Bản tin thời sự sáng 4/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thêm 10 ca mắc mới Covid-19, Việt Nam hiện có 652 ca; Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp thứ nhất Hội đồng bầu cử Quốc gia; sẽ áp dụng biểu giá điện mới từ đầu năm 2021…

Thêm 10 ca mắc mới Covid-19 liên quan đến BV Đà Nẵng, Việt Nam hiện có 652 ca

Sáng ngày 4/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, đã có thêm 10 ca mắc mới Covid-19, trong số này có 7 ca tại Đà Nẵng, 3 ca tại Quảng Nam, có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng. Việt Nam hiện có 652 ca bệnh.

Trong số 10 phát hiện mới có 7 ca tại Đà Nẵng, 3 ca tại Quảng Nam

Trong số 10 phát hiện mới có 7 ca tại Đà Nẵng, 3 ca tại Quảng Nam

Tính đến 18h ngày 3/8, Việt Nam có tổng cộng 652 ca mắc Covid-19, trong đó, 307 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới trong cộng đồng tính từ ngày 25/7 đến nay ghi nhận 205 ca. Tính từ 18h ngày 3/8 đến 6h ngày 4/8, ghi nhận 10 ca mắc mới.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 133.279 người. Trong đó, 1.258 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 20.427 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 111.594 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này đã có 374/652 ca bệnh Covid-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 57,4% tổng số ca bệnh. Hiện nay, Việt Nam số ca tử vong là 6 ca.

Tính đến sáng ngày 4/8, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 21 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 251 bệnh nhân dương tính với virus gây Covid-19.

Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp thứ nhất Hội đồng bầu cử Quốc gia

Chiều 3/8, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia họp phiên thứ nhất. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia chủ trì phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia chủ trì phiên họp thứ nhất

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia chủ trì phiên họp thứ nhất

Phát biểu khai mạc phiên họp thứ nhất của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia tại nhiệm kỳ này so với nhiệm kỳ trước là sớm hơn một kỳ họp để giúp Hội đồng Bầu cử Quốc gia chủ động, sớm đi vào hoạt động, có thêm quỹ thời gian để hướng dẫn các quy định mới trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương vừa được Quốc hội khóa XIV sửa đổi.

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ, chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổ chức họp phiên thứ nhất. Tại phiên họp này, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ thảo luận, cho ý kiến về dự thảo các văn bản, làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động của Hội đồng. Cụ thể, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ cho ý kiến vào 7 Dự thảo nghị quyết.

Bao gồm: Dự thảo Nghị quyết phân công thành viên của Hội đồng Bầu cử Quốc gia; Dự thảo Nghị quyết ban hành quy chế đặc biệt của Hội đồng Bầu cử Quốc gia;

Dự thảo Nghị quyết quy định về bộ máy giúp việc của Hội đồng Bầu cử Quốc gia theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, ban hành năm 2015;

Dự thảo Nghị quyết về việc thành lập văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia và bổ nhiệm Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia;

Dự thảo Nghị quyết Hội đồng thành lập các tiểu ban: Nhân sự, giải quyết khiếu nại tố cáo, văn bản pháp luật và thông tin tuyên truyền, an ninh trật tự an toàn xã hội và văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia;

Dự thảo Chương trình các phiên họp của Hội đồng Bầu cử Quốc gia; Dự thảo Phân công soạn thảo và ban hành văn bản.

Hà Nội còn 18.000 người chưa được test nhanh

Chiều 3/8, Sở Y tế Hà Nội cho hay các mẫu xét nghiệm test nhanh đã hết, trong khi còn khoảng 18.000 người từ Đà Nẵng về chưa được test.

Hàng chục nghìn người ở Hà Nội chưa đưọc xét nghiệm vì hết test nhanh

Hàng chục nghìn người ở Hà Nội chưa đưọc xét nghiệm vì hết test nhanh

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết đến nay thành phố đã rà soát trên 88.000 người từ Đà Nẵng về từ ngày 8/7 đến nay, trong đó tổ chức xét nghiệm test nhanh trên 70.000 trường hợp. Kết quả ghi nhận 12 trường hợp dương tính, sau khi xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật PCR tất cả đều âm tính.

Tại cuộc họp, lãnh đạo nhiều quận huyện cho hay địa phương còn hàng nghìn người từ Đà Nẵng về chưa được test nhanh, cụ thể quận Cầu Giấy còn 1.700 người, Nam Từ Liêm 1.200, quận Đống Đa 2.000, quận Tây Hồ còn khoảng 400... Các quận đề nghị thành phố có văn bản hướng dẫn trường hợp không được lấy mẫu theo dõi sức khỏe, tránh thắc mắc "người được xét nghiệm, người không".

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho hay, thành phố có 100.000 test nhanh, giai đoạn trước đã dùng hết 20.000, còn 80.000 test phục vụ công tác xét nghiệm nhanh đợt này.

Sẽ áp dụng biểu giá điện mới từ đầu năm 2021

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, Bộ vẫn tiếp tục lấy ý kiến về biểu giá điện trong tháng 8 và sau tháng 8 trình Chính phủ để sẽ chính thức áp dụng từ đầu năm 2021.

