Bản tin thời sự sáng 5/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khai trừ ra khỏi Đảng đối với cựu Chủ tịch TP. Hạ Long; TP.HCM không lập trung tâm mua sắm thiết bị y tế tập trung; cao tốc TP.HCM - Long Thành sẽ được mở rộng lên 8 làn xe trước 2025; Đà Lạt đề xuất xây phố đi bộ, chợ đêm gần Hồ Xuân Hương;cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thu phí từ 8/8…

Khai trừ ra khỏi Đảng đối với cựu Chủ tịch TP. Hạ Long

Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Hồng Hà, nguyên Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long, nguyên Chủ tịch UBND TP. Hạ Long.

Ông Phạm Hồng Hà khi còn tại vị

Ông Phạm Hồng Hà khi còn tại vị

Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phạm Hồng Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy Ban Quản lý vịnh Hạ Long (nhiệm kỳ 2015 - 2020), nguyên Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long (giai đoạn 2016 - 2020), nguyên Chủ tịch UBND TP. Hạ Long.

Ông Phạm Hồng Hà đã có những vi phạm, khuyết điểm: Trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Ban Quản lý vịnh Hạ Long, Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình; làm trái quy định của Nhà nước về đấu thầu, quản lý đầu tư; bản thân và một số cán bộ, nhân viên thuộc quyền bị xử lý hình sự.

Vi phạm của ông Phạm Hồng Hà gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất uy tín của bản thân, giảm sút uy tín của tổ chức đảng và cơ quan nơi ông Hà công tác.

TP.HCM không lập trung tâm mua sắm thiết bị y tế tập trung

TP.HCM dự định lập trung tâm mua sắm trang thiết bị y tế tập trung để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, nhưng sau đó lại thay đổi.

Nhà thuốc tại một bệnh viện ở TP.HCM

Nhà thuốc tại một bệnh viện ở TP.HCM

Sáng 4/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, các phương án nghiên cứu lập trung tâm mua sắm tập trung trang thiết bị y tế đã xong từ cuối tháng 7. UBND TP.HCM đã báo cáo Ban Thường vụ Thành uỷ với tinh thần sẵn sàng thành lập.

Tuy nhiên, Ban Thường vụ đánh giá lại và đề nghị Thành phố củng cố cơ chế mua sắm hiện nay. Cụ thể là định kỳ 1 - 2 năm, ngành y tế sẽ giao cho đầu mối là một bệnh viện lớn, có đủ điều kiện, đại diện đấu thầu mua sắm chung cho Thành phố. Hiện, Bệnh viện Hùng Vương là đầu mối được chọn để củng cố năng lực, mua sắm cho cả hai tuyến là các bệnh viện và tuyến y tế cơ sở. Trước mắt, Thành phố chưa thành lập và đưa vào vận hành trung tâm mua sắm chung này.

Ông Mãi cho biết thêm, sau khi củng cố cơ chế hiện tại, nếu đánh giá thấy cần thiết, Thành phố sẽ lập trung tâm mua sắm chung.

Tháng 5/2022, trước tình trạng nhiều bệnh viện, cơ sở y tế thiếu thuốc, thiết bị do gặp khó trong mua sắm, đấu thầu, Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM cho lập trung tâm mua sắm tập trung trang thiết bị, vật tư y tế khám, thuốc chữa bệnh như trước đây. Theo Sở Y tế, ưu điểm của đấu thầu tập trung là công khai, minh bạch, hạn chế sai sót, giảm lãng phí, danh mục mua sắm và giá hợp lý, thống nhất.

