công ty nợ gần 1,65 tỷ đồng tiền lương và đang tìm kiếm nguồn chi trả.

Hoàng Anh Gia Lai muốn bán hơn 13 triệu cổ phiếu HNG

Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa đăng ký bán hơn 13,3 triệu cổ phiếu HNG để trả nợ trái phiếu cho BIDV.

HAGL vừa đăng ký bán hơn 13,3 triệu cổ phiếu HNG

HAGL vừa đăng ký bán hơn 13,3 triệu cổ phiếu HNG

Giao dịch dự kiến thực hiện từ 9/1 đến 7/2, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn. Với thị giá hiện tại, số cổ phiếu này trị giá khoảng 68 tỷ đồng.

Nếu thực hiện thành công, HAGL sẽ giảm sở hữu tại Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) xuống còn 91,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 8,24% vốn.

Việc thoái vốn của HAGL diễn ra khi cổ phiếu HNG tăng mạnh trong những phiên gần đây. Mã này tăng kịch trần 4/6 phiên gần nhất, từ mức thị giá 4.000 đồng lên gần 5.400 đồng (tăng 35%), trước khi giảm về 5.160 đồng cuối phiên 4/1.

Từ giữa năm 2023, HAGL liên tục bán bớt tài sản và các khoản đầu tư. Trong quý III, doanh nghiệp của bầu Đức đã bán Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai với giá 180 tỷ đồng. Quý IV, Công ty lên kế hoạch bán tiếp Bệnh viện HAGL. Đây là bệnh viện đa khoa được thành lập dựa trên sự hợp tác của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Tập đoàn HAGL.

Đầu năm 2024, Hội đồng quản trị HAGL thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty CP Bapi HAGL. Doanh nghiệp này và thương hiệu thịt heo ăn chuối ra đời đầu năm 2022 trên cơ sở hợp tác giữa doanh nghiệp của bầu Đức và Công ty Dược phẩm Đông Á. Ban đầu, Bapi có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó HAGL góp 55%.

Tuy nhiên từ năm 2023, Bapi không còn là công ty con, chỉ là công ty liên kết của HAGL sau đợt phát hành thêm cổ phần để tăng vốn lên 100 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của HAGL tại Bapi theo đó giảm còn 34%. Tại cuộc gặp nhà đầu tư của HAGL hồi cuối tháng 8, bầu Đức cho biết, Công ty nuôi heo không lỗ, chỉ có Bapi lỗ do phân phối chưa ổn.

Tính đến 30/9/2023, HAGL có khoản nợ vay 7.778 tỷ đồng, giảm 387 tỷ đồng so với đầu năm.

Chuyên đề