Bản tin thời sự sáng 5/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Miền Bắc mất điện diện rộng; Giám đốc CDC Quảng Ngãi bị xem xét kỷ luật; đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS; Hà Nội làm hầm qua đê sông Hồng…

Miền Bắc mất điện diện rộng

Đầu giờ chiều 4/7, nhiều quận trung tâm Hà Nội, TP. Thanh Hóa và một số tỉnh phía Bắc mất điện đột ngột, điện áp tăng vọt.

Chiều 4/7, nhiều quận trung tâm Hà Nội, TP. Thanh Hóa và một số tỉnh phía Bắc mất điện đột ngột

Chiều 4/7, nhiều quận trung tâm Hà Nội, TP. Thanh Hóa và một số tỉnh phía Bắc mất điện đột ngột

Khoảng 13h, các quận ở Hà Nội như Ba Đình, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai... bị mất điện, đúng thời điểm nóng nhất trong ngày.

Nằm ở quận Hai Bà Trưng, Đại học Bách khoa Hà Nội phải ra thông báo "toàn trường mất điện do sự cố điện lưới của Thành phố, mong thầy cô và các em thông cảm". Khoảng 14h40, điện có trở lại, hoạt động giảng dạy diễn ra bình thường.

Trên nhiều diễn đàn, người dân cũng phản ánh tình trạng mất điện vài phút rồi có, nhưng điện áp vọt lên 240 - 300 V.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, miền Bắc trưa 4/7 có hiện tượng dao động điện áp, gây mất điện ở một số địa phương, trong đó có Hà Nội. Nguyên nhân ban đầu là thời tiết nắng nóng làm tiêu thụ điện tăng cao và một số tổ máy phát điện bị sự cố. Tới 15 giờ, toàn bộ hệ thống điện miền Bắc vận hành ổn định trở lại.

Số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho thấy, trước thời điểm sự cố, miền Bắc tiêu thụ gần 20.300 MW, tăng 2.700 MW so với cao điểm chiều 1/7 (17.600 MW) và tăng hơn 15% so với ngày bình thường.

Giám đốc CDC Quảng Ngãi bị xem xét kỷ luật

Ông Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ngãi, bị xem xét kỷ luật Đảng vì sai phạm trong mua sắm thiết bị, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19.

Ông Hồ Minh Nên, Giám đốc CDC Quảng Ngãi

Ông Hồ Minh Nên, Giám đốc CDC Quảng Ngãi

Ngày 4/7, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ngãi ra thông báo về kết luận sai phạm xảy ra ở Sở Y tế với ông Hồ Minh Nên và ông Nguyễn Xuân Mến, nguyên Giám đốc Sở Y tế (hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi); hai Phó Giám đốc Sở là ông Lê Báy, Phạm Minh Đức.

Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Sở Y tế nhiệm kỳ 2015 - 2020 vi phạm trong mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh. Đảng ủy Sở Y tế thực hiện chưa tốt chức năng lãnh đạo dẫn đến Giám đốc CDC Tỉnh vi phạm các quy định của pháp luật trong mua sắm hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thống nhất tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật ông Hồ Minh Nên; đề nghị xử lý ông Nguyễn Xuân Mến. Các ông Lê Báy, Phạm Minh Đức có vi phạm, khuyết điểm nhưng chưa đến mức kỷ luật nên Ủy ban Kiểm tra yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Trong các đợt bùng phát dịch, CDC Quảng Ngãi đã chi hơn 60 tỷ đồng mua vật tư, trang thiết bị, sinh hoá phẩm y tế... Trong đó, đơn vị này có ba đợt mua kit xét nghiệm của Công ty CP Công nghệ Việt Á với tổng giá trị hơn 5 tỷ đồng. Giá mua kit xét nghiệm là 509.000 đồng, thấp nhất là 367.000 đồng mỗi bộ; mua vào tháng 7 và 8/2021.

Đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc, từ năm học 2022 - 2023.

Đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023

Đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023

Sáng 4/7, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết thông tin nêu trên và ước tính, với 5,5 triệu học sinh THCS và học phí bình quân 2 triệu đồng mỗi năm học, ngân sách sẽ cấp bù gần 11.200 tỷ đồng/năm học.

Nếu thực hiện đề xuất, ngân sách nhà nước phải tăng thêm gần 25.200 tỷ đồng trong ba năm (2022 - 2024).

Với cấp mầm mon, THPT năm học 2022 - 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất cơ sở công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên giữ ổn định học phí như năm trước. Cơ sở đảm bảo chi thường xuyên, được xây dựng mức thu học phí, trình HĐND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.