Sở Y tế cho rằng, quy trình mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế đòi hỏi chuyên môn cao, nhưng các đơn vị thực hiện chưa am hiểu công tác đấu thầu. Các quy định, quy trình đấu thầu nhiều nhưng chưa rõ ràng khiến các đơn vị gặp khó trong xác định, kê khai giá, khiến người thực hiện hoang mang, lo lắng. Do đó, việc quay lại đấu thầu tập trung như trước đây là điều cần thiết.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành sẽ được mở rộng lên 8 làn xe trước 2025

Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ TP.HCM - Long Thành được quy hoạch với quy mô 10 làn xe, tiến trình đầu tư giai đoạn trước năm 2030.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được đầu tư mở rộng lên 8 làn xe trước 2025

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được đầu tư mở rộng lên 8 làn xe trước 2025

Liên quan đến việc đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bộ GTVT cho biết, tuyến cao tốc này là một phần của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Giai đoạn 1 của dự án được hoàn thành tháng 6/2016 với quy mô 4 làn xe. Trong đó, phạm vi từ nút giao An Phú - Vành đai 2 TP.HCM do UBND TP.HCM quản lý.

Phạm vi từ Vành đai 2 TP.HCM đến nút giao đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, khai thác.

Theo thống kê từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây liên tục tăng, trung bình khoảng 10%/năm.

Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ TP.HCM - Long Thành được quy hoạch với quy mô 10 làn xe, tiến trình đầu tư giai đoạn trước năm 2030.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT cho rằng, việc nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành là cần thiết, phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Hiện, Bộ đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành phạm vi từ Vành đai 2 TP.HCM đến nút giao Long Thành.

Vừa qua, VEC cũng đã đề xuất phương án giao VEC tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành với quy mô 8 làn xe.

Bộ GTVT đang chỉ đạo VEC hoàn thiện phương án nghiên cứu, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ với thời điểm hoàn thành giai đoạn 1 của dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (2025).

Đà Lạt đề xuất xây phố đi bộ, chợ đêm gần Hồ Xuân Hương

UBND TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đang xin chủ trương để làm dự án xây khu dân cư kết hợp phố đi bộ, chợ đêm gần bờ hồ Xuân Hương có quy mô 121.000m2, với kinh phí dự kiến khoảng 1.657 tỷ đồng.

Quảng trường ở TP Đà Lạt, nơi thường thu hút đông người dân và du khách

Quảng trường ở TP Đà Lạt, nơi thường thu hút đông người dân và du khách

Nội dung trên nằm trong tờ trình vừa được chính quyền TP. Đà Lạt gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, với mong muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư lập Dự án Khu dân cư Lữ Gia kết hợp phố đi bộ, chợ đêm nằm ở phường 8, phường 9 của thành phố, với tổng diện tích 121.000m2.

Khu vực được lựa chọn thực hiện dự án nằm ở phía thượng nguồn hồ Xuân Hương. Đây là nơi sản xuất nông nghiệp, đang có trên 180 căn nhà với hơn 200 hộ dân sinh sống. Nơi này cũng có nhiều vị trí xâm lấn vào phạm vi bảo vệ suối, phát sinh ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động sản xuất nông nghiệp gần lưu vực suối Cam Ly.

Theo UBND TP. Đà Lạt, tổng kinh phí thực hiện dự án dự kiến khoảng 1.657 tỷ đồng, trong số đó hơn 1.246 tỷ đồng để thực hiện tái định cư.

Sau khi chủ trương được chấp thuận, địa phương sẽ rà soát, thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong giai đoạn từ tháng 6/2024 đến tháng 6/2025. Tiếp đó, Thành phố sẽ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhà ở xã hội (xây thô), các công trình thương mại.

Trong Dự án sẽ dành ra trên 50.510 m2 đất để làm hạ tầng kỹ thuật; 14.250 m2 đất nhà ở xã hội, tái định cư, trường mẫu giáo; đất thương mại dịch vụ 6.864 m2; đất ở 49.012 m2 và 1.000 m2 làm công viên.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thu phí từ 8/8

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ thu phí từ 8/8 với mức cao nhất gần 335.000 đồng mỗi lượt cho quãng đường hơn 50 km.

Trạm thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Trạm thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Thông tin được UBND tỉnh Tiền Giang đưa ra khi công bố phương án thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, chiều 4/8.

Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tỉnh cho biết, tuyến đường sẽ thu phí tự động 100% từ ngày 8/8, thời gian thu phí 14 năm 8 tháng.

Trước đó, tỉnh Tiền Giang công bố mức phí cao tốc giảm đáng kể so với dự kiến. Ô tô dưới 12 chỗ, xe tải dưới hai tấn và các loại buýt có giá vé toàn tuyến khoảng 103.000 đồng, giảm 5.000 đồng; ô tô 12 - 30 chỗ, xe tải 2 - 4 tấn giá vé toàn tuyến 154.000 đồng, bằng mức cũ.

Xe khách 31 chỗ trở lên, xe tải 4 - 10 tấn có giá toàn tuyến 180.000 đồng, giảm 10.000 đồng; xe tải 10 - 18 tấn, xe container 20 feet giá vé 231.700 đồng, giảm 77.300 đồng. Ô tô tải từ 18 tấn trở lên, xe container 40 feet giá vé toàn tuyến 334.700 đồng, giảm 97.300 đồng.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tiền Giang cho biết, việc điều chỉnh phí theo hướng giảm do lượng xe qua đây tăng cao. Sau khi dự án được kiểm toán, lưu lượng xe thay đổi có thể điều chỉnh phí cho phù hợp.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km có 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, khai thác từ cuối tháng 4 vừa qua sau 13 năm triển khai.

Tân Sơn Nhất cần bãi đệm chứa xe thay vì chờ ga T3 giải cứu

Lãnh đạo Cảng vụ Hàng không Miền Nam cho biết Tân Sơn Nhất cần túi đệm chứa xe công suất lớn để giảm tải thay vì chờ xây xong nhà ga T3, sân bay Long Thành.

Mỗi ngày nhà xe TCP - ga quốc nội Tân Sơn Nhất đón hơn 6.000 lượt xe

Mỗi ngày nhà xe TCP - ga quốc nội Tân Sơn Nhất đón hơn 6.000 lượt xe

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng không Miền Nam, hiện nhà giữ xe TCP ở sân bay Tân Sơn Nhất với một tầng trệt, một tầng lửng, 5 tầng cao đã quá tải.

Nhà xe này mỗi ngày phục vụ 6.600 lượt, cao điểm 9.000 lượt. Tân Sơn Nhất cần một túi đệm chứa xe, cung ứng cho hành khách tại hai nhà ga trong thời gian tới.

Trong bối cảnh hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải, lượng khách quốc tế lại trên đà hồi phục, ông Tuấn cho biết, việc tận dụng khu đất trống hơn 3.500 m2 ở góc đường Bạch Đằng - Trường Sơn - Hồng Hà, giáp ga quốc tế là phù hợp.

Nếu chờ giải cứu từ nhà ga T3 và sân bay Long Thành là rất lâu, do đó, ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam) đã kiến nghị xây nhà xe tương đương nhà xe ở quốc nội hiện nay (giai đoạn 2021-2025), có thể chứa lượng xe giữ lại và xe chờ.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, vào cao điểm hè, Tân Sơn Nhất ghi nhận sản lượng bình quân đạt 700 chuyến/ngày, cao điểm 758 chuyến với lượng khách là 130.000 lượt. Đến nay, sản lượng khai thác đã hạ nhiệt còn 659 chuyến với 111.000 khách. Trong khi đó, khác với các nhà ga mới được xây ga đi phía trên, ga đến phía dưới, ga quốc nội là công trình được nâng cấp, sửa chữa.

Ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng kiểm soát khai thác tại ACV cho biết, do diện tích sân bay hạn hẹp, số lượng xe vào sân bay đón khách đi - đến không đủ nên mới đề xuất giải pháp bãi đậu xe “chờ”. AVC đã làm việc với Cảng vụ Hàng không Miền Nam về vấn đề này và thống nhất cần có một bãi đệm để các phương tiện đậu xe trong quá trình ra, vào đón khách tại cảng, tránh việc xe di chuyển vào cảng chậm trễ.

Chuyên đề