Bản tin thời sự sáng 5/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Y tế phê duyệt vaccine Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm (Trung Quốc); dừng tàu khách Bắc - Nam qua Quảng Bình do phát hiện bom dưới lòng đất; cựu Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến bị bắt; Viện Kiểm sát muốn buộc Công ty Nhật Cường nộp lại 221 tỷ đồng buôn lậu; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tạm ngưng các chuyến bay từ đất liền tới Côn Đảo…

Bộ Y tế phê duyệt vaccine Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm (Trung Quốc)

Bộ Y tế vừa phê duyệt vaccine với tên gọi: Covid-19 Vaccine (Vero Cell), Inactivated, tên khác là SARS-CoV-2 Vaccine (Vero Cell) Inactivate. Vaccine Vero Cell được sản xuất tại Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Dược Sinopharm, Trung Quốc.

Việc phê duyệt vaccine Vero Cell phục vụ nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Việc phê duyệt vaccine Vero Cell phục vụ nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Vaccine này được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm, với 6.5U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt trên mỗi liều 0,5ml.

Việc phê duyệt vaccine phục vụ nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có kèm theo 9 điều kiện. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương triển khai hệ thống cảnh giác dược toàn diện đối với vaccine tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng vaccine phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thêm vào đó, trong quá trình sử dụng vaccine, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phải phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo và đơn vị đủ điều kiện tổ chức đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vaccine dựa trên ý kiến tư vấn của Hội đồng Tư vấn sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế của Bộ Y tế…

Dừng tàu khách Bắc - Nam qua Quảng Bình do phát hiện bom dưới lòng đất

Chiều 4/6, hai đoàn tàu khách Bắc Nam SE7, SE8 đã phải dừng chờ thông đường vì trong khi thi công sửa chữa đoạn đường sắt qua tỉnh Quảng Bình, đơn vị xây dựng phát hiện một quả bom.

Hiện trường quả bom được phát hiện

Hiện trường quả bom được phát hiện

Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, quả bom nằm dưới mặt đất cách đường sắt khoảng 1 mét tại khu gian Kim Lũ - Đồng Lê (tỉnh Quảng Bình).

Sau khi phát hiện quả bom lúc 13h chiều, đơn vị thi công đường đã dừng hoạt động và báo cho lực lượng công binh tại địa phương. Đoạn đường sắt qua khu vực này bị phong tỏa. Đường sắt Bắc - Nam ách tắc từ chiều 4/6, hai đoàn tàu khách Bắc Nam SE7, SE8 đã phải dừng chờ thông đường tại các ga Kim Lũ, Đồng Lê. Một số đoàn tàu hàng phải dừng chờ ở các ga dọc đường.

Ngành đường sắt đã lên phương án chuyển tải hành khách bằng đường bộ giữa hai ga Đồng Lê và Kim Lũ.

Sau khi di dời quả bom, ngành đường sắt sẽ vận hành lại các đoàn tàu và thông tuyến đường sắt qua Quảng Bình.

Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết thêm, đến 19h, lực lượng công binh đã đào được quả bom và di dời trong buổi tối. Toàn bộ khu vực được rà soát rồi dỡ phong tỏa.

Cựu Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến bị bắt

Khi giữ chức Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Chí Hiến đã ký nhiều văn bản trái pháp luật, cho phép giảm giá khi bán sỉ 262 lô đất.

Ông Nguyễn Chí Hiến nghe công bố quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam

Ông Nguyễn Chí Hiến nghe công bố quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam

Ngày 4/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực thi lệnh bắt tạm giam ba tháng đối với ông Nguyễn Chí Hiến, cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh này để điều tra tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Quyết định khởi tố bị can nêu: Khi giữ chức Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Chí Hiến đã cho phép giảm hơn 8 tỷ đồng tiền bán đấu giá quyền sử dụng đất của 262 lô đất tại Khu đô thị mới Nam Tuy Hòa trái quy định pháp luật gây thất thoát tài sản Nhà nước, phạm vào Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố, bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Nở, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính Phú Yên với cùng tội danh trên.

Viện Kiểm sát muốn buộc Công ty Nhật Cường nộp lại 221 tỷ đồng buôn lậu

Viện Kiểm sát nhân dân kháng nghị bản án sơ thẩm, đề nghị toà phúc thẩm buộc Công ty Nhật Cường nộp lại 221 tỷ đồng thu lợi bất chính thay cho 13 bị cáo.

221 tỷ đồng thu lợi bất chính từ hành vi buôn lậu đã được nhập quỹ của Công ty Nhật Cường

221 tỷ đồng thu lợi bất chính từ hành vi buôn lậu đã được nhập quỹ của Công ty Nhật Cường

Theo quyết định kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội ra ngày 25/5, tại phiên sơ thẩm, Toà án Nhân dân Hà Nội đã thiếu sót khi không triệu tập đại diện Công ty Nhật Cường tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Viện Kiểm sát cho rằng, quá trình điều tra và kết quả xét hỏi tại phiên tòa cùng xác định 221 tỷ đồng thu lợi bất chính từ hành vi buôn lậu đã được nhập quỹ của Công ty Nhật Cường. Số tiền này được theo dõi, quản lý trên phần mềm nội bộ EPR của Công ty. Các bị cáo từ Phó Tổng giám đốc đến nhân viên Công ty Nhật Cường đều là người làm công ăn lương, giữ vai trò giúp sức cho Tổng giám đốc Bùi Quang Huy. Họ không được chia khoản tiền thu lợi bất chính này.