Công nhân kiểm tra, đo đạc công tơ các hộ gia đình

Công nhân kiểm tra, đo đạc công tơ các hộ gia đình

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 3/8, liên quan đến biểu giá bán điện đang được lấy ý kiến hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, Bộ vẫn tiếp tục lấy ý kiến về biểu giá điện trong tháng 8 và sau tháng 8 trình Chính phủ để sẽ chính thức áp dụng từ đầu năm 2021.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong tháng 5, tháng 6 và nửa đầu tháng 7, thời tiết nắng nóng trên địa bàn toàn quốc, nhất là ở Bắc Bộ và đợt nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm vừa qua.

Theo số liệu báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện có 26 triệu khách hàng trên toàn quốc sử dụng điện; trong đó, có 3,1 triệu khách hàng có mức sử dụng điện trong tháng 5 cao, tăng từ 30% trở lên so với tháng 4.

Đặc biệt trong số này, có 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng đến 50% và có 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng tới trên 300% so với tháng 4.

Bộ Công Thương đã thực hiện sửa đổi cải tiến biển giá bán lẻ điện. Bộ đã nghiên cứu sửa đổi biểu giá bán lẻ điện bậc thang; lấy ý kiến các cơ quan từ Quốc hội, hiệp hội ngành hàng và các địa phương.

Thông qua tiếp thu ý kiến của các cơ quan, Bộ sẽ triển khai các phương án để khách hàng có thể lựa chọn áp dụng biểu giá bán điện bậc thang hoặc biểu giá bán điện một bậc.

Từ đó tăng sự lựa chọn cho khách hàng. Hiện nay, Bộ vẫn tiếp tục lấy ý kiến trong tháng 8 và sau tháng 8, Bộ sẽ trình Chính phủ để chính thức áp dụng từ đầu năm 2021.

Hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây Cảng hàng không Sa Pa

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Phối cảnh Cảng hàng không Sa Pa, Lào Cai

Phối cảnh Cảng hàng không Sa Pa, Lào Cai

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo, thực hiện việc tiếp thu và hoàn thiện Hồ sơ đề xuất Dự án theo thẩm quyền; thống nhất với các bộ, ngành và cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng Cảng hàng không Sa Pa theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, UBND tỉnh Lào Cai đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cảng hàng không Sa Pa theo hình thức PPP tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Cảng hàng không Sa Pa được xây dựng trên diện tích 371 ha là sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp II với 1 đường cất hạ cánh, hệ thống đường giao thông kết nối với tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai quy mô 2 làn xe.

UBND tỉnh Lào Cai dự kiến thời gian thực hiện Dự án là 50 năm, trong đó, thời gian xây dựng là 4 năm, thời gian thu phí hoàn vốn, tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư là 46 năm.

Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Sa Pa được đưa vào khai thác có cấp 4C và công suất 3 triệu khách/năm.

Saigon Co.op giảm vốn gần 3.600 tỷ đồng sau thanh tra

Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM vừa hủy bỏ 4 nội dung đăng ký thay đổi lần 34 của Saigon Co.op, trong đó không thừa nhận số vốn góp 3.597 tỷ đồng.

Co.opmart là hệ thống bán lẻ mang lại nguồn doanh thu lớn cho doanh nghiệp

Co.opmart là hệ thống bán lẻ mang lại nguồn doanh thu lớn cho doanh nghiệp

Lý do doanh nghiệp này khai báo thông tin chưa chính xác. Cùng với việc giảm vốn điều lệ, phòng đăng ký kinh doanh của Sở cũng khôi phục giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 33 của doanh nghiệp này và không thừa nhận số vốn góp 3.597 tỷ đồng của các hợp tác xã thành viên hồi đầu tháng 1/2020.

Xác nhận thông tin trên, lãnh đạo Saigon Co.op cho biết, có nhận được thông báo từ Sở KH&ĐT TPHCM. Số vốn góp trên được đăng ký trước đó nhưng doanh nghiệp hiện vẫn chưa đưa vào sử dụng nên không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Trước đó, ngày 27/7, Thanh tra TP.HCM công bố kết luận việc chấp hành quy định pháp luật tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), trong đó, có sai phạm lớn liên quan đến việc tăng vốn điều lệ từ 3.180 tỷ đồng lên gần 6.800 tỷ đồng.

Sau khi kết luận trên được công bố, mới đây doanh nghiệp này cũng đã giảm vốn điều lệ xuống còn 3.200 tỷ đồng.

Theo hồ sơ công bố của Thanh tra TP.HCM, ngày 30/1, Đại hội thành viên bất thường Saigon Co.op có nghị quyết thống nhất tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỷ đồng lên hơn 6.797 tỷ đồng, theo phương án huy động vốn từ các thành viên. Có 20/26 hợp tác xã thành viên góp vốn với tổng số tiền hơn 3.597 tỷ đồng. Đơn vị góp nhiều nhất hơn 952 tỷ đồng và đơn vị ít nhất là 50 triệu đồng.

Qua kiểm tra kết quả hoạt động sản xuất, trong các năm 2018 - 2019 có hợp tác xã thành viên của Saigon Co.op đạt lợi nhuận 5 - 6 tỷ đồng nhưng không tham gia góp vốn, trong khi phần lớn các hợp tác xã chỉ đạt lợi nhuận sau thuế từ 24 - 500 triệu đồng một năm lại tham gia góp với số vốn hàng trăm tỷ đồng. Thậm chí, một số đơn vị kinh doanh lỗ vẫn góp số tiền lên đến 247 tỷ đồng. Điều này được cho là hoạt động góp vốn bất thường.

Chuyên đề