Các địa phương đã ban hành mức thu học phí năm học 2022 - 2023 mà cao hơn năm trước, thì điều chỉnh lại theo mức cũ. Từ năm học 2023 - 2024, HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh khung, mức học phí mầm non và THPT theo chỉ số giá tiêu dùng hàng năm.

Theo quy định hiện hành, trong các cấp học phổ thông, chỉ học sinh tiểu học công lập được miễn học phí. Học sinh THCS hiện vẫn phải đóng học phí.

Thời gian qua, một số địa phương đã miễn học phí cho học sinh các cấp. Từ năm học 2020 - 2021, TP. Hải Phòng thực hiện lộ trình miễn 100% học phí cho từ bậc mầm non tới THPT, bổ túc.

TP.HCM đang xây dựng đề án miễn, giảm học phí năm học 2022 - 2023, từ nguồn ngân sách.

Năm học 2021 - 2022, TP. Đà Nẵng hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, học sinh THCS, THPT trường công lập và ngoài công lập vì Covid-19.

Hà Nội làm hầm qua đê sông Hồng

Dự án hầm kết hợp đường cho người đi bộ qua đê sông Hồng và đường Trần Quang Khải được UBND TP. Hà Nội phê duyệt với tổng đầu tư hơn 100 tỷ đồng.

Vị trí xây hầm đường bộ tại quận Hoàn Kiếm (đoạn màu đỏ). Ảnh: Google maps

Vị trí xây hầm đường bộ tại quận Hoàn Kiếm (đoạn màu đỏ). Ảnh: Google maps

UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đường Trần Quang Khải từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm).

Hầm có kết cấu bêtông cốt thép, cao 3,2 m, dài 15,7 m, quy mô sử dụng đất khoảng 1,6 ha. Tổng chiều rộng mặt cắt là 18,25 m, với hai làn dành cho phương tiện, mỗi làn 7 m và hai làn dành cho người đi bộ, mỗi làn 1,2 m. Hai cửa hầm thiết kế đóng mở tự động để phục vụ thoát lũ mùa mưa bão.

Tổng mức đầu tư Dự án hơn 100 tỷ đồng từ ngân sách quận Hoàn Kiếm, trong đó chi phí xây dựng là 68,6 tỷ đồng, chi phí thiết bị 10,7 tỷ đồng. Dự án nhằm giải quyết cơ bản điểm xung đột giao thông tại khu vực, tối ưu quỹ đất dôi dư hiện có của phường Chương Dương và phường Phúc Tân. Công trình dự kiến khởi công năm nay, hoàn thành năm 2024.

Hai Tổng giám đốc bị bắt vì liên quan sai phạm tại Saigon Co.op

Mở rộng điều tra sai phạm tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM - Saigon Co.op, cơ quan điều tra đã bắt hai Tổng giám đốc.

Hai Tổng Giám đốc bị bắt vì liên quan sai phạm liên quan Saigon Co.op

Hai Tổng Giám đốc bị bắt vì liên quan sai phạm liên quan Saigon Co.op

Ngày 4/7, ông Võ Thành Trung (Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Đô Thị Mới) và Tôn Thất Hào (Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Đại Á) bị Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam. Hiện, hành vi sai phạm của hai bị can chưa được công bố.

Trước đó, tháng 12/2020, ông Diệp Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op) bị nhà chức trách cáo buộc Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Saigon Co.op thành lập năm 1989 theo quyết định của UBND TP.HCM, sau đổi tên thành Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM với 20 hợp tác xã thành viên.

Saigon Co.op có tổng cộng 34 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, 14 lần điều chỉnh, bổ sung điều lệ và 8 lần bổ sung tăng vốn điều lệ. Hiện, Saigon Co.op có hơn 100 siêu thị (Co.opmart) trên cả nước.

Các sai phạm tại Saigon Co.op được Thanh tra TP.HCM kết luận hồi cuối tháng 7/2020, đồng thời đề nghị UBND Thành phố chuyển hồ sơ sang công an để điều tra.

Trong đó, sai phạm lớn nhất liên quan việc tăng vốn điều lệ năm 2020 lên gần 6.800 tỷ đồng có dấu hiệu huy động góp vốn trái pháp luật và thâu tóm. Cụ thể, các hợp tác xã thành viên của Saigon Co.op đạt lợi nhuận 5 - 6 tỷ đồng nhưng không góp vốn, trong khi nhiều hợp tác xã chỉ đạt lợi nhuận sau thuế từ 24 - 500 triệu đồng một năm lại góp hàng trăm tỷ đồng. Thậm chí có đơn vị kinh doanh thua lỗ vẫn góp 247 tỷ đồng.

Theo cơ quan thanh tra, điều này cho thấy đã có các cá nhân, tổ chức thông qua hợp tác xã thành viên để tham gia đầu tư vốn vào Saigon Co.op. Nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động…

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Chuyên đề