Hiện không có quy định về việc các bị cáo liên đới nộp lại khoản tiền thu lợi bất chính, mà thực hiện theo nguyên tắc người nào thu lợi bất chính hoặc thụ hưởng tiền thu lợi bất chính thì phải nộp lại để tịch thu sung quỹ nhà nước. Theo kháng nghị, việc Toà án Nhân dân Hà Nội áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự tuyên buộc các bị cáo liên đới nộp lại khoản tiền 221 tỷ đồng là chưa phù hợp, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo.

Từ đó, Viện Kiểm sát đề nghị toà phúc thẩm xét xử vụ án theo hướng đưa Công ty Nhật Cường tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nhật Cường phải nộp lại 221 tỷ đồng thu lợi bất chính từ hành vi buôn lậu để tịch thu sung quỹ nhà nước, mà không buộc 13 bị cáo phạm tội buôn lậu phải liên đới nộp lại khoản này.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tạm ngưng các chuyến bay từ đất liền tới Côn Đảo

Ông Trần Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ký công văn về việc tạm ngưng các chuyến bay từ đất liền tới sân bay Cỏ Ống (huyện Côn Đảo) để phòng chống dịch Covid-19.

Sân bay Cỏ Ống - Côn Đảo

Sân bay Cỏ Ống - Côn Đảo

Theo công văn được gửi tới Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không Việt Nam, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, địa phương có nguy cơ trong dịch Covid-19 do có lượng thuyền viên, du khách, chuyên gia đến làm việc và người cách ly tập trung khá đông, nguy cơ xâm nhập nguồn bệnh vào cộng đồng tại địa phương là khá lớn.

Cũng theo công văn trên, công tác phòng chống dịch trên địa bàn huyện Côn Đảo đang gặp nhiều khó khăn do cách xa đất liền, điều kiện, năng lực y tế, khả năng tiếp tế, hỗ trợ y tế từ đất liền không kịp thời và gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Để chủ động khai thác hiệu quả phương châm 4 tại chỗ, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Côn Đảo và đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Cục Hàng không xem xét, trong vòng 48 tiếng tính từ 17h ngày 3/6 quyết định dừng các chuyến bay tới huyện Côn Đảo (trừ các chuyến bay trực thăng từ TP. Vũng Tàu tới Côn Đảo) và ngược lại. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ xem xét, báo cáo về việc đề xuất mở lại các chuyến bay sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát.

Vé tàu điện Cát Linh - Hà Đông 15.000 đồng một lượt

Giá vé lượt, ngày và tháng tương ứng các mức 15.000, 30.000 và 200.000 đồng. Hành khách được miễn phí vé 15 ngày đầu tuyến vận hành thương mại.

Theo phương án vận hành, tàu chạy từ 5h sáng đến 23h đêm hàng ngày, tần suất 6 - 7 phút mỗi chuyến

Theo phương án vận hành, tàu chạy từ 5h sáng đến 23h đêm hàng ngày, tần suất 6 - 7 phút mỗi chuyến

Quyết định ban hành giá vé vận chuyển hành khách công cộng có trợ giá trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông do UBND TP. Hà Nội ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 14/6.

Giá vé lượt được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất. Ngoài tiền mặt, việc thanh toán bằng thẻ được khuyến khích với mức giá rẻ hơn thanh toán bằng tiền mặt khoảng 500 đồng mỗi lượt.

Giá vé ngày 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.

Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể được áp dụng mức 140.000 đồng/người/tháng.

Hà Nội miễn tiền vé cho các đối tượng ưu tiên, bao gồm: người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.

Tàu SE8 bất ngờ bốc cháy dữ dội, hơn 10 tấn hàng hóa bị thiêu rụi

Đang trên hành trình Nam - Bắc, khi qua địa phận TP. Đà Nẵng, một toa chở hàng của tàu SE8 đã bốc cháy dữ dội.

Lực lượng chữa cháy nỗ lực dập tắt đám cháy

Lực lượng chữa cháy nỗ lực dập tắt đám cháy

Khoảng 1h ngày 4/6, tàu SE8 chạy hướng Nam - Bắc, khi đến địa phận phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) thì một toa chở hàng (sát đầu máy) bất ngờ bốc cháy dữ dội.

Phát hiện cháy, lái tàu lập tức cho tàu dừng và báo về trung tâm chỉ huy, đồng thời gọi điện cho lực lượng cứu hỏa. Để đảm bảo an toàn, hành khách trên tàu được hướng dẫn rời tàu.

Nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an TP. Đà Nẵng điều 5 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến dập lửa.

Đến 2h30 cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế. Đến 5h, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn.

Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi hơn chục tấn hàng hóa trên tàu gồm hàng bách hóa tổng hợp và đồ điện tử.

Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Đà Nẵng (thuộc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn) cho biết, đang phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra nguyên nhân vụ hoả hoạn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư