Bản tin thời sự sáng 5/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM cho phép vũ trường, karaoke, massage hoạt động từ ngày 10/1; hàng không mở lại 8 đường bay quốc tế; bắt nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam; đường sắt mở bán vé các đoàn tàu địa phương dịp Tết Nhâm Dần 2022…

TP.HCM cho phép vũ trường, karaoke, massage hoạt động từ ngày 10/1

Kể từ ngày 10/1, các cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke, massage... được phép hoạt động trở lại sau thời gian đóng cửa.

TP.HCM cho phép vũ trường, karaoke, massage... hoạt động từ ngày 10/1

TP.HCM cho phép vũ trường, karaoke, massage... hoạt động từ ngày 10/1

Ngày 4/1, Phó Chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức, đã ký công văn khẩn về việc cho phép một số loại hình kinh doanh dịch vụ mở cửa trở lại.

Theo đó, các cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke, câu lạc bộ khiêu vũ, massage được phép mở lại từ ngày 10/1.

Điều kiện để các loại hình trên được mở cửa lại là phải đảm bảo tuân thủ Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đối với từng lĩnh vực.

UBND TP.HCM giao các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường kiểm tra, giám sát, thẩm định và chỉ cho phép các cơ sở hoạt động lại nếu đáp ứng điều kiện và kịp thời điều chỉnh các hoạt động phù hợp với cấp độ dịch từng địa phương.

Sở VH&TT TP.HCM cho biết, thời gian qua đã tiếp nhận nhiều đơn đề nghị, thư cầu khẩn của một số hệ thống karaoke trình bày hoàn cảnh khó khăn trong thời gian tạm ngừng hoạt động do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Mặt khác, tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM đã từng bước được kiểm soát, tỷ lệ mũi 2 vaccine cao, nhiều hoạt động, dịch vụ đã đi vào hoạt động.

TP.HCM cũng đã có quy định về bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống Covid-19 đối với cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ.

Do đó, để chuẩn bị lộ trình từng bước phục hồi các hoạt động trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Sở VH&TT TP.HCM đề xuất Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép dịch vụ karaoke, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ hoạt động lại...

Hàng không mở lại 8 đường bay quốc tế

Cục Hàng không Việt Nam đã cấp phép cho các hãng bay trong nước khai thác 8 trong số 9 đường bay quốc tế thường lệ theo dự kiến, tính đến ngày 4/1.

Cục Hàng không Việt Nam đã cấp phép cho các hãng bay trong nước khai thác 8 trong số 9 đường bay quốc tế thường lệ

Cục Hàng không Việt Nam đã cấp phép cho các hãng bay trong nước khai thác 8 trong số 9 đường bay quốc tế thường lệ

8 đường bay quốc tế được khôi phục gồm Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Campuchia, Mỹ, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan. Còn đường bay đến Trung Quốc (Bắc Kinh, Quảng Châu) chưa mở lại do chưa hoàn tất đàm phán với nhà chức trách hàng không nước này.

Chuyến bay VN853 của Vietnam Airlines từ TP.HCM đi Phnom Penh ngày 1/1 là chuyến bay đầu mở đầu cho kế hoạch khôi phục đường bay quốc tế.

Sau chuyến bay giữa Việt Nam và Campuchia, các chuyến bay quốc tế thường lệ tiếp theo của Vietnam Airlines là giữa Việt Nam và Nhật Bản vào ngày 5/1.

Hãng cũng mở bán vé để khai thác các chặng Hà Nội - Seoul từ ngày 6/1 với tần suất mỗi tuần là 2 chuyến; Hà Nội, TP.HCM - Singapore từ ngày 12/1 với tần suất một chuyến; TP HCM - Bangkok từ ngày 8/1 với tần suất 2 chuyến: Hà Nội – Vientian từ 9/1 với tần suất 2 chuyến; Hà Nội - Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) từ ngày 11/1 với tần suất một chuyến; giữa Việt Nam và Mỹ vào ngày 9/1.

Hãng hàng không Vietjet Air cũng khai thác một số chặng, như Hà Nội - Tokyo ngày 6/1. Chặng Đài Bắc - Hà Nội ngày 8/1; chặng Đài Bắc - TP HCM ngày 12/1.

Theo đại diện Vietjet Air, mỗi tuần hãng sẽ có một chuyến bay khứ hồi trên đường bay Hà Nội với Tokyo vào thứ 5; Hà Nội - Đài Bắc vào thứ 7; TP.HCM - Đài Bắc vào thứ 4; TP HCM - Singapore vào Chủ nhật.

Bamboo Airways cũng khai thác chặng Hà Nội - Đài Bắc, khởi hành ngày 5/1. Hãng khai thác tần suất một chuyến mỗi tuần, khởi hành tiếp theo vào các ngày 12/1, 19/1 và 26/1.

Trước đó ngày 10/12/2021, Chính phủ đã đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với địa bàn có hệ số an toàn cao, bắt đầu từ 1/1.

Bắt nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam

Công an tỉnh Lào Cai quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam nguyên Tổng giám đốc, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam, để điều tra vụ tận thu khai thác quặng apatit khi thực hiện dự án xây dựng khách sạn, nhà hàng.

Ông Nguyễn Quang Huy khi còn đương chức. Ảnh Báo Lào Cai

Ông Nguyễn Quang Huy khi còn đương chức. Ảnh Báo Lào Cai

Đại tá Phạm Gia Chiến, Trưởng Phòng tham mưu Công an tỉnh Lào Cai cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tỉnh ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Quang Huy (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam) và ông Phạm Cao Khiêm (nguyên Phó Tổng giám đốc công ty) để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai đã thực hiện khám nhà của ông Huy và ông Khiêm.

Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai họp kỳ họp thứ 22. Tại kỳ họp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã xem xét, kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam và một số đảng viên có liên quan trong việc tận thu, thu gom quặng apatit của Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lilama thực hiện dự án khách sạn, nhà hàng tại xã Đồng Tuyển.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai nhận thấy Đảng ủy Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam giai đoạn 2010 - 2015 có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng.

Ngoài ra, có 13 đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong tham mưu cho phép Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lilama xây dựng nhà hàng, khách sạn và tận thu, thu gom quặng apatit.

Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lilama được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2009 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng tại xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai trên diện tích 3,77 ha. Nhưng sau đó, doanh nghiệp này lại "núp bóng" để khai thác quặng apatit.

Đến tháng 9/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Mạnh Thừa (Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lilama) về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.

Đường sắt mở bán vé các đoàn tàu địa phương dịp Tết Nhâm Dần 2022

Ngành Đường sắt tiếp tục mở bán vé hàng loạt các đoàn tàu địa phương để phục vụ nhu cầu hành khách đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Ngành Đường sắt mở bán vé các đoàn tàu địa phương Tết Nhâm Dần 2022

Ngành Đường sắt mở bán vé các đoàn tàu địa phương Tết Nhâm Dần 2022

Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tiếp tục mở bán vé các đoàn tàu địa phương từ TP.HCM đến Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi và ngược lại từ ngày 4/1.

Cụ thể, tuyến Sài Gòn - Phan Thiết mở bán vé đôi tàu SPT1/SPT2; tuyến Sài Gòn - Nha Trang mở bán vé đôi tàu SNT1/SNT2; tuyến Sài Gòn - Quy Nhơn mở bán vé đôi tàu SQN1/SQN2; tuyến Sài Gòn - Quảng Ngãi mở bán vé đôi tàu SE25/SE26.

Bên cạnh đó, VNR đã và đang mở bán các đôi tàu khách Thống Nhất (tuyến Hà Nội - Sài Gòn tàu SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8), tuyến Đà Nẵng - Sài Gòn (tàu SE21/SE22).

Nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách đi tàu, ngành đường sắt duy trì các biện pháp phòng dịch Covid-19 như thực hiện việc phun khử trùng trên tàu, dưới ga; thực hiện giãn cách đối với hành khách tại phòng đợi và khi xếp hàng lên tàu; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn; bố trí dung dịch rửa tay, sát khuẩn; thực hiện việc đo thân nhiệt cho hành khách khi vào ga lên tàu...

Bình Định được phép thí điểm đón du khách quốc tế

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đồng ý bổ sung Bình Định vào danh sách các địa phương được thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ đầu năm nay.

Bãi biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

Bãi biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

Giám đốc Sở Du lịch Bình Định Trần Văn Thanh cho biết, Văn phòng Chính phủ vừa gửi văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh về Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Bình Định được bổ sung thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ đầu năm 2022. Từ nay đến tháng 4, Bình Định sẽ đón hai chuyến bay mỗi tuần với khoảng 2.000 khách từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, trên chuyến bay charter đến sân bay Phù Cát.

Hiện các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp du lịch đã mở cửa, chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực sẵn sàng đón khách. Bình Định đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 đạt gần 3,4 triệu lượt khách và đến cuối năm 2025 có 8 triệu du khách đến địa phương tham quan, du lịch.

Ngành du lịch Bình Định cũng sẵn sàng 2.000 phòng tiêu chuẩn 5 sao tại bán đảo Phương Mai để thí điểm đón khách quốc tế. Ngành y tế cũng tiêm chủng vaccine phòng dịch Covid-19 đầy đủ cho 100% người dân nơi đây.

Như vậy, danh sách các địa phương tham gia Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, ngoài 5 tỉnh/thành của giai đoạn 1 gồm: Đà Nẵng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh. Hiện nay giai đoạn 2 Chính phủ bổ sung thêm TP.HCM, Bình Định.

Kiến nghị bỏ test nhanh với hành khách từ nước có chủng Omicron

Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị hành khách từ nước có chủng Omicron chỉ phải xét nghiệm PCR, không cần test nhanh trước và sau chuyến bay vào Việt Nam.

Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị hành khách từ nước có chủng Omicron chỉ phải xét nghiệm PCR

Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị hành khách từ nước có chủng Omicron chỉ phải xét nghiệm PCR

Kiến nghị trên vừa được Cục đề xuất Bộ Giao thông vận tải. Trong trường hợp Việt Nam vẫn duy trì test nhanh, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị thống nhất thu phí xét nghiệm nhanh tại sân bay từ hành khách chứ không yêu cầu hãng bay chi trả phí.

Tổ bay nước ngoài khi nhập cảnh Việt Nam chỉ cần xét nghiệm một lần trong thời gian chờ chuyến bay tiếp theo về nước, có thể xét nghiệm tại sân bay hoặc tại khách sạn cách ly.

Kiến nghị của Cục Hàng không Việt Nam được đưa ra khi đơn vị này nhận được nhiều ý kiến của các hãng hàng không trong và ngoài nước, nêu vướng mắc khi thực hiện Công điện 9406 của Văn phòng Chính phủ, yêu cầu hành khách đến từ các quốc gia có chủng Omicron phải test nhanh trước khi lên máy bay và sau khi xuống máy bay.

Hãng Vietjet Air cho rằng việc xét nghiệm nhanh trước khi lên máy bay tại sân bay nước ngoài đang là khó khăn đối với hành khách và hãng, do nhiều sân bay chưa cung cấp dịch vụ này. Yêu cầu trên cũng phát sinh chi phí đối với hành khách, ví dụ sân bay Nhật Bản là khoảng 270 USD, trong khi hành khách đã có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR đang còn hiệu lực. Hơn nữa, hành khách sẽ phải thực hiện xét nghiệm nhanh ngay sau khi xuống máy bay tại Việt Nam sau 1 - 5 giờ bay.

Hãng Bamboo Airways ghi nhận việc test nhanh sau khi khách xuống máy bay thường kéo dài 3 giờ. Trong khi hiện Bộ Y tế vẫn yêu cầu khách phải có kết quả test PCR còn hiệu lực khi làm thủ tục bay. Do đó, hành khách thắc mắc là nhiều lần test làm tăng chi phí đi lại và test nhanh tại nhà có được chấp nhận không, hay phải đến sân bay test tại cơ sở y tế chỉ định.

Chuyên